(Gr 23:5-8; Mt 1:18-24)
Ngôn sứ Giêrêmia trong bài đọc 1 nói về sự xuất hiện của một vị vua xuất thân từ nhà Đavít: “Này, sẽ tới những ngày – sấm ngôn của Đức Chúa – Ta sẽ làm nẩy sinh cho nhà Đavít một chồi non chính trực. Vị vua lên ngôi trị vì sẽ là người khôn ngoan tài giỏi trong xứ sở, vua sẽ thi hành điều chính trực công minh” (Gr 23:5). Trong thời của Ngài, nhà Giuđa và nhà Israel sẽ được giải thoát khỏi ách nô lệ, sẽ được đưa về cư ngụ trong đất mà Đức Chúa đã hứa ban cho họ và họ sẽ được sống yên hàn: “Thời bấy giờ, Giuđa sẽ được cứu thoát, Israel được sống yên hàn. Danh hiệu người ta tặng vua ấy sẽ là: “Đức Chúa, sự công chính của chúng ta” (Gr 23:6). Những lời trên cho thấy sự xuất hiện của chồi non từ nhà Đavít sẽ mang lại sự giải thoát cho con cái Israel. Dưới thời của Ngài mọi người sẽ sống trong công bình và yêu thương. Chi tiết này làm chúng ta tự hỏi: Sự xuất hiện của tôi trong thế giới này đã mang lại được điều gì tốt đẹp? Nói cách cụ thể hơn, sự hiện diện của tôi trong gia đình [cộng đoàn] và nơi làm việc có mang lại sự thay đổi gì không? Chúng ta cần lưu ý ở đây là sống công chính trước mặt Chúa là sống theo thánh ý Ngài. Thánh ý Thiên Chúa chỉ được tìm thấy bởi những người chìm sâu trong cầu nguyện.
Bài Tin Mừng hôm nay nói đến việc Chúa Giêsu sinh ra như thế nào. Tuy nhiên, khi đọc kỹ bài Tin Mừng, chúng ta chỉ nghe nói về việc báo mộng cho Thánh Giuse về những gì xảy ra và ngài cần phải làm gì. Chúng ta sẽ hiểu bài Tin Mừng hôm nay tốt hơn khi chúng ta liên kết nó với bài Tin Mừng hôm qua về gia phả của Chúa Giêsu (Mt 1:1-17).
Bài Tin Mừng hôm nay gồm có 8 câu, và Thánh sử Matthêu nhắc lại hai lần việc Chúa Giêsu được “cưu mang bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần” (Mt 1:18, 20). Hơn nữa, chính Ngài là Đấng “sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1:21), và là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1: 23). Những chi tiết này nhằm mục đích chứng minh và khẳng định cho chúng ta rằng: dù Chúa Giêsu xuất thân từ một “lịch sử đầy tội lỗi” như chúng ta đã suy gẫm ngày hôm qua về gia phả của Ngài, và dù cho Thánh sử Matthêu muốn chứng minh Chúa Giêsu là “con người thật,” nhưng Ngài sinh ra “không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa” (Ga 1:13). Như thế, điểm đầu tiên chúng ta có thể rút ra từ Tin Mừng hôm nay đó là: Thật khó cho Chúa Giêsu sinh ra trong những tâm hồn “chỉ sống theo khía cạnh con người,” hay chỉ sống “duy bởi cơm bánh.” Nói một cách cụ thể, Chúa Giêsu khó sinh ra trong những tâm hồn chứa đựng nhiều của cải vật chất và luôn chạy theo những nhu cầu xác thịt hơn là làm theo thánh ý Thiên Chúa.
Bây giờ, chúng ta ngước nhìn lên Thánh Giuse, “nhân vật chính” được đề cập trong Tin Mừng hôm nay. Chúng ta học được gì nơi ngài? Theo niềm tin của chúng ta, chúng ta tin rằng Chúa Giêsu được cưu mang và sinh hạ bởi Đức Trinh Nữ Maria. Nói một cách khác, nhân tính của Chúa Giêsu được nhận lấy từ Mẹ Maria. Còn Thánh Giuse thì chỉ được gọi là “Cha nuôi dưỡng Chúa Giêsu.” Điều này không khỏi làm chúng ta thắc mắc: Vậy Chúa Giêsu có thừa hưởng gì từ Thánh Giuse không? Thánh Matthêu trình bày cho chúng ta một điều rất quan trọng mà Chúa Giêsu “thừa hưởng” hay “nhận lấy” từ Thánh Giuse đó chính là danh xưng “Con vua David.” Trong bài Tin Mừng, chúng ta nghe sứ thần gọi Thánh Giuse là “con vua David” (Mt 1:20). Điều này đưa chúng ta về với đoạn Tin Mừng hôm qua khi chúng ta nghe về gia phả của Chúa Giêsu. Thánh sử Matthêu bắt đầu Tin Mừng của mình với trình thuật về “gia phả của Đức Giêsu Ki tô, con vua David, con của Abraham” (Mt 1:1). Điều này để hoàn thành lời Ngôn Sứ Giêrêmia mà chúng ta nghe trong bài đọc 1: “Này, sẽ tới những ngày – sấm ngôn của Đức Chúa– Ta sẽ làm nảy sinh cho nhà David một chồi non chính trực” (Ger 23:5). Thêm vào đó, trong tin mừng của Thánh sử Matthêu, Chúa Giêsu cũng được gọi là “con vua David” bởi hai người mù (Mt 9:27; 20:30), hoặc bởi đám đông khi Ngài vào thành Giêrusalem (Mt 21:9). Như thế, Thánh Giuse trao tặng cho Chúa Giêsu “vương quyền” mà mình sở hữu. Ngài trao cho Chúa Giêsu “mọi vinh quang và danh dự.” Không giữ lại gì cho chính mình.
Điểm thứ hai mà chúng ta có thể học được từ Thánh Giuse là việc ngài được xem là “người công chính.” Điều này có nghĩa là gì? Trong tư tưởng của người Do Thái, người công chính là người được Chúa chúc lành vì họ là người “luôn lắng nghe lời Chúa và đem ra thực hành,” hay nói đúng hơn người công chính là người sống trọn vẹn “Shema Israel” (“Hãy nghe đây hỡi Israel”) (Dnl 4:6). Chính vì thái độ luôn lắng nghe này mà chúng ta hiểu tại sao Thánh Giuse dường như không nói một lời nào. Chúng ta có tìm thấy những lời của Đức Mẹ hoặc của các tông đồ trong Tin Mừng, chứ chúng ta không tìm thấy một lời nào của Thánh Giuse. Ngài luôn là người lắng nghe, ngài “không nói” hoặc “chỉ nói khi cần” phải đối thoại với Chúa. Ngài lắng nghe ngay cả trong giấc ngủ. Quả thật là như vậy, mọi sự Thiên Chúa truyền cho Giuse đều qua giấc mộng. Nói như Thánh Vịnh Gia: “Con chúc tụng Chúa hằng thương chỉ dạy, ngay cả đêm trường, lòng dạ nhắn nhủ con. Con luôn nhớ có Ngài trước mặt, được Ngài ở bên, chẳng nao núng bao giờ” (Tv 16:7-8). Điều này làm cho chúng ta liên tưởng đến Giuse trong Cựu Ước, người được mệnh danh là kẻ “mơ mộng.” Trong cuộc sống, để biết và hiểu được ý Chúa và ý nhau, chúng ta phải biết lắng nghe. Chúng ta lắng nghe “chăm chú” không chỉ bằng đôi tai thể lý, nhưng bằng chính con tim đầy yêu thương và hiểu biết. Đừng nói nhiều (hoặc chỉ nói khi cần và chỉ nói điều tốt, điều bổ ích), nhưng lắng nghe nhiều và “suy niệm trong lòng” là chìa khoá để đi vào thế giới của Thiên Chúa và của anh chị em mình.
Điểm cuối cùng chúng ta học nơi Thánh Giuse là thái độ “luôn nghĩ tốt và làm tốt cho người khác” ngay cả khi mình “dường như bị phản bội.” Nếu chúng ta đặt mình vào trong vị thế của Thánh Giuse, chúng ta thấy rất khó xử: “Người vợ đã đính hôn của mình có thai! Mà không phải con của mình.” Theo luật thì Thánh Giuse có quyền tố cáo Mẹ Maria và Mẹ Maria sẽ bị ném đá. Tuy nhiên, đứng trước một quyết định khó khăn như thế, thánh Giuse lắng nghe Chúa, tìm thánh ý Chúa, chứ không làm theo ý muốn của mình. Chính vì vậy, thánh Giuse “không muốn tố giác bà [Maria], nên mới định tâm bỏ bà [Maria] cách kín đáo” (Mt 1:19). Nói một cách cụ thể, dù cảm thấy bị “phản bội,” Thánh Giuse luôn muốn điều tốt nhất cho Mẹ Maria. Chính thái độ đó đã làm cho ngài sẵn sàng “làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà” (Mt 1:24). Khi chúng ta bị tổn thương hay phản bội, chỉ có một cách để đón Chúa và người làm mình tổn thương vào lại trong con tim của mình, đó là: không làm theo ý muốn của mình, nhưng nghĩ tốt và làm tốt cho người khác, nhất là người làm tổn thương mình. Có câu nói trong đời rằng: Cách trả thù khủng khiếp nhất mà một người có thể làm cho kẻ thù của mình là biến kẻ thù thành bạn. Đúng như thế: Sự dữ không thể bị huỷ diệt bởi một sự dữ khác. Sự dữ chỉ bị huỷ diệt bởi tình yêu và điều tốt.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB