Tháng 5/2024 – Sống Nghèo Khó Để Nên Chứng Tá Của Kho Tàng Vĩnh Cửu

Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người” (Mt 6, 33)

LÝ TƯỞNG: Lời khấn khó nghèo của tu sĩ trước hết tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa là kho tàng và là sự thiện hảo tuyệt đối mà con người khát khao kiếm tìm. Với việc từ bỏ quyền sở hữu của cải trần gian, người thánh hiến làm chứng rằng Thiên Chúa là sự giàu có đích thực của cõi lòng con người và cùng với Đức Kitô họ sở hữu những của cải tốt đẹp hơn và lâu bền hơn (x.Dt 10, 34). Tu sĩ thanh thoát với của cải chóng qua hữu hạn để có thể chiếm hữu Đấng Vô Biên cách trọn vẹn hơn. Họ không khinh chê nhưng tự nguyện khước từ những tài sản hữu hình để gắn bó khăng khít hơn với tài sản vô giá là chính Đức Kitô.[1]

THÁCH ĐỐ: Chúng ta đang sống trong một thế giới mà con người cuồng nhiệt theo đuổi lợi lộc vật chất và bị ám ảnh bởi những lo toan kinh tế. Trong thế giới đó, những giá trị thiêng liêng và vĩnh cửu bị lất át bởi những nhu cầu của cuộc sống trần gian. Trong thế giới đó, con người đặt niềm tin tưởng duy nơi sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật và tìm sự đảm bảo cho cuộc đời nơi tài vật. Chúng ta không cổ súy một cuộc sống nghèo khổ. Trái lại, thăng tiến người nghèo phải nằm trong tầm nhìn sứ mạng của chúng ta. Thách đố của chị em chúng ta là làm thế nào để hướng con người đến những thực tại siêu nhiên trong khi nhiệt tâm làm giảm thiểu sự nghèo khổ của anh chị em đồng loại. Thách đố đó được đảm nhiệm khi sự nghèo khó của chúng ta không đơn thuần là những biểu hiện bên ngoài nhưng còn là một thái độ nội tâm sâu xa. Nghĩa là, đời sống của chị em phải tỏa rạng niềm vui thanh thoát của một tâm hồn đã tìm gặp kho tàng vĩnh cửu vô giá và muốn người khác cũng nghiệm được niềm vui đó.

MỜI GỌI: Chị em giản dị trong trang phục và vật dụng, thanh thoát trong lối sống, khiêm hạ trong cung cách phục vụ.

NGUYỆN CẦU: Lạy Chúa Giêsu Kitô Chịu-Đóng-Đinh, xin cho con nghiệm thấy sự tự do của tâm hồn đã được Chúa giải thoát khỏi nỗi ám ảnh và lo toan của cải thế gian, để con hân hoan làm chứng cho Chúa là cùng đích, là sự giàu có và là nguồn vui đích thực mà con người khát mong.

SUY

Người thánh hiến và chứng tá công khai[2]

Chứng tá công khai qua lối sống: Tính cách triệt để của sự tận hiến tu trì đòi hỏi rằng chứng tá Tin Mừng phải mang tính cách công khai, bao trùm toàn thể đời sống. Những giá trị, những thái độ và lối sống là chứng tá hùng hồn cho thấy vị trí của Đức Ki-tô trong cuộc đời mỗi tu sĩ. Khía cạnh hữu hình của chứng tá này gồm có sự từ bỏ những tiện nghi thoải mái một mức độ nào đó, dù đó là điều hợp pháp đối với những người khác. Chứng tá đó đòi phải giới hạn phần nào các hình thức vui chơi, giải trí (x. ES I, 25, 42 ; GM 33-35).

Để bảo đảm điều đó, các tu sĩ phải chấp nhận một lối sống không phải là phóng khoáng, nhưng là lối sống được luật lệ quy định… Những quy định đó tự nó không đủ để có được một chứng tá công khai về niềm vui, niềm hy vọng và yêu mến của Đức Giê-su Ki-tô; nhưng đó là những phương tiện cần thiết để có một chứng tá như vậy, và điều chắc chắn là nếu không có những quy định ấy, chắc chắn không thể có chứng tá đời tu được.

Chứng tá trong cách làm việc: Cách làm việc cũng là điều quan trọng để làm nên chứng tá công khai. Công việc ta làm và cách ta làm phải làm chứng về Đức Ki-tô qua đức nghèo khó của một người không tìm lợi ích bản thân, cũng không nhằm thoả mãn chính mình. Ở thời đại chúng ta, không có quyền hành là một trong những sự nghèo khó lớn. Người tu sĩ chấp nhận chia sẻ sự nghèo khó ấy qua sự tuân phục, và như vậy, người tu sĩ sẽ liên kết với người nghèo và kẻ yếu đuối, một cách đặc biệt như Đức Ki-tô trong cuộc thương khó của Người. Một tu sĩ như thế sẽ biết rõ thế nào là một người nghèo trước mặt Thiên Chúa, thế nào là yêu mến như Đức Giê-su yêu mến, và thế nào là làm việc để thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa, theo những điều kiện của Thiên Chúa. Hơn nữa, để trung tín với sự tận hiến, tu sĩ còn tìm thấy trong hội dòng của mình những phương tiện cụ thể giúp mình có thái độ sống đó.”

  • Đời sống khó nghèo thánh hiến của tôi minh chứng niềm hạnh phúc trọn vẹn trong Đức Kitô và hướng người khác đến những giá trị vĩnh cửu như thế nào?

[1] x.Tông huấn ĐSTH, số 89. 90; Sắc lệnh Canh tân và thích nghi Dòng tu, số 13.

[2] Văn kiện Yếu tố cốt yếu, số 34-35.

Ban Linh Đạo Hội dòng