Là một nữ tu người Việt đang sống và phục vụ tại một vùng truyền giáo ở Nam Mỹ, tôi có cơ hội tiếp xúc với những mô hình giáo lý rất khác so với mô hình quen thuộc tại quê nhà. Chính sự khác biệt ấy đã gợi lên trong tôi nhiều suy nghĩ và mong muốn chia sẻ lại với cộng đoàn Việt Nam, như một cách nối kết, làm giàu kinh nghiệm và suy tư về hành trình đào tạo đức tin cho thế hệ trẻ hôm nay.
I. Trường Giáo Lý – Mô hình quen thuộc tại Việt Nam
Nhắc tới “Trường Giáo Lý” thì gần như người Công Giáo nào cũng hiểu đó là chương trình dạy giáo lý hàng tuần dành cho thiếu nhi. Chương trình này được chia thành các giai đoạn từ Khai Tâm, Rước Lễ, Thêm Sức, và Bao Đồng. Theo thời gian, cách gọi có thể thay đổi, nhưng nhìn chung các giai đoạn giáo lý này diễn ra gần như song song với chương trình học tại trường phổ thông. Tùy theo từng giáo xứ, giáo phận mà chương trình giáo lý này có thể diễn ra vào sáng hoặc chiều Chúa Nhật, một số nơi tổ chức vào ngày thứ Bảy, hoặc một số lớp học vào khung thời gian khác trong tuần.
Thông thường, Trường Giáo Lý tại Việt Nam sẽ có cha phụ trách thiếu nhi, ban huynh trưởng (hoặc Giáo lý viên) với sự cộng tác của các tu sĩ, và ban phụ huynh trong vai trò hỗ trợ và đồng hành cùng việc học của con em mình. Các em đi học giáo lý sẽ có thánh lễ dành cho thiếu nhi, bài giảng đặc biệt, và do ca đoàn thiếu nhi phụ trách thánh nhạc.
Với người Công Giáo Việt Nam, mô hình “Trường Giáo Lý” như vậy là điều rất quen thuộc, và dễ có cảm giác rằng ở đâu có người Công Giáo thì ở đó cũng có mô hình tương tự.
II. Một mô hình khác tại Nam Mỹ sau Công Đồng Vatican II
Từ sau Công đồng Vatican II, Hội đồng Giám mục Châu Mỹ Latin (CELAM) đã có nhiều sáng kiến cải cách việc dạy giáo lý tại châu lục này. Đặc biệt, Hội nghị Quốc tế về Giáo lý tại Medellín năm 1968 đã đưa ra những định hướng mục tiêu cho việc dạy và học giáo lý: Công lý, Hòa bình, Gia đình, Nhân khẩu học hướng đến loan báo Tin Mừng, Giáo dục khai phóng, Giới trẻ, và Ưu tiên người nghèo.
Tại Nam Mỹ, trẻ em cũng học giáo lý theo giai đoạn. Giai đoạn chuẩn bị rước lễ lần đầu kéo dài từ một đến hai năm, tuỳ theo giáo xứ hoặc trường học (trường dòng). Khi đến tuổi 14–16, các em bước vào giai đoạn chuẩn bị lãnh nhận bí tích Thêm Sức, cũng qua thời gian học từ một đến hai năm.
Năm 1977, những chương trình giáo lý chú trọng đến vai trò của gia đình dần hình thành. Một hình thức mới xuất hiện: Giáo lý Gia đình (Catequesis Familiar), khởi đầu từ Peru, trong đó cha mẹ chính là người trực tiếp dạy giáo lý cho con cái, còn giáo lý viên đóng vai trò hỗ trợ và hướng dẫn.
III. Giáo lý Gia đình – Từ bàn tiệc Thánh Thể đến bàn cơm gia đình
Giáo lý Gia đình có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức, nhưng cốt lõi là sự tham gia tích cực của cha mẹ cùng với giáo lý viên tạo nên một môi trường đức tin thống nhất tại lớp học và trong chính gia đình.
Ví dụ, với đề tài “Thiên Chúa – Đấng quy tụ và ở giữa gia đình ta”, cha mẹ sẽ kể cho con cái nghe câu chuyện gặp gỡ và yêu thương của họ, những kỷ niệm, những thăng trầm trong đời sống hôn nhân, và những giây phút họ cảm nghiệm được Thiên Chúa hiện diện. Một gia đình di dân đã chia sẻ với con cái lý do họ quyết định rời bỏ quê hương giữa bối cảnh bất ổn, với hy vọng một tương lai tốt đẹp hơn, dù ra đi với hai bàn tay trắng.
Với đề tài “Phép Rửa”, sau giờ học riêng của bố mẹ và con cái, cả hai nhóm gặp lại nhau để bố mẹ kể lại kỷ niệm ngày con được rửa tội, giải thích ý nghĩa tên gọi của con. (Ở Nam Mỹ, tên thường được đặt theo tên thánh nên không có khái niệm “tên thánh” như ở Việt Nam.)
Hay như đề tài “Thánh lễ”, không chỉ dừng lại ở việc giải thích trình tự phụng vụ, mà còn là cơ hội giúp các gia đình nhận ra bàn cơm gia đình cũng là một hình ảnh của bàn tiệc Thánh Thể: “Thiên Chúa ở đâu nơi bàn cơm gia đình tôi?” – một câu hỏi vang vọng giữa nhịp sống hiện đại bận rộn, khi những bữa cơm gia đình ngày càng hiếm hoi và thiếu vắng sự hiện diện đầy đủ của các thành viên.
Anh Juan, một phụ huynh tham gia chương trình Giáo lý Gia đình tại trường của các sơ dòng Nữ Tỳ Thánh Tâm Chúa Giêsu, sau một năm đồng hành cùng con gái trong hành trình chuẩn bị lãnh nhận bí tích Xưng tội và Rước lễ lần đầu, đã chia sẻ: “Tôi đã có cơ hội được đồng hành cùng con trong hành trình đức tin, được nghe con chia sẻ cảm xúc, cảm nghiệm của con về gia đình như món quà Thiên Chúa ban; và tôi nghĩ đây là cơ hội quý giá không phải lúc nào cũng có được.”
Sơ Ana, ACI – người chịu trách nhiệm chính cho chương trình – chia sẻ trong buổi họp đầu tiên của phụ huynh rằng, chính sơ cũng lớn lên từ mô hình giáo lý này, và chính kinh nghiệm đó giúp sơ xác tín vào môi trường đức tin mà gia đình và nhà trường cùng kiến tạo, nơi sơ đã cảm nếm được tình yêu Thiên Chúa ngay từ thuở nhỏ.
IV. Một vài suy tư…
Trong lúc chia sẻ về cách dạy giáo lý tại Nam Mỹ, tôi cũng có dịp chia sẻ về mô hình tại Việt Nam. Và một câu hỏi được đặt ra: Học giáo lý trung bình 2–4 năm cho một bí tích, liệu có quá ít cho một hành trình đời người dài đằng đẵng? Nhưng nếu học 7–12 năm, liệu đã đủ để vững vàng trong đời sống đức tin?
Tuỳ vào bối cảnh xã hội, văn hóa, điều kiện mục vụ, cách dạy và học giáo lý sẽ khác nhau. Nhưng điều quan trọng không nằm ở 2 hay 12 năm, mà ở chỗ: đức tin cần được nuôi dưỡng. “Hạt giống gieo trên đất tốt, thì lớn lên và sinh hoa kết trái…” (Mc 4,20). Hạt giống đức tin cần được vun trồng, tưới tắm, ánh sáng, và cả sự cắt tỉa – như một tiến trình không ngừng nghỉ. Đức tin không phải là điểm đến, mà là hành trình sống động.
V. Kết luận
Giữa những khác biệt văn hóa và mô hình giáo lý, điều đáng quý là sự tìm kiếm không ngừng để làm cho đức tin trở nên sống động, gần gũi và có nền tảng từ gia đình. Dù là giáo lý tại nhà thờ hay tại bàn cơm gia đình, thì mục tiêu vẫn là gieo và dưỡng nuôi đức tin trưởng thành.
“Người ta không thể cho đi điều mình không có. Gia đình không thể thông truyền đức tin nếu chính họ không sống đức tin.” (Đức Thánh Cha Phanxicô, Amoris Laetitia, số 259)
Ước gì, mỗi gia đình – mỗi “Hội Thánh tại gia” – có thể trở thành nơi đầu tiên và bền bỉ nhất cho hành trình đức tin của con trẻ.
Vi, ACI
Nguồn: dongten.net