(Pl 2:12-18; Lc 14:25-33)
Thánh Phaolô trong bài đọc 1 hôm nay trình bày cho các tín hữu Philipphê cách thức để trở nên trong sạch và vẹn toàn trước mặt Thiên Chúa. Để đạt được điều đó, trước tiên họ phải sống đời sống vâng phục: “Anh em thân mến, anh em là những người luôn luôn vâng phục không những khi tôi có mặt, mà nhất là bây giờ, khi tôi vắng mặt, anh em hãy biết run sợ mà gắng sức lo sao cho mình được cứu độ” (Pl 2:12). Đặc điểm này là một trong những tâm tình của Chúa Giêsu mà thánh Phaolô đã trình bày trong “bài ca tự hạ” mà chúng ta nghe ngày hôm qua. Nói cách cụ thể, là chúng ta phải luôn tìm và thực hành thánh ý Thiên Chúa, Đấng “tác động đến ý chí cũng như hành động của anh em do lòng yêu thương của Người” (Pl 2:13). Điều thứ hai là “anh em hãy làm mọi việc mà đừng kêu ca hay phản kháng” (Pl 2:14). Đặc điểm này nhắc nhở chúng ta về những mệt mỏi, bất đồng hay tổn thương có thể xảy ra trong đời sống làm chứng cho Chúa qua việc phục vụ Tin Mừng. Những mệt mỏi, bất đồng có thể làm chúng ta than phiền và chống đối lại nhau. Đây là khuynh hướng tự nhiên mà mỗi người chúng ta cảm nghiệm thấy trong chính bản thân mình. Thánh Phaolô mời gọi chúng ta đi vượt qua khuynh hướng tự nhiên, để “trở nên trong sạch, không ai chê trách được điều gì, và sẽ trở nên những người con vẹn toàn của Thiên Chúa, giữa một thế hệ gian tà, sa đoạ. Giữa thế hệ đó, anh em phải chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời, là làm sáng tỏ Lời ban sự sống, để tôi được hiên ngang hãnh diện trong ngày Đức Kitô quang lâm” (Pl 2:15-16). Cuối cùng, Thánh Phaolô mời gọi các tín hữu Philipphê hãy luôn sống và chia sẽ niềm vui cứu độ cho nhau (x. Pl 2:17-18). Nói cách cụ thể hơn, Thánh Phaolô mời gọi chúng ta chia sẻ niềm vui có Chúa cho nhau. Câu hỏi đặt ra ở đây là: Chúng ta có Chúa trong đời mình để chia sẻ với người khác không?
Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta lại nghe về những đòi hỏi để làm môn đệ Chúa Giêsu. Chúng ta chỉ hiểu bài Tin Mừng hôm nay khi liên kết với bài Tin Mừng hôm qua. Ngày hôm qua chúng ta đã nghe về việc các khách được mời nhưng từ chối. Và sau đó có nhiều người “bị ép” vào dự tiệc. Đoạn này hàm ý nhấn mạnh đến ân ban nhưng không sự tuyển chọn của Thiên Chúa. Còn đoạn trích Tin Mừng hôm nay nhấn mạnh đến sự đáp trả của người môn đệ. Chúng ta có thể nhận ra bài Tin Mừng có hai phần: phần 1 (Lc 14:25-27) nói về điều kiện theo Chúa Giêsu, còn phần 2 (Lc 14:28-33) trình bày cho chúng ta hai dụ ngôn tập trung vào sự cần thiết của việc phải suy nghĩ trước khi hành động.
Điều kiện để trở nên môn đệ Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay bao gồm hai loại: (1) sự bỏ các tương quan với gia đình và với chính mình (Lc 14:26); (2) vác thập giá mình (Lc 14:27). Loại thứ nhất, Chúa Giêsu muốn những người môn đệ phải “dứt bỏ” các tương quan trong gia đình. Điều này ám chỉ đến việc Chúa Giêsu đòi hỏi nơi người mộn đệ một sự hoàn toàn dấn thân. Nói cách khác, khi đã được gọi, được chọn và đáp trả để theo Chúa Giêsu, người môn đệ sẽ đặt Ngài làm trung tâm điểm đời mình. Tương quan với Ngài phải được đặt ở vị trí cao nhất và không thể để cho bất kỳ tương quan con người nào làm cản trở. Còn đòi hỏi thứ hai nói về việc vác thập giá mình. Có nhiều lối giải thích cho thập giá mình, như bệnh tật hoặc những khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, trong bối cảnh của bài Tin Mừng, thập giá đây chính là những bất tiện và những gì sẽ xảy ra trong hành trình “đi đường với Chúa Giêsu” (Lc 14:25). Chúng ta có sẵn sàng đón nhận bất kỳ điều gì sẽ xảy ra trong hành trình theo Chúa không? Để đạt được điều này, chúng ta cần phải rất cẩn trọng trong các hành động của mình.
Hai dụ ngôn trong phần hai giúp chúng ta biết làm thế nào để đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu với một sự dấn thân trọn vẹn. Điều Chúa Giêsu muốn là các môn đệ của Ngài phải biết suy nghĩ và cân nhắc cái giá phải trả khi theo Ngài. Cả hai dụ ngôn có chung một kiểu mẫu: đặt mục đích [“xây một cây tháp” hoặc “đi giao chiến với một vua khác”], tính toán phí tổn để đạt mục đích, nếu không đủ sức thì không nên tiếp tục theo đuổi mục đích (x. Lc 14:28-32). Qua chi tiết này, Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta rằng việc theo Chúa là một hồng ân nhưng không. Nhưng để đáp lại, chúng ta cũng cần phải nỗ lực xem mình có đủ sức để thực hiện không. Nếu không, chúng ta phải xin Chúa thêm sức cho chúng ta.
Bài Tin Mừng kết thúc với một lời nhắc nhở thật mạnh mẽ: “Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14:33). Những lời này tóm kết tất cả những gì Chúa Giêsu đã nói, đó là để làm môn đệ của Ngài, chúng ta phải từ bỏ hết tất cả các tương quan cũng như những dự định ngăn cản việc hoàn toàn thuộc về Ngài và dấn thân cho Nước Thiên Chúa. Chúng ta đang sống điều này thế nào?
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB