Trích Trong Luận Văn « Linh Đạo Phaolô Của Hội Dòng Mến Thánh Giá »(Tiếp theo)
(La Spiritualité Paulinienne Des Amantes De La Croix)
của Sr. Marie Thiên-Nga VÕ THỤY
c. Sự hòa giải nhờ Thập Giá
Cái chết của Đức Kitô giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và tha thứ cho các lỗi lầm của chúng ta nhờ chính hy lễ của Người trên thập giá. Vì thế, với hành động ấy và nơi con người của Người, Đức Kitô đã hòa giải chúng ta với Thiên Chúa.
– Sự hòa giải với Thiên Chúa:
Sự hòa giải giữa Thiên Chúa và con người « không đòi hỏi sự sửa chữa nào khác cho mối tương quan đã bị phá vỡ, ngoài sự tha thứ đơn thuần từ phía Thiên Chúa. Đức Giêsu đã là người phát ngôn chân chính của toàn thể nhân loại và đã nhân danh chúng ta đưa ra những đề nghị hòa bình »[1]. Sự hòa giải bao gồm ba khía cạnh bổ sung: nó đến từ Thiên Chúa, nó là một thực tại nơi Đức Kitô, và nó được áp dụng vào nhu cầu của con người. Ba khía cạnh này xuất hiện trong đoạn thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô (2 Cr 5, 17-21):
“Vậy, ai ở trong Đức Kitô thì là thọ tạo mới: con người cũ đã qua đi, con người mới đã được sinh ra. Mọi sự đều do Thiên Chúa, Đấng đã hòa giải chúng ta với chính Người nhờ Đức Kitô và đã trao cho chúng ta thừa tác vụ hòa giải. Bởi vì chính Thiên Chúa, trong Đức Kitô, đã hòa giải thế gian với chính mình, không còn tính đến các lỗi lầm của con người, và đặt vào chúng ta lời hòa giải. Vậy chúng tôi là sứ giả thay mặt Đức Kitô, như thể chính Thiên Chúa khuyên nhủ qua chúng tôi. Nhân danh Đức Kitô, chúng tôi nài xin anh em: hãy để cho mình được hòa giải với Thiên Chúa. Đấng không hề biết đến tội là gì, Thiên Chúa đã làm thành tội vì chúng ta, để trong Người, chúng ta trở nên sự công chính của Thiên Chúa.”
Sự hòa giải bao gồm hai hành động: thứ nhất, gỡ bỏ lý do khiến Thiên Chúa xa lánh các thụ tạo; thứ hai, xóa bỏ sự thù địch của con người đối với Thiên Chúa. Đó là rào cản đôi giữa Thiên Chúa và con người, được tháo gỡ trong sự hòa giải. Trong Đức Kitô, chúng ta có thể được hòa giải với Thiên Chúa. Tội lỗi là một tình trạng nô lệ, một sự thù nghịch với Thiên Chúa. Trong Rm 5, 10-11, thánh Phaolô nói về tình trạng tội lỗi mà, dưới hiệu quả của cái chết Đức Kitô, sẽ biến mất nhờ sự hòa giải với Thiên Chúa:
“Nếu khi còn là thù địch, chúng ta đã được hòa giải với Thiên Chúa nhờ cái chết của Con của Người, thì phương chi, một khi đã được hòa giải, chúng ta sẽ được cứu thoát nhờ sự sống của Người. Không chỉ thế, chúng ta còn hãnh diện về Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, nhờ Người mà từ nay chúng ta đã được lãnh nhận ơn hòa giải.”(Rm 5, 10-11).
Hoặc trong đoạn khác: “Mọi sự đều do Thiên Chúa, Đấng đã hòa giải chúng ta với chính Người nhờ Đức Kitô và trao cho chúng ta thừa tác vụ hòa giải. Vì chính Thiên Chúa, trong Đức Kitô, đã hòa giải thế gian với chính mình, không tính đến các lỗi lầm của con người, và trao cho chúng ta lời hòa giải.” (2 Cr 5, 18-19; x. Ep 2, 16; Cl 1, 21-22).
Sáng kiến hòa giải đến từ Thiên Chúa (qua Đức Kitô), và cũng như không có giao ước đích thực nào giữa Thiên Chúa và con người nếu không phải là một hành động quảng đại từ phía Thiên Chúa khi chấp nhận con người trong tình thân hữu của Người, thì trong hòa giải cũng vậy: chỉ một mình Thiên Chúa hành động (2 Cr 5, 19). Thiên Chúa đã làm hòa bằng máu của Đức Kitô; sự hòa giải của chúng ta với Thiên Chúa được bao hàm trong sự hòa giải của Thiên Chúa với chúng ta (Ep 2, 13-18). Ta có thể nói đến sự gần gũi với Thiên Chúa (Ep 2, 13), sự tiếp cận với Thiên Chúa (Rm 5, 2; Ep 3, 12), và sự bình an với Thiên Chúa (Rm 5, 1). Bình an là cảm thức sâu xa được Thánh Thần soi sáng nơi những ai được công chính hóa trong Đức Kitô. Sự bình an và hòa giải liên kết như công chính hóa với công chính, thánh hóa với sự thánh thiện.
– Sự hòa giải trong Đức Kitô:
Sự hòa giải là “trong Đức Kitô”, và “nhờ Đức Kitô” (2 Cr 5, 18-19.21). Cái chết của Con Thiên Chúa mang lại sự hòa giải. Trong các thư lớn, sự hòa giải được giải thích theo bối cảnh thư Rôma: sự vâng phục (Rm 5, 19) và công chính của Đức Kitô (Rm 5, 18) đối nghịch với lỗi phạm và sự bất tuân của Ađam. Trong Ep 2, 17: “Người đã đến loan báo bình an, bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những người ở gần.” Ở đây, ta thấy ý tưởng hòa giải giữa dân ngoại (ở xa) và người Do Thái (ở gần). Sự tiếp cận cùng một sự bình an thiêng liêng, chính nơi thập giá của Đức Kitô, đã xóa bỏ mọi thù địch: “để hòa giải cả hai với Thiên Chúa trong một Thân Thể duy nhất, nhờ thập giá: chính trong con người của Người, Người đã tiêu diệt hận thù.” (Ep 2, 16). Khái niệm này còn mở rộng hơn nữa trong Cl 1, 20: sự hòa giải và bình an đạt tới “mọi tạo vật trên trời và dưới đất”. Theo nghĩa này, sự hòa giải đã trở thành một khái niệm rất bao quát, mà thánh Phaolô áp dụng không chỉ cho vũ trụ, mà còn cho toàn thể nhân loại (Do Thái và dân ngoại), và cả cho đời sống Kitô hữu. Thánh Phaolô đưa tính chất kịch tính vào hành vi của cái chết Đức Kitô trên thập giá, như là lời đáp lại của nhân loại cho ngày Quang Lâm.
Thánh Phaolô đề cập đến sự công chính hóa, như một dấu mốc rõ rệt của việc từ bỏ tội lỗi và sự biến đổi tương ứng nơi tội nhân. Công chính hóa và hòa giải là những từ đồng nghĩa trong Rm 5, 9-10: “Vậy nếu nay chúng ta được công chính hóa nhờ máu của Người, thì nhờ Người, chúng ta sẽ được cứu thoát khỏi cơn thịnh nộ. Nếu khi còn là thù địch, chúng ta đã được hòa giải với Thiên Chúa nhờ cái chết của Con của Người, thì phương chi, một khi đã được hòa giải, chúng ta sẽ được cứu thoát nhờ sự sống của Người.”(x. Rm 5, 19) [2]. Trong Rm 5, 16.18, cái chết được xem như giá để đổi mới nội tâm người tội lỗi. Trên cái chết của Đức Kitô chiếu rọi ánh sáng của sự phục sinh. Không thể tách rời hiệu quả tích cực của sự công chính hóa – được biểu tượng bởi sự phục sinh, khỏi hiệu quả tiêu cực – được biểu tượng bởi cái chết, vì hiệu quả tích cực ấy đã được bao hàm trong chính cái chết.
[1] P. WELLS, De la croix à l’Evangile de la croix, Edition Excelsis, 2007, p. 229
[2] Rm 5, 19 : « Vì, như do sự bất tuân của một người duy nhất mà muôn người đã trở thành kẻ tội lỗi, thì cũng vậy, nhờ sự vâng phục của một người duy nhất, muôn người sẽ được trở nên người công chính.»
(Còn tiếp)