Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Tư sau Chúa Nhật XVI Thường Niên – Sinh Hoa Trái Yêu Thương

(Gr 1:1.4-10; Mt 13:1-9)

Lời Chúa hôm nay trình bày cho chúng ta về ơn gọi của ngôn sứ (tiên tri). Bài đọc 1 trình bày cho chúng ta về ơn gọi của Ngôn sứ Giêrêmia. Ngôn sứ là người như thế nào? Trong bài đọc 1, ngôn sứ được trình bày như là người được Thiên Chúa biết trước khi được thành hình trong lòng mẹ, được thánh hiến trước khi lọt lòng mẹ, thắt lưng, đứng dậy và nói cho dân tất cả những điều Đức Chúa truyền, không run sợ, là thành trì kiên cố và cột sắt chống lại dân (nguyên nhân cho mọi người chống đối), sẽ không bị thua trận vì có Đức Chúa ở cùng để giải thoát. Trước lời mời gọi của Đức Chúa, ngôn sứ Giêrêmia nhận ra giới hạn của mình, đó là vẫn còn trẻ người non dạ, không biết ăn biết nói (Gr 1:6). Nhưng Đức Chúa đã khẳng định rằng  “Đừng nói ngươi còn trẻ! Ta sai ngươi đi đâu, ngươi cứ đi; Ta truyền cho ngươi nói gì, ngươi cứ nói. Đừng sợ chúng, vì Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi” (Gr 1:7-8). Chi tiết này giúp chúng ta hiểu rằng khi Đức Chúa gọi chúng ta cho một sứ mệnh, Ngài đều ban ơn đủ cho chúng ta. Ngài luôn ở bên để giải thoát chúng ta khỏi mọi hiểm nguy và giúp chúng ta hoàn thành sứ mệnh của mình nếu chúng ta để Ngài chạm vào miệng ta và đặt lời Ngài vào tận đáy lòng (x. Gr 1:9-10). Liệu chúng ta có để Đức Chúa chạm vào môi miệng để chúng ta xứng đáng công bố lời Ngài không?

Còn Thánh Vịnh đáp ca trình bày cho chúng ta ngôn sứ là người mở miệng là tường thuật ơn cứu độ Thiên Chúa ban. Một trong những định nghĩa của ngày hôm nay về ngôn sứ mà mỗi người chúng ta được mời gọi để trở nên là: “Ngôn sứ là người có đôi mắt luôn ngước nhìn lên Chúa, có đôi tai luôn lắng nghe lời Chúa, có đôi môi luôn nói lời của Chúa, có con tim tràn đầy tình yêu của Chúa, có khối óc chứa đựng sự khôn ngoan của Chúa, có đôi tay để phục vụ Chúa và anh chị em, có đôi chân để đồng hành với những ai cô đơn trong cuộc sống.” Tóm lại, ngôn sứ là người để cho Chúa chiếm lấy và sử dụng họ theo cách thức Ngài muốn, nhất là, để cho Chúa yêu và tha thứ người khác qua họ.

Đoạn trích Tin Mừng hôm nay cũng được Thánh Máccô (4:1-9) và Luca (8:4-8) thuật lại. Đây là dụ ngôn người gieo giống. Dụ ngôn này là dụ ngôn đầu tiên trong những dụ ngôn về Nước Trời (Mt 13:1-53). Theo các học giả Kinh Thánh, dụ ngôn gieo giống được Chúa Giêsu sử dụng nhằm đến những thính giả là những người quen thuộc với việc cày cấy.

Thông thường chúng ta thấy Chúa Giêsu giảng trong các hội đường. Những trong bài Tin Mừng hôm nay, Ngài dạy dân chúng bên ngoài, ven Biển Hồ: “Đức Giêsu từ trong nhà đi ra ngồi ở ven Biển Hồ” (Mt 13:1). Chi tiết Ngài “phải xuống thuyền mà ngồi” ám chỉ một nhóm người rất đông đứng trên bờ để lắng nghe Ngài. Cử chỉ “ngồi” là vị thế của một Rabbi. Chúng ta cùng nhau phân tích những loại hạt giống gieo trên những môi trường khác nhau và suy gẫm xem mình thuộc loại hạt giống được gieo trên môi trường nào.

Loại hạt đầu tiên của bốn loại là loại “rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất” (Mt 13:4). Như chúng ta biết, vệ đường là nơi không được cày cấy, đất không được chuẩn bị cho việc trồng trọt. Vì vậy, hạt giống rơi xuống chỉ nằm trên mặt đất. Nên chim trời dễ dàng đến ăn mất. Loại hạt này ám chỉ những người có tâm hồn chai đá hay những người đóng tai lại trước lời Chúa. Họ là những người đến với Chúa mà không chuẩn bị. Tâm hồn không được cày xới để lời Chúa được gieo vào. Lời Chúa chỉ “đi vào tai này và ra tai kia,” không đọng lại một tí gì trong tâm trí và cõi lòng họ. Ngày hôm nay, nhiều người chúng ta rơi vào tình trạng này khi chúng ta bị cuốn hút vào dòng chảy cuộc sống, chúng ta bận rộn đến nỗi không còn giờ để chuẩn bị tâm hồn đón nhận lời Chúa, nên lời Chúa chỉ ở trên bề mặt của cuộc sống và dễ dàng bị lấy đi bởi những lời khác của con người.

Loại thứ hai là loại “ rơi trên nơi sỏi đá, chỗ không có nhiều đất; nó mọc ngay, vì đất không sâu; nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô” (Mt 13:5-6). Như chúng ta biết, hầu hết diện tích đất ở Palestine là sỏi đá và lớp đất trên mặt thường rất mỏng. Khi rơi vào những chỗ như thế, hạt giống mọc lên rất nhanh, nhưng không được bảo vệ bởi đất sâu hơn, nên rễ không thể đâm sâu. Kết quả là nó sẽ bị chết khô. Đây là hình ảnh của những người sống theo cảm tình tự nhiên. Họ mau mắn đáp lại lời Chúa, nhưng đáp lại cách nhất thời. Họ không để cho lời Chúa cắm rể sâu trong tâm trí và cõi lòng họ. Nên khi có những khó khăn và giông bão cuộc đời ập đến, họ sẽ dễ dàng đánh mất niềm tin của mình.

Loại thứ ba là loại “rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt” (Mt 13:7). Loại thứ ba này rơi vào chổ có đất sâu vì bụi gai có thể mọc lên. Nhưng vấn đề là mãnh đất này đã bị chiếm lấy bởi cỏ lùng [bụi gai]. Nên khi hạt nảy mầm, nó không thể cạnh tranh với sức mạnh của bụi gai nên nó vị làm cho chết nghẹt. Đây là hình ảnh của những người cũng mong ước lắng nghe lời Chúa, nhưng lại để cho mãnh đất tâm hồn bị chiếm lấy bởi những tiếng nói khác. Khi lời Chúa được gieo vào lòng, thì ngay lập tức bị giết chết.

Loại cuối cùng là loại “rơi trên đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục” (Mt 13:8). Khi hạt giống rơi vào đất tốt và sâu, chúng sẽ đâm rễ sâu, sinh nhiều hoa trái, dù rằng chúng không cùng một khối lượng. Hình ảnh này áp dụng cho những người với khả năng riêng của mình để cho lời Chúa cắm rễ sâu trong tâm trí và cõi lòng mình để rồi sinh hoa trái theo khả năng Chúa ban cho họ.

Chúa Giêsu kết thúc dụ ngôn với lời mời gọi “Ai có tai thì nghe” (Mt 13:9). Đây là câu điệp khúc (x. 11:15; 13:43) tạo thành một lời mời gọi thính giả suy nghĩ cẩn thận về những ứng dụng vào cuộc sống con người những hình ảnh được trình bày trong dụ ngôn. Người nghe phải tham gia vào câu chuyện nếu muốn câu chuyện mang lại hiệu quả trong cuộc sống họ. Dụ ngôn này sẽ được giải thích trong câu 18-23 [chúng ta sẽ nghe vào một trong những ngày tới]. Dù lời giải thích đến sau, nhưng trong câu chuyện chúng ta có thể đoán biết rằng người gieo giống chính là Thiên Chúa, Chúa Giêsu hay một trong những sứ giả của Thiên Chúa. Hạt giống là lời Chúa sẽ sinh hoa kết quả hoặc bị mai một đi, tùy theo thái độ sống và tự do của mỗi người: đón nhận hay chối từ. Như thế, dụ ngôn “Người Gieo Giống” là một lời kêu gọi tin tưởng vào sức mạnh của Ơn Chúa, của việc Chúa làm miễn là chúng ta để Chúa hành động trong chúng ta.

Lm, Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB