Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Tư sau Chúa Nhật XV Thường Niên – Sống Khiêm Nhường Để Hiểu Mầu Nhiệm Nước Thiên Chúa

(Xh 3:1-6.9-12; Mt 11:25-27)

Bài đọc 1 trình bày cho chúng ta về việc Đức Chúa gọi Môsê. Ngài đồng thời trao cho Môsê một sứ mệnh, đó là đưa dân Israel ra khỏi Ai Cập. Khi suy gẫm câu chuyện Đức Chúa gọi Môsê chúng ta hãy liên tưởng đến câu chuyện Đức Chúa gọi mỗi người chúng ta. Chúng ta cùng nhau chia sẻ về những yếu tố căn bản trong ơn gọi của Môsê.

Thứ nhất, Chúa gọi trong khi Môsê đang làm công việc thường ngày của mình: “Bấy giờ, ông Môsê đang chăn chiên cho bố vợ là Gítrô, tư tế Mađian. Ông dẫn đàn chiên qua bên kia sa mạc, đến núi của Thiên Chúa, là núi Khôrếp” (Xh 3:1). Thiên Chúa thường đến với chúng ta cách âm thầm và nhẹ nhàng trong những biến cố của ngày sống. Ngài thường đến khi chúng ta thực hiện những công việc mà chúng ta xem là đơn điệu, không mấy thú vị; những công việc mà nhiều khi chúng ta cảm thấy như là gánh nặng để kiếm kế sinh nhai. Điểm này nhắc nhở chúng ta rằng: Thiên Chúa không chỉ được tìm thấy trong những gì “ngoại thường,” nhưng hơn hết trong những cái “bình thường” của ngày sống. Chỉ những ai hiểu được chân lý này mới có thể thực hiện những công việc “đơn điệu và nhàm chán” của ngày sống với niềm vui vì cảm nhận được sự hiện diện và đồng hành của Chúa.

Thứ hai, Đức Chúa sử dụng những sự vật bình thường để biến thành những thứ ngoại thường như dấu chỉ của ơn gọi: “Thiên sứ của Đức Chúa hiện ra với ông trong đám lửa từ giữa bụi cây. Ông Môsê nhìn thì thấy bụi cây cháy bừng, nhưng không bị thiêu rụi” (Xh 3:2). Có thể ông Môsê đã nhìn thấy bụi gai này mỗi ngày. Nhưng hôm nay, bụi gai lại khác. Điều này chứng tỏ Môsê có thái độ quan sát môi trường sống, đồng thời nhạy cảm nhận ra sự “ngoại thường” trong những sự “bình thường.” Yếu tố thứ hai này mời gọi chúng ta vun trồng thái độ tìm kiếm sự hiện diện của Chúa trong môi trường sống của mình [qua những sự vật chúng ta tiếp xúc mỗi ngày].

Thứ ba, Môsê tự hỏi về sự ngoại thường trong cái bình thường: “Mình phải lại xem cảnh tượng kỳ lạ này mới được: vì sao bụi cây lại không cháy rụi?” (Xh 3:3). Việc “ao ước nhìn xem cảnh tượng kỳ lạ” là bước đầu tiên để tiến đến gần Chúa và nhận ra tiếng Ngài đang gọi. Yếu tố thứ ba trong quá trình ơn gọi là biết chất vấn sự “ngoại thường” trong cái “bình thường.” Nói một cách cụ thể, khi đối diện với một sự khác biệt [thay đổi] trong công việc thường ngày, chúng ta cần phải biết rằng Chúa đang kêu gọi chúng ta nhận ra một điều gì đó mà Ngài đang muốn nơi chúng ta. Càng nhạy cảm với sự khác biệt [thay đổi] trong sự kiện thường ngày, đồng thời biết đọc chúng trong ánh sáng đức tin, chúng ta sẽ nhận ra điều Chúa muốn nơi chúng ta.

Thứ tư, đối thoại giữa Đức Chúa và Môsê (x. Xh 3:4-6). Theo cấu trúc của bài đọc, phần này là phần quan trọng nhất. Ơn gọi là cuộc đối thoại thân tình giữa Đức Chúa, Đấng gọi và môn đệ, người được gọi. Cuộc đối thoại xảy ra như sau:

Đức Chúa [thấy Môsê lại xem bụi gai cháy]: “Môsê! Môsê!”

Môsê: “Dạ, tôi đây!”

Đức Chúa: “Chớ lại gần! Cởi dép ở chân ra, vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh.”

Đức Chúa: “Ta là Thiên Chúa của cha ngươi, Thiên Chúa của Ápraham, Thiên Chúa của Ixaác, Thiên Chúa của Giacóp.”

[Môsê che mặt đi, vì sợ nhìn phải Thiên Chúa]

Đây là một kiểu mẫu đối thoại về ơn gọi trong Kinh Thánh. Thiên Chúa gọi đích danh người Ngài muốn gọi, còn người được gọi mau mắn đáp lời. Thiên Chúa nhắc lại lời hứa mà Ngài vẫn luôn trung thành qua dòng lịch sử. Một điều Ngài đòi hỏi nơi người được gọi, đó là “kính sợ” Ngài. Sự kính sợ này là “đầu mối mọi khôn ngoan.” Tóm lại, ơn gọi luôn là một cuộc đối thoại đầy yêu thương giữa người gọi và sự đáp trả đầy “kính sợ” của người môn đệ.

Thứ năm, Đức Chúa trao sứ mệnh: “Giờ đây, tiếng rên siết của con cái Israel đã thấu tới Ta; Ta cũng đã thấy cảnh áp bức chúng phải chịu vì người Ai Cập. Bây giờ, ngươi hãy đi! Ta sai ngươi đến với Pharaô để đưa dân Ta là con cái Israel ra khỏi Ai Cập” (Xh 3:9-10). Không có ơn gọi nào không có sứ mệnh. Dù sứ mệnh đó lớn hay nhỏ, điều đó không quan trọng. Nhiều khi người được gọi để cho mình bị chi phối bởi “loại sứ mệnh” hơn là “bản chất sứ mệnh.” Khi quan tâm đến loại sứ mệnh, chúng ta dễ dàng rơi vào tình trạng so sánh, rồi dẫn đến ghen tỵ. Nhưng khi tập trung vào “bản chất sứ mệnh,” đó là cộng tác với Chúa trong công trình cứu độ, thì chúng ta chỉ quan tâm một điều là hoàn thành sứ mạng dù sứ mạng nhỏ hay lớn. Tóm lại, đừng quá quan tâm đến loại việc chúng ta làm, nhưng hãy lưu tâm đến “bao nhiêu tình yêu” chúng ta để vào trong loại việc chúng ta làm.

Thứ sáu, Môsê nhận ra sự bất xứng của mình: “Con là ai mà dám đến với Pharaô và đưa con cái Israel ra khỏi Ai Cập?” (Xh 3:11). Thái độ cảm thấy bất xứng trước ơn gọi Chúa ban là thái độ nền tảng giúp người được gọi trở nên khiêm nhường trước mặt Chúa. Như vậy, chỉ những người khiêm nhường mới hiểu được chiều sâu của mầu nhiệm ơn gọi.

Cuối cùng, Đức Chúa khẳng định sự chọn lựa của Ngài: “Ta sẽ ở với ngươi. Và đây là dấu cho ngươi biết là Ta đã sai ngươi: khi ngươi đưa dân ra khỏi Ai Cập, các ngươi sẽ thờ phượng Thiên Chúa trên núi này” (Xh 3:12). Sự bất xứng của con người sẽ được “bổ sung” bởi sự “hiện diện và đồng hành” đầy yêu thương của Chúa. Câu “Ta sẽ ở với ngươi” là câu điệp khúc trong Kinh Thánh. Câu này nhắc nhở chúng ta rằng: Trong hành trình ơn gọi, không có điều gì quan trọng cho bằng việc tin nhận và cảm nhận cách sâu xa việc Chúa luôn ở với mình. Chỉ những người hiểu điều này mới có được niềm vui, bình an hầu có thể đứng vững trong ơn gọi.

Sau khi khiển trách các thành thấy phép lạ Ngài làm nhưng không sám hối, Chúa Giêsu cất lên lời chúc tụng Chúa Cha vì đã mạc khải cho những người bé nhỏ mầu nhiệm cao siêu về tình yêu Ngài mà các thành lớn đã không nhận ra. Đoạn Tin Mừng hôm nay cũng được tìm thấy trong Tin Mừng Thánh Luca (10:21-22). Trong đoạn trích ngắn ngủi này, Chúa Giêsu xuất hiện như Đấng mạc khải về khôn ngoan Thiên Chúa. Cấu trúc của đoạn trích hôm nay như sau: (1) lời tạ ơn của Chúa Giêsu về mạc khải và (2) nội dung của mạc khải.

Chúa Giêsu bắt đầu với công thức chúc tụng đặc trưng của người Do Thái: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất” (Mt 11:25). Nhưng với Chúa Giêsu, Ngài sử dụng từ “Abba” [lặp lại 5 lần trong 3 câu] để nói lên mối tương quan mật thiết giữa Ngài với Thiên Chúa của người Do Thái. Còn chữ “bé mọn” theo nghĩa đen của từ là nói đến những người đơn sơ, không có chữ nghĩa. Khi nói đến mạc khải là chúng ta nói đến sự “vén mở” hoặc sự thông truyền của Thiên Chúa về chính mình cũng như kế hoạch cứu độ. Trong bối cảnh của đoạn Tin Mừng hôm nay, câu 26 nói đến điều đẹp ý Chúa là mạc khải cho những con người đơn sơ, không chữ nghĩa. Điều này nói về việc ơn cứu độ là thuộc quyền của Thiên Chúa. Ngài quyết định chọn lựa một số để đón nhận ơn cứu độ, đồng thời trở thành khí cụ rao giảng Nước Trời. Ngài chọn ai là ý của Ngài. Tiêu chuẩn Ngài sử dụng để chọn lựa hoàn toàn khác với tiêu chuẩn con người đưa ra. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng: ơn gọi là một huyền nhiệm chỉ chìm sâu trong biển tình yêu và lòng thương xót của Chúa, chúng ta mới hiểu được ý nghĩa đích thực của nó.

Bài Tin Mừng kết với câu 27, nói về nội dung của mạc khải và Chúa Giêsu chính là “truyền thống cá vị” của Thiên Chúa: “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.” Trong câu này, chúng ta thấy Chúa Giêsu khẳng định rằng Ngài là con đường độc nhất vô nhị để đến với sự hiểu biết và tình yêu của Chúa Cha. Đồng thời câu nói cũng ám chỉ sự hiểu biết và yêu thương mang tính hỗ tương giữa Ngài với Chúa Cha. Chúa Giêsu là mạc khải duy nhất về Chúa Cha. Theo một số thần học gia về Kitô học, câu nói này là câu nói quan trọng nhất về căn tính và sứ mệnh của Chúa Giêsu. Như thế, nó có một vị trí quan trọng trong Kitô học. Nói cách cụ thể, nếu không có Chúa Giêsu, chúng ta sẽ không thể nào biết được Thiên Chúa. Chỉ trong Đức Kitô, chúng ta tìm thấy con đường đến với Chúa Cha. Chi tiết này cho thấy, mầu nhiệm ơn gọi chỉ được giải thích cách rõ ràng trong mầu nhiệm Chúa Giêsu. Người không để Chúa Giêsu chiếm lấy, sẽ sống ơn gọi mình cách hời hợt và nông cạn! Vì họ không biết được mạc khải mà Chúa Giêsu mang đến để soi chiếu cho huyền nhiệm ơn gọi của họ.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB