Truyện Ngắn: Chuỗi Hạt Và Ánh Mắt Em

Trên bốn chiếc ghế tựa ghép lại thành một chiếc giường tạm bợ, tôi dần chìm vào giấc ngủ sau một đêm trực dài đằng đẵng. Giấc ngủ chưa kịp sâu, bỗng nghe tiếng bước chân vội vã vang lên từ buồng bệnh, xé tan màn đêm yên tĩnh. Âm thanh ấy dội vào tai tôi như một tín hiệu quen thuộc, đánh thức những lo âu tiềm tàng. Theo phản xạ, tôi giật mình thức giấc, chưa kịp hỏi han gì, tôi đã nghe tiếng em sinh viên vọng đến đầy hoảng hốt: “Chị ơi, bệnh nhân giường 302 đang co giật, chảy máu rất nhiều.” Giọng nói run rẩy của cô em sinh viên, dù chỉ trong khoảnh khắc ngắn ngủi, khiến tôi cảm nhận rõ ràng nỗi sợ hãi lấn át.
Những đêm trực, tôi luôn sợ tiếng bước chân gấp gáp vang lên trong sự tĩnh mịch của đêm khuya. Nó gợi lên sự bất an, báo hiệu những điều chẳng lành. Nhớ lại thời còn là sinh viên, tôi từng nghe một anh bác sĩ lành nghề chia sẻ rằng, ở hồi sức cấp cứu, chúng ta chỉ nên đi, đừng nên chạy. “Em có thể đi nhanh, nhưng đừng chạy”, anh nhắc nhở. Thời điểm ấy, tôi chưa đủ trải nghiệm để hiểu hết ý nghĩa sâu xa lời dặn của anh, nhưng giờ đây, qua mỗi ca trực đêm, tôi mới thực sự thấm thía sự khôn ngoan ẩn chứa trong từng lời ấy. Bởi vì, đằng sau tiếng bước chân dồn dập thường là những tình huống nghiêm trọng, mà sự tỉnh táo, bình tĩnh luôn là chìa khóa để xử lý đúng cách.
Lúc ấy đã khoảng 1 giờ 30 sáng. Tôi đứng trước giường bệnh nhân. Cảnh tượng kinh hoàng hiện ra trước mắt: máu vương vãi khắp nơi từ miệng bệnh nhân, vấy ra cả áo, ga giường và nền nhà. Cả căn phòng chìm trong sự hoảng loạn. Các chị điều dưỡng đang hối hả, nhanh chóng đặt canuyn Mayo1 vào miệng bệnh nhân để giữ tư thế an toàn và hút đờm dãi. Bệnh nhân là một chàng trai trẻ, chỉ mới 22 tuổi, vốn khỏe mạnh và thể lực tốt, nhưng không may gặp tai nạn giao thông nghiêm trọng. Em bị ô tô tông phải khi trên đường từ trường về nhà và tài xế đã bỏ trốn. Từ đó, em đã trải qua ba tháng triền miên với nhiều ca phẫu thuật từ chấn thương sọ não, thủng tạng rỗng, đến viêm phúc mạc tại rất nhiều bệnh viện từ tuyến tỉnh lên tuyến trung ương. Những ca phẫu thuật lớn ấy đã biến đổi cơ thể em: một lỗ mở khí quản2 ở cổ để giúp em thở và một hậu môn nhân tạo3 tạm thời. Sau khi được phẫu thuật mở sọ giải áp và phẫu thuật thủng tạng rỗng, đặt hậu môn nhân tạo, mở khí quản, em được chuyển về nằm tại khoa hồi sức tích cực của một bệnh viện khác – nơi tôi gặp em. Em về khoa trong tình trạng viêm phổi, suy kiệt, thở máy ngắt quãng qua lỗ mở khí quản, đại tiện qua hậu môn nhân tạo.
Ở ca trực trước, khi nhận bàn giao, tôi đã hỏi thăm về tình hình của em. Được biết, gia đình em vô cùng khó khăn. Cha em mất vì ung thư gan ba năm trước, anh trai lại dính vào nghiện ngập, và hiện tại, chỉ còn lại mẹ em lặng lẽ chăm sóc em từng ngày. Đêm nay, mẹ em có việc gấp phải về quê, mẹ nhờ một cô giúp việc của bệnh nhân giường bên cạnh chăm sóc em hộ một ngày. Trong cơn co giật đột ngột, cô ấy luống cuống tìm vật gì đó để nhét vào miệng em, lo sợ em cắn phải lưỡi. Nhưng không may, cô ấy lại chọn một chiếc thìa nhựa. Em mất ý thức, răng cắn chặt khiến chiếc thìa gãy đôi, phần cán thìa văng ra đầu giường, một nửa còn lại bị kẹt trong miệng em, tạo nên một tình huống nguy hiểm. Cô giúp việc hoảng loạn, đưa tay vào miệng em để cố gắng lấy mảnh vỡ ra, nhưng cô đâu biết, trong cơn co giật, lưỡi không thè ra và thường tụt nhẹ vào trong, nên nguy cơ bệnh nhân cắn phải lưỡi là rất ít, thường là cắn ở phần bên của lưỡi. Đáng sợ hơn, trong cơn động kinh, răng bệnh nhân sẽ cắn chặt lại, họ có thể cắn vỡ vật, nuốt mảnh vụn vào họng, vô tình thành dị vật đường thở và có thể dẫn đến tử vong. Khi tôi đến, cô giúp việc đang đau điếng, tay bị cắn đến chảy máu, vừa khóc vừa run rẩy vì vừa đau, vừa sợ, sợ bị nhiễm trùng, bị lây nhiễm các bệnh qua đường máu.
Sau khi được cấp cứu co giật, tình trạng của em dần ổn định. Các chỉ số sinh tồn trên màn hình monitor đang trở về bình thường. Cô giúp việc cũng được sơ cứu bàn tay bị thương. Tôi dặn cô uống thuốc giảm đau và kháng sinh, đồng thời hẹn rằng trời sáng sẽ gửi cô đi tiêm uốn ván sau khi đã hỏi tiền sử tiêm phòng của cô. Bệnh nhân cũng được làm các xét nghiệm để kiểm tra các bệnh có thể lây nhiễm qua đường máu, và may mắn thay, kết quả âm tính.
Xong việc, tôi quay trở lại phòng hành chính. Mắt không thể chợp, tôi không ngừng suy nghĩ về em. Khi khám bệnh cho em, tôi để ý thấy trên tay phải của em có đeo một chuỗi tràng hạt, hỏi ra mới biết nhà em cũng theo đạo. Trong lòng tôi thầm nguyện: “Cố lên em, Đức Mẹ nâng đỡ em”.
Buổi trực tiếp theo của tôi sau đó 3 ngày, tôi gặp lại em. Tình trạng của em đã cải thiện hơn, em đã cai thở máy hoàn toàn, em chỉ thở oxy kính qua ống mở khí quản. Khi tôi kiểm tra, em nhìn tôi và gật đầu. Dù không thể nói thành tiếng, em cố gắng thể hiện sự biết ơn. Tôi động viên em:
– Cố lên Nam! Sắp tới là tháng Mân Côi, em cố gắng lần chuỗi nhé. Đức Mẹ sẽ dắt dìu em.
Em chỉ có thể gật đầu trong im lặng. Nhìn tôi với đôi mắt cay xè, ánh mắt em lấp lánh một niềm hy vọng mong manh, như một ngọn lửa nhỏ trong đêm tối không muốn lụi tàn. Sau khi mở khí quản, không khí đi vào phổi qua ống mở khí quản thay vì qua thanh quản và dây thanh âm như người bình thường, vì thế nó làm giảm khả năng tạo ra âm thanh. Dường như em chỉ có thể thều thào mà không thể phát thành âm. Thỉnh thoảng, đôi mắt biết nói của em lại cử động nhẹ nhàng, thể hiện sự kiên cường đáng kinh ngạc, nó không chỉ chứa đựng nỗi đau mà còn là cả một bầu trời ý chí và niềm tin mãnh liệt. Khi không thể thốt ra lời, ánh mắt em là cầu nối – diễn đạt tất cả những gì em không thể nói thành lời. Lúc em gật đầu đồng ý cầu nguyện, cái nhìn ấy trở nên mềm mại, thấm đẫm một niềm tin mãnh liệt vào sự quan phòng của Chúa và Mẹ. Dù chỉ là một cái nhìn thoáng qua, nhưng trong ánh mắt ấy, tôi thấy rõ sự nỗ lực vượt qua cơn đau và sức mạnh đấu tranh để giành lại sự sống của em.
Hôm nay, mẹ bảo em kêu đau vùng hậu môn nhân tạo. Tôi liền hỏi lại em để xác minh rõ hơn, rồi yêu cầu mẹ nâng túi hậu môn lên. Khi kiểm tra, tôi thấy vùng quanh hậu môn nhân tạo sưng đỏ, viêm tấy khiến em đau đến mức nước mắt trào ra. Vì là nơi thải phân ra ngoài, nên em đau mà không làm được gì. Tôi chỉ có thể giảm đau cho em và bảo mẹ liên hệ với bác sĩ đã phẫu thuật mở hậu môn nhân tạo cho em trước đó, hẹn ngày sớm nhất để đóng nó lại, tái lập sự lưu thông qua hậu môn thật. Lúc đó, tôi nhìn em một lần nữa và nói:
– Nam à, chị cho em thuốc giảm đau, hi vọng em sẽ đỡ đau hơn chút. Cố gắng lên em nhé, đừng quên lần chuỗi cầu nguyện. Chị cũng sẽ cầu nguyện cho em từ tận đáy lòng. Nhanh hồi phục để về còn tiếp tục những điều đang dang dở chứ nhỉ.
Em mỉm cười yếu ớt, nụ cười có phần ngượng ngùng, có lẽ là do cơn đau dày vò cùng sự ngại ngùng khi phải nằm trần truồng, chỉ có tấm chăn mỏng phủ qua người. Lại một lần nữa tôi nhìn thấy ánh mắt ấy, ánh mắt của em, dù yếu ớt, vẫn biết “nói” – nói với tôi rằng em không từ bỏ, rằng em còn hy vọng, rằng em đang chiến đấu từng ngày, từng giờ.
Trong ca trực đêm, tôi luôn có thói quen dậy ít nhất 1-2 lần để lướt qua từng buồng bệnh, kiểm tra tình trạng chung của bệnh nhân bằng cách nhìn vào chỉ số sinh tồn trên máy monitor đầu giường của mỗi bệnh nhân. Đôi khi, chỉ số trên máy báo bất thường, nhưng bệnh nhân lại không có dấu hiệu rõ ràng. Cũng là đêm ấy, vào lúc 4 giờ sáng, tôi đi tuần như thường lệ. Không gian bệnh viện chìm trong một sự tĩnh lặng gần như tuyệt đối. Ánh sáng trắng lạnh lẽo từ những chiếc đèn dọc hành lang dài, làm không khí thêm phần cô quạnh. Bước chân tôi nhẹ nhàng, cố gắng không làm xáo trộn cái tĩnh mịch ấy và không để ai phải tỉnh giấc. Đến phòng của Nam, tôi chậm rãi tiến lại gần. Em nằm trong buồng ICU4 – căn phòng luôn sáng ánh đèn, đang im lìm trong sự bình yên tạm thời của màn đêm. Mẹ em co ro trong chiếc chăn mỏng trên chiếc giường gấp ngay cạnh giường bệnh của con. Nhìn Nam, tôi thấy em đang thiu thiu ngủ, đôi mắt em khép hờ có lẽ vì ánh đèn quá sáng, khuôn mặt em trông thư thái hơn nhiều so với những ngày trước. Nhưng điều khiến tôi chú ý nhất chính là bàn tay phải của em – bàn tay vẫn nắm chặt chuỗi Mân Côi. Dù đã chìm vào giấc ngủ, em vẫn giữ chặt chuỗi hạt như thể không muốn buông bỏ, như thể đó là sợi dây kết nối duy nhất giữa em và niềm hy vọng. Khoảng khắc ấy thiêng liêng đến kỳ lạ. Dường như em đang âm thầm cầu nguyện ngay cả trong giấc ngủ. Bàn tay ấy khiến tôi cảm nhận được sức mạnh phi thường của cậu bé da bọc xương, với niềm tin mãnh liệt vào sự bảo hộ của Đức Mẹ. Tôi đứng đó một lúc, lặng lẽ quan sát và lắng nghe nhịp thở đều đặn nhưng không mấy êm ái của em, âm thầm cầu nguyện cùng em. Tôi nhớ lại lời của Chúa Giê- su: “Ở đâu có có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy giữa họ” (Mt 18,20). Và ngay lúc đấy, tôi cảm nhận được sự hiện diện của Chúa bên cạnh chị em tôi. Giống như bác sĩ, thuốc hay máy thở là những công cụ đắc lực chăm sóc cho thân thể em, thì chuỗi Mân Côi lại là một công cụ đắc lực nâng đỡ tinh thần em, giúp em vượt lên trên những vết thương thể xác đang trĩu nặng.
Hôm sau, em được chuyển lại qua bệnh viện Việt Đức để đóng hậu môn nhân tạo. Việc này giúp em đỡ đau đớn hơn và giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng. Sau khi phẫu thuật, em quay lại khoa hồi sức tích cực tiếp tục được chăm sóc để chuẩn bị cho việc rút ống mở khí quản, để dần trở lại cuộc sống bình thường.
Em, đã trải qua bao nhiêu đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần. Mẹ em kể rằng từ khi gặp nạn, em đã sụt đến 15 kg. Từ một chàng trai cao lớn, mạnh mẽ, nặng 65 kg với chiều cao 1m75, giờ đây em chỉ còn là cái bóng gầy gò, tiều tụy, chỉ còn da bọc xương. Nhưng ý chí của em vẫn vững vàng. Mỗi tuần tôi gặp em hai lần, suốt ba tháng trường kỳ. Cuối cùng, sau bao nỗ lực, em đã được tháo hết các dụng cụ y khoa, rút ống mở khí quản và được xuất viện, trở về nhà sau nửa năm gặp nạn. Ngày xuất viện, em nhìn tôi với nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt gầy guộc, đen nhưng duyên, đôi mắt lấp lánh niềm vui:
– Cảm ơn chị, chưa bao giờ em lần chuỗi nhiều như lần này.
Tôi nhìn em, nở nụ cười:
– Chị cũng thế, Nam à. Chưa bao giờ chị cầu nguyện liên lỉ như lần này.
Cả hai chúng tôi cùng mỉm cười, trao nhau một cái ôm. Cái ôm nồng ấm ấy như lời chúc phúc cuối cùng trước khi em rời bệnh viện. Một cái ôm đầy cảm xúc, chứa đựng tất cả những gì chúng tôi đã cùng trải qua – đau đớn, hy vọng, và sự kết nối kì diệu của đức tin. Một cái ôm của những người có đạo với nhau, ở những nơi như bệnh viện, là một cái ôm tôi nghĩ rất quý báu và thân thương. Nó không chỉ là sự chia sẻ về mặt thể xác mà còn là sự kết nối tâm hồn – của tôi với em, và cả hai chúng tôi với Chúa.

Tôi dõi theo bóng dáng hai mẹ con dần khuất, trong lòng trào dâng một niềm biết ơn sâu thẳm. Biết ơn Chúa vì những điều tưởng chừng nhỏ bé, nhưng lại vô cùng phi thường mà Ngài đã gửi đến qua câu chuyện của Nam. Ngài cho tôi gặp gỡ những con người yếu đuối để tôi nhận ra sức mạnh tiềm ẩn bên trong họ. Ngài đặt trước tôi những tâm hồn khổ đau, để tôi thêm trân quý những điều bình dị mà mình đang có. Ngài cho tôi thấy những người biết phó thác vào bàn tay Chúa, để tôi nhìn lại sự khô khan trong đức tin của chính mình. Và qua những thân phận ốm yếu, tôi hiểu được giá trị của sức khỏe và thấy mình thật may mắn khi còn được sống, được khỏe mạnh.
Và tôi biết, chưa tháng 10 nào tôi lần chuỗi nhiều như tháng 10 năm ấy.
Chú thích:
1. Canuyn Mayo: là một dụng cụ y tế được sử dụng để duy trì sự thông thoáng đường thở của bệnh nhân.
2. Mở khí quản là một đường thông khí tạm thời để đưa không khí vào thẳng khí quản mà không qua đường mũi họng, giúp duy trì đường hô hấp.
3. Hậu môn nhân tạo: là một lỗ mở trên thành bụng để đưa phần cuối của đại tràng ra ngoài, thông qua lỗ mở này, phân sẽ được đưa ra khỏi cơ thể vào một túi đặc biệt gắn ở bên ngoài thành bụng.
4. ICU là viết tắt của cụm từ Intensive Care Unit – là đơn vị chăm sóc tích cực những bệnh nhân cần được theo dõi, chăm sóc đặc biệt nhằm hỗ trợ và duy trì sự sống cho người bệnh nguy kịch hoặc đang có các chấn thương nghiêm trọng, nguy hiểm đến tính mạng.

Linh Mary

(Bạn đọc viết)