(Gl 5:18-25; Lc 11:42-46)
Trong bài đọc 1 hôm nay, Thánh Phaolô trình bày cho các tín hữu biết sự tương phản giữa đời sống trong Thần Khí và đời sống chiều theo xác thịt. Theo thánh nhân, những ai sống theo xác thịt sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa (x. Gl 5:21). Đâu là những điều để nhận ra những người sống theo xác thịt? Theo Thánh Phaolô, họ là những người “dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy” (Gl 5:19-21). Trái lại, những người sống dưới sự hướng dẫn của Thần khí sẽ sinh ra những hoa quả sau: “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ (Gl 5:22). Chúng ta đang sống lối sống nào: theo xác thịt hay theo sự hướng dẫn của Thần Khí? Điều cuối cùng đáng để chúng ta suy gẫm trong bài đọc 1 là lời khẳng định sau: “Những ai thuộc về Đức Kitô Giêsu thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê” (Gl 5:24). Những lời này chỉ rõ rằng khi nói mình thuộc về Đức Kitô, chúng ta không còn sống theo bản tính tự nhiên với những dục vọng và đam mê, nhưng sống với ơn sủng siêu nhiên đến từ mầu nhiệm thập giá, đến từ đời sống mới trong tự do, tình yêu và tha thứ mà chúng ta cảm nghiệm được nơi Đấng chịu treo trên Thập Giá.
Sau khi “sửa sai” người Pharisêu mời Ngài dùng bữa [được tường thuật trong bài Tin Mừng hôm qua], Chúa Giêsu bắt đầu khiển trách các người Pharisêu. Bài Tin Mừng hôm nay gồm có hai phần: phần 1 (Lc 11:42-44) bao gồm 3 lời khiển trách của Chúa Giêsu dành cho các người Pharisêu và phần 2 (Lc 11:45-46) trình bày lời khiển trách đầu tiên trong 3 lời khiển trách dành cho các nhà thông luật. Chi tiết đầu tiên này mời gọi chúng ta hãy dừng lại để xét xem cuộc sống của mình có gì đáng bị khiển trách không? Chúng ta cùng nhau tìm hiểu lý do tại sao các người Pharisêu và thông luật bị khiển trách.
Lời khiển trách đầu tiên dành cho những người Pharisêu liên quan đến việc “xao lãng lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa” (Lc 11:42). Họ đáng bị khiển trách vì họ đã hoàn thành tất cả những trách nhiệm đối với con người, đó là “nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương và đủ thứ rau cỏ,” nhưng không hoàn thành trách nhiệm đối với Thiên Chúa. Họ chỉ chọn làm một trong hai thứ, đó là yêu người hơn yêu Chúa. Trong khi đó, họ phải “yêu Chúa trên hết mọi sự” vì đó là nền tảng để họ xây dựng tình yêu dành cho con người. Nói cách khác, họ đã chọn cái ít quan trọng hơn. Đây cũng là thái độ sống của nhiều người trong chúng ta. Chúng ta thường chọn những điều chỉ mang lại thoả mãn khát vọng tức thời hoặc chỉ mang lại hạnh phúc tạm thời chứ không phải là hạnh phúc vĩnh cửu. Lời khiển trách đầu tiên này mời gọi chúng ta đặt lại đúng vị trí những giá trị trong cuộc sống chúng ta: Chúa trước, mọi sự khác sẽ ban cho chúng ta sau.
Lời khiển trách thứ hai dành cho những người Pharisêu liên quan đến khuynh hướng muốn “ăn trên ngồi trốc” của họ: “Các người thích ngồi ghế đầu trong hội đường, thích được người ta chào hỏi ở nơi công cộng” (Lc 11:43). Ai trong chúng ta cũng có khuynh hướng “cho mình là trung tâm” của vũ trụ. Chúng ta muốn được người khác lắng nghe và tôn trọng ý kiến của mình; chúng ta muốn được người khác quan tâm, yêu thương; trên hết, chúng ta muốn được người khác khen mình. Tuy nhiên, khi thấy người khác hơn mình hoặc được yêu thương, tôn trọng hơn mình, chúng ta bắt đầu có cảm giác ghen tỵ và từ từ đánhg mất thiện cảm của chúng ta có cho người đó. Kết quả là chúng ta xem người đó như địch thù của mình. Cuộc sống sẽ trở nên đẹp hơn, đáng yêu hơn, bình an hơn khi chúng ta không đặt mình làm trung tâm của mọi sự, khi chúng ta không chọn chỗ nhất trong mọi sự, khi chúng ta không bắt người khác quan tâm đến chúng ta. Thay vào đó, chúng ta đặt Chúa làm trung tâm đời mình, đặt người khác vào chỗ nhất để chúng ta phục vụ họ, và đặt mình vào vị trí của người quan tâm đến người khác hơn là người được quan tâm.
Lời khiển trách thứ ba Chúa Giêsu nhắm đến những người Pharisêu là thái độ chỉ quan tâm đến vẻ đẹp bên ngoài, còn bên trong thì chứa đựng đầy sự chết chóc: “Khốn cho các người! Các người như mồ mả không có gì làm dấu, người ta giẫm lên mà không hay” (Lc 11:44). Lời khiển trách này dành cho những người mà chúng ta thường gọi là “ngoài miệng thì tụng nam-mô, còn trong bụng thì chứa cả bồ dao găm.” Trong họ chứa đựng nhiều sự chết chóc, nhưng không làm dấu hiệu cho người khác tránh. Nhìn từ khía cạnh khác, họ là những người nêu gương mù gương xấu cho người khác. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta cũng làm gương mù gương xấu cho người khác qua lối sống thiếu đức ái của mình. Chúng ta cần sống thế nào để vẻ đẹp bên ngoài phản chiếu vẻ đẹp bên trong của con tim tràn đầy tình yêu.
Lời khiển trách đầu tiên dành cho các nhà thông luật liên quan đến trách nhiệm [bản chất công việc] của họ: “Khốn cho cả các người nữa, hỡi các nhà thông luật! Các người chất trên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi, còn chính các người, thì dù một ngón tay cũng không đụng vào” (Lc 11:46). Trách nhiệm đúng của họ là dùng luật để nâng đỡ, cũng như làm giảm đi gánh nặng của cuộc sống con người. Thay vào đó, họ ra luật để chất thêm gánh nặng cho dân và mang lợi ích cho họ. Nói cách cụ thể hơn, họ có thái độ “vô cảm” trước những khó khăn cũng như gánh nặng cuộc sống của những người nghèo và cô thế cô thân. Chúng ta có vô cảm vô tâm trước anh chị em mình không?
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB