(Is 40:25-31; Mt 11:28-30)
Trong bài đọc 1 hôm này, Ngôn sứ Isaia trình bày cho chúng ta sấm ngôn của Đức Chúa chất vấn nhà Israel và nhà Giacóp về sự nghi ngờ quyền năng của Ngài. Họ đã so sánh Ngài với những ngẫu tượng mà họ thấy ở Babylon, vùng đất lưu đày: “Các ngươi so sánh Ta với ai, để Ta phải ngang hàng với nó? Hãy đưa mắt lên cao mà nhìn: Ai đã sáng tạo những vật đó? Đấng tung ra toàn bộ đạo binh các tinh tú, Người gọi đích danh từng ngôi một, khiến không thiếu vắng một ngôi nào” (Is 40:25-26). Trong những lời này, Đức Chúa chỉ ra cho con cái Israel thấy rằng các thần và chúa khác chỉ là ngẫu tượng, các tạo vật mà Ngài đã tạo dựng nên. Vì họ không nhận ra Ngài là Thiên Chúa quyền năng duy nhất, nên đã than trách Ngài không đoái hoài đến quyền lợi của họ: “Đường tôi đi, Đức Chúa không nhìn thấy, quyền lợi của tôi, Thiên Chúa chẳng đoái hoài?” (Is 40:27). Chi tiết này nhắc chúng ta về những lần chúng ta chạy theo các ngẫu tượng khác như tiền tài, danh vọng để khi thất bại chúng ta lại chạy đến với Thiên Chúa, kêu trách Ngài đã bỏ rơi chúng ta. Dù chúng ta có thế nào, Thiên Chúa cũng yêu thương chăm sóc chúng ta vì “Người không mệt mỏi, chẳng nhọc nhằn, trí thông minh của Người khôn dò thấu. Người ban sức mạnh cho ai mệt mỏi, kẻ kiệt lực, Người làm cho nên cường tráng. Thanh niên thì mệt mỏi, nhọc nhằn, trai tráng cũng ngả nghiêng, lảo đảo” (Is 40:28-30). Thiên Chúa luôn gần gũi chúng ta khi chúng ta mệt mỏi và thất bại. Ngài mời gọi chúng ta đến với Ngài để được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Liệu chúng ta có đến với Ngài khi thất bại, kiệt sức hay mệt mỏi, nhọc nhằn không? Hay chúng ta đi tìm sự an ủi nơi những ngẫu tượng khác.
Bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta tiếng kêu của niềm vui và lời mời gọi của Đấng Cứu Độ. Trình thuật Tin Mừng nằm trong bối cảnh một câu chuyện mang tính mạc khải mà trong đó Chúa Giêsu xuất hiện để mạc khải về sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Một cách cụ thể, theo cấu trúc (Lc 11:25-30), trình thuật Tin Mừng hôm nay nằm trong câu chuyện mà có thể được chia ra làm ba phần: (1) lời tạ ơn về mạc khải (Mt 11:25-26); (2) nội dung của mạc khải (Mt 11:27); (3) lời mời gọi đến với mạc khải (Mt 11:28-30). Theo các học giả Kinh Thánh, cấu trúc này giống với cấu trúc trong sách Sirắc 51:1-12,13-22,23-30, nhưng chỉ có 51:23-30 thật sự gần với Mt 11:28-30.
Những lời mời gọi đến với mạc khải của Chúa Giêsu thật nhẹ nhàng, êm ái: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11:28-30). Trong những lời này, Chúa Giêsu được nói đến như Sự Khôn Ngoan được cá vị hoá (x. Cn 8), với những đặc tính của người nữ như là người mang lại sự nghỉ ngơi và bồi dưỡng. Lời mời gọi của Ngài dành cho hết mọi người. Ngài mời gọi họ đến với Ngài để mang lấy ách của Ngài. Theo các học giả Kinh Thánh, các rabbi nói về cái ách của Luật [Torah] và cái ách của vương quốc [bị đô hộ]. Ở đây, cái ách của Chúa Giêsu ám chỉ lời giải thích luật của Ngài. Người môn đệ không chỉ mang lấy ách của Chúa Giêsu, nhưng còn học ở nơi Ngài. Chúa Giêsu, Đấng khiêm nhường và hiền lành, vừa là thầy dạy vừa là khuôn mẫu của các môn đệ vì Ngài chính là Luật được cá vị hoá. Là những người môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta đã học ở nơi Ngài sự khiêm nhường và hiền lành trong lời ăn tiếng nói, trong cách cư xử của mình với anh chị em của mình chưa? Nếu chưa, hãy bắt đầu từ hôm nay!
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB