Thiên An – Bình An Của Trời | Giới Thiệu Đan Viện Biển Đức Thiên An

I. GIỚI THIỆU CHUNG: THIÊN AN – BÌNH AN CỦA TRỜI

Đan viện Thiên An tọa lạc trên một ngọn đồi nằm giữa khu rừng thông rộng hơn 107 hecta, quanh năm thông reo vi vu, quyện với lời kinh tiếng hát của các đan sĩ chiêm niệm con cái Thánh Biển Đức, ngân vang lan tỏa một bầu khí tĩnh lặng… là lời ngợi khen Thiên Chúa Tình yêu, đồng thời là chốn nghỉ ngơi cho những con người hằng ngày phải vật lộn với thời cuộc vì miếng cơm manh áo. Có thể nói đây là chốn linh thiêng, nơi Thiên Chúa đến gặp gỡ con người và là nơi con người gặp thấy Thiên Chúa, như ai đó đã ngâm rằng:

Bình An trời đổ xuống

Phúc Đức biển tràn lên

Rừng thông thơm lời nguyện

Hồ suối đẹp thánh thiêng

Đưa người vào vắng lặng

Gặp Chúa giữa siêu huyền.

(Thơ: Lm. Nguyễn Kim Đính)

Toàn cảnh Đan viện Biển Đức Thiên An – chốn tịnh tu giữa rừng thông xanh.

Thiên An được hai Cha Romain Guillauma và Corentin Colin, đan sĩ đan viện la Pierre-qui-Vire (viên đá sống) – Pháp quốc, thành lập ngày 10.06.1940, tại thôn Cư Chánh (chốn lý tưởng), huyện Hương Thuỷ (nước thơm), tỉnh Thừa Thiên (phúc Trời); nay là phường Thuỷ Xuân, Thành phố Huế. Thiên An, có nghĩa là “bình an của trời”, đó không phải là một địa danh như người ta vẫn nghĩ, nhưng là tên riêng của đan viện do linh mục Giuse Maria Nguyễn Văn Thích đặt. Danh xưng này còn lưu mãi với thời gian dẫu thăng trầm thời cuộc, thế hệ này nhường chỗ cho thế hệ kia…

Qua bao năm biến chuyển

Bao thập kỷ còn nguyên.

Thiên An thuộc Hội dòng Subiaco-Cassino, một Hội dòng sống đời chiêm niệm với phương châm Ora, Lectio Divina et Labora: cầu nguyện, đọc Sách Thánh và lao động. Được sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, Thiên An biết rõ tầm quan trọng của bình an, ý thức rõ sứ vụ “dấu chỉ bình an của Thiên Chúa” trong trần thế của nó. Đặc biệt từ sau 1975 đến nay, nó luôn phải đương đầu với sự Ác để bảo tồn và phát triển bầu khí bình an đó, xét cả trên phương diện vật chất lẫn tinh thần.

Một giờ kinh Thần vụ trong ngày sống của các Đan sĩ.

Mọi sinh hoạt của Thiên An đều diễn ra trong nội vi, nhưng tinh thần của nó thì mở ra với xã hội và ôm trọn cả thế giới, với những hoạt động như tiếp đón khách tĩnh tâm, khách hành hương; góp phần phát triển xã hội với những sản phẩm do chính tay các đan sĩ làm nên; xoa dịu nỗi khổ của dân chúng xung quanh với những hoạt động bác ái xã hội; thăm viếng đối thoại với các tôn giáo bạn, nhất là Phật giáo. Ngoài ra, với xác tín mình thuộc về Giáo hội địa phương, là một thành viên của Liên hiệp các Dòng tu trong giáo phận, Thiên An thắt chặt mối dây liên đới vừa huyền nhiệm vừa mang tính cơ cấu này.

II. LƯỢC SỬ HÌNH THÀNH ĐAN VIỆN BIỂN ĐỨC THIÊN AN TRÊN LÃNH THỔ TỔNG GIÁO PHẬN HUẾ

Đáp lại lời mời gọi lập dòng ở các xứ truyền giáo của Đức Giáo hoàng Pio XI, và cũng để đáp lại mong muốn của các Giám mục hai Giáo phận Huế và Hưng Hóa, ngày 25.01.1935, Đan phụ Fulbert Gloriès của Đan viện la Piere-qui-Vire phái cha Wandrille Carrière đến Việt Nam khảo sát tình hình để lập dòng.

Ngày 10.11.1936, Cha Maur Massé với tư cách là bề trên, cùng với cha Corentin Colin và cha Wandrille Carrière đã cử hành thánh lễ đầu tiên trong một ngôi nhà nguyện dựng tạm đánh dấu việc thành lập đan viện “Hoàng Tử Thái Bình” ở Đà Lạt. Chẳng bao lâu, các vị sáng lập nhận thấy những trở ngại đối với đời sống đan tu tại đây khi quân đội đến lập trại lính bên cạnh nhà dòng, hơn nữa, nơi đây lại khan hiếm ơn gọi. Vì thế, sau khi nhận được báo cáo về thách đố đang tiềm ẩn, la Pierre-qui-Vire đã đồng thuận cho các vị tiên phong này đi tìm một sở đất khác.

Được phái đến Việt Nam trong tư cách bề trên thay thế cha Maur Massé, cha Romain quyết định chọn Huế để thành lập đan viện. Ngài tìm mua một khu đất rộng 40ha với giá 40.000 quan pháp. Một vùng hẻo lánh ít cư dân, yên tĩnh, bình lặng, thuận tiện cho đời tu chiêm niệm, bao quanh bởi các lăng tẩm các hoàng đế cũng như các chùa chiền phật giáo.

Ngày 10.06.1940, hai Đấng Sáng lập Romain và Corentin đã cử hành thánh lễ đầu tiên kính Thánh Tâm Chúa Giêsu trên mảnh đất này, trong một túp lều tranh được đức Khâm sứ Drapier làm phép ngày hôm trước. Từ đó, lễ Thánh Tâm trở thành ngày lễ quan thầy của đan viện Thiên An.

Đan viện bằng tranh tre khi mới hiện diện trên lãnh thổ Tổng Giáo phận Huế.

Anh em mới đến ngày một đông làm nảy sinh vấn đề nơi ăn chốn ở. Nhờ vào sự nhiệt tình của những người tiên phong, đặc biệt là Cha Romain, cũng như những anh em mới, chỉ trong vòng hai năm, ngôi nhà lợp ngói đầu tiên bắt đầu được xây dựng từ năm 1941 đã hoàn thành. Ngôi nhà ba tầng này, gồm hai mươi tám phòng ở dành cho các đan sĩ và một phòng ăn ở tầng trệt.

Nhưng trước đó, cộng đoàn Thiên An phải xây dựng con đường dẫn lên đồi Chúa, nơi toạ lạc Đan viện Thiên An hôm nay. Con đường được hoàn tất vào tháng 09.1941.

Cuộc viếng thăm theo giáo luật đầu tiên Đan viện Thiên An, từ ngày 04.02 đến 31.03.1952, đánh dấu sự trưởng thành của cộng đoàn Thiên An bằng sự kiện cha Benoît Nguyễn Văn Thái, đệ tử người Việt đầu tiên của hai Đấng Sáng lập, được chỉ định làm Bề trên vào ngày 31.03.1952. Thời điểm này, cộng đoàn Thiên An có 54 anh em: 7 linh mục Pháp, 4 linh mục Việt, 4 ca sĩ, 8 qui sĩ khấn trọn, 19 khấn đơn, 7 tập sinh, và 5 thỉnh sinh.

Trong cuộc thăm viếng theo giáo luật từ 02-09.02.1959, các đan sĩ Thiên An đã bỏ phiếu kín chọn người làm bề trên. Ngày 16.05.1959, áp lễ Hiện Xuống năm đó, Cha Romain nhân danh Đan phụ Chủ tịch, tuyên đọc Sắc lệnh nâng Thiên An lên Đan trưởng viện và đặt Cha Anselmô Nguyễn Ngọc Ngãi làm Đan trưởng.

Với sự đồng ý của la Pierre-Qui-Vire, ngôi nhà thờ hầm được khởi công xây dựng vào tháng 05.1960, trong nhiệm kỳ bề trên 3 năm của cha Anselme Nguyễn Ngọc Ngãi. Cuối năm 1962, khi công trình nhà thờ sắp hoàn thành, cộng đoàn đã phải đưa vào sử dụng cho một số cử hành phụng vụ. Ngày 11.07.1965, lễ kính Thánh Tổ phụ Biển Đức cũng là dịp mừng ngân khánh thành lập Đan viện, Đức Cha Philipphê Nguyễn Kim Điền chủ sự Thánh lễ khánh thành ngôi thánh đường mới này.

Trước đó, với tư cách là bề trên, Cha Benoît Nguyễn Văn Thái đã đặt cha Alsemo Nguyễn Ngọc Ngãi làm Bề trên Đan viện Thiên Hoà vừa mới được thành lập ngày 08.12.1962 theo yêu cầu của Đức Giám mục Paul Seizt Giáo phận Kontum.

Ngày 24.02.1968, quân đội Mỹ và Việt Nam lâm chiến tại đồi Thiên An. Hai bên lâm chiến dùng toàn súng máy. Quân Mỹ gọi pháo binh từ các đồn Nam Giao, Bảng Lảng bên sông Hương và Phú Bài trên đỉnh đồi phía Đông trút đại bác xuống đan viện như mưa. Sáng ngày 25, trận đánh lại bắt đầu, làm nhiều người chết.

Tháng 07.1969, một nhóm 3 đan sĩ do cha Thaddée dẫn đầu vào miền nam đi tìm miền đất mới để thành lập nông trại. Họ ra đi mang theo nỗi niềm mong sao tìm được đất lập nghiệp hầu yểm trợ cho quê mẹ Thiên An đang kỳ quẫn bách vì cuộc chiến Mậu Thân. Thiên Chúa đoái thương ban cho một vùng đất ở cây số 47 đường đi Vũng Tàu, cách Sài Gòn 35km. Nơi đây sau này sẽ trở thành đan viện Thiên Bình, có nghĩa là “bình lặng của trời”, được tự trị ngày 25.04.1988.

Năm 1972, “Mùa hè đỏ lửa”, cộng đoàn Thiên An di tản lần hai. Kinh viện và Tập viện chạy vào Sài Gòn dưới sự hướng dẫn của cha Bề trên Thomas Châu Văn Đằng và cha Tập sư Marian Phương. Ở đây, bà Cúc hiến tặng một sở đất ở Tam Hà, hai cha liền cho xây dựng nhà cửa với ý định mở một học viện, đồng thời làm nơi nghỉ chân cho anh em Thiên An vào Sài Gòn công tác. Cơ sở này dần dần trở thành đan viện Thiên Phước, có nghĩa “phúc ân của trời”, được tự trị ngày 03.09.1988.

Năm 1998, Thiên An được nâng lên Đan phụ viện, và ngày 27.08 cùng năm, dịp khánh thành nhà khách, nhà nguyện và tháp chuông, thì có Đan phụ tiên khởi là cha Têphanô Huỳnh Quang Sanh.

Đáp lại lời mời gọi lập dòng của Đức cha Antonio Mattiazzo – Giám mục giáo phận Padova – với mục đích trước tiên là truyền giáo bằng đời sống cầu nguyện trên xứ sở Phật giáo Thái Lan, và sau đó là yểm trợ cho các linh mục thừa sai của giáo phận Padova, ngày 12.10.2009, các Bề trên Biển Đức Việt Nam sang Thái Lan để xem đất. Không lâu sau, Tỉnh dòng đã chọn miếng đất rộng 6 hecta, nằm về phía đông của Giáo phận Chiang Mai để lập dòng. Ngày 07.10.2010, lễ Đức Mẹ Mân Côi, Thánh lễ tuyên bố thành lập Đan viện Biển Đức Chiang Mai đã diễn ra trong căn nhà lụp xụp vừa mua cách đó vài tháng, với kinh phí của Đức Cha Giáo phận Padova. Trước đó, ngày 03.08.2010, Nhà chung Thiên An đã bỏ phiếu nhận trách nhiệm thành lập Đan viện mới tại Thái Lan.

Ngày 20.10.2009, Đan phụ Têphanô và thầy Thiết ra Hà Nội gặp Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt theo lời mời của ngài. Hôm sau, ngày 21.10 thì về Hoà Bình xem đất. Ngày 27.11.2009, Đức Cha ký Quyết định giao đất cho Thiên An sử dụng lập dòng. Ngày 18.06.2010, ngay sau cuộc thăm viếng theo giáo luật, thầy Thiết ra Hà Nội trình thư cho Đức Tổng Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, rồi đến sống tại Đồng Gianh – Hoà Bình. Hiện nay, nơi đây đã thành một cơ ngơi khang trang với những anh em chuyên cần sống cầu nguyện và làm việc theo Tu luật Thánh Biển Đức.

Từ cuối năm 1999 đến nay, đặc biệt gia đoạn 199-2003 và 2015-2017, Thiên An phải đối mặt với vấn đề đất đai nhiều phức tạp. Vào giữa năm 2017, nhiều nhóm người tự xưng đã tiến hành xâm phạm đất đai của Thiên An, những nhóm người này hành hung đánh đập các đan sĩ đang bảo vệ Thánh giá, bẽ gãy và hạ Thánh giá xuống đất.

Đan sĩ linh mục Antôn Nguyễn Văn Đức được cộng đoàn bầu và được chuẩn nhận là Đan phụ của Đan viện Thiên An ngày 25.04.2019, đã không thể đảm nhận theo giáo luật trọng trách đan phụ, nên ngày 05.11.2020, Đan phụ Chủ tịch đã tuyên bố Đan viện Thiên An trống toà (siège vacant), và cha Antôn không còn mang trọng trách đan phụ nữa. Ngày 01.02.2021, cộng đoàn Thiên An đã bầu Cha Louis Gonzaga Đặng Hùng Tân làm Đan phụ, và được Đan phụ Chủ tịch chuẩn nhận ngày 09.01.2021. Từ đây Thiên An đi tiếp hành trình đan tu gian khổ của mình dưới sự hướng dẫn của Đan phụ Louis Gonzaga Đặng Hùng Tân và với sự cộng tác của tất cả cộng đoàn.

III. NHỮNG HOẠT ĐỘNG CHÍNH YẾU CỦA ĐỜI SỐNG ĐAN TU BIỂN ĐỨC TẠI ĐAN VIỆN THIÊN AN

Hòa vào nhịp thở của Giáo hội, hiền thê Chúa Ki-tô, ngày sống của Thiên An trước tiên là một ngày cầu nguyện liên lỉ, với những thì mạnh là 5 giờ kinh Thần vụ, và đỉnh cao là Thánh lễ, đan xen vào đó là những giờ đọc sách thiêng liêng – lectio divina, nguyện ngắm, lao tác, học hành, chia sẽ bữa ăn huynh đệ, hội chung và giải trí, tất cả là sự hòa quyện của mối tương quan với Thiên Chúa và với con người. Thời gian của Đan viện là thời gian mà ở đó, người đan sĩ ra khỏi thời gian tầm thường của con người để đi vào trong thời gian vĩnh hằng của Thiên Chúa; ra khỏi cuộc sống bề ngoài có vẻ đơn điệu để lặn sâu vào trong cuộc sống ẩn kín trong Thiên Chúa. Đan viện là trường học phụng sự Chúa và cũng là xưởng thợ, nơi mỗi đan sĩ được giao cho mỗi công việc khác nhau, vì mục đích xây dựng Nước trời.

Mặt tiền Nhà nguyện, Nhà thờ hầm và tháp chuông của Đan viện Biển Đức Thiên An.

1. Phụng vụ:

Phụng vụ là cách tốt nhất mà đan sĩ dùng để diễn tả tình yêu của con người đối với Thiên Chúa, và cũng là nơi Thiên Chúa mạc khải tình yêu của Người dành cho con người. “Đừng lấy gì làm hơn việc Chúa” là lời răn bảo của Thánh Tổ phụ màcác đan sĩ Thiên An không bao giờ dám quên. Giờ Thần vụ là dấu chỉ hữu hình sự hiệp thông của các thành viên trong cộng đoàn, bởi Lời Chúa quy tụ chúng ta, cũng chính nó là lời ca ngợi của chúng ta dâng về Thiên Chúa. Đức Ki-tô thực sự hiển dung khi cộng đoàn cử hành phụng vụ.

2. Đón tiếp khách tĩnh tâm, khách hành hương và người nghèo:

Đan viện là nhà Thiên Chúa, nơi Thiên Chúa đón tiếp dân Người và cũng là nơi Đức Ki-tô được đón tiếp. Theo Thánh Biển Đức, Đức Kitô hiện diện trong khách viếng thăm và trong người nghèo, vì thế ân cần tiếp đón họ là nhiệm vụ hàng đầu của người đan sĩ, đặc biệt của đan phụ.

3. Lao động gồm cả trí thức và tay chân:

Trước tiên vì Thánh Tổ đã cảnh báo “ở nhưng, là kẻ thù của linh hồn”, rồi ngài dạy tiếp “chỉ khi nào ta sống với thành quả lao động của mình khi ấy chúng ta mới thật là đan sĩ”. Như thế, với lao động, đan sĩ góp phần vào công trình sáng tạo và cứu chuộc của Thiên Chúa; sau nữa, đan sĩ thực sự sống tinh thần khó nghèo, phục vụ và sự hy sinh đền tội. Cụ thể, Thiên An có những sản phẩm đan tu do chính tay các đan sĩ làm ra như: cam, dầu tràm, nhàu, nghệ, rau xanh, và một số mặt hàng thủ công mỹ nghệ.

4. Tương quan với các dòng tu và Giáo phận:

Hiệp nhất là dấu chỉ chắc chắn sự hiện diện của Nước Chúa trên trần thế. Vì thế, xe kết mối dây hiệp thông với Giáo hội địa phương, với các dòng tu trong giáo phận là trách nhiệm không thể thiếu của đan viện Thiên An. Trước tiên đó là việc mục vụ Giáo xứ Thiên An với trách nhiệm của một Linh mục Quản xứ. Ngày 01.05.2025 vừa qua, là ngày kỷ niệm 60 năm thành lập Giáo xứ Thiên An, trong niềm vui quây quần của tất cả đoàn chiên quanh Đức Cha Giuse – Tổng Giám mục TGP Huế và cha Placido Phan Huy Hiếu – Đan sĩ Linh mục Quản xứ.

Mặt khác, việc các cộng đoàn Biển Đức và các cộng đoàn Xitô có cuộc gặp mặt hằng năm để trao đổi kinh nghiệm về đào tạo, về những khó khăn và thuận lợi của đời sống đan tu trong xã hội hôm nay, về sách vở, trước tiên là một nét son, sau nữa là một sự nâng đỡ, một dấu chỉ hiệp thông trong sứ vụ chứng tá Tin mừng Phục sinh.

5. Đối thoại liên tôn:

Sống ở đất thần kinh, cái nôi của Phật giáo Việt Nam, Thiên An rất ý thức bổn phận đối thoại liên tôn, đặc biệt với Phật giáo; trách nhiệm mà Giáo hội hoàn vũ ký thác đặc biệt cho các Dòng chiêm niệm.

6. Thăm viếng làng xóm, giúp đỡ những người cô thế cô thân, người nghèo khổ:

Đó là thực hành truyền thống tốt lành mang tính “đồng bào”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc. Ngoài ra nó còn là gia sản tinh thần của hai Đấng Sáng lập, điều mà hai ngài và các thế hệ đan sĩ đã nằm xuống dày công xe kết vun đắp, khi tạo những mối tương giao với chính quyền các cấp, với dân chúng địa phương, với những người làm công tác giáo dục.

7. Vui chơi giải trí:

Những thời khắc biểu diễn nghệ thuật hoặc chơi thể thao là những khoảng thời gian quan trọng trong đời sống đan tu. Đó là những dịp tốt để đan sĩ tập sống chia sẻ, sáng tạo và quan tâm lẫn nhau, không những giữa các anh em trong cộng đoàn mà còn với mọi người.

IV. THIÊN AN: LỜI CHỨNG SỐNG ĐỘNG CỦA ĐỜI CHIÊM NIỆM ĐAN TU

Hiện diện giữa lòng Tổng Giáo phận Huế từ những năm khó khăn 1940, Đan viện Biển Đức mang tên Thiên An – bình an từ trời, là định mệnh và cũng là sứ mạng trở thành dấu chỉ bình an của Thiên Chúa giữa một thế giới đầy biến động và nỗi thất vọng vẫn luôn chật chờ.

Từ Đà Lạt đến Huế, từ chiến tranh đến bình yên, từ những túp lều tranh đơn sơ đến ngôi nhà thờ và tháp chuông vươn cao giữa rừng thông, hành trình của Thiên An là một minh chứng sống động cho niềm tin, lòng trung thành và sức sống đan tu giữa cung lòng Hội Thánh. Thiên An là chốn tịnh tu giữa những phồn hoa đô hội, là chốn cầu nguyện và nghỉ ngơi thánh của những tâm hồn đã quá lầm than vất vưởng, là sự trở về với nhịp lặng nội tâm mà gặp gỡ Thiên Chúa, là nơi đón tiếp những tâm hồn mệt mỏi cần dưỡng sức.

Giữa rừng thông Thiên An, câu kinh lời nguyện vẫn âm vang liên lỉ, là bếp than hồng giữa trời đông u tối, là mạch bình an tươi mát giữa những oi ả bụi đời. Nơi đây, sự thinh lặng của đời chiêm niệm tịnh tu chính là lời chứng sống động và mạnh mẽ nhất về niềm hy vọng và sự bình an.

Đan viện Biển Đức Thiên An
và Ban Truyền thông TGP Huế