(St 2:4b-9.15-17; Mc 7:14-23)
Bài đọc 1 hôm nay là trình thuật sáng tạo Yawist [vì tác giả sử dụng tên Thiên Chúa là Yahweh]. Theo các học giả Kinh Thánh, trình thuật sáng tạo này có trước trình thuật sáng tạo Tư Tế. Nó có thể được viết trong thời gian của Vua Salomon [khoảng thế kỷ thứ 10 B.C.]. Trình thuật sáng tạo này trình bày một Thiên Chúa như một “nghệ nhân” nắn lên con người và vạn vật, khác với một Thiên Chúa đầy uy quyền sáng tạo con người và vạn vật với chỉ lời phán của mình trong trình thuật sáng tạo Tư Tế.
Điều đầu tiên chúng ta lưu ý là việc sáng tạo con người trong trình thuật này khác với trình thuật sáng tạo Tư Tế. Trong trình thuật sáng tạo Tư Tế, Thiên Chúa “dừng lại – suy nghĩ – đối thoại – tạo dựng con người”; tất cả xảy ra bằng “Lời” của Ngài. Còn trong trình thuật Yawist này, Thiên Chúa tạo dựng nên con người bằng “hành động” nhào nặn như một người thợ thủ công: “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật” (St 2:7). Con người trở nên người khi có hai yếu tố: bùn đất và sinh khí của Thiên Chúa. Hai yếu tố này nói lên hai cấu tố hình thành nên con người, đó là xác [bùn đất] và hồn [sinh khí của Thiên Chúa]. Trong trình thuật sáng tạo Tư Tế, mọi loài được sáng tạo trước và con người được sáng tạo sau cùng như đỉnh cao của công trình sáng tạo; còn trong trình thuật sáng tạo Yawist, con người được sáng tạo đầu tiên và sau đó là mọi loài. Tất cả những điều này chỉ nói lên một điều: Trước mặt Thiên Chúa, [mỗi] con người có một vị trí đặc biệt và không thể thay thế. Con người không thể bị giảm xuống và bị sử dụng như những tạo vật khác vì con người là một nhân vị có hồn và xác.
Điểm đặc trưng của trình thuật sáng tạo Yawist là mệnh lệnh Chúa ban cho con người: “Đức Chúa là Thiên Chúa truyền lệnh cho con người rằng: ‘Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn; nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết’” (St 2:16-17). Mệnh lệnh này khẳng định việc con người có tự do: “Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn.” Nhưng tự do của con người có giới hạn: “nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết.” Con người là một hữu thể hữu hạn, nên tự do của con người luôn có giới hạn. Sự giới hạn của tự do con người không có ý làm cho con người trở nên nản chí, nhưng làm cho họ nhận ra rằng: Không ai là một hòn đảo tự đủ trong chính mình. Giới hạn của tự do nhắc nhở con người về sự thật này: Họ cần Chúa và cần người khác giúp để mở rộng tự do yêu thương và phục vụ của họ. Sống “lệ thuộc vào Chúa và vào nhau” [nhất là trong lời khấn vâng phục] không làm chúng ta mất tự do, nhưng là mở rộng tự do và con tim của chúng ta cho một chân trời yêu thương và phục vụ lớn hơn.
Bài Tin Mừng hôm nay là phần kết của cuộc tranh luận với những người Pharisêu và biệt phái về việc giữ các truyền thống tiền nhân về thực phẩm [ăn uống] mà chúng ta nghe ngày hôm qua. Nội dung chính của bài Tin Mừng là lời công bố và giải thích của Chúa Giêsu về tính không hợp lý [hợp pháp] của luật Do Thái về thực phẩm [việc ăn uống]. Bài Tin Mừng hôm nay gồm hai phần: Phần 1 (Mc 7:14-16) – Chúa Giêsu dạy và cống bố cho đám đông về tính không hợp lý của luật Do Thái về thực phẩm [việc ăn uống]; phần 2 (Mc 7:17-23) – Chúa Giêsu giải thích riêng cho các môn đệ về tính không hợp lý của luật Do Thái về thực phẩm [việc ăn uống]. Chúng ta thấy ở đây có hai cấp độ: Nghe và hiểu. Có nhiều người chỉ nghe nhưng không hiểu. Để hiểu chúng ta cần phải được giải thích. Lại một lần nữa, Máccô nói cho chúng ta biết việc Chúa Giêsu giải thích cho các môn đệ khi họ ở trong nhà. Điều này đã xảy ra trong chương trước về dụ ngôn gieo giống (Mc 4:10-12). Chúa Giêsu trách sự ngu muội của các ông giống như những người khác: “Họ có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy, có lắng tai nghe cũng không hiểu….” (Mc 4:12). Chúng ta cũng đến với Chúa và lắng nghe lời Ngài mỗi ngày. Chúng ta muốn hiểu lời Ngài và nghĩ rằng mình sẽ hiểu lời Chúa qua bài giảng hoặc đọc những sách chú giải. Những điều này đều tốt. Nhưng cách thức tốt nhất để hiểu và đem ra thực hành lời Chúa là: Ở một mình với Ngài “trong ngôi nhà bé nhỏ của con tim chúng ta.” Ở đó, hai con tim sẽ gặp nhau và nói cùng một ngôn ngữ. Chỉ có như thế, chúng ta mới có thể hiểu điều Chúa nói với chúng ta và muốn chúng ta thực hiện.
Điểm cuối cùng chúng ta suy gẫm trong bài Tin Mừng ngày hôm nay là việc Chúa Giêsu nói về tầm quan trọng của thế giới bên trong. Thật vậy, thay đổi bên ngoài dễ hơn thay đổi bên trong: Thay đổi kiểu tóc dễ dàng hơn thay đổi thái độ ghen tỵ. Chúa Giêsu xác quyết rằng: “Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ: Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế (Mc 7:14-15). Vẻ đẹp của con người không hệ tại ở vẻ bề ngoài, nơi thân xác, nhưng nằm bên trong linh hồn, trong con tim tràn đầy yêu thương. Như chúng ta đã trình bày trong những bài chia sẻ trước, khi Chúa Giêsu dùng câu: “Ai có tai nghe thì nghe!” (Mc 7:16), Ngài muốn nhấn mạnh rằng: Hãy để ý! Đây là điều rất quan trọng. Chúng ta thường để ý đến những thay đổi ở bên ngoài để “hấp dẫn” người khác, để gây chú ý hoặc gây ấn tượng cho người khác. Nhiều khi chúng ta thay đổi bề ngoài của mình để làm vui lòng người khác, nhưng bên trong chúng ta lại không có gì thay đổi hoặc chứa đựng những đắng cay và ghen ghét. Hãy làm mình nên đẹp trước mặt Thiên Chúa và người khác với đời sống nhân đức hơn là những thay đổi bên ngoài.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB