Tình yêu là một thuật ngữ đã quá quen thuộc đối với mỗi người. Nó tồn tại và hiện diện trong cuộc sống của chúng ta một cách tự nhiên. Hơn nữa, tình yêu luôn là một chủ đề nóng hổi, nhất là trong một xã hội đang đánh mất dần cảm thức thiêng liêng và được thay thế bằng chủ nghĩa vô cảm. Thế nhưng, chẳng có ai sinh ra ở đời mà không tiềm ẩn trong con người mình một thứ cảm xúc có thể tạo nên những giá trị tinh thần đích thực cho chủ thể tình yêu. Bởi nhu cầu của con người là yêu và được yêu.
Một trong những khía cạnh của tình yêu mà chúng ta cần phải bàn tới trong “văn hóa vô cảm” của xã hội hôm nay đó là sự đáp trả. Thái độ của chúng ta đối với tình yêu và sự đáp trả của chúng ta với tình yêu ấy. Có lẽ, không ai hiện diện trên mặt đất này mà chưa cảm nghiệm được thế nào là tình yêu, dù tình yêu ấy là cảm xúc đến từ đâu hay từ hoàn cảnh nào.
Khi sinh ra, chúng ta được yêu thương trong vòng tay âu yếm của cha mẹ và người thân, đặc biệt là của Đấng đã ban cho con người đặc ân là sự hiện hữu. Tình yêu ấy kéo dài tới khi chúng ta trưởng thành và bước vào một chân trời của riêng ta. Điều đáng nói ở đây là chúng ta đã đáp lại tình yêu ấy thế nào? Chúng ta có đáp trả nó một cách đúng nghĩa, có đáp lại những người yêu thương chúng ta bằng một thái độ chân thành của lòng biết ơn hay theo kiểu “ bánh ít trao đi bánh chì trao lại”? Hằng ngày, người ta thường quan tâm đến những câu chuyện tình yêu trên báo chí, truyền hình, thậm chí tốn không biết bao thời gian, giấy mực để viết về chuyện tình của “các ngôi sao” hay cảm thấy đau đớn xót xa, thậm chí rơi nước mắt vì thương cảm trước những mối tình “ lâm li bi đát” mà không được đáp trả.
Nhưng có một câu chuyện tình yêu vô cùng mãnh liệt mà con người thường lãng quên hay ít đề cập đến. Đó là câu chuyện tình của Đấng Emmanuel. Tại sao vậy? Phải chăng vì nó không còn hợp thời? Chưa hiểu hết ý nghĩa sâu xa của Mầu Nhiệm Nhập Thể hay cố tình không hiểu nên chỉ xem đó là một lễ hội?
Có thể nói đây là câu chuyện tình được xem là “vô tiền khoáng hậu”, mối tình “có một không hai” trên trái đất này. Bởi Chúa Hài Đồng vốn dĩ là vua, là Đấng Tối Cao, vì quá yêu thương thế gian, không muốn con người phải sống trong cảnh lầm than, đau khổ của tội lỗi nên đã vâng phục Chúa Cha, xuống thế làm người để cứu chuộc nhân loại. Hài Nhi Giêsu đã không chọn nơi uy nghi, tráng lệ của hoàng cung, hay bất cứ một nơi sang trọng nào khác để được sinh ra, nhưng là hang đá trong một máng cỏ đơn sơ ở Bê-lem. Có lẽ từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây chưa có một đứa trẻ nào chào đời trong hoàn cảnh như vậy.
Điều đó đã nói lên tất cả tình yêu thương bao la mà Chúa dành cho nhân loại. Chúa muốn hòa nhập vào cuộc sống của con người, chung chia những lầm than, buồn vui, đau khổ với con người để mở đầu cho công trình cứu độ vĩ đại của Thiên Chúa. Mặc dù sinh ra trong cảnh nghèo khó, nhưng Chúa vẫn không hề cảm thấy cô đơn, lạnh lẽo, vì nơi đó có đầy ắp tình thương của Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse. Tình cảm đó thật là lớn lao và cao cả, có thể xua tan đi cái giá lạnh của mùa đông, để trên đôi môi của Chúa Hài Đồng bé bỏng luôn nở nụ cười hạnh phúc. Bê-lem tuy nhỏ bé nhưng giờ đây nó lại trở nên thật vĩ đại, bởi đây chính là nơi đã sinh ra một bậc vĩ nhân, một Đấng cứu nhân độ thế mà nhân loại hàng ngàn năm mong đợi. Hài Nhi Giêsu chính là món quà tình yêu lớn lao nhất mà Thiên Chúa tặng ban cho nhân loại chúng ta.
Nhưng chúng ta đã làm gì để đáp lại tình yêu ấy?
Hẳn ta không thể đáp trả tình yêu một cách đúng đắn khi chúng ta chưa biết được giá trị của nó. Chắc chắn một điều là: người yêu thương chúng ta cũng muốn được yêu thương và đáp trả bằng một tình yêu chân thành. Và thiết nghĩ Thiên Chúa cũng không loại trừ điều đó.
Thiên Chúa cũng đang chờ đợi chúng ta đáp trả tình yêu vô biên của Ngài dành cho mỗi người và cho thế giới. Ngài chờ đợi chúng ta đến với Ngài bằng con tim đơn thành. Không như sự ích kỉ của con người, sự chờ đợi của Ngài còn được khích lệ bằng lời hứa bình an cho những ai đến với Ngài. Cũng giống như những người yêu nhau lúc nào cũng muốn được ở bên nhau để cảm nhận sự tròn đầy của tình yêu với sự hạnh phúc khó tả. Khi ban Đấng Emmanuel, Thiên Chúa cũng muốn chúng ta ở bên Ngài, dành thời gian cho Ngài để Ngài trao gửi những yêu thương và hạnh phúc. Ngài còn muốn chúng ta đáp trả lại tình yêu của Ngài qua chính những người xung quanh chúng ta như chính Ngài bằng cử chỉ bác ái, sẻ chia và yêu thương tha thứ, nhất là những mảnh đời bất hạnh đang phải gồng mình trước một xã hội vô cảm, đầy thử thách và cám dỗ. “ Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.( Ga 15,12)
Thế nhưng, giữa cuộc đời hôm nay vẫn còn đó những con người bị loại trừ; vẫn còn đó những ánh mắt thiếu cảm thông, những cái nhìn tẩy chay của con người dành cho nhau. Xem ra Thiên Chúa vẫn bị khước từ. Dẫu ai cũng biết rằng Thiên Chúa là Emanuel đang ở cùng chúng ta nhưng vẫn cố tình loại trừ lẫn nhau, vẫn đang tìm cách xua đuổi anh chị em của mình một cách bất khoan dung. Và ai ai cũng biết rằng xúc phạm đến nhau là xúc phạm đến Chúa, thế nhưng, có mấy ai đã vì Chúa mà nhịn nhục lẫn nhau, đã vì Chúa mà sống khoan dung, tha thứ cho nhau. Nhưng lắm lúc, chính cách đối xử bất khoan dung đó đã khiến anh chị em không có cơ hội để sửa đổi và làm lại cuộc đời.
Ước gì chúng ta một khi cảm nghiệm được tình yêu vô biên mà Thiên Chúa dành cho ta qua Con của Người thì cũng mau mắn đáp trả tình yêu của Ngài qua những người mà Chúa gửi đến cho ta dù ta không có gì ngoài tấm lòng đơn sơ chân thành, một cử chỉ quan tâm đúng lúc hay chỉ với ánh mắt và nụ cười cảm thông cũng đủ sưởi ấm lòng người. Vì như ai đó đã nói rằng: “Cái lạnh nhất không phải là khi trời trở gió sang đông mà là sự vô tâm của người mà bạn từng cho là tất cả”.
Mừng lễ Giáng sinh, là dịp để chúng ta nhắc lại với nhau: Con Thiên Chúa đã làm người và ở giữa chúng ta. Ngài đang cần chúng ta yêu thương; Ngài đang cần chúng ta giúp đỡ; Ngài đang cần chúng ta đón nhận; Ngài đang cần chúng ta dành cho Ngài cái nôi trong sâu thẳm lòng mình; Ngài đang cần chúng ta dành cho Ngài những cọng rơm hy sinh của sự nhịn nhục, bác ái vị tha làm ấm áp lòng Ngài và Ngài cũng đang rất cần chúng ta dành cho Ngài hơi ấm của tình thương chia sẻ với tấm lòng quảng đại, nhiệt thành như các mục đồng năm xưa.
Nguyện xin Đấng Emmanuel chúc lành cho những nghĩa cử yêu thương và đón nhận những hy sinh, nhịn nhục, bác ái vị tha của chúng ta dành cho nhau như là món quà dành cho chính Chúa. Và ước mong sao mỗi người chúng ta biết đón nhận nhau như là đón nhận Đấng Emmanuel ở cùng chúng ta, để nhờ đó mà trong ngày sống chúng ta biết trao cho nhau những nghĩa cử ấm áp đầy tình Chúa tình người.
Nt. Maria Trương Thị Hồng Diệp
Trích từ Bản Tin Hiệp Thông Hội dòng Mến Thánh Giá Huế