Tòa Thánh tái khẳng định tầm quan trọng của việc nuôi dưỡng văn hóa hòa bình

Diễn đàn tại Liên Hợp Quốc tái khẳng định cam kết chung trong việc cùng nhau nỗ lực làm việc vì một nền văn hóa hòa bình trên thế giới của chúng ta (Bản quyền 2011 Brett Jorgensen Photography)

Diễn đàn tại Liên Hợp Quốc tái khẳng định cam kết chung trong việc cùng nhau nỗ lực làm việc vì một nền văn hóa hòa bình trên thế giới của chúng ta (Bản quyền 2011 Brett Jorgensen Photography)

Đại diện của Tòa Thánh tại Diễn đàn cấp cao của Liên Hợp Quốc về Văn hóa hòa bình đã tái khẳng định cam kết chung trong việc nỗ lực vì một nền văn hóa hòa bình ở mọi cấp độ của xã hội, những nỗ lực thiết yếu cho các thế hệ hiện tại và tương lai.

Diễn đàn cấp cao về Văn hóa hòa bình với chủ đề “Vun đắp và nuôi dưỡng Văn hóa hòa bình cho các thế hệ hiện tại và tương lai” đã diễn ra hôm thứ Sáu ngày 2 tháng 8 tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York. Cuộc họp đánh dấu kỷ niệm 25 năm Tuyên bố và Chương trình hành động của Liên Hợp Quốc về Văn hóa hòa bình.

Xây dựng dựa trên 25 năm thúc đẩy hòa bình

Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc ở New York đã hoan nghênh việc triệu tập Diễn đàn cấp cao và tái khẳng định cam kết vun đắp và nuôi dưỡng một nền văn hóa hòa bình. Đức Tổng Giám mục Gabriele Caccia cho biết sự kiện này cho phép việc xây dựng dựa trên các lĩnh vực hành động được nêu trong Tuyên bố ban đầu được ban hành cách đây 25 năm, hiện đang cung cấp “nền tảng vững chắc để vun đắp một nền văn hóa hòa bình ở mọi cấp độ của xã hội”.

Thông điệp ‘Pacem in Terris’ ngày nay

Nhắc lại Thông điệp Pacem in Terris’ của Đức Giáo hoàng Gioan XXIII được ban hành cách đây hơn 60 năm về việc thiết lập hòa bình thế giới trong chân lý, công lý, bác ái và tự do, Đức Tổng Giám mục Caccia cho biết “lời kêu gọi thiết lập hòa bình” này vẫn luôn cấp thiết và phù hợp ngày nay nhằm thúc đẩy sự nghiệp hòa bình.

Trân trọng phẩm giá con người

Trong công cuộc xây dựng một nền văn hóa hòa bình, phẩm giá vốn có của mỗi người phải được công nhận, Đức Tổng Giám mục Caccia giải thích. Việc thừa nhận và hành động theo chân lý này về con người là yếu tố cơ bản cho hòa bình, Đức Tổng Giám mục Caccia nhấn mạnh, đồng thời cũng cho biết thêm rằng sự hiểu biết này có thể được truyền tải trong gia đình và thông qua giáo dục khi trẻ em “hiểu được phẩm giá vốn có chung của con người được Thiên Chúa ban cho”. Điều này tiếp tục khi trẻ em phát triển tài năng của mình và chuẩn bị theo đuổi ơn gọi của riêng mình trong cuộc sống.

Dấn thân  công lý và liên đới toàn cầu

Một bước quan trọng khác trong việc theo đuổi hòa bình là thiết lập công lý trong các lĩnh vực xã hội và kinh tế, đặc biệt là bằng cách giải quyết các vấn đề về nghèo đói, nạn đói và bất bình đẳng, Đức Tổng Giám mục Caccia lưu ý.

Kế đến, Đức Tổng Giám mục Caccia chỉ ra rằng cần phải thúc đẩy tinh thần liên đới toàn cầu hóa, vì không phải ai cũng có thể hưởng lợi từ những diễn biến tích cực do toàn cầu hóa mang lại, nơi những người tốt số đã trở thành “những công dân của thế giới” trong khi nhiều người khác trở thành “những công dân của hư không” như được chứng kiến với hiện tượng di cư ngày càng gia tăng.

Tự do cho tất cả mọi người

Cuối cùng, tự do là điều cần thiết cho sự phát triển của con người, đặc biệt là trong lĩnh vực tôn giáo và có thể tự do bày tỏ đức tin, theo đuổi nguyện vọng và tham gia vào xã hội, tất cả những điều này có thể thúc đẩy một nền văn hóa hòa bình vốn có thể mang lại sự thịnh vượng. Đồng thời, Đức Tổng Giám mục Caccia lưu ý, tự do không chỉ đơn thuần là theo đuổi lợi ích cá nhân, mà thay vào đó là “tự do yêu thương và cống hiến bản thân cho người khác nhằm phục vụ công ích”.

Nhắc lại lời của Đức Thánh Cha Phanxicô trong phần kết luận, Đức Tổng Giám mục Caccia cho biết “hòa bình là thành quả của các mối quan hệ vốn công nhận và chào đón người khác trong phẩm giá bất khả xâm phạm của họ cũng như của sự hợp tác và cam kết trong việc hướng đến sự phát triển toàn diện của tất cả các cá nhân và dân tộc”.

Diễn đàn cấp cao về Văn hóa hòa bình bắt nguồn từ cách đây 25 năm trước khi vào ngày 13 tháng 9 năm 1999, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết 53/243 về Tuyên bố và Chương trình hành động về Văn hóa hòa bình. Kể từ đó, Đại hội đồng đã thông qua một nghị quyết hàng năm trong lĩnh vực này nhằm thúc đẩy văn hóa hòa bình và bất bạo động bằng cách nhấn mạnh giá trị lâu dài của nó, mang lại lợi ích cho nhân loại và các thế hệ tương lai.

Thiên Ân (theo Vatican News)

Nguồn:dcctvn.org