(Cv 8:1b-8; Ga 6:35-40)
Bài đọc 1 trình bày cho chúng ta về cuộc bách hại mà các tín hữu đầu tiên phải đối diện. Sau cái chết của Têphanô, mọi người tản mác khắp nơi, không còn tụ họp tại Giêrusalem. Nhưng chính điều này đã làm cho lời Chúa bắt đầu trong hành trình đến tận cùng trái đất. Sau câu chuyện của Têphanô, hôm nay chúng ta bắt đầu nghe về câu chuyện của Philipphê: “Ông Philípphê xuống một thành miền Samari và rao giảng Đức Kitô cho dân cư ở đó. Đám đông một lòng chú ý đến những điều ông Philípphê giảng, bởi được nghe đồn và được chứng kiến những dấu lạ ông làm. Thật vậy, các thần ô uế vừa kêu lớn tiếng vừa xuất khỏi nhiều người trong số những kẻ bị chúng ám. Nhiều người tê bại và tàn tật được chữa lành. Trong thành, người ta rất vui mừng” (Cv 8:5-8). Trong những lời này, chúng ta thấy Philipphê dùng lời nói và hành động của mình để rao giảng Tin Mừng. Điều Chúa Giêsu đã hứa cho các môn đệ được thực hiện ở đây, đó là những phép lạ đi kèm để củng cố lời được rao giảng. Điều này mời gọi chúng ta nhìn lại đời sống chứng ta của mình: chúng ta có sử dụng cả lời nói và hành động để làm chứng cho Chúa không? Hay chúng ta chỉ nói mà không thực hành những điều chúng ta nói? Sự hiện diện chứng tá của Philipphê đã làm cho mọi người trong thành vui mừng. Sự hiện diện của chúng ta với anh chị em chung quang mình như thế nào: chúng ta đem niềm vui và sự hợp nhất, hay đem nỗi buồn và sự chia rẽ?
Trong trình thuật Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu tiếp tục chỉ ra thực tại đứng sau dấu lạ hoá bánh ra nhiều cho đám đông dân chúng. Ngài tiếp tục khẳng định cho họ biết Ngài là bánh trường sinh: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ! Nhưng tôi đã bảo các ông: các ông đã thấy tôi mà không tin” (Ga 6:35-36). Nhưng thính giả của Ngài đã không tin Ngài. Như chúng ta biết, lối diễn tả “bánh hằng sống” không xuất hiện trong những bản văn của người Do Thái về manna. Theo các học giả Kinh Thánh, trong lời diễn tả ‘bánh hằng sống,’ lối diễn tả được sử dụng thông thường cho bánh đã từ từ đi khỏi lối diễn tả quen thuộc của Cựu Ước, đó là ‘bánh từ trời.” Trước tiên là chuyển thành ‘bánh của Thiên Chúa,’ và bây giờ, trong mối liên quan với việc khẳng định rằng ‘bánh Thiên Chúa mang lại sự sống cho thế gian (câu 33), chuyển thành ‘bánh hằng sống.’ Dù lối diễn tả có thay đổi, nhưng điều quan trọng ở đây chính là đức tin, điều kiện để đón nhận bánh hằng sống. Mỗi khi đến nhận bánh hằng sống, đức tin chúng ta phải được chiếu sáng. Vì qua đức tin, chúng ta sẽ nhận ra Đấng ban cho chúng ta bánh hằng sống.
Chi tiết thứ hai là việc Chúa Giêsu cho thính giả của mình biết rằng, việc Ngài trở nên bánh trường sinh cho thế gian được sống là thánh ý của Cha Ngài: “Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài, vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi. Mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6:37-40). Ngài đến để thực hiện điều Cha Ngài muốn, đó là ban cho con người chính Con Một của mình (x. Ga 3:16). Điều đáng lưu ý là việc Chúa Giêsu chỉ ra rằng điều con người cần thực hiện để được sống muôn đời là “thấy Người Con” và “tin vào Người Con.” Trong Tin Mừng Thánh Gioan, hai điều này rất quan trọng. Chúng ta sẽ thấy điều này được lặp lại trong hình ảnh người môn đệ được Chúa Giêsu yêu khi chạy đến mộ: ông đi vào mộ, ông thấy và đã tin. Điều này cũng được khẳng định trong sự kiện xảy ra cho Tôma, khi Chúa Giêsu cho ông xem tay và cạnh sườn Ngài, ông đã ‘thấy và đã tin.’ Nhưng Chúa Giêsu đi một bước khác là chúc phúc cho những người “không thấy mà tin.” Họ là những con người có khả năng thấy được thực tại vô hình trong những dấu lạ Chúa Giêsu thực hiện. Những người đó là chúng ta. Điều này có thật sự như vậy không? Thành thật mà nói, chúng ta cũng đã nhiều lần thấy những việc Chúa làm cho mình và cho người khác, nhưng chúng ta không tin. Rồi nhiều lần xin mà không thấy, thay vì tin chúng ta lại đánh mất niềm tin của mình. Trong cuộc sống thường ngày, đừng chỉ nhìn với con mắt thể lý, nhưng hãy nhìn với con mắt đức tin và con mắt của con tim thì chúng ta sẽ nhận ra Chúa đang hiện diện với chúng ta và tin vào Ngài.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB