(1 Cr 12:31 – 13:13; Lc 7:31-35)
Trong bài đọc 1 hôm nay, chúng ta nghe về “bài ca đức mến” của Thánh Phaolô. Trong bài ca này, Thánh Phaolô trình bày cho chúng ta về tầm quan trọng của đức mến: Đức mến là trung tâm điểm của mọi sự, hay đúng hơn là linh hồn mang lại sự sinh động cho việc nói các thứ tiếng, hay ơn nói tiên tri hoặc biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay làm những điều vĩ đại như chuyển núi dời non (x. 1 Cr 13:1-2). Không những thế, đức mến còn là linh hồn của những công việc tốt chúng ta thực hiện trong tương quan với Thiên Chúa và với anh chị em mình (x. 1 Cr. 13:3). Điều đáng để chúng ta suy gẫm là Thánh Phaolô đưa ra những đặc tính quan trọng của đức mến: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13:4-7). Chúng ta thấy trong những lời này, Thánh Phaolô chỉ ra hai khía cạnh không thể tách rời của đức mến, đó là khía cạnh tích cực – làm điều tốt cho người khác, và khía cạnh tiêu cực – tránh làm điều xấu cho người khác. Cuối cùng, Thánh Phaolô cho biết đức mến là điều không bao giờ mất, luôn tồn tại trong đời này và đời sau. Vì vậy, chúng ta có thể nói rằng, đức mến là nhân đức giúp chúng ta sống trọn vẹn kiếp sống trên trần gian và đưa chúng ta vào đời sống vĩnh cửu để hưởng nhan thánh Chúa.
Bài Tin Mừng hôm nay được đặt trong bối cảnh nói về vai trò của Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa và sự đáp trả của thính giả trước sứ điệp mà Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu mang đến. Trong đoạn trích Tin Mừng hôm nay, Thánh Luca trình bày vai trò của Gioan Tẩy Giả không lệ thuộc vào vai trò của Chúa Giêsu. Cả Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu được xem là sứ giả của Thiên Chúa và được gồm vào trong số con cái Thiên Chúa.
Chi tiết đầu tiên Thánh Luca muốn thính giả lưu ý trong đoạn trích này là sử dụng hình ảnh so sánh giữa thế hệ mà trong đó Chúa Giêsu đang sống với lũ trẻ (x. Lc 7:31-32). Hình ảnh so sánh này tập trung vào thái độ cứng đầu [ngoan cố] muốn làm theo ý mình. Điều này được diễn tả qua những lời sau: “Tụi tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa; tụi tôi hát bài đưa đám, mà các anh không khóc than” (Lc 7:32). Cả Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu mang đến sứ điệp của Thiên Chúa. Có sứ điệp mang đến niềm vui, nhưng nhiều người lại không đọc được điều đó, vẫn ở lỳ trong nỗi buồn của mình; nhưng cũng có sứ điệp mời gọi đến sự sám hối, khóc cho tội của mình [và của người khác], thì chúng ta lại tiếp tục vui mừng trong những thú vui [xác thịt]. Xin Chúa ban cho chúng ta sự nhạy cảm với sứ điệp của Nước Trời và dấu chỉ của thời đại, hầu đáp lại bằng những thái độ xứng hợp, chứ không ở lại trong sự ngoan cố của mình.
Chi tiết thứ hai Thánh Luca trình bày cho chúng ta là hình ảnh so sánh giữa Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu. Cuộc sống tu đức của Gioan Tẩy Giả thì quá khắc khổ [“không ăn bánh, không uống rượu”] (Lc 7:33)]. Tuy nhiên, người đương thời không đọc được sứ điệp Gioan Tẩy Giả muốn rao giảng. Lối sống khắc khổ đó không phải là khía cạnh quan trọng trong lời giảng của Gioan Tẩy Giả, điều mà Thánh Luca đề cập đến trong chương 3 [câu 10-14]. Những người đương thời nhìn vào lối sống của ông và nói “ông bị quỷ ám” (Lc 7:33). Điều này cho thấy họ đã không thật sự nghe sứ điệp mà thánh nhân đã trình bày. Lối sống của thánh nhân là “dấu chỉ” mời gọi mọi người đến sự sám hối. Hay nói cụ thể hơn, việc “không ăn bánh, không uống rượu” là lối diễn tả bên ngoài của sự trở về nội tâm với Thiên Chúa. Đây là hình ảnh sám hối để xin Chúa mau ban Đấng Cứu Độ đến.
Hình ảnh Gioan Tẩy Giả được đặt đối ngược với hình ảnh Chúa Giêsu: “Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai” (Lc 7:34). Thay vì vui mừng vì Đấng Cứu Độ đã đến, họ lại không chấp nhận lối sống “quá hội nhập” của Ngài. Vì vậy, họ ghép cho Ngài là “tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi.” Họ muốn một đời sống “khắc khổ” như Gioan Tẩy Giả [nhưng không sám hối]. Khi gọi Chúa Giêsu là “tay ăn nhậu,” người đương thời của Ngài có lẽ quy chiếu về hình ảnh được trình bày trong sách Đệ Nhị Luật (21:20). Sách Đệ Nhị Luật cho biết “kẻ nổi loạn” phải bị giết. Chi tiết này ám chỉ định mệnh của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu không dùng thức ăn và nước uống như là phương tiện làm cho sự vật và con người trở nên thánh thiện, nhưng như phương tiện nối kết chính mình với tất cả mọi người, người trong sạch hoặc không trong sạch như nhau. Chi tiết này mời gọi chúng ta nhìn lại cuộc sống của mình. Chúng ta sử dụng những phương tiện mình có để làm gì? Những gì chúng ta có [và là] có giúp chúng ta nối kết với “hết mọi người” [không loại trừ ai] không?
Thánh Luca kết thúc trích đoạn với một câu mang tính châm ngôn sau: “Nhưng Đức Khôn Ngoan đã được tất cả con cái mình biện minh cho” (Lc 7:35). Từ “biện minh” là khẩu hiệu liên kết với câu 29. Nó ám chỉ việc những ai tìm lỗi nơi Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu thật sự là những người dại chứ không khôn ngoan như họ nghĩ. Trong sự ngoan cố của mình, họ đã đóng tâm trí và con tim mình lại và không quan tâm gì đến sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Họ tìm vui trong sự “khôn ngoan của con người” chứ không muốn tìm vui trong sự “khôn ngoan của Thiên Chúa.” Họ chỉ muốn làm bạn với con người, chứ không muốn làm bạn với Thiên Chúa và con người. Điều này được diễn tả trong lời “tất cả con cái biện minh cho.” Trong những lời này, Thánh Luca cho biết rằng không chỉ Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu được biện minh, nhưng cả những người tội lỗi và thu thuế cũng sẽ được biện minh và trở thành thành viên của gia đình đức Khôn Ngoan.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB