Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Tư sau Chúa Nhật XV Thường Niên – Chúa Mạc Khải Mầu Nhiệm Nước Trời Cho Người Khiêm Nhườn

(Is 10:5-7.13-16; Mt 11:25-27)

Qua lời sấm của Isaia, Đức Chúa đã khiển trách Átsua về việc không hoàn thành sứ mệnh được giao phó: “Khốn thay Átsua, ngọn roi Ta dùng trong cơn thịnh nộ, trận lôi đình của Ta là cây gậy trong tay nó. Ta sai nó đến với một dân tộc vô luân, Ta truyền cho nó đến với một dân chọc giận Ta, để tha hồ cướp bóc, tha hồ tước đoạt, để giày đạp dân ấy như bùn đất ngoài đường. Nhưng nó lại chẳng hiểu như thế, và lòng chẳng nghĩ như vậy. Vì nó chỉ để tâm diệt trừ và loại bỏ thật nhiều dân tộc” (Is 10:5-7). Những lời này chỉ ra việc Átsua không làm theo ý muốn của Đức Chúa mà làm theo ý muốn của mình. Khi một người làm theo ý muốn của mình thì sẽ quy chiếu mọi sự về mình chứ không còn quy chiếu mọi sự về Đức Chúa. Người đó thường nghĩ rằng, mình đạt được mọi sự với sức của mình chứ không phải với sự trợ giúp của Đức Chúa: “Vì nó đã nói: ‘Nhờ sức mạnh tay ta, ta đã hành động, và nhờ sự khôn ngoan của ta nữa, vì ta thông minh. Ta đã xoá bỏ ranh giới các dân tộc và chiếm đoạt những kho tàng của chúng. Như một đấng anh hùng, ta đã khuất phục dân cư. Tay ta đã chộp lấy của cải chư dân như chộp một tổ chim; như người ta lượm trứng rơi, ta đây đã lượm cả mặt đất mà chẳng ai vẫy cánh, há mỏ, kêu chim chíp’” (Is 10:13-14). Chúng ta thấy chi tiết này phản ánh trong cuộc sống của mình. Cũng nhiều lần, chúng ta được sai đi để thi hành sứ vụ được giao, thay vì làm theo thánh ý Thiên Chúa, chúng ta lại làm theo cách thức mình muốn, để rồi chúng ta chiếm lấy hết những vinh quang cho mình. Chúng ta làm mọi sự dựa trên sức mình để được người khác tôn vinh hơn là làm để người khác tôn vinh Thiên Chúa. Hãy làm việc dựa trên sự trợ giúp và theo ý muốn của Thiên Chúa, hơn là dựa vào sức chính mình và làm theo ý riêng mình.

Bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta tiếng kêu của niềm vui và lời mời gọi của Đấng Cứu Độ. Trình thuật Tin Mừng bao gồm một câu chuyện mang tính mạc khải mà trong đó Chúa Giêsu xuất hiện để mạc khải về sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Theo cấu trúc, chúng ta có thể chia trình thuật ra làm hai phần: (1) lời tạ ơn về mạc khải (Mt 11:25-26); (2) nội dung của mạc khải (Mt 11:27). Theo các học giả Kinh Thánh, cấu trúc này giống với cấu trúc trong sách Sirắc 51:1-12,13-22,23-30, nhưng chỉ có 51:23-30 thật sự gần với Mt 11:28-30.

Trong lời tạ ơn về mạc khải, Chúa Giêsu đã nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết mầu nhiệm Nước Trời, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Mt 11:25-26). Những lời mở đầu [Lạy Cha là Chúa Tể trời đất] là công thức chúc lành đặc trưng của người Do Thái. Nhưng Chúa Giêsu thêm lời gọi thân tình Abba – Cha, vào trong công thức để cho thấy mối tương quan mật thiết giữa Ngài và Thiên Chúa của Israel. Trong lời tạ ơn này, Chúa Giêsu chỉ ra lý do của tạ ơn, đó là “mạc khải mầu nhiệm nước trời cho những người bé mọn.” Chúng ta tự hỏi, tại sao Chúa Cha lại giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết mầu nhiệm Nước Trời? Đây là lối nói tượng hình ám chỉ sự kiêu ngạo của những bậc khôn ngoan thông thái theo tiêu chuẩn con người. Họ cho rằng mình biết hết mọi sự. Nhưng mầu nhiệm nước trời chỉ được mạc khải cho những người đơn sơ, không học hành. Điều đẹp ý Thiên Chúa là vén mở mầu nhiệm Nước Trời cho những người được xem là bị loại ra ngoài. Đây là quyết định của Thiên Chúa để chọn một số người đến với ơn cứu độ. Chi tiết này cho thấy, mạc khải về tình yêu và ơn cứu độ là quyết định theo ước muốn của Thiên Chúa chứ không theo ước muốn con người.

Nội dung của mạc khải chính là Chúa Cha và không ai có thể đến được với Chúa Cha nếu Chúa Con không mạc khải cho: “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mạc khải cho” (Mt 11:27). Trong những lời này, Chúa Giêsu khẳng định Ngài là “truyền thống cá vị của Thiên Chúa.” Nói cách khác, Ngài là “lời mạc khải tuyệt đối” về Thiên Chúa. Trong những lời trên, Chúa Giêsu công bố Ngài chính là con đường “độc nhất vô nhị” để đến với Chúa Cha. Ngài chính là lối đi duy nhất để đạt đến sự hiểu biết và tình yêu của Chúa Cha. Bên cạnh đó, trong câu khẳng định của mình, Chúa Giêsu cũng cho thấy sự hiểu biết và tình yêu hỗ tương giữa Ngài với Chúa Cha. Ngài chính là mạc khải duy duy nhất về Chúa Cha (x. Mt 1:23; 28:18; Ga 3:35; 10:15; 13:3). Khi đến với Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi gắn bó với Ngài, vì chỉ nơi Ngài chúng ta mới biết và cảm nghiệm cách cụ thể tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB