Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Tư sau Chúa Nhật XIII Thường Niên – Hãy Để Chúa Giêsu Chiếm Ngự Tâm Hồn Chúng Ta

(St 21:5.8-20; Mt 8:28-34)

Bài đọc 1 hôm nay thuật lại cho chúng ta cuộc “tranh chấp” quyền thừa kế giữa Ixaác và Ítmaên. Cuộc tranh chấp này làm cho Ápraham “bực mình” vì ông phải đuổi chính con của mình đi. Nhìn từ khía cạnh con người, chúng ta có thể nói đây là một việc làm quá nhẫn tâm. Nhưng đối với Thiên Chúa, Ngài có thể biến những điều con người xem là vô lý thành hợp lý, vô nghĩa thành có nghĩa. Vì vậy, Thiên Chúa đã khuyên Ápraham: “Đừng bực mình vì chuyện đứa trẻ và người nữ tỳ của ngươi. Tất cả những gì Xara nói với ngươi, cứ nghe, bởi vì chính nhờ Ixaác mà ngươi sẽ có một dòng dõi mang tên ngươi. Còn con trai của người nữ tỳ, Ta cũng sẽ làm cho nó thành một dân tộc lớn, vì nó là dòng dõi ngươi” (St 21:12-13). Thiên Chúa vẫn làm những điều kỳ diệu nơi những gì con người xem là bế tắc. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về thực tại trong cuộc sống. Nhiều khi chúng ta thấy cuộc sống vô nghĩa vì bế tắc và như thế chúng ta thường than phiền hoặc bỏ cuộc. Chúng ta thấy điều này nơi hình ảnh của Haga: “Nàng đi lang thang trong sa mạc Bơe Seva. Khi nước trong bầu da đã cạn, nàng vất đứa bé dưới một bụi cây, rồi đi ngồi đối diện, cách xa khoảng tầm cung bắn. Nàng nói: “Sao cho tôi đừng nhìn thấy đứa bé chết!” Nàng ngồi đối diện và bật tiếng khóc” (St 21:14-16). Nhưng Thiên Chúa luôn ở bên những ai túng nghèo. Ngài là nguồn sức mạnh, đỡ nâng để con người tiếp tục tiến bước trong tình yêu, niềm vui và hy vọng. Điều đáng để chúng ta suy gẫm là những khi đi trong đêm đen cuộc đời, chúng ta có đặt trọn niềm tín thác vào Chúa hay không?

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta câu chuyện chữa lành hai người bị quỷ ám ở Gađara. Chi tiết đầu tiên làm chúng ta lưu ý là những chi tiết kể về hai người bị quỷ ám: “Khi ấy, Đức Giêsu sang bờ bên kia, đến vùng đất của dân Gađara, thì có hai người bị quỷ ám từ trong đám mồ mả ra đón Người; chúng rất dữ tợn, đến nỗi không ai dám qua lại lối ấy” (Mt 8:28). Những lời này cho thấy mãnh lực của ma quỷ làm cho con người kinh sợ. Sự kiện là hai người bị quỷ ám ở trong mồ mả ám chỉ quyền lực của ma quỷ luôn có một liên kết chặt chẽ với sự chết. Dù sống trong bóng đen của sự chết, hai người bị quỷ ám nhận ra chân tính Chúa Giêsu, Đấng đến để huỷ diệt quyền lực ác thần: “Chúng la lên rằng: ‘Hỡi Con Thiên Chúa, chuyện chúng tôi can gì đến ông? Chưa tới lúc mà ông đã đến đây hành hạ chúng tôi sao?’” (Mt 8:29). Những lời này ám chỉ rằng quyền lực ác thần sẽ được tự do để gây hại cho con người cho đến ngày tận thế. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về việc phải luôn luôn tỉnh thức trước những mãnh lực sự dữ. Chúng ta dễ dàng để cho mình bị mãnh lực sự dữ chế ngự. Một cách cụ thể là: dẫu biết mình nóng tính, dẫu biết mình hay ghen ghét, dẫu biết mình hay nói xấu người khác, dẫu biết mình chưa tha thứ, v.v., mà chúng ta không dám can đảm từ bỏ. Chúng ta nhận ra Chúa Giêsu là ai và muốn nên giống Ngài, nhưng chúng ta vẫn chưa dứt khoát để thoát khỏi quyền lực sự dữ. Hãy liên lỉ xin Chúa Giêsu giúp sức cho chúng ta.

Nhận ra chân tính của Chúa Giêsu là Đấng đến huỷ diệt chúng vào thời gian ấn định, ma quỷ đã nài xin Ngài rằng: “Nếu ông đuổi chúng tôi, thì xin sai chúng tôi nhập vào bầy heo kia” (Mt 8:31). Chúa Giêsu đã cho phép chúng và hậu quả là: “Thế là tất cả bầy heo từ trên sườn núi lao xuống biển và chết đuối hết. Các người chăn heo bỏ chạy vào thành, kể lại mọi sự, và những gì đã xảy ra cho những người bị quỷ ám. Bấy giờ, cả thành ra đón Đức Giêsu, và khi gặp Người, họ xin Người rời khỏi vùng đất của họ” (Mt 8:32-34). Câu chuyện dường như có một kết thúc buồn. Nhưng theo các học giả Kinh Thánh, việc những người trong thành xin Chúa Giêsu rời khỏi vùng đất của họ tuyệt đối không có nghĩa là hoàn toàn từ chối Chúa Giêsu, nhưng là một tình trạng hoang mang, sợ hãi đang xâm chiếm họ. Họ xin Chúa Giêsu đi khỏi cũng có thể không chỉ vì lý do là Ngài huỷ diệt cả đàn heo, là đàn vật đáng giá của họ, nhưng còn ví lý do họ biết là người Do Thái luôn khinh miệt và khinh bỉ họ vì họ giữ heo. Vì Chúa Giêsu là người Do Thái, nên họ không muốn Chúa Giêsu khinh bỉ họ khi Ngài biết họ giữ những con vật không trong sạch. Đây cũng là tư tưởng của nhiều người trong chúng ta. Chúng ta nghĩ là Thiên Chúa sẽ ghét chúng ta khi chúng ta phạm tội hay có những thói hư tật xấu. Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta vì Ngài là tình yêu (x. 1 Ga 4:8). Điều cần làm là khi phạm tội hoặc nhận ra những thói hư tật xấu của mình, chúng ta có can đảm để từ bỏ và trở về với Chúa hay không? Tóm lại, trong câu chuyện, quỷ đã tuyên xưng hai điều: quỷ trực tiếp tuyên xưng Chúa Giêsu là con Thiên Chúa, và gián tiếp tuyên xưng rằng heo là con vật ô uế giống như chúng. Hai chi tiết này ám chỉ đến cảm thức luôn hiện diện trong tận thâm sâu của con người, đó là cảm thức về Thiên Chúa và cảm thức về sự yếu đuối thấp hèn của mình. Hai cảm thức này luôn đi với nhau không tách rời. Nếu một người mất một, sẽ mất luôn cảm thức kia. Hãy vun trồng cảm thức về Thiên Chúa, để nhận ra mình là ai: một tạo vật luôn cần đến Thiên Chúa!

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB