(St 8:6-13.20-22; Mc 8:22-26)
Điều đầu tiên Nôê làm sau khi “tai qua nạn khỏi” không phải là nhảy lên vui sướng, nhưng “dựng một bàn thờ để kính Đức Chúa. Ông đã lấy một số trong các gia súc thanh sạch và các loài chim thanh sạch mà dâng làm lễ toàn thiêu trên bàn thờ” (St 8:20). Ông nhớ đến Đức Chúa đầu tiên trong mọi việc. Chính điều này làm cho ông đẹp lòng Đức Chúa như bài đọc 1 ngày hôm qua trình bày. Chúng ta xem lại vị trí của Đức Chúa trong cuộc đời chúng ta thế nào? Ngài có chiếm vị trí tối thượng trong cuộc sống của chúng ta không?
Bài đọc 1 hôm nay cũng trình bày cho chúng ta lời hứa đầy yêu thương của Thiên Chúa cho con người và vũ trụ: “Ta sẽ không bao giờ nguyền rủa đất đai vì con người nữa. Lòng con người toan tính điều xấu từ khi còn trẻ, nhưng Ta sẽ không bao giờ còn sát hại mọi sinh vật như Ta đã làm! Bao lâu đất này còn, thì mùa gieo mùa gặt, trời lạnh và trời nóng, tiết hạ và tiết đông, ban ngày và ban đêm, sẽ không ngừng đắp đổi” (St. 8:21-22). Giao ước với Nôê mở rộng “giao ước” với Adam và Eva bằng việc bao gồm cả những tạp vật khác trong lời chúc lành của Thiên Chúa. Chúng ta đã nghe trong sách Sáng Thế rằng: Chỉ con người trong số các tạo vật được sáng tạo theo hình ảnh và giống Thiên Chúa (x. St 1:26-27). Còn các tạo vật khác thì sao? Chúng có được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa không? Theo nghĩa hẹp thì các tạo vật khác không được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa như Kinh Thánh khẳng định. Tuy nhiên, theo nghĩa loại suy, các tạo vật khác cũng được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Qua hình ảnh trong một “tấm hình,” tôi sẽ nhận ra người mà hình ảnh “phác hoạ” lại. Như vậy, chức năng của hình ảnh là giúp chúng ta nhìn thấy và nhận ra cách rõ ràng người mà hình ảnh phác hoạ. Con người là hình ảnh theo nghĩa hẹp của ngôn từ, đó là, nhìn vào con người, chúng ta sẽ nhìn thấy và nhận ra Thiên Chúa mà con người phác hoạ lại trong cuộc đời của mình. Còn các tạo vật khác là hình ảnh của Thiên Chúa theo nghĩa rộng, đó là, nhìn vào các tạo vật, chúng ta nhận ra Đấng sáng tạo nên chúng. Giống như nhìn một ngôi nhà giúp chúng ta biết được kiến trúc sư của nó vì người kiến trúc sư “để lại dấu ấn” của mình trên ngôi nhà. Thiên Chúa cũng để lại “dấu ấn của Ngài” trên các tạo vật, nên khi chiêm ngắm chúng, chúng ta cũng có thể nhận ra Ngài và cất lời tôn vinh.
Bài Tin Mừng hôm nay mang tính cách rất chiến lược của Thánh Máccô để phát triển đề tài mạc khải của Chúa Giêsu cho các môn đệ. Khi được liên kết với bài Tin Mừng hôm qua, nó tạo thành một hành động liên tục của Chúa Giêsu. Ngày hôm qua chúng ta đọc thấy việc Chúa Giêsu quở trách các môn đệ “có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư?” (Mc 8:18). Ngài kết thúc bằng câu hỏi: “Anh em vẫn chưa hiểu sao?” (Mc 8:21). Để hiểu thì phải thấy và nghe cho cẩn thận. Đây là bối cảnh của bài Tin Mừng hôm nay: Chúa Giêsu chữa người mù thành Bethsaida. Đây là câu chuyện chữa lành mang tính cách hình tượng nhất trong Tin Mừng của Thánh Máccô. Trong Tin Mừng Thánh Máccô, chúng ta tìm thấy hai lần Chúa Giêsu chữa lành người mù: Lần thứ nhất, chữa lành người mù thành Bethsaida (Mc 8:22-26), được trình thuật trong bài Tin Mừng hôm nay và lần thứ hai, chữa lành anh mù Bartimaeus (Mc 10:46-52). Trong lần đầu, anh mù thành Bethsaida nhìn thấy “từ từ,” còn trong lần thứ hai, anh mù Bartimaeus nhìn thấy “ngay lập tức.” Khi đặt hai lần mở mắt người mù trong bối cảnh Chúa Giêsu “sẽ dạy các môn đệ về việc Ngài sẽ bị nộp, bị đánh đòn và giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại,” chúng ta hiểu điều Thánh Máccô muốn nói đến, đó là, sự chậm hiểu của các môn đệ, nhưng rồi các ông sẽ hiểu, sẽ “nhìn thấy ngay lập tức.” Chúng ta có ở lại trong tình trạng chậm hiểu điều Thiên Chúa nói cho chúng ta nhiều lần trong ngày sống không?
Chúng ta lưu ý đến sự nối kết giữa hành vi của những người giúp anh mù và hành vi của Chúa Giêsu: “Người ta dẫn một người mù đến, và nài xin Đức Giêsu sờ vào anh ta. Người cầm lấy tay anh mù, đưa ra khỏi làng, rồi nhổ nước miếng vào mắt anh, đặt tay trên anh và hỏi: ‘Anh có thấy gì không?’” (Mc 8:22-23). Hai hành vi này tạo thành “một hành vi cộng tác” tuyệt vời của con người với Thiên Chúa trong việc mang lại niềm vui ơn cứu độ cho người khác. Trong “hành động cộng tác” này, phần con người chỉ đơn giản là “đến với Chúa” hoặc “mang người khác đến với Chúa,” phần con lại là của Chúa. Tuy nhiên, trong hành động này, chúng ta cũng được khuyến cáo rằng: Khi giúp người khác, chúng ta không phải là nhân vật chính, Chúa mới là nhân vật chính. Thách đố của chúng ta là làm thế nào để thuyết phục và mang người khác đến với Chúa! Người phải lớn lên, còn tôi thì nhỏ lại.
Chữa lành là một quá trình tiệm tiến. Chúng ta thấy anh mù không thể nhìn thấy rõ ngay lần đầu tiên Chúa Giêsu đặt tay trên anh: “Anh ngước mắt lên và thưa: ‘Tôi thấy người ta, trông họ như cây cối, họ đi đi lại lại.’ Rồi Người lại đặt tay trên mắt anh, anh trông rõ và khỏi hẳn; anh thấy tỏ tường mọi sự” (Mc 8:24-25). Với lần thứ hai thì anh ta mới nhìn thấy rõ và khỏi hẳn. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng: Chúa luôn kiên nhẫn và chạm đến chúng ta nhiều lần để chúng ta được nhìn thấy và phân biệt cách rõ ràng người khỏi vật [cây cối]. Chỉ khi không còn lẫn lộn giá trị của người và vật, chúng ta mới có khả năng đặt đúng vị trị của chúng trong cuộc sống của chúng ta. Nhưng đây là một tiến trình cần thời gian vì theo kinh nghiệm chúng ta thấy mình thường đặt sai vị trí của người và vật trong bậc thang giá trị. Vì vậy, Thiên Chúa luôn kiên nhẫn với chúng ta, và mời gọi chúng ta đối xử nhân hậu và cho người khác thời gian để được chữa lành và thay đổi.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB