Thứ Tư Tuần VIII – Thường Niên Phục Vụ Theo Gương Chúa Giêsu

(1 Pr 1:18-25; Mc 10:32-45)

Thánh Phêrô trong bài đọc 1 hôm nay trình bày cho chúng ta về tình yêu tuyệt diệu của Thiên Chúa. Ngài là Đấng “theo công việc mỗi người mà xét xử” (1 Pr 1:17). Chúng ta được mời gọi sống cuộc sống lữ khách trên trần gian với lòng kính sợ Thiên Chúa. Điều đáng để chúng ta suy gẫm là việc Thánh Phêrô chỉ ra cho chúng ta điều gì đã cứu chúng ta khỏi sự hư nát trong phần mộ: “Anh em hãy biết rằng không phải nhờ những của chóng hư nát như vàng hay bạc mà anh em đã được cứu thoát khỏi lối sống phù phiếm do cha ông anh em truyền lại. Nhưng anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích, là Đức Kitô. Người là Đấng Thiên Chúa đã biết từ trước, khi vũ trụ chưa được dựng nên, và Người đã xuất hiện vì anh em trong thời cuối cùng này” (1 Pr 18-20). Những lời này chỉ ra cho chúng ta thấy phẩm giá cao trọng của mỗi người. Chính Chúa Giêsu đã đổ máu mình ra để cứu chúng ta khỏi tội lỗi để chúng ta được thừa hưởng đời sống mới trong Thiên Chúa. Chúng ta biết phẩm giá của mình rất cao quý đến nỗi Chúa Giêsu đã phải hy sinh mạng sống mình để chuộc lại. Liệu chúng ta có để cho hy tế Chúa Giêsu trở nên không có hiệu quả trong cuộc sống chúng ta không?

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại lần tiên báo thứ ba của Chúa Giêsu về cuộc khổ nạn của Ngài ở Giêrusalem. Thánh Máccô bắt đầu với chi tiết sau: “Khi ấy, Đức Giêsu và các môn đệ đang trên đường lên Giêrusalem, Người dẫn đầu các ông. Các ông kinh hoàng, còn những kẻ theo sau cũng sợ hãi” (Mc 10:32). Những lời này có cùng cung điệu với Tin Mừng Thánh Luca (9:51) và chúng chỉ cho thấy Chúa Giêsu luôn chiếm vị trí của người dẫn đường trên con đường tiến về Giêrusalem. Chúa Giêsu ý thức được những gì đang chờ đợi Ngài ở Giêrusalem và Ngài chấp nhận định mệnh của mình một cách tự do: “Này chúng ta lên Giêrusalem, và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người, và sẽ nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn và giết chết Người. Ba ngày sau, Người sẽ sống lại” (Mc 10:33-34). Đây là định mệnh của các ngôn sứ. Điểm khác biệt ở đây là Chúa Giêsu sống lại sau ba ngày. Đứng trước định mệnh của Chúa Giêsu, những người theo Chúa Giêsu kinh hoàng và sợ hãi. Đây chính là đặc tính của những người theo Chúa Giêsu được mô tả trong Tin Mừng Thánh Máccô. Nói cách khác, dù đi theo Chúa Giêsu, các môn đệ vẫn kinh hoàng và sợ hãi. Họ kinh hoàng và sợ hãi vị họ cũng phải chia sẻ trong định mệnh của Đấng họ đi theo. Đây cũng chính là thái độ của mỗi người trong chúng ta khi theo Chúa Giêsu. Cũng đã nhiều lần, chúng ta kinh hoàng và sợ hãi khi đối diện với những chống đối, nhạo cười của những người khác. Điều này làm cho chúng ta không còn nhìn lên Đấng chúng ta đi theo để rồi chúng ta đi lạc đường. Chi tiết này mời gọi chúng ta đừng lấy ánh mắt chúng ta khỏi Chúa Giêsu. Đây chính là hành động “chiêm ngắm” Đấng mình đi theo trong mọi hoàn cảnh sống để sống trọn vẹn ơn gọi môn đệ của mình mà không lầm đường lạc lối.

Dù sống trong sợ hãi và kinh hoàng, con người vẫn không thể tránh khỏi cám dỗ quyền lực và thống trị. Đây chính là điều được Thánh Máccô trình bày trong hình ảnh hai người con ông Dêbêđê. Chúng ta viết lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và hai người con ông Dêbêđê (Mc 10:35-40) như sau:

Giacôbê và Gioan: “Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây.”

Chúa Giêsu: “Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì?”

Giacôbê và Gioan: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang.”

Chúa Giêsu: “Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?”

Giacôbê và Gioan: “Thưa được.”

Chúa Giêsu: “Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được.”

Trong cuộc đối thoại này, Chúa Giêsu chỉ ra cho các môn đệ biết hai điều sau: (1) để có một chỗ trong Nước Trời, họ phải chịu đau khổ (câu 38-39), (2) Chúa Giêsu không phải là người quyết định vị trí trong Nước Trời (câu 40). Khi chọn hai anh em Giacôbê và Gioan là những người xin Chúa Giêsu [khác với Tin Mừng Thánh Mátthêu là người mẹ đến xin – điều này ám chỉ việc Thánh Mátthêu muốn làm giảm đi hình ảnh tiêu cực về các môn đệ được trình bày trong Tin Mừng Thánh Máccô), các tác giả Tin Mừng có ý cho biết hai ông biết rõ điều hai ông xin vì, cùng với Phêrô, các ông tạo nên nhóm “thân tín nhất” của Chúa Giêsu. Điều chúng ta đáng lưu ý ở đây là họ yêu cầu có được những vị trí quan trọng trong Nước Thiên Chúa. Chi tiết này cho biết họ hiểu sai về chân tính Messia của Chúa Giêsu mà Ngài vừa tiên báo cho họ biết lần thứ 3. Để hiểu rõ chân tính của Chúa Giêsu, người môn đệ cần “uống cùng chén Chúa Giêsu uống và chịu phép rửa mà Chúa Giêsu chịu,” đó là chia sẻ trong những đau khổ của Chúa Giêsu. Nhiều lần, chúng ta muốn được vinh quang mà không phải qua đau khổ; chúng ta muốn vị trí đứng đầu mà không muốn phục vụ. Vinh quang chỉ có được khi chúng ta chịu những đau khổ vì tình yêu chúng ta dành cho Chúa và dành cho anh chị em mình khi mình phục vụ với trọn con tim. Tình yêu chân thật luôn đòi hỏi hy sinh và chết đi mỗi giây phút cho chính mình để chỉ sống cho người mình yêu.

Trước yêu cầu của Giacôbê và Gioan mười môn đệ còn lại “đâm ra tức tối” (Mc 10:41). Trước thái độ ganh đua để được “chỗ nhất” của các môn đệ, Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ biết quyền lực hệ tại điều nào: “Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em, thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến, không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10:42-45). Trong lời dạy của mình, Chúa Giêsu phân biệt hai loại thủ lãnh: thủ lãnh các dân nước là những người dùng quyền bính được trao để thống trị người khác; còn thủ lãnh giữa các môn đệ Chúa Giêsu là những người dùng quyền bính của mình để phục vụ. Khát vọng quyền lực luôn là cám dỗ của mỗi người chúng ta. Nói cách khác, ai trong chúng ta cũng muốn mình có “tầm ảnh hưởng” rộng hơn người khác. Điều này thường làm cho chúng ta sống trong sự sợ hãi và với thái độ ganh tỵ những anh chị em khác. Lời Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta về cốt lõi của quyền bính, đó là để phục vụ người khác: Những ai sống phục vụ với trọn con tim mình qua những công việc nhỏ bé tầm thường của ngày sống, dù không có giữ vị trí gì trong xã hội hay Giáo Hội, là những người quan trọng nhất trước mặt Thiên Chúa. Chúng ta đã sống điều này thế nào?

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB