1. DẪN NHẬP
Thế giới con người đang sống hiện nay vẫn đang phải đối diện với rất nhiều nỗi đau khổ: nghèo đói, chiến tranh, thiên tai, bạo lực, phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, vv….. Tất cả những điều đó đang làm cho nhiều người đánh mất niềm hy vọng và bị mắc kẹt trong vòng xoáy của đau khổ và tội lỗi. Tại sao lại có những đau khổ đó? Người tín hữu Công giáo tin rằng, bởi vì con người đã bị thương tổn do tội nguyên tổ gây ra và có chiều hướng nghiêng chiều về những dục vọng của mình. Vì thế, con người dễ dàng phạm tội và chối bỏ sự hiện diện của Thiên Chúa từ đó gây ra đau khổ cho nhau. Người Kitô hữu tin Chúa Giêsu chính là niềm hy vọng giúp cho mỗi người sống bình an và hạnh phúc trong thế giới. Năm 2025 là Năm thánh trong Giáo hội Công Giáo (GHCG) với chủ đề: Những người lữ hành hy vọng. Một lần nữa, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh với người Kitô hữu về việc sống niềm hy vọng và trở nên chứng nhân niềm hy vọng Kitô giáo cho mọi người. Trong bài viết này, người viết muốn gửi đến cho người đọc một số cái nhìn về giá trị của nhân đức hy vọng trong GHCG, dựa trên sách Giáo lý Hội thánh Công giáo (GLHTCG), các sách Tin Mừng và một số tài liệu tham khảo với ước mong, mỗi người có thể sống bình an trong mọi hoàn cảnh và nhận ra được ý nghĩa đích thực của cuộc đời mình.
2. NỘI DUNG
2.1. Khái niệm đức hy vọng
Trong GHCG, đức hy vọng là một từ khác của nhân đức cậy. Trong nguyên bản tiếng Latinh, tên của nó là spes, nhưng trong ngôn ngữ thông thường, danh từ ấy được dịch là “hy vọng”. Trong Kinh Thánh, từ ngữ “đức tin” và “hy vọng” có thể hoán chuyển cho nhau và đôi khi là tương đương nhau (x. Dt 10,23; 1 Pr 3,15; Spe Slavi 2[1]). Bộ ba nhân đức đối thần “tin, cậy, mến” cũng gắn bó mật thiết với nhau như trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, thánh Phaolô đã viết: “đức mến tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả” (1Cr 13,7).
Sách GLHTCG, số 1817 định nghĩa khái niệm về nhân đức cậy: “Đức cậy là nhân đức đối thần, nhờ đó chúng ta khao khát Nước Trời và đời sống vĩnh cửu là vinh phúc của chúng ta, khi đặt lòng tin tưởng của chúng ta vào các lời hứa của Đức Kitô và cậy dựa vào sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, chứ không dựa vào sức mạnh của chúng ta”. Như vậy, niềm hy vọng Kitô giáo là đặt niềm hy vọng vào Nước Trời và cũng chính là vào các lời hứa của Đức Kitô, chứ không phải hy vọng vào những gì đời này. Niềm hy vọng đó là tin vào Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu Độ của con người (x. 1Tm 1,1; Gaudium et Spes 10).
2.2. Ý nghĩa đức hy vọng
2.2.1. Đức hy vọng đem lại bình an trong đời sống hôm nay
“Đức cậy bảo vệ khỏi sự nản chí của tâm hồn; nâng đỡ khi bị bỏ rơi; mở rộng trái tim bằng sự mong đợi vinh phúc vĩnh cửu” (GLHTCG số 1818). Thánh Phaolô Tông đồ còn nhấn mạnh trong thư gửi tín hữu Rôma: “hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân” (Rm 12,12). Vậy, tại sao đức hy vọng có thể đem lại bình an? Như đã nói ở trên: làm sao con người có thể vượt qua được những đau khổ, bất công do người khác gây nên: ví dụ những người bị xâm hại tình dục, những người bị đối xử tàn bạo, vv… Làm sao họ có thể tha thứ và sống bình an? Chính khi đó, đức hy vọng là tin vào Chúa Giêsu Kitô là Đấng Cứu Độ con người mới giúp chúng ta vượt qua được những đau khổ. Đức Kitô sẽ giải thoát con người khỏi những đau khổ đời này và cho vinh quang thiên quốc, sau khi họ thực thi những điều Ngài truyền dạy (x. GLHTCG số 1821). Điều Đức Giêsu đã truyền dạy: “Anh em hãy yêu thương nhau như chính Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12). Yêu như Chúa Giêsu yêu là sẵn sàng tha thứ cho những người làm hại mình, những người gây ra đau khổ cho mình nhờ sức mạnh của ơn thánh Chúa và trông chờ vào hạnh phúc vĩnh cửu (x. Lc 22-23; Ga 15,5). Chính lúc đó, con người sẽ được bình an.
Một chứng nhân cho niềm hy vọng mang lại bình an là các thánh tử đạo trong giáo hội Công giáo. Khi bị bắt phải từ chối niềm tin của mình vào Đức Kitô, bị đánh đập, tra tấn dã man và án tử hình, các ngài đã chọn cái chết trong sự yêu thương, tha thứ cho những người làm hại mình mà vẫn bình an. Thế giới chúng ta hiện nay vừa mới trải qua một cơn đại dịch khủng khiếp, đó là đại dịch Covid 19. Một số bệnh nhân đã chia sẻ: chỉ cần nhìn thấy sự hiện diện của một vị linh mục, tu sĩ trong bệnh viện, họ tự nhiên sẽ cảm thấy bình an. Linh mục, tu sĩ là những người đại diện cho niềm tin tôn giáo, niềm tin vào sự sống đời sau và chính họ là hình ảnh của Chúa Kitô.
2.2.2. Đức hy vọng đem lại hạnh phúc Nước Trời
Chúa Giêsu hứa ban phần thưởng Thiên Đàng cho những ai tin và thực thi những điều Người truyền dạy[2]. Thật vậy, trong bài giảng trên núi, Chúa Giêsu đã hứa ban phần thưởng Nước Trời cho những người có tâm hồn nghèo khó, hiền lành, sầu khổ, khao khát nên công chính, thương xót người, trong sạch, xây dựng hòa bình, chịu bách hại vì đạo (x. Mt 5, 1-11). Trong Bữa Tiệc Ly trước khi chịu Khổ Nạn, Chúa Giêsu đã nói với các Tông đồ: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà cha Thầy có nhiều chỗ ở, nếu không Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi để dọn chỗ cho anh em” (Ga 14,1-2). Trên cây thập giá, khi người trộm chịu đóng đinh bên phải Chúa Giêsu tỏ lòng sám hối ăn năn: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi! Và Người nói với anh ta: Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.”(Lc 23, 42-43).
2.3. Một số phương thế thực hành niềm hy vọng Kitô giáo
2.3.1. Sống niềm tin vào Chúa Giêsu
Sống niềm hy vọng là tin tưởng vào Chúa Giêsu và tin vào sự sống đời sau. Tuy nhiên, sống niềm tin vào Chúa Giêsu không phải là một điều dễ dàng bởi vì Chúa Giêsu đã nói: “Khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy niềm tin trên mặt đất này nữa chăng?” (Lc 18, 8). Vì vậy, con người luôn phải canh tân niềm hy vọng mình vào Đức Giêsu là Thiên Chúa Cứu Độ của mỗi người.
2.3.2. Đón nhận đau khổ
“Chúng ta phải làm hết sức chúng ta để vượt thắng đau khổ, nhưng loại trừ hoàn toàn đau khổ khỏi thế giới này là việc vượt quá tầm tay chúng ta”[3]. Sống niềm hy vọng là việc đón nhận những khó khăn, thử thách với niềm tin đó không phải là kết thúc. Chúa Giêsu đã làm người để chia sẻ những đau khổ của con người, từ đó dẫn dắt con người đi về vinh quang thiên quốc. Vì thế, những đau khổ của con người sẽ có giá trị thanh luyện và đưa họ về với Thiên Chúa là Đấng hạnh phúc vĩnh cửu.
3. KẾT LUẬN
Thánh Phaolô Tông đồ đã xác tín: “Chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người” (Rm 8, 28) và “không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 8, 39). Hy vọng là món quà mà Thiên Chúa ban tặng cho con người bởi vì “Thiên Chúa đã đổ tình yêu của người vào lòng chúng ta” (Rm 5,5). Chính khi hy vọng vào Thiên Chúa, con người sẽ được bình an và được hứa ban hạnh phúc vĩnh cửu. Vì vậy, mỗi người chúng ta hãy đặt niềm hy vọng nơi Thiên Chúa và đem niềm hy vọng đó đến cho mỗi người trong thế giới hôm nay. Chính niềm hy vọng này sẽ không làm chúng ta thất vọng (x. Rm 5,5).
THƯ MỤC THAM KHẢO
- ĐGH Bênêdictô XVI. Thông điệp Niềm Hy Vọng Kitô Giáo, Spe Salvi, bản dịch của Hội đồng Giám mục Việt Nam. Vatican City: Luvreria Editrice Vaticana, 2008.
- Công đồng Vatican II. Hiến Chế Mục Vụ của Giáo Hội, Gaudium et Spes, bản dịch Giáo Hoàng Học Viện. Vatican City: Luvreria Editrice Vaticana, 1965.
- Giáo Hoàng Phanxicô. Niềm Hy Vọng Kitô Giáo. Chuyển ngữ bởi Giuse Phan Văn Phi, O.Cist. Hà Nội: Tôn giáo, 2017.
- Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo. Bản dịch của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2016.
- Phan Tấn Thành. “Hy Vọng: Thánh Kinh Và Truyền Thống Thần Học.” Trung Tâm Học Vấn Đa Minh. Truy cập ngày 03.12.2024, https://catechesis.net/hy-vong-thanh- kinh-va-truyen-thong-than-hoc/.
Nữ tu Têrêsa Vương Thị Hương
Học viện Hội dòng Mến Thánh Giá Huế
[1] ĐGH Bênêdictô XVI, Thông điệp Niềm Hy Vọng Kitô Giáo, Spe Salvi, bản dịch của Hội đồng Giám mục Việt Nam (Vatican City: Luvreria Editrice Vaticana, 2024), số 2.
[2] SGLHTCG số 1820-1821.
[3] ĐGH Bênêdictô XVI, thông điệp Niềm Hy Vọng Kitô Giáo, Spe Salvi, bản dịch của Hội đồng Giám mục Việt Nam (Vatican City: Luvreria Editrice Vaticana, 2008), số 36.