Thứ Năm sau Chúa Nhật XXIII Thường Niên – Hãy Có Lòng Nhân Từ Như Chúa

(1 Cr 8:1-7.11-13; Lc 6:27-38)

Trong bài đọc 1 hôm nay, Thánh Phaolô chỉ cho thấy sự khác biệt giữa sự hiểu biết và lòng bác ái. Sự khác biệt này tạo ra hai loại người khác nhau: “Thưa anh em, sự hiểu biết sinh lòng kiêu ngạo, còn lòng bác ái thì xây dựng. Ai tưởng mình hiểu biết điều gì, thì chưa hẳn là đã hiểu biết như phải hiểu biết. Ai yêu mến Thiên Chúa, thì được Người biết đến” (1 Cr 1-3). Qua những lời này, Thánh Phaolô cho thấy con đường tuyệt hảo để biết Thiên Chúa không phải là qua sự hiểu biết của con người, nhưng là qua đời sống yêu mến. Ai trong chúng ta cũng đều biết rằng sự hiểu biết của mình có giới hạn. Chỉ có tình yêu mới làm cho chúng ta mở rộng lòng để đón nhận những gì chúng ta chưa hiểu biết. Bên cạnh đó, thánh Phaolô khuyến cáo các tín hữu Côrintô về sự hiểu biết nông cạn của họ về việc tôn thờ ngẫu tượng qua việc ăn đồ cúng. Thánh nhân nhắc nhở họ đừng nên cớ vấp phạm cho anh chị em mình: “Vì thế, nếu của ăn mà làm cớ cho anh em tôi sa ngã, thì tôi sẽ không bao giờ ăn thịt nữa, để khỏi làm cớ cho anh em tôi sa ngã” (1 Cr 8:13). Sự hoàn hảo trong đời sống luân lý không chỉ hệ tại việc không phạm tội, nhưng còn không trở nên cớ vấp phạm cho anh chị em mình.

Trong bài Tin Mừng hôm qua, Chúa Giêsu nói về bốn mối phúc và bốn mối hoạ mà người môn đệ sẽ phải đối diện khi đi theo Ngài. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Luca “hiện tại hoá” những mối phúc và mối hoạ cho những thành viên của cộng đoàn mình. Điều này được diễn tả trong những lời sau: “Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây” (Lc 6:27). Điều này có nghĩa là những lời trong bài Tin Mừng này nhằm mục đích áp dụng bài giảng trên núi của Chúa Giêsu vào bối cảnh cộng đoàn của Thánh Luca, cho những người sẽ trở thành môn đệ Chúa Giêsu [qua lời rao giảng của các Tông Đồ].

Chúng ta có thể chia bài Tin Mừng hôm nay thành ba phần: Phần 1 (Lc 6:27b-29) nói về những thái độ cần có đối với kẻ thù; trong phần 2 (Lc 6:30-35) chúng ta tìm thấy những lời dạy về cách cư xử trong đời sống bác ái yêu thương; phần 3 (Lc 6:37-38) trình bày cho chúng ta làm thế nào để trở nên nhân từ như Thiên Chúa là Đấng nhân từ. Nói cách cụ thể hơn, bài Tin Mừng trình bày cho chúng ta những điều kiện cụ thể để trở nên người môn đệ Chúa Giêsu.

Trong phần 1, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ của Ngài phải sống lối sống khác với “bản tính tự nhiên của mình.” Ngài mời gọi họ không phản ứng theo kiểu “ông ăn chả, bà ăn nem.” Thật vậy, theo bản tính tự nhiên, không ai trong chúng ta yêu kẻ thù của mình. Nhưng khi trở thành môn đệ Chúa Giêsu, chúng ta không sống theo bản tính đó. Theo các học giả Kinh Thánh, những lời trong phần này ám chỉ đến câu 22 [“Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa”] và trình bày cách cụ thể cách thức người môn đệ Chúa Giêsu đáp lại khi bị bắt bớ: “Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em, và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong” (Lc 6:27b-29). Trong những lời này, Chúa Giêsu muốn người môn đệ dành tình yêu cho kẻ thù cách triệt để. Hình ảnh “vả má bên này, thì giơ cả má bên kia nữa” ám chỉ việc đi ngược với khuynh hướng tự bảo vệ mình. Mệnh lệnh này đề nghị một cách hành xử khác thay thế cho việc tự bảo vệ mình. Cách hành xử mới đó là hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa, Đấng bảo vệ người môn đệ. Đề tài yêu thương kẻ thù được giới thiệu ở đây đạt đến đỉnh cao trong câu chuyện Người Samaria Nhân Hậu mà Thánh Luca sẽ trình thuật sau này (x. Lc 10:25-37).

Chi tiết đầu tiên chúng ta lưu ý trong phần 2 nói về đời sống bác ái là từ “mọi người.” Chi tiết này khác với Tin Mừng Thánh Mátthêu (5:42). Thánh Mátthêu giới hạn bác ái vào số “những ai xin anh em,” trong khi đó Thánh Luca mở rộng cho mọi người như điều kiện cần có của những người môn đệ Chúa Giêsu. Điều kiện này đạt đến đỉnh cao trong “Thước Vàng”: “Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy” (Lc 6:31). Thước vàng này được giải thích trong những câu tiếp theo (Lc 6:32-35). Theo các học giả Kinh Thánh, phần này giải thích cách tích cực và cụ thể hơn mệnh lệnh yêu kẻ thù trong phần trước. Tình yêu của người môn đệ dành cho kẻ thù không chỉ dừng lại ở cấp độ lý thuyết, nhưng được diễn tả qua việc chia sẻ của cải mình có cho kẻ thù. Chi tiết đầu tiên này mời gọi chúng ta nhìn lại tình yêu chúng ta dành cho những người chúng ta “không thích.” Nhiều lần, chúng ta để cho vết thương ngăn cản chúng ta yêu thương họ cách triệt để. Chúng ta “nói” là đã tha thứ cho họ, nhưng trong lòng vẫn còn giữ một “tí ác cảm, một tí thành kiến” làm chúng ta khó chia sẻ với họ những gì chúng ta có và chúng ta là. Chúng ta, những người môn đệ Chúa Giêsu, phải vượt qua cái gọi là bản tính tự nhiên, phải sống khác với những người tội lỗi, tức là phải trở nên trọn lành và có lòng nhân từ như Cha ở trên trời.

Phần 3 trình bày cho chúng ta mục đích chính của người môn đệ Chúa Giêsu là “hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6:36). Lòng nhân từ này được diễn tả qua bốn việc chính sau [hai điều tiêu cực – đừng làm, và hai điều tích cực – làm]: (1) đừng xét đoán; (2) đừng lên án; (3) hãy tha thứ; và (4) hãy cho. Điều đáng lưu ý ở đây là khi chúng ta thực hiện những điều này, người thưởng công cho những hành động của chúng ta không phải là con người, nhưng là Thiên Chúa. Nói cách khác, Thánh Luca muốn nói rằng: người môn đệ Chúa Giêsu hành động không phải để tìm kiếm sự đáp trả của người đời, nhưng mong chờ được Thiên Chúa thưởng công. Điều này nhắc nhở chúng ta về việc tìm kiếm lợi danh của chính mình ngay trong những công việc phục vụ. Là môn đệ Chúa Giêsu, chúng ta hãy mở rộng cõi lòng cho hết mọi người, ngay cả kẻ thù. Vấn đề không phải là họ có đáp lại hay không, nhưng hệ tại việc chúng ta yêu thương cách trọn vẹn và chỉ mong chờ ở Thiên Chúa mà thôi. Hãy tập trung vào Chúa hơn là tập trung vào con người trên con đường nên trọn lành!

Lm, Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB