(1Ga 4:11-18; Mc 6:45-52)
Thánh Gioan trong bài đọc 1 hôm nay, tiếp tục đề tài về mối liên hệ giữa đời sống yêu thương và việc ở lại trong Thiên Chúa mà chúng ta đã nghe trong những ngày vừa qua. Tuy nhiên, Thánh Gioan đưa luận chứng xa hơn. Ngài khẳng định rằng: nếu chúng ta sống yêu thương, chúng ta sẽ làm cho người khác “nhìn thấy” Thiên Chúa: “Thiên Chúa, chưa ai được chiêm ngưỡng bao giờ. Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta mới nên hoàn hảo” (1Ga 4:12). Tình yêu của Thiên Chúa chỉ nên hoàn hảo khi chúng ta diễn tả tình yêu đó qua đời sống yêu thương người khác. Hơn nữa, tình yêu khi đạt đến hoàn hảo sẽ giúp chúng ta mạnh dạn đối diện với Chúa trong ngày phán xét, vì Thiên Chúa phán xét chúng ta dựa trên tình yêu. Như Thánh Gioan Thánh Giá nói rằng: “Khi cuộc đời xế bóng, chúng ta sẽ bị phán xét trên tình yêu.” Một điều thật thách đố mà Thánh Gioan đưa ra cho chúng ta là nếu muốn mạnh dạn trong ngày phán xét, chúng ta phải trở nên giống Chúa Giêsu: “Căn cứ vào điều này mà tình yêu đã nên hoàn hảo với chúng ta: đó là chúng ta được mạnh dạn trong ngày phán xét, vì Đức Giê-su thế nào thì chúng ta cũng như vậy ở thế gian này” (1Ga 4:17). Liệu chúng ta có làm được điều này không? Hãy luôn nhớ rằng: “Ơn của Ta luôn đủ cho con” (2Cor 12:9).
Bài Tin Mừng hôm nay được ba Thánh sử tường thuật lại: Maccô (6:45-52), Mátthêu (14:22-33) và Gioan (Ga 6:16-21). Cả ba đều trình bày trình thuật đi trên mặt nước ngay sau phép lạ hoá bánh ra nhiều. Còn Luca không có trình thuật việc đi trên mặt nước, nhưng ngay sau phép lạ hoá bánh ra nhiều là lời tuyên xưng đức tin của Phêrô khi Chúa Giêsu hỏi các môn đệ Ngài là ai. Ba bản văn có những điểm giống và khác biệt nổi bật sau đây: (1) Trong Tin Mừng của Mát-thêu, các tông đồ “chủ động” lên thuyền “qua bờ bên kia” trong khi Ngài ở lại giải tán đám đông; trong Tin Mừng của Maccô, Chúa Giêsu “bắt” các môn đệ xuống thuyền “đi trước Ngài đến Bếtxaiđa trong khi Ngài giải tán đám đông; trong Tin Mừng của Gioan, chúng ta không tìm thấy chi tiết các tông đồ rời Chúa Giêsu ngay sau phép lạ, nhưng đến “chiều hôm đó,” họ xuống thuyền và đi đến Caphanaum; (2) Trong Tin Mừng của Maccô và Gioan, Chúa Giêsu đi trên mặt nước một mình; còn trong Tin Mừng của Mat-thêu, sau khi thấy Chúa Giêsu đi trên mặt biển, Phêrô cũng xin Ngài để được đi trên mặt biển để đến với Ngài; (3) Chúa Giêsu lên thuyền trước khi thuyền đến bờ và biển lặng được thuật lại trong Tin Mừng của Maccô và Mát-thêu, còn trong Tin Mừng của Gioan không có chi tiết này vì thuyền đã đến bến; (4) cả ba Tin Mừng thuật lại sự sợ hãi của các môn đệ khi thấy Chúa đi trên mặt nước để đến với họ; (5) phản ứng của các môn đệ trong Tin Mừng của Mátthêu là quỳ lạy và tuyên xưng Ngài là Con Thiên Chúa (14:33), trong tin mừng của Máccô là bàng hoàng sửng sốt, vì lòng các ông còn chai đá (6:51-52), Tin Mừng của Gioan không thuật lại gì về phản ứng của các môn đệ. Còn nhiều chi tiết giống và khác biệt khác, tuy nhiên, chúng ta chọn những chi tiết nổi bật trên để giúp chúng ta hiểu rằng các Thánh sử trình bày cùng sự kiện về Chúa Giêsu, nhưng “thích nghi” nó với bối cảnh của cộng đoàn của mình. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng: Chúa nói với tất cả chúng ta, nhưng ý nghĩa của lời Ngài phải được “nhập thể” trong chính bối cảnh sống của mỗi người chúng ta.
Đến đây, chúng ta tập trung vào một vài điểm mà chúng ta có thể rút ra để làm kim chỉ nam cho ngày sống của chúng ta từ lời Chúa ngày hôm nay. Chúng ta thấy, sợi chỉ nối cả hai bài đọc hôm nay đó chính là đề tài “sợ hãi.” Trong bài đọc 1, Thánh Gioan nhắc nhở chúng ta rằng: Không có chỗ cho sợ hãi trong tình yêu. Nếu còn sợ hãi, tình yêu của chúng ta chưa đạt đến mức hoàn hảo vì “Tình yêu không biết đến sợ hãi; trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi, vì sợ hãi gắn liền với hình phạt, và ai sợ hãi thì không đạt tới tình yêu hoàn hảo” (1Ga 4:18). Điều này cho thấy lý do tại sao các môn đệ vẫn còn sợ hãi trong bài Tin Mừng hôm nay, vì họ “chưa yêu Chúa đủ” vì “lòng họ vẫn còn chai đá.” Sợ hãi làm cho các môn đệ không nhận ra Chúa Giêsu, hay đúng hơn bóng tối và giông tố của biển cả che mờ hình bóng quen thuộc của người Thầy mới làm phép lạ mà họ đã chứng kiến. Bóng người thầy thân thương đầy uy quyền trở thành “bóng ma.” Trong cuộc đời của chúng ta cũng vậy, nhiều khi bị sóng gió cuộc đời xô đẩy, chúng ta cũng không nhận ra Chúa Giêsu đang đến bên chúng ta. Ngài muốn bước vào chiếc thuyền cuộc đời chúng ta, nhưng chúng ta cũng tưởng Ngài là “bóng ma” và không dám mời Ngài lên thuyền. Trong những lúc chèo chống với bão tố phong ba, chúng ta phải luôn nhớ những lời thật thân thương Chúa Giêsu chiếm trọn con tim của chúng ta: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” (Mc 6:50). Còn lời an ủi và yêu thương nào hơn những lời này khi đối diện với khó khăn và đau khổ trong cuộc sống!
Điểm thứ hai chúng ta có thể rút ra là thái độ của Chúa Giêsu sau khi làm phép lạ hoá bánh ra nhiều: “Sau khi cho họ đi, Người lên núi cầu nguyện” (Lc 6:46). Điều chúng ta học nơi Chúa Giêsu ở đây là: Sau khi thành công trong công việc, đừng ở lại trong chiến thắng vinh quang của mình, vì như thế chúng ta sẽ dễ dàng trở nên tự mãn và kiêu ngạo. Hãy tìm giờ thinh lặng với Chúa, và chúng ta sẽ trở nên khiêm nhường, vì chúng ta sẽ khám phá ra mình chỉ là những đầy tớ vô dụng, chỉ làm những gì chúng ta phải làm (Lc 17:10). Hơn nữa, chính trong cầu nguyện, chúng ta có sự hiệp thông với người khác. Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy rằng: Chính trong lúc cầu nguyện, Chúa Giêsu thấy các môn đệ đang cần đến mình vì “các ông phải vất vả chèo chống vì gió ngược” (Lc 6:48). Thật vậy, cầu nguyện làm cho chúng ta nhạy cảm hơn với nhu cầu của người khác. Cầu nguyện làm cho con tim của chúng ta trở nên cảm thông hơn và sẵn sàng hơn, vì khi chúng ta cầu nguyện, con tim của chúng ta sẽ chỉnh lại nhịp đập để có cùng nhịp đập với con tim của Chúa, Đấng luôn chạnh lòng thương xót trước đám đông như chiên không người chăn dắt.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB