- Số thằng này khổ thật đấy.
- Ừm. Nghĩ tội hắn.
- Cái số hắn khổ. Biết sao giờ…
Lẳng lặng nằm nghe tiếng mấy bà đi nhặt cá ngoài bãi biển. Nó không biết đây đã là ngày thứ bao nhiêu nó ngồi đợi ông ngoại dưới cây Thánh Giá này. Cây Thánh Giá, trên đỉnh có một ngọn đèn màu đỏ rực sáng được dựng trên bãi cát dài ngoằng của làng chài ven biển. Người ta gọi cây Thánh Giá này là ngọn hải đăng. Người dân cái làng chài đầy gió và cát này chẳng ai là không biết nó. Người ta hay chép miệng tiếc thương cho số phận nó. Kể cũng đúng. Ở cái làng chài này đâu có ai như nó. Mẹ thì bỏ nó theo chồng mới. Ông bà chỉ có mỗi hai đứa con. Hai năm trước cậu nó thì thầm gì đó với ông bà rồi xách ba lô đi biệt tăm đến giờ này. Ông ngoại nó đi biển đánh cá cả tháng nay chưa thấy tăm hơi. Người ta bảo ngoại nó mất rồi. Mất trên biển còn chả tìm được xác. Nó thì không nghĩ vậy. Nó bảo với bà ngoại:
- Chắc ông đi đảo. Mấy nay bão, mưa gió quá ông chưa về.
Nói vậy rồi sáng nào nó cũng chạy ra bãi cát này ngồi đợi. Nó đợi chuyến tàu đêm trở về khi bình minh vừa ló rạng. Nó đợi tiếng ông ngoại gọi nó ra phụ ông kéo thuyền, ra nhặt mấy chú cá con về bà nấu. Có hôm đợi đến cả ngủ quên dưới chân ông Thánh Phê-rô đến nỗi bà ngoại nó phải chạy ra gọi về.
- Hổ. Về ăn cơm
Tiếng ngoại gọi chắc cả xóm nghe thấy. Mỗi lần ngoại gọi là nó chỉ muốn mình bị điếc, đừng nghe thấy. Nghĩ cũng lạ. Nó biết thằng Quân hàng xóm hơi khó nghe từ nhỏ thì khổ lắm mà đôi khi nó lại mong thà mình đừng nghe thấy có phải hơn không.
- Hổ ơi! Về ăn cơm!
- Dạ.
Lật đật phủi vội đống cát dính nơi quần áo, nó chạy ù về nhà. Ngoại dọn mâm cơm nhỏ nơi góc bếp còn hiu hiu lửa.
Mâm cơm với bát cà, đôi ba con cá, bát canh rau muống là đã đủ ấm cúng với nó và bà. Nó năm nay cũng 10 tuổi rồi. Cái tuổi này của nó mấy đứa hàng xóm đã đi học hết rồi. Nó ở với ông bà. Nó cũng chẳng biết vì sao ông bà lại nuôi nó. Ngoại chẳng biết chữ, chẳng biết dùng điện thoại, cũng chẳng biết để chỉ cho nó học. Mà nó làm gì được đi học đâu. Nó biết, ông bà ngoại nuôi nó thôi đã đủ vất vả lắm rồi, sức đâu cho nó đi học. Tính ra ở cái làng chài này, ông bà ngoại nó là ít con nhất. Nhà đã ít con, giờ còn hoang vắng hơn khi cậu nó chẳng bao giờ thấy về còn mẹ nó thì…..
- Ăn cơm đi. Nghĩ chi đó cháu.
- Dạ!
- Lại ngẩn ra gì không biết. Ăn cơm tí mà đi lễ Thiếu Nhi. Bữa nay Chúa Nhật đổi lịch lễ rồi đó.
- Dạ!
Đằng sau những câu nói của bà nó chỉ biết “Dạ”. Nó đâu biết nói gì hơn. Nó chỉ sợ nói đến những chuyện không vui bà lại buồn nên chỉ đành im lặng. Nó biết bà không nói nhưng bà buồn lắm. Những đêm vô tình thức giấc thấy bà lặng lẽ ngồi nhìn ra cửa. Nó biết bà chờ ông, chờ cả những đứa con của bà nhưng bà vẫn chỉ im lặng chẳng nói. Nước mắt chắc cũng đã cạn chẳng rơi nổi nữa rồi. Cũng phải thôi, chị Hoa hàng xóm, chồng chị ấy cũng đi với ông trên chuyến tàu đánh cá đó đến bây giờ cũng chưa về. Nhà chị ấy còn tận 5 đứa nhỏ. Bà nói chị ấy còn vất vả hơn cả bà. Thi thoảng bà vẫn qua, trông hộ đứa út nhà chị cho chị đi làm. Cả một đám nheo nhóc, lấm lem. Bà bảo anh chị ấy giống ông bà ngày xưa. Vất vả, lam lũ cả một đời. Ông hứa sau mẻ cá này sẽ mua cho nó cuốn tập và cây bút chì để qua học lớp tình thương của giáo xứ, học cho biết chữ, biết đọc. Vậy mà….
Từ ngày ông ra biển, bữa cơm của nó với bà chẳng còn đúng giờ giấc. Ăn vội bát cơm với miếng cá, quả cà, nó vội dọn dẹp giúp bà rồi soạn đi lễ. Bộ đồng phục Thiếu Nhi với chiếc khăn màu xanh dương cha xứ mới tặng nó tuần trước còn mới tinh treo trên giá. Nhìn chiếc áo nó lại nhớ ông. Nó chỉ mong ông về nhìn thấy nó mặc đồng phục này đi lễ. Thật đẹp!
“Và một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước. Trong khi đó, Đức Giê-su đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao? “ Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi! ” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ.”
Lẳng lặng nhìn lên Thánh Giá trên cung thánh, nó lặng thinh. Cha xứ giảng nó còn chẳng nghe lọt được chữ nào. Lời Chúa hôm nay lại như xoáy vào nỗi lo lắng của thằng nhóc như nó. Không biết giờ này ông ra sao. Ông có chuyện gì nó với bà biết bám víu vào ai. Hôm nay nó còn đưa cả thằng út nhà chị Hoa đi lễ. Thằng bé còn nhỏ, hồn nhiên vô tư cười. Nó chắc chỉ nghĩ bố nó đi xa rồi sẽ về. Phải thôi! Chính nó cũng mong vậy! Nó cũng mong một ngày đẹp trời ông sẽ về! Ông sẽ đưa nó ra thuyền thúng câu chú mực nhỏ, đưa nó theo trên chiếc xe bò đi nhặt cá. Rồi ông sẽ về…
Chiều nay sau lễ trời trở gió. Gió ở cái làng chài nhỏ này buổi chiều vốn đã mạnh, nay lại thổi ù ù rát cả mặt nó. Vừa bước vào cổng, một mùi thơm từ trong nhà bay xộc vào mũi nó.
- “Chiều nay bà đi giúp họ phơi cá. Chắc lại được người ta cho gì đây.” Nó nghĩ bụng
Chạy vèo vào nhà nó vội vàng nói:
- Bà ơi để cháu làm cho. Bà nghỉ đi!
Khói nghi ngút nơi chòi bếp nhỏ. Bóng dáng ai lờ mờ chẳng phải bà. Nó vội vàng lùi lại đằng sau…
- Ai đó?
- Bà con đâu rồi ạ?
Bóng dáng người phụ nữ bước ra từ chòi bếp. Nó lờ mờ nhận ra. Không lẽ….
- Suỵt! Nói nhỏ thôi. Bà đang ngủ. Bà mới đi làm về. Gì mà nói to rứa không biết.
Nó lặng người. Bần thần không biết do vui sướng hay lạ lẫm. Năm năm rồi nó chẳng nhìn thấy mẹ. Cũng năm năm đó nó đã dần quên đi hình dáng mẹ. Mẹ bỏ nó đi từ hồi nó còn bé tí. Mười tuổi đầu Nó cứ nghĩ mẹ bỏ nó rồi, chẳng quay lại nữa.
- Gì mà đứng ngẩn ra vậy? Mẹ về không thích à? Lên thay đồ đi rồi gọi bà ăn cơm!
Giọt nước mắt nóng hổi rơi trên gò má nó từ lúc nào. Cứ nghĩ chắc mẹ sẽ chẳng bao giờ quay lại, sẽ chẳng bao giờ gọi tên nó, sẽ chẳng nhìn nó thêm một lần nào. Ngày ông không thấy về người ta gọi cho mẹ cũng chẳng thấy mẹ nó về. Giờ mẹ nó đứng đây bảo sao nó tin được.
- Lên mời bà xuống ăn cơm đi! Ơ! Đứng ngẩn ra vậy?
- Con trai lớn tướng rồi khóc gì không biết! Đi nhanh!
Chạy lên nhà nó lay nhẹ bà còn đang ngủ, khẽ gọi bà xuống ăn cơm. Thay vội bộ đồng phục Thiếu Nhi treo lên cái đinh đóng nơi góc nó chạy ù xuống bếp.
- Đi từ từ! Ai ăn mất phần đâu? Lớn rồi mà ngẩn ngơ vậy không biết!
Nó cười to thành tiếng. Kể cả bị mắng vẫn cười. Mấy năm nay luôn muốn nghe tiếng càm ràm của mẹ nhưng không có. Giờ được nghe, được ăn cơm mẹ nấu nó vui biết dường nào!
- Ăn đi cháu! Bà có mua cho cuốn tập cũ của thằng Sơn, cháu dùng tạm rồi qua học lớp nhà xứ.
- Dạ! Mà bà lấy tiền đâu ra mà mua?
- Chiều nay bà đi nhặt cá cho nhà bà Hiên, bà Hiên nói cho cuốn tập cũ của thằng Sơn mà bà trả tiền mua lại đó. Ráng mà học cho biết chữ sau này về đọc cho bà nghe.
Nó liếc mắt nhìn sang mẹ. Mâm cơm ba người nhưng chỉ có hai người đối thoại. Mẹ nó chẳng nói gì. Cứ im lặng. Bà cũng không nói gì với mẹ nên nó cũng chẳng dám. Nó vui vì mẹ về nhưng nó cũng sợ bà buồn.
- Ăn cơm đi! Cả con nữa! Ăn đi cho thằng Hổ ăn cơm!
Dọn dẹp sau bữa cơm tối, nó cùng bà đọc kinh. Mẹ ra ngồi ngoài hiên nơi chiếc chõng tre nhỏ ông vẫn hay nằm. Nó cũng chẳng biết vì sao mẹ không đọc kinh tối với nó và bà, nhưng nó cũng không dám hỏi. Lẳng lặng nhìn cây Thánh Giá cũ kĩ trên bàn thờ gỗ mục nát đôi chỗ, nó thầm thì:
- Chúa cho ông con bình an về nhé! Với cả cho bà con khỏe mạnh. Mà con không biết tại sao mẹ con không đọc kinh. Chúa tha cho mẹ lần này nha Chúa!
Đêm nay nó ngủ với mẹ trên chiếc chõng tre nhỏ ông vẫn hay nằm với nó. Mấy cái chõng tre trong nhà chắc cũng nhớ ông như nó. Ông đi lâu quá. Mẹ về rồi.
Tiếng gió rít qua khe cửa. Gió mùa này vừa lớn lại vừa mạnh. Tiếng phi lao rì rào như tiếng thì thầm của gió. Lá bàng khô ngoài sân kêu xào xạc theo làn gió cuốn bay. Đêm tĩnh mịch như đem lòng người nặng trĩu gói lại thành nỗi niềm. Nó lẳng lặng nghe tiếng thở dài của mẹ, tiếng kẽo kẹt của tiếng chõng khi bà đang trở mình. Nó biết cả mẹ và bà đều đang khó ngủ. Nằm cạnh bên mẹ nó còn chẳng dám cựa mình. Cũng đủ lớn nên ngủ với mẹ chẳng quen. Nó thèm cảm giác ngủ với ông, nghe ông kể chuyện đi tàu, kể chuyện ngày xưa, nói cho nó nghe truyện Kinh Thánh mà ông từng được nghe kể để ngủ quên lúc nào không biết. Đêm tĩnh mịch làm nỗi nhớ càng nhiều thêm. Nó dặn lòng mình phải đi ngủ, biết đâu ngày mai ông sẽ về.
Mấy hôm nay nó không còn theo bà đi nhặt cá. Sáng sớm nó vẫn ra ngồi nơi “ngọn hải đăng” chờ tin ông, thầm thì cầu nguyện với Chúa trên “ngọn hải đăng”, thỉnh thoảng giúp mấy bác gom cá và lưới, được cho thêm mấy chú cá nhỏ. Chiều chiều lại lên nhà thờ học chữ. Mẹ vẫn nấu cơm cho nó hằng ngày. Chiều chiều mẹ lại đạp xe đưa bà đi nhặt cá sau đó về nhà. Cả tuần nay mẹ với bà cũng chẳng nói với nhau mấy câu. Ngày lại ngày cứ bình yên như thế nhưng nó không biết rằng đó là giây phút bình yên trước bão tố……..
Hôm nay trên đường đi học về nhà, nó nghe tiếng người ta xì xào gì đó. Ở cái xóm chài nhỏ này tiếng nói chuyện xen lẫn tiếng gió thổi cứ rì rào, nghe tiếng như rặng phi lao rung trước gió vậy, phải đứng gần nhau lắm mới nghe rõ. “Chắc trong xóm lại có chuyện gì đây.” Nó thầm nghĩ. Thằng Quân hớt ha hớt hải chạy ra trước mặt nó, mặt đỏ au, thở hồng hộc như sắp đứt hơi ra vậy đó.
- Mày về nhanh……… Ông mày về rồi……… Mà về nhanh…… Nhà mày có chuyện….
- Mày nói gì? Nói chậm thôi. Tao không nghe gì hết.
- V………ề………n………h……..a…….n……..h……..V….ề……đ…..i…….r….ồ…..i…….b…..i…..ế……t……..
Tiếng thằng Quân ngắt quãng khiến nó không nghe lọt một chữ nào. Đầu óc trống rỗng, nó chạy vội về nhà. Trong đầu nó bây giờ chỉ đầy gợn sóng, làm gì còn thời gian mà suy nghĩ.
Trước nhà, người trong làng tụ tập đứng hết ra tận gốc cây bàng trước ngõ. Nó bàng hoàng. Tận sáng nay trước ngọn hải đăng nó còn cầu nguyện để Chúa đưa ông về. Không lẽ Chúa từ chối nó…
- Cho con vào với – Nó hét lớn để thu hút sự chú ý của đám đông.
Đám đông tản ra. Trước mắt nó là người ông ngày đêm nó mong nhớ. Nhưng nay ông lạ quá. Tóc rối xù, mặt đầy râu ria, ánh mắt nhìn nó cũng chẳng còn vui như ngày trước. Ông ngồi trên chõng tre ngoài hiên thường ngày nó với bà vẫn ngồi. Nó thất thần một phút. Chúa đưa ông về với nó thật rồi. Ông về với nó thật rồi.
Nó chạy lại ôm chầm lấy ông, nó muốn hít hà cái mùi muối biển mặn chát trên người ông. Nó muốn sà vào người ông để ông xoa đầu nó như ngày trước. Nó muốn nắm lấy bàn tay thô sần vì kéo lưới của ông; muốn sờ vết sẹo dài sau lưng của ông.
- Ông ơi. Sao ông lâu về vậy? Con nhớ ông quá! Con cứ sợ Chúa đem ông đi mất.
Tất cả nỗi nhớ bấy lâu của nó òa vào tiếng khóc nức nở. Niềm nhớ thương bất chợt ngưng đọng như giọt nước mắt dừng ngang trước hốc mắt.
Hình như thiếu cái gì đó.
Nó đưa tay sờ nắn ống quần cũ kĩ của ông.
Trống rỗng……
Nó thất thần!
Nó ngước đôi mắt đang giàn giụa nước lên nhìn ông. Gương mặt ấy khắc thêm vài nét khắc khổ, khắc thêm dăm ba nếp nhăn của sóng biển và đôi mắt đọng nước.
- Vào nhà thay quần áo đi. Tí ông vào- Giọng ông đượm buồn.
Nó len lén lau nước mắt vội bước vào nhà. Vừa cúi đầu vừa bước, nó vấp phải một thân hình cao lớn. Sững người! Ngước mắt lên nhìn! Không lẽ…..
Nhìn người đàn ông lạ lẫm trước mắt, nó ngờ ngợ. Mẹ nép mình nơi góc căn nhà. Mọi thứ dường như quá u ám, đượm buồn.
- “Ngồi đi. Cả hai đứa.” Bà ngoại vừa cất tiếng nói vừa đưa ông vào nhà
- Ngồi xuống. Tao nghe chúng bây nói đây.
- Con sang đưa vợ con về. Nhà 3 đứa nheo nhóc mà dám bỏ về nhà với thằng oắt này. Láo thật.
- Ăn nói cho đàng hoàng. Ở trước mặt con, dù không phải con anh, anh cũng phải tôn trọng nó.
- Không lẽ định đưa nó về nuôi?
- Thì sao? Anh cấm được à? Tôi sẽ nuôi nó và cho cả 3 đứa kia rửa tội.
- Dám!
- Hai đứa bây có thôi đi không. Bây không nghĩ cho thân già này thì thôi, bay cũng phải nghĩ cho thằng Hổ, cho bố bây chớ. Coi coi, bố mới về, chân tay thì như kia. Hai đứa bây muốn làm gì?
Xoảng…
Tiếng vỡ tan tành của chiếc cốc thủy tinh trên bàn bay xuống. Nó sợ hãi co rúm vào một góc nhà. Mặt ông ngoại đỏ au lên vì giận dữ. Ông quát:
- Cút về hết. Tao nuôi!
Đêm! Tiếng gió vẫn thổi rì rào trên ngọn phi lao ngoài bãi. Lá bàng khô vẫn theo những ngọn gió bay tít lên cao rồi xoay vòng. Đêm nay ông ôm nó ngủ. Nó không dám mở miệng hỏi ông về cái chân, cũng chẳng dám hỏi ông về mẹ. Có vẻ cơn đau vẫn đang dày vò đôi chân của ông. Ông khẽ cựa mình, quay mặt vào bức tường lạnh kể cho nó nghe.
- Chân ông bị cái xiếm làm rách rồi nhiễm trùng. May sao tìm được cái làng chài Công Giáo, thấy Thánh Giá trên bờ biển như làng ta rồi vào. Họ đưa đi viện cắt mới sống được.
Nước mắt nó ướt đẫm cả gối. Nó thương ông. Giá như không có nó ông đã không phải vất vả, khốn cực đến vậy. Không có nó mẹ cũng đã không cần phải thế kia. Mấy đứa em đến cả mặt nó cũng chưa biết cũng không cần phải khóc đòi mẹ. Không có nó mọi thứ chắc sẽ không đi vào ngõ cụt. Không có nó, mọi thứ phải chăng sẽ tốt đẹp hơn. Bất giác, nó nghĩ về “ngọn hải đăng” trên bãi cát xa xa.
…
“Kính thưa quý ông bà anh chị em. Ngày hôm nay là một ngày vui. Đáng lẽ ra con phải kể những câu chuyện vui, những bài giảng thật ý nghĩa. Nhưng thưa quý ông bà anh chị em. Cuộc đời mỗi chúng ta sẽ có những lúc rơi vào tăm tối của số phận. Nếu cứ cúi đầu, vòng vo mãi trong cái bóng tối u uất ấy mà không chịu ngước mắt nhìn lên ta sẽ mãi chẳng nhận ra “ngọn hải đăng” được thắp lên bởi hồng ân Chúa. Ta sẽ chẳng bao giờ nhận ra hồng ân ấy lớn lao đến dường nào. Hôm nay cũng bởi hồng ân Chúa, con và người cậu già tóc đã ngả hai màu của con được về đây dâng Thánh Lễ tạ ơn hồng ân Thánh Hiến này. Ngoại đã chẳng chờ được giây phút nhìn con bước lên Bàn Thánh, đám thằng Quân, thằng Sơn cũng con đàn cháu đống rồi. Xuất phát điểm của con chậm hơn những anh em đồng trang lứa, cũng chẳng có tài cán gì. Chỉ hạnh phúc khi về lại xóm chài nhỏ, ngọn hải đăng kia vẫn còn thắp sáng, đời sống của quý ông bà anh chị em đã khang trang hơn nhiều. Thật tài tình bàn tay của Chúa…”
Dưới nhà thờ một tiếng nấc nghẹn khẽ run lên. Một vài người lén lau đi giọt nước mắt. Đã từng có thời người ta tiếc thay cho số phận của thắng Hổ. Nhưng giờ đây ai cũng đã tìm được con đường riêng, nhờ “ngọn hải đăng” riêng của mình.
Vị linh mục nhìn xuống bàn dành riêng cho thân phụ. Người phụ nữ mái tóc hoa râm đang ngồi lau vội giọt nước mắt, đằng sau là người đàn ông ngấn lệ và 3 đứa em. Nụ cười hạnh phúc chợt nở trên môi…
(Trích trong Tuyển tập truyện ngắn “Vệt Nắng” – Tác phẩm đạt giả Nhì cuộc thi “Văn Hóa Nghệ Thuật Đất Mới” 2022- 2024 do Giáo phận Xuân Lộc tổ chức)
Maria Dương Thị Quỳnh
Thanh tuyển Dòng Mến Thánh Giá Huế