Yêu Chúa Bằng Một Tình Yêu Không Bị Phân Chia

Không một từ ngữ nào trong tất cả các ngôn ngữ trên thế giới, trong tất cả các nền văn hóa có thể tạo nên cảm hứng cho câu thơ, cho âm nhạc… hơn từ “Tình yêu”. “Tình yêu”  được âm vang trong tất cả các môi trường, được truyền tải rộng rãi trong xã hội truyền thông của chúng ta … Điều đó có nghĩa là con người thời nào cũng cần yêu thương và đề cao tình yêu, nhưng đôi khi chúng ta có cảm nhận rằng chúng ta càng nói về nó, nó càng bị che giấu; chúng ta càng cố nắm bắt nó, nó càng thoát khỏi chúng ta; chúng ta càng khao khát được sống nó, cảm giác cô đơn, trống vắng càng xâm chiếm chúng ta. Giữa biết bao định nghĩa về tình yêu cũng như những hỗn tạp về ý nghĩa của tình yêu, con người ngày nay lại sợ nói về một tình yêu chung thủy, và càng sợ hơn khi nghe nói đến một tình yêu Chúa bằng tình yêu không bị phân chia. Có phải lời mời gọi sống Tin Mừng này đã lỗi thời?

Trong một chương trình truyền hình thực tế, một cô diễn viên đã rất hạnh phúc chia sẻ rằng chồng cô ngày nào cũng nói yêu cô một lần và sẵn sàng nói nhiều hơn nữa nếu cô muốn. Nhưng chỉ… sáu tháng sau hai người chia tay và cô nói rằng những lời yêu này chỉ là đầu môi chót lưỡi!

Trong Kinh Thánh, chúng ta không tìm đâu thấy lời nói “Con yêu Cha” của Chúa Giêsu ngoài Ga 14,31 “Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy”. Thật vậy, Ga 14,31 là câu duy nhất mà Chúa Giêsu bày tỏ rõ ràng tình yêu của Ngài dành cho Chúa Cha. Không phải lúc nào Ngài cũng lặp lại câu nói này, nhưng Ngài đã sống lời đó. Tình yêu của Chúa Giêsu dành cho Cha được thể hiện qua từng hành vi của mình: sự vâng lời  “Tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Ðấng đã sai tôi” (Ga 6,38); sự kết hiệp làm một “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10, 30); sự can đảm “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha”, sự phó thác trong giờ phút sau cùng “Lạy Cha, Con ký thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46). Những lời nói, hành động này của Ngài đều là những biểu hiện cho Tình yêu duy nhất dành cho Cha. Có thể nói rằng, tình yêu trọn vẹn không chia sẻ thúc đẩy toàn bộ suy nghĩ, hành động của Chúa Giêsu khi Ngài thi hành sứ vụ trên trần gian. Tình yêu duy nhất này không ích kỷ chỉ xoay vòng quanh Cha và Con khi “Chúa Cha yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một…” (Ga 3,16) và Chúa Giêsu là Mục Tử nhân lành sẵn sàng “hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 3, 11).

Mỗi người chúng ta cũng được mời gọi yêu Chúa bằng một tình yêu duy nhất (1Ga 4, 7-8; Mt 22, 37-39).  “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi” và “yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22, 39). Hiến chương Hội Dòng MTG Huế điều 13 cũng nói về điều này : Đức khiết tịnh thánh hiến giúp chúng ta “không bị phân chia và hiến dâng trọn vẹn con người mình cho Đức Kitô để được tình yêu của Chúa Cha lấp đầy sự trống trải cô đơn và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần liên kết chúng ta lại với mọi người trong trái tim Chúa cứu thế”. Những chỉ dạy trong sách vở thật êm tai và đầy mật ngọt, nhưng thực tế lại khác, không ai dám mạnh mẽ tuyên bố rằng tôi có thể đứng vững trước những cạm bẫy của thế gian, xác thịt và ma quỷ. Ai nói yêu thương là dễ, người ấy là đại thánh. Yêu thương đã khó, yêu Chúa càng khó, và yêu Chúa với một tình yêu không bị phân chia càng khó hơn. Có muôn điều khó để sống tình yêu, nhưng ở đây chúng ta cùng ngẫm lại hai điều quan trọng mà ai cũng nhìn thấy nơi bản thân mình.

Trước tiên, sở dĩ muôn loài khó yêu thương là vì ai cũng chỉ muốn sống cho hạnh phúc riêng mình. Ước vọng của con người thì đẹp nhưng những khi thi hành những thiện chí đó lại có biết bao ích kỷ, toan tính hơn thiệt chen ngang. Câu chuyện kể về ba chú chuột cho ta nghiệm ra điều này : Một đêm nọ, có 3 con chuột cùng nhau tìm đồ ăn trong một căn bếp nhỏ. Chúng reo mừng khi phát hiện một chum mỡ thơm ngon, nhưng miếng mỡ thơm lừng kia lại ở dưới đáy chum. Con đầu đàn bỗng nghĩ ra một kế hay là ba con cùng nắm đuôi nhau tạo thành một chiếc thang dây đu xuống đáy chum và thay phiên nhau ăn phần mỡ ngon lành. Tuy nhiên, khi nhìn lượng mỡ ít ỏi trong chum, sự đoàn kết ban đầu trở thành sự ích kỷ xâm chiếm cả 3 con. Con chuột đầu tiên nghĩ bụng: Mỡ thì ít mà phải chia cho hai đứa kia. Thôi, mình cứ đánh chén no nê đã. Con chuột  thứ hai cũng có những ý nghĩ “đen tối”. “Mỡ thì ít. Nhỡ may con chuột xuống trước và ăn hết sạch mỡ thì chẳng phải mình đang làm không công đấy ư?” Nghĩ vậy, nó thả tay ra rồi nhảy xuống  chén no nê cho bõ thèm. Con chuột thứ 3 cũng không ngoại lệ. Nó hậm hực: Đợi hai con chuột kia xuống ăn thì mình làm gì còn phần, trong khi mình làm “thân trâu ngựa” cho chúng ? Tội gì!”. Nó cũng bỏ tay ra và nhảy xuống giành phần. Chúng tranh nhau ăn cho đã cơn thèm. Khi cơn thèm và lòng ích kỷ được thỏa mãn, thì chúng nhận ra, toàn thân mình ướt đẫm và trơn trượt vì dính mỡ. Và như vậy, chúng không thể thoát khỏi cái chum sâu hoắm.

Thứ đến, ai cũng yêu bản thân mình hơn hết, lời mời gọi buông bỏ mình hết cho Chúa có thể bị xem là đánh mất nhân vị của con người trong cái nhìn theo chủ nghĩa tự do. Điều này đúng không? Trong tác phẩm “Thành đô của Thiên Chúa” (De civit Dei), Thánh Augustinô viết rằng lịch sử loài người có thể đi theo hai hướng: tình yêu dành cho Thiên Chúa xây dựng thành phố của Thiên Chúa (Jerusalem), tình yêu khép lại trên chính mình chỉ xây dựng nên “Thành phố của quỷ”  (Babylon). Con người dù có sống trong nhung lụa giàu sang hay ở địa vị cao trọng thế nào đi nữa vẫn khao khát Thiên Chúa, một khao khát thẳm sâu như thánh Augustino đã cảm nghiệm qua cuộc đời ngài “tâm hồn con luôn khắc khoải cho đến khi được yên nghỉ trong Chúa”. Để hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa, chỉ có cách duy nhất theo lời Chúa Giêsu mời gọi : “Ai cứu mạng sống mình sẽ mất, nhưng ai mất mạng sống của mình vì tôi và vì Tin Mừng, sẽ được cứu” (Mc 8,35). “Mất mạng sống” ở đây không chỉ là một cuộc tử đạo oanh liệt, nhưng cũng có nghĩa là bỏ đi tính ích kỷ của mình, dễ bị lôi kéo bởi niềm kiêu hãnh, sự phù phiếm, đạo đức giả… Như vậy, một khi “mất mạng sống” mình vì Chúa, chúng ta được “chuyển đổi”. Tuy nhiên, đó không phải là một sự chuyển đổi dành cho chính mình, tình yêu Chúa hết tâm trí không phải là đánh mất chính mình; nhưng đó là một “sự chuyển đổi thành Thiên Chúa”, nghĩa là, bỏ mình đi để chỉ tiếp nhận duy nhất Ngài, chính Ngài và chính cuộc sống của Ngài.

Con người không thể đứng vững trong mọi giây phút của cuộc sống này vì biết bao bất toàn, yếu đuối trong thân xác phàm nhân, vậy Đức Trinh Nữ Maria đã được ban cho chúng ta với tư cách là Mẹ trên con đường này, để bảo vệ chúng ta khỏi nhiều cám dỗ và dạy chúng ta bỏ đi chính mình để tìm lại chính mình trong Thiên Chúa như Mẹ đã không ngừng sống. Mẹ không bao giờ tìm kiếm chính mình, mà chỉ tìm thánh ý Chúa qua mọi biến cố trong đời sống ! Chúng ta khiêm tốn xin Mẹ Maria mỗi ngày lôi kéo chúng ta đến với Chúa. Qua các bí tích và đời sống cầu nguyện sâu sắc, chúng ta được ở lại trong sự thánh thiện của Chúa “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy Giêsu” để tình yêu và sức mạnh của Ngài duy trì trong chúng ta một trái tim thuần khiết và không bị chia cắt, để theo Chúa Giêsu đến cùng và có một trái tim mở ra cho Thiên Chúa và tha nhân.

                                              Nt. Matta Nguyễn Thị Hồng Vân

Trích Bản Tin Hiệp Thông HD. MTG Huế