Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Tư sau Chúa Nhật XXX Thường Niên – Biết Chúa Giêsu Qua Việc Sống Lối Sống Của Ngài

(Eph 6:1-9; Lc 13:22-30)

Trong bài đọc 1 hôm nay, chúng ta đọc thấy những lời khuyên của Thánh Phaolô cho những người làm con và những người làm nô lệ. Đối với những người làm con, họ phải vâng lời cha mẹ, nhưng phải theo tinh thần của Chúa. Thánh nhân còn cho biết lời hứa kèm theo việc tôn kính cha mẹ của những người làm con là “để được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt này” (Eph 6:3). Để được con cái tôn kính, thánh Phaolô khuyên những người làm cha mẹ “đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy” (Eph 6:4). Còn những người nô lệ, thánh Phaolô khuyên nhủ họ hãy “vâng lời những người chủ ở đời này với thái độ run rẩy và sợ sệt, với lòng đơn sơ, như vâng lời Đức Kitô” (Eph 6:5). Họ phải phục vụ với tinh thần yêu thương như đang phục vụ Chúa. Họ phải xem những việc họ làm không phải như những công việc phải làm của một người đầy tớ, nhưng là những việc tốt họ làm với lòng mến Chúa. Về phần mình, để được tôn trọng, những người làm chủ cũng phải đối xử đầy yêu thương với những người nô lệ. Họ phải “phải biết rằng Chúa của họ cũng là Chúa của anh em, Người ngự trên trời và không thiên vị ai” (Eph 6:9). Những lời này cho biết, trong Đức Kitô chúng ta trở nên một. Không còn đối xử với nhau dựa theo vị thế, nhưng yêu thương nhau như anh chị em. Đây là thái độ sống mà Thiên Chúa muốn mọi người chúng ta đối xử với anh chị em mình.

Chúng ta bắt đầu phần thứ hai của việc Chúa Giêsu hướng dẫn các môn đệ về ý nghĩa của đời sống Kitô hữu trong bài Tin Mừng hôm nay. Những hướng dẫn này tiếp tục được đặt trong bối cảnh Chúa Giêsu đang hành trình lên Giêrusalem (x. Lc 13:22). Bài Tin Mừng hôm nay nói về nhu cầu cần phải sám hối của người môn đệ. Có lẽ Thánh Luca sử dụng nguồn Q trong trích đoạn hôm nay để xây dựng những liên kết với sự sám hối được nói đến trong Lc 13:3, 5, đồng thời nhấn mạnh rằng lối sống của người Kitô hữu đòi hỏi sự hoàn toàn trung thành với Chúa Giêsu và cung cấp những người đồng hành trong hành trình từ mọi nơi trên thế giới cũng như những nơi chốn tại bàn tiệc trong thời cánh chung. Chi tiết này được diễn tả qua hành trình đi ngang qua các thành thị và làng mạc của Chúa Giêsu (Lc 13:22).

Lời mời gọi sám hối được bắt đầu với câu hỏi về những ai sẽ được cứu độ: “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?” (Lc 13:23). Những lời này ám chỉ hai nghĩa: (1) ơn cứu độ chỉ dành riêng cho một số người; (2) rất ít người có khả năng đạt đến ơn cứu độ. Trong câu hỏi này, người hỏi công nhận rằng để được cứu độ không phải là một chuyện dễ dàng. Người muốn được cứu độ phải phấn đấu nhiều. Thật vậy, câu trả lời của Chúa Giêsu chứng thực điều đó: “Người bảo họ: ‘Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được’” (Lc 13:24). Thuật ngữ “cửa hẹp” ở đây ám chỉ đến sự tương phản giữa những cổng thành lớn của một thành phố lớn mà nhiều người có thể đi qua cùng một lúc và cổng nhỏ chỉ một người có thể đi qua, nhưng cần phải hạ thấp mình.

Trong lời giải thích kế tiếp, Thánh Luca thay đổi hình ảnh “cổng hẹp” thành cánh cửa mà Chúa Giêsu khoá lại trước những người tự hào rằng họ quen biết Ngài và sứ điệp của Ngài: “Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khoá cửa lại, mà anh em còn đứng ở ngoài, bắt đầu gõ cửa và nói: ‘Thưa ngài, xin mở cho chúng tôi vào!’, thì ông sẽ bảo anh em: ‘Các anh đấy ư? Ta không biết các anh từ đâu đến!’ Bấy giờ anh em mới nói: ‘Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi.’ Nhưng ông sẽ đáp lại: ‘Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!’” (Lc 13:25-27). Qua những lời này, Chúa Giêsu khẳng định rằng việc ăn và uống mang tính cách tình cờ [ngẫu nhiên, không trịnh trọng] với Chúa Giêsu thì không đủ. Chúng ta phải chia sẻ trong cuộc sống của ngài được tượng trưng hoá qua bàn tiệc mà Ngài chia sẻ với những người tội lỗi và bị loại ra. Chi tiết này mời gọi chúng ta xét lại thái độ của mình khi đến với Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể. Chúng ta không chỉ đến với Ngài chỉ để chu toàn bổn phận rồi sau đó không có ảnh hưởng gì đến lối sống, cách cư xử của mình với người khác. Ăn uống với Chúa Giêsu đồng nghĩa với việc đón nhận những anh chị em mà chúng ta xem là những người tội lỗi, những người đáng ghét, những người làm chúng ta đau khổ. Chỉ có như thế chúng ta mới có thể nói rằng mình đã biết Chúa Giêsu và biết mong muốn của Ngài cho những môn đệ của Ngài. Nếu không chúng ta sẽ phải “khóc lóc nghiến răng, khi thấy các ông Ápraham, Ixaác và Giacóp cùng tất cả các ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài. Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa” (Lc 13:28-29). Nước Thiên Chúa bây giờ được trình bày như một bàn tiệc cánh chung (x. Is 25:6-8). Những ai không dấn thân theo lối sống của Chúa Giêsu sẽ thấy mình bị loại ra bên ngoài. Trong sự quảng đại và nhân từ của Ngài, Thiên Chúa mở rộng bữa tiệc này cho hết mọi dân nước. Những người này giờ đây tạo thành một dân Israel mới. Chúng ta tự hỏi, tôi có thuộc về dân mới này không?

Thánh Luca kết thúc đoạn trích với đề tại đổi ngược quen thuộc của mình: “Và kìa có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót” (Lc 13:30). Những lời này nhắc nhở chúng ta rằng: đừng tự mãn khi thành công, nhưng đừng thất vọng khi thất bại. Hãy đi cho đến cuối con đường. Lúc đó mọi sự sẽ được sáng tỏ!

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB