(1 Cr 7:25-31; Lc 6:20-26)
Trong bài đọc 1 hôm nay, Thánh Phaolô khuyên nhủ các tín hữu Côrintô sống xứng đáng với bậc sống của mình. Thánh nhân nói đến sự cao trọng của đời sống độc thân, nhưng ngài nói điều đó trong bối cảnh của Nước Trời đã đến gần. Trong lời nói của mình, dường như thánh nhân nói đến sự thống khổ của đời sống gia đình: “Bạn đã kết hôn với một người đàn bà ư? Đừng tìm cách gỡ ra. Bạn chưa kết hôn với một người đàn bà ư? Đừng lo kiếm vợ. Nhưng nếu bạn cưới vợ, thì cũng chẳng có tội gì. Và nếu người con gái lấy chồng, thì cũng chẳng có tội gì. Tuy nhiên, những người ấy sẽ tự chuốc lấy những nỗi gian truân khốn khổ. Mà tôi, tôi muốn cho anh em thoát khỏi điều đó” (1 Cr 7:27-28). Điều này không có nghĩa là đời sống độc thân không có nỗi gian truân khốn khổ. Đời sống nào cũng có nỗi thống khổ riêng. Điều thánh nhân muốn nhấn mạnh đến là phải có tâm hồn hoàn toàn thanh thoát với những gì thuộc thế giới này để hướng lòng về nước trời vì mọi sự trên thế gian này chóng tàn, nay có mai đã mất đi: “Thưa anh em, tôi xin nói với anh em điều này: thời gian chẳng còn bao lâu. Vậy từ nay những người có vợ hãy sống như không có; ai khóc lóc, hãy làm như không khóc; ai vui mừng, như chẳng mừng vui; ai mua sắm, hãy làm như không có gì cả; kẻ hưởng dùng của cải đời này, hãy làm như chẳng hưởng. Vì bộ mặt thế gian này đang biến đi” (1 Cr 7:29-31). Mỗi người chúng ta đều biết rằng, mọi sự trên thế gian này đều không tồn tại vĩnh viễn, liệu chúng ta có can đảm từ bỏ để hoàn toàn hướng lòng về những gì là vĩnh cửu không?
Sau khi gọi và chọn các môn đệ [Tông Đồ], Chúa Giêsu trình bày cho họ những “lối sống” [hay thái độ sống] sẽ dẫn đến sự “chúc lành” và “chúc dữ.” Bài Tin Mừng hôm nay là trích đoạn trong bài giảng trên núi của Chúa Giêsu (x. Lc 6:17-49). Nó bao gồm bốn mối phúc và bốn mối hoạ. Khác với Tin Mừng Thánh Mátthêu có tám mối phúc, không có mối hoạ (x. Mt 5:3-12). Chi tiết đáng chú ý đầu tiên là “có đông đảo dân chúng tìm đến với Người. Đức Giêsu ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói” (Lc 6:20). Trong những lời này có một cái gì đó khác thường: “đông đảo dân chúng tìm đến với Chúa Giêsu,” nhưng Ngài lại “ngước mắt nhìn và nói với các môn đệ.” Chi tiết này ám chỉ đến việc những ai tìm đến với Chúa Giêsu với ý hướng đúng đắn sẽ trở nên môn đệ của Ngài. Đứng trước “đám đông” những người muốn làm môn đệ của Ngài, Chúa Giêsu trình bày cho họ những mối phúc và những mối hoạ mà người môn đệ phải sống hoặc phải tránh.
Trong bốn mối phúc, chúng ta thấy có ba mối phúc liên quan với nhau và liên quan đến người nghèo: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười” (Lc 6:20-21). Ba mối phúc này không phải công bố ba tầng lớp xã hội [nghèo, đói và khóc lóc] là có phúc. Điều kiện được chúc phúc không đến từ tầng lớp xã hội, nhưng đến và sẽ đến từ Nước Thiên Chúa mà Chúa Giêsu mang đến. Bên cạnh đó, như chúng ta đã trình bày ở trên (câu 20), điều kiện để trở nên thành viên của dân Israel được tái thiết lại bởi Chúa Giêsu. Điều kiện này lệ thuộc vào việc trở nên môn đệ của Ngài. Tuy nhiên, việc trở nên môn đệ của Ngài có thể phải đối diện với một vài hậu quả, đó là trở nên nghèo [khiên nhường hay hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa], đói khát [sự công chính] và khóc lóc [cho tội của mình và của người khác]. Những điều kiện này là bằng chứng chiều sâu của sự dấn thân trọn vẹn cho Chúa Giêsu và sứ điệp Nước Trời. Chiều sâu này được diễn tả cách cụ thể qua mối phúc thứ tư: “Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa. Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế” (Lc 6:22-23). Mối phúc cuối cùng này chuẩn bị các môn đệ Chúa Giêsu sẵn sàng đón nhận lời dạy về việc yêu thương kẻ thù của mình trong phần kế tiếp của bài giảng trên núi.
Những lời “khốn” của Thánh Luca nhằm khuyến cáo lối hiểu biết nông cạn về việc ai là người hoặc thuộc về “người nghèo của Thiên Chúa,” là những người được chúc lành. Chính vì lý do này mà chúng ta thấy bốn lời “khốn” được viết theo lối đối nghịch với bốn lời chúc lành (x. Lc 6:24-26). Những lời “khốn” này nhằm mục đích kêu gọi sự thay đổi nơi mỗi người môn đệ Chúa Giêsu, chứ không nhằm mục đích tấn công bất kỳ tầng lớp xã hội nào. Cũng giống như bốn mối phúc, bốn mối hoạ cũng được nhắm đến những người sẽ trở thành môn đệ Chúa Giêsu (x. câu 20), là những người “có nhiều của cải.” Họ bị thách đố để từ bỏ những gì mình có hầu nhận ra rằng tiền tài, thức ăn ngon, thời gian vui chơi mang tính trần thế, và sự ca tụng của người đời không là gì so với niềm vui đi theo Chúa Giêsu và rao giảng sứ điệp Nước Thiên Chúa. Chi tiết này mời gọi chúng ta xét lại niềm vui theo Chúa của mình. Nhiều khi chúng ta quá chú trọng đến những điều chúng ta bỏ khi theo Chúa Giêsu, nên việc theo Chúa và làm chứng cho Ngài trở nên một gánh nặng. Hãy tập trung vào Chúa Giêsu và niềm vui được Ngài mời gọi làm môn đệ! Đừng để những điều không quan trọng trong cuộc sống cướp mất niềm vui có Chúa và niềm vui của Tin Mừng.
Lm, Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB