(Cv 3:1-10; Lc 24:13-35)
Như chúng ta đã trình bày hôm qua, sách Công Vụ Các Tông Đồ đã tường thuật cho chúng ta thấy những gì các Tông Đồ đã làm, và qua đó chúng ta nhận ra rằng tất cả những gì các ngài nói và làm đều lặp lại những gì Chúa Giêsu đã nói và làm. Vì vậy, chúng ta nhận ra câu chuyện trong bài đọc 1 hôm nay tương tự với câu chuyện của anh mù từ khi lọt lòng mẹ được tường thuật trong Tin Mừng Thánh Gioan (x. Ga 9:1-41). Chúng ta tập trung vào hình ảnh của những nhân vật chính trong bài đọc 1 để xem Chúa muốn mình làm gì hôm nay.
Đặt mình trong trường hợp của anh què, chúng ta sẽ phản ứng thế nào khi có người nào đó bỗng dưng cho chúng ta điều mà chúng ta thực sự mong ước từ lâu nhưng chưa ai cho? Có lẽ lúc còn nhỏ, anh què cũng mong ước được chạy nhảy như chúng bạn. Năm tháng trôi qua, anh sống trong cảnh tối tăm và dần dần hài lòng với đời sống “ăn xin” của mình: “Ngày ngày họ đặt anh ta bên cửa Đền Thờ gọi là Cửa Đẹp, để xin kẻ ra vào Đền Thờ bố thí” (Cv 3:2). Mong ước của anh bây giờ chỉ đơn giản là kiếm đủ tiền ăn mỗi ngày. Mong ước được chạy nhảy, đi lại đã dần chết trong lòng anh. Anh thật sự không còn hy vọng được nhìn thấy ánh sáng. Hình ảnh của anh què cũng là hình ảnh của mỗi người chúng ta. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta cũng mong ước được đi đến với ánh sáng trong những đêm đen. Nhưng năm tháng trôi qua, điều chúng ta mơ ước không được đáp ứng. Chúng ta vẫn đi một mình cô đơn trong bóng tối. Từ từ, chúng ta bỏ cuộc và hài lòng với việc sống trong bóng đen của cuộc đời. Chúng ta cảm thấy thoả mãn với những “bố thí” của con người và quên đi Thiên Chúa, Đấng mà đối với Ngài mọi sự đều có thể (x. Mt 19:26). Hãy đến với Chúa trong những đêm đen của cuộc đời, vì Ngài là ánh sáng bất diệt.
Đặt mình trong trường hợp của Phêrô và Gioan, chúng ta sẽ làm gì cho anh què? Thường khi một người xin chúng ta một điều gì đó, chúng ta chỉ nhìn thấy nhu cầu trước mắt của người đó và đáp ứng lại, chứ chúng ta không nhìn thấy nhu cầu xa của người đó. Chúng ta thường nghe nói rằng: Hãy dạy cho người khác câu cá thay vì cho họ cá mỗi ngày, để họ có thể câu cá hầu cung cấp cho chính mình và những người thân của họ. Phêrô và Gioan không chỉ nhìn thấy nhu cầu “cần của ăn áo mặc” của anh què, nhưng còn nhìn thấy khát vọng đã chết trong lòng anh ta, khát vọng được chạy nhảy và đi lại. Và các ngài đã đáp ứng khát vọng thầm kín này của anh. Tuy nhiên, khát vọng này chỉ có thể được đáp ứng “nhân danh Đức Giêsu Kitô.” Điều này nhắc nhở chúng ta rằng, chỉ có một mình Đức Giêsu Kitô mới có thể đáp ứng những nhu cầu mà chúng ta không thể tìm thấy ở con người; và chúng ta cũng chỉ có thể giúp người khác đi ra khỏi đêm đen của đời họ nhờ nhân danh Đức Giêsu Kitô.
Hình ảnh của Phêrô và Gioan trong tương quan với người què nhắc nhở chúng ta về một nguyên tắc không thể thay đổi trong đời, đó là chúng ta không thể cho cái chúng ta không có [hay nói cách tích cực, chúng ta chỉ có thể cho cái chúng ta có]. Chúng ta không thể cho người khác tiền, nếu chúng ta không có tiền. Như vậy, chúng ta không thể cho người khác Chúa Giêsu nếu chúng ta không có Ngài trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta có Chúa Giêsu trong cuộc đời mình để mang Ngài đến cho người khác không? Nếu chúng ta chưa có Ngài trong con tim của mình, hãy chuẩn bị cho Ngài một chỗ để Ngài ngự vào ngay hôm nay. Có như thế, chúng ta mới có thể thốt lên như Thánh Phêrô: “Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giêsu Kitô người Nadarét, anh đứng dậy mà đi!” (Cv 3:6).
Bài Tin Mừng hôm nay kể về câu chuyện của hai môn đệ trên đường Emmaus. Để hiểu bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta cần lưu ý đến những chi tiết sau: (1) thần học của Tin Mừng Thánh Luca; (2) cấu trúc của bài Tin Mừng; (3) thái độ của Chúa Giêsu; (4) thái độ của hai môn đệ. Chúng ta cùng nhau phân tích từng điểm trên để rút ra những điều đáng suy gẫm cho ngày sống của chúng ta.
Thứ nhất, thần học của Tin Mừng Thánh Luca: Một trong những nét đặc trưng về thần học của Tin Mừng Thánh Luca là Chúa Giêsu “luôn trên đường hành trình,” và hành trình của Ngài chỉ có một, từ “bên ngoài vào Giêrusalem.” Nói cách khác, Giêrusalem là điểm kết thúc của hành trình tại thế của Chúa Giêsu [và khởi đầu của các môn đệ]. Đây là bối cảnh để chúng ta hiểu những điều xảy ra trong Tin Mừng. Ba ngày trước đây, Chúa Giêsu đã kết thúc hành trình của mình tại Giêrusalem qua biến cố “ông Giêsu Nadarét, Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá” (Lc 24:19-20). Và hôm nay, “vào ngày thứ nhất trong tuần, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Emmaus, cách Giêrusalem chừng mười một cây số” (Lc 24:13). Các ông đã đi một hành trình “ngược với hành trình của Chúa Giêsu” [Chúa Giêsu đi vào Giêrusalem còn các ông đi ra khỏi Giêrusalem]. Kết quả là “họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu” Cv 24:17). Chi tiết này cho chúng ta thấy rằng: những ai đi ngược lại với hành trình của Chúa Giêsu sẽ kết thúc trong âu sầu buồn bả. Nói cách khác, những ai không đi chung hành trình với Chúa Giêsu sẽ luôn có “vẻ mặt buồn rầu.” Chi tiết này cũng được chứng thực trong dụ ngôn Người Samaria Nhân Hậu (x. Lc 10:29-37): “Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết.” Chúng ta có đang đi chung hành trình với Chúa Giêsu không?
Thứ hai, cấu trúc của bài Tin Mừng: Qua những diễn tiến của câu chuyện “Emmaus” được trình thuật trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta có thể nhận ra được cái “cấu trúc đầu tiên của Thánh Lễ.” Thật vậy, hành trình của Chúa Giêsu giúp các môn đệ nhận ra Ngài được bắt đầu với việc “Đức Giêsu nói với hai ông rằng: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao? Rồi bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh” (Lc 24:25-27). Phần này tương ứng với phần Phụng Vụ Lời Chúa. Sau phần này, lòng hai môn đệ đã cháy bừng lên. Sau khi lòng được cháy bừng lên vì được “Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho,” các ông nhận ra Chúa khi “Ngài đồng bàn với họ, và Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ.” Phần này tương xứng với phần Phụng Vụ Thánh Thể. Chúng ta thấy ở đây hai phần gắn kết chặt chẽ không rời nhau và trong cả hai phần, chính Chúa Giêsu là Người thực hiện việc “giải thích Sách Thánh” và “bẻ bánh và trao” cho chúng ta. Những chi tiết này nhắc nhở chúng ta về thái độ của mình khi đến tham dự thánh lễ: Lòng chúng ta có cháy bừng lên khi nghe lời Chúa và mắt chúng ta có mở ra để nhận ra Chúa Giêsu trong Thánh Thể không?
Thứ ba, thái độ của Chúa Giêsu: một trong những điều chúng ta có thể học được nơi Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng là nghệ thuật đồng hành với người khác [nhất là đồng hành thiêng liêng]. Việc đồng hành này đòi hỏi sự sẵn sàng đi với người được đồng hành, lắng nghe câu chuyện của họ, giải thích cho họ và kiên nhẫn tìm mọi cách để giúp họ ra khỏi tình trạng của mình để cuối cùng thay đổi hành trình của mình để trở về với hành trình mà Thiên Chúa muốn họ đi. Điều này không dễ dàng cho chúng ta, những người thường thấy người khác mắc sai lầm [đi sai đường] là bắt đầu “lên giọng dạy đời.” Chúng ta nhận ra trong bài Tin Mừng việc Chúa Giêsu thấy hai môn đệ “đi sai đường,” đi “ngược với đường Ngài đã đi,” hay có thể nói là chạy trốn nơi họ chứng kiến cảnh đau thương mà không đọc được ý nghĩa đằng sau những đau thương mà họ chứng kiến và cảm nghiệm, nhưng Ngài vẫn đến và thinh lặng đồng hành với họ. Điều đáng để chúng ta lưu ý ở đây là việc chính Chúa Giêsu “tiến đến gần và cùng đi với họ” (Lc 24:15). Ngài là người chủ động tiến đến và đồng hành với chúng ta trong những giây phút đau buồn. Ngài muốn chia sẻ với chúng ta mọi sự, nhất là khi chúng ta bước đi trong bóng đêm của đức tin. Ngài tiến lại cùng đi và một cách kiên nhẫn giải thích cho chúng ta hiểu về ý nghĩa đau khổ của chúng ta. Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta làm như Ngài: Khi thấy người khác đi sai đường, chúng ta không lên án họ, nhưng sẵn sàng đồng hành với họ, lắng nghe họ, kiên nhẫn tìm cách giải thích cho họ cho đến khi họ trở lại. Bao lâu họ còn chưa nhận ra họ đang đi trên “con đường sai lạc,” bấy lâu chúng ta không “biến mất” khỏi họ. Hãy đồng hành với những anh chị em đang đi trong đêm đen của cuộc đời cho đến khi họ tìm lại được ánh sáng! Hãy lắng nghe và chia sẻ với những người đau buồn cho đến khi họ tìm lại được niềm vui!
Thứ tư, thái độ của hai môn đệ: chi tiết đầu tiên chúng ta lưu ý nơi hai môn đệ là sự thay đổi trong cái nhìn của họ. Trước khi chia sẻ với Chúa Giêsu, họ để cho nỗi đau buồn của “tất cả những sự việc vừa mới xảy ra” che mờ, khiến “mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Chúa Giêsu.” Nhưng sau khi họ được Chúa Giêsu đồng hành, giải thích và nhất là “nài ép” Chúa Giêsu ở lại với họ “vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn,” họ đã nhận ra Ngài trong “nghi thức bẻ bánh.” Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta cũng để cho nỗi buồn chiếm lấy chúng ta. Chúng ta không chịu để cho bất kỳ ai an ủi. Hệ quả là chúng ta sống mãi trong nỗi buồn miên man của mình. Giống như hai môn đệ trên đường Emmaus, chúng ta phải “nài ép” Chúa Giêsu đến ở với chúng ta khi ngày sống của chúng ta đã về chiều và bóng đêm đen bắt đầu làm chúng ta hoảng sợ. Chi tiết thứ hai chúng ta cần lưu ý đó là sự thay đổi trong hành trình của hai môn đệ. Trong phần đầu của bài Tin Mừng, chúng ta thấy hai môn đệ “buồn rầu đi ra khỏi Giêrusalem” vì họ đi ngược với hành trình của Chúa Giêsu. Nhưng khi nhận ra Chúa Giêsu lúc Ngài bẻ bánh, “Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó” (Lc 24:33). Họ đã vui mừng đi lại hành trình Chúa Giêsu đã đi. Điều này cho chúng ta hay rằng, chỉ những ai nhận ra Chúa Giêsu, nhất là trong Thánh Thể, mới có khả năng đi lại hành trình tự hiến và yêu thương mà Chúa Giêsu đã đi và trở nên nhân chứng cho sự phục sinh của Ngài.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB