(2 V 22:8-13; 23:1-3; Mt 7:15-20)
Nghe lời Chúa là một trong những điều dân Israel luôn đặt lên hàng đầu. Điều này được trình bày trong bài đọc 1 hôm nay: “Nghe những lời ghi chép trong sách Luật, vua xé áo mình ra,rồi truyền lệnh sau đây cho tư tế Khin-ki-gia-hu, cho ông A-khi-cam, con ông Sa-phan, cho ông Ác-bo, con ông Mi-kha-gia, cho ký lục Sa-phan và ông A-xa-gia, tôi tớ của vua:‘Hãy đi thỉnh ý Đức Chúa cho ta, cho dân và toàn thể Giuđa về những lời ghi chép trong sách đã tìm thấy đây, vì Đức Chúa đã bừng bừng nổi cơn thịnh nộ chống lại chúng ta, bởi lẽ tổ tiên chúng ta đã không vâng nghe các lời trong sách này mà làm theo mọi điều đã viết trong đó’” (2 V 22:11-13). Những lời này chỉ ra cho chúng ta thấy lý do Đức Chúa nổi cơn thịnh nộ với dân, đó là vì đã không vâng nghe luật Đức Chúa truyền. Cũng đã nhiều lần, chúng ta đã không đi theo đường lối Chúa. Nhưng chúng ta có thấy cơn thịnh nộ của Đức Chúa chống lại chúng ta không? Chúng ta không phải trải qua kinh nghiệm đi lưu đày như dân Israel xưa. Trong thực tế, chúng ta không phải trải qua kinh nghiệm đi lưu đày theo nghĩa địa lý; chúng ta phải trải qua kinh nghiệm đi lưu đày theo nghĩa thiêng liêng, đó là lưu đày khỏi tình yêu Thiên Chúa và khỏi sự hiệp thông với anh chị em.
Chi tiết thứ hai đáng để chúng ta suy gẫm trong bài đọc 1 là việc Vua đọc lại các lời trong sách Giao Ước và lập lại giao ước trước nhan Thiên Chúa. Trong giao ước đó, dân Israel “cam kết đi theo Đức Chúa và hết long hết dạ tuân giữ các mệnh lệnh, chỉ thị và quy tắc của Người, để chu toàn các khoản của Giao Ước được ghi chép trong sách đó. Toàn dân chấp nhận giao ước” (2 V 23:3). Những lời này nhắc nhở chúng ta về giao ước đã ký kết với Chúa trong bí tích rửa tội [hoặc khi khấn dòng]. Chúng ta cũng cam kết đi theo Đức Chúa và tuân giữ các mệnh lệnh của Ngài. Nhưng trong cuộc sống nhiều bon chen, nhiều khi chúng ta đã quên mất giao ước đã ký kết mà chạy theo các ngẫu tượng là tiền tài, danh vọng và quyền lực để rồi quên hết những mệnh lệnh Chúa truyền để đạt tới hạnh phúc. Hãy sống trọn vẹn giao ước đã ký kết với Thiên Chúa để được hạnh phúc miên trường.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đưa ra cho các môn đệ một nguyên tắc để phân biệt tốt – xấu, thật – giả. Ngài rút nguyên tắc này ra từ những sự kiện hằng ngày, dựa trên định luật của cây cối. Nói cách khác, định luật Chúa Giêsu đưa ra dựa trên bản chất của sự vật. Đoạn Tin Mừng được đọc hôm nay được gọi là đoạn trích về “sinh hoa trái.” Chúng ta cũng tìm thấy đoạn trích này trong Tin Mừng của Thánh Luca (6:43-44). Để hiểu bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta cần liên kết với lời dạy của Chúa Giêsu về “cửa hẹp và đường chật” và “cửa rộng và đường thênh thang” mà chúng ta suy gẫm ngày hôm qua. Ở đây Chúa Giêsu sử dụng nguyên lý “nhân-quả” để giảng dạy. Nói theo triết học, Chúa Giêsu sử dụng nguyên lý “hữu thể nào – hành động đó” để phân biệt ngôn sứ giả và ngôn sứ thật.
Theo nguyên lý triết học này, hành động của một hữu thể sẽ tương xứng và mạc khải hữu thể. Ví dụ, nghe tiếng sủa chúng ta biết đó là chó, thấy một người chữa bệnh cho người khác chúng ta biết người đó là bác sĩ [y sĩ hoặc thầy thuốc]. Cũng thế, một ngôn sứ giả, dù họ có “đội lốt chiên mà đến với anh em” (Mt 7:15), thì nhìn hành động [hoa quả] họ thực hiện sẽ biết họ. Kinh nghiệm cuộc sống dạy chúng ta rằng: dù có che đậy điều gì, cũng không thể che đậy suốt đời. Một người giả dối sẽ không thể sống thật suốt đời dù họ cố gắng thành thật một lúc nào đó để lừa người khác. Bản chất sẽ được tỏ lộ qua hành động! Chúa Giêsu áp dụng định luật này vào trong thiên nhiên được diễn giải trong những câu kế tiếp (câu 16-18): “Có người nào lại hái nho ở bụi gai hay hái vả trên cây găng? Nên hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây sâu thì sinh quả xấu. Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây sâu không thể sinh quả tốt.” Như vậy, một người tốt sẽ thực hiện những hành động tốt. Một người xấu thì hành động của họ cũng sẽ xấu. Bản chất đi đôi với hành động!
Điểm cuối cùng đáng suy gẫm là việc nhận ra ngôn sứ giả được diễn giải trong câu mở đầu (câu 16) và câu kết thúc (câu 20). Đây là lối viết kiểu “bánh mì kẹp” quen thuộc để nói lên đề tài chính của đoạn trích này: “Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai” (Mt 7:16,20). Hoa quả mà Chúa Giêsu nói ở đây là một “đức tin được sống [không được sống]” hoặc “hành vi luân lý tốt [xấu] được thực hiện.” Đây là những yếu tố để đánh giá một người. Nếu đặt trong bối cảnh của bài giảng trên núi, những hoa quả này được sinh ra bởi việc sống theo “tiêu chuẩn” mới của Chúa Giêsu về sự công chính (x. Mt 5:17-48), sống theo các mối phúc thật. Chúng ta đang sinh loại hoa trái nào? Hay nói đúng hơn, hành động của chúng ta có tương xứng với hữu thể [ơn gọi] của chúng ta không?
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB