Suy Niệm Lời Chúa – Chúa Nhật XX Thường Niên – Nên Một Chúa Kitô

(Cn 9:1-6; Ep 5,15-20; Ga 6:51-58)

Ai trong chúng ta cũng muốn được khôn ngoan. Sự khôn ngoan giúp chúng ta biết cách ứng xử, biết cách sống chan hoà với anh chị em mình. Trong bài đọc 1 hôm nay, tác giả sách Châm Ngôn trình bày cho chúng ta hai vai trò quan trọng của đức khôn ngoan. Vai trò thứ nhất là biện phân đâu là nền tảng cho nhà mình và biết đâu là bổn phận của mình:” Đức Khôn Ngoan đã xây cất nhà mình, dựng lên bảy cây cột, hạ thú vật, pha chế rượu, dọn bàn ăn và sai các nữ tỳ ra đi” ( Cn 9:1-3). Nền tảng của đức khôn ngoan là bảy cột, tức là sự hoàn hảo, vì theo truyền thống của người Do Thái, số bảy là số hoàn hảo. Bổn phận của sự khôn ngoan là biết điều phối ngày sống của mình theo đúng với căn tính của mình. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về việc xem lại nền tảng đời mình có phải là Chúa không và mình có sống đúng với bản chất và ơn gọi của mình không. Vai trò thứ hai của đức khôn ngoan là kêu gọi mọi người chia sẽ trong sứ mệnh của mình. Đức Khôn Ngoan còn lên các nơi cao trong thành phố và kêu gọi: “Hỡi người ngây thơ, hãy lại đây!” Với người ngu si, Đức Khôn Ngoan bảo: “Hãy đến mà ăn bánh của ta, và uống rượu do ta pha chế!” (Cn9:3-5). Chúng ta cần lưu ý rằng, theo nhiều học giả Kinh Thánh Đức Khôn Ngoan được trình bày trong bài đọc 1 được “nhân cách hoá” nơi Đức Kitô. Hình ảnh này được trình bày rõ và hoàn thành trong bài Tin Mừng khi Chúa Giêsu nói với người Do Thái đến với Ngài để được ăn bành hằng sống và uống máu Ngài để được sống muôn đời. Chúng ta có đến với Chúa Giêsu để được chia sẻ trong sự khôn ngoan của Thiên Chúa không? Chỉ nơi Chúa Giêsu mà chúng ta thực hiện được điều mà tác giả sách Châm Ngôn kêu gọi: “Đừng ngây thơ khờ dại nữa, và các con sẽ được sống; hãy bước đi trên con đường hiểu biết” (Cn 9:6).

Về phần mình, Thánh Phaolô trong bài đọc 2 kêu gọi các tín hữu Êphêsô sống như những người khôn ngoan, là những người biết “đọc dấu chỉ của thời hiện tại” – “biết tận dụng thời buổi hiện tại, vì chúng ta đang sống trong những ngày đen tối” (Eph 5:16). Theo thánh nhân, những người khôn ngoan là những người tìm hiểu đâu là ý Chúa. Bên cạnh đó, Thánh nhân đưa ra ba phương cách để thực hiện ý Chúa: (1) sống một đời sống tĩnh thức và tránh những thói hư tật xấu – “Chớ say sưa rượu chè, vì rượu chè đưa tới truỵ lạc, nhưng hãy thấm nhuần Thần Khí” (Eph 5: 18); (2) hiệp nhất trong kinh nguyện – “Hãy cùng nhau đối đáp những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần Khí linh hứng ; hãy đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa” (Eph 5:19); và (3) có lòng biết ơn trong mọi hoàn cảnh – “Trong mọi hoàn cảnh và mọi sự, hãy nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, mà cảm tạ Thiên Chúa là Cha” (Eph 5:20).

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu khẳng định thịt của Ngài chính là bánh hằng sống từ trời xuống. Theo các học giả Kinh Thánh, trích đoạn này đã được thêm vào trong giai đoạn chỉnh sửa cuối cùng của Tin Mừng Thánh Gioan. Điều này được nhận ra trong “điệp khúc” “Tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.” Để hiểu hơn ý nghĩa của trình thuật hôm nay, chúng ta cần lưu ý những điểm sau trong cấu trúc của trình thuật. Câu “Tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” xuất hiện lại trong câu 54. Câu 57b và 58b nói về sự sống trong thì tương lai, trong khi đó câu 54a và 56b sử dụng ngôn ngữ của thời cánh chung được hiện thực hoá. Câu 56 sử dụng thuật ngữ “ở lại,” thuật ngữ được sử dụng trong trình thuật từ biệt của Chúa Giêsu (x. Ga 15:4-5; 17:21,23).

Trình thuật bắt đầu với lời khẳng định của Chúa Giêsu: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6:51). Trong những lời này, Chúa Giêsu khẳng định Ngài là ai [“bắnh hằng sống từ trời xuống”], hiệu quả của bánh [“được sống muôn đời”], bánh từ trời là gì [“chính là thịt của Ngài”], hiệu quả của thịt [“thế gian được sống”]. Trong bốn vế này, chúng ta thấy có một sự tương đồng như sau: Bánh hằng sống – thịt Chúa Giêsu và sống muôn đời = thế gian được sống. Điều cần lưu ý ở đây chính là hiệu quả của việc ăn bánh hằng sống/thịt Chúa Giêsu là được sống muôn đời. Hay nói cách khác, bánh hằng sống/thịt Chúa Giêsu mang lại sự sống muôn đời cho thế gian. Chúng ta cũng đến với Chúa Giêsu mỗi ngày hoặc mỗi Chúa Nhật để đón nhận Ngài, chúng ta có ý thức về điều này không? Mội khi đón nhận Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể, chúng ta được đưa vào trong sự sống vĩnh cửu, đưa vào trong chính sự sống của Thiên Chúa. Điều này mời gọi chúng ta từ bỏ những gì ngăn cản sự sống này lớn lên, trưởng thành và sinh hoa kết quả trong đời sống thường ngày của chúng ta.

Khi nghe Chúa Giêsu nói bánh hằng sống chính là thịt Ngài, người Do Thái nghĩ đến việc “ăn thịt người,” điều không thể chấp nhận: “Người Dothái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: ‘Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?’” (Ga 6:52). Chúa Giêsu sử dụng ngôn ngữ hình tượng [hay đúng hơn “bí tích”] ở đây, nhưng người Do Thái lại hiểu theo nghĩa mặt chữ. Như chúng ta biết, trong Tin Mừng Thánh Gioan, sự hiểu lầm luôn xảy ra giữa thính giả của Chúa Giêsu với những lời Ngài nói. Cũng như những lần trước [với Nicôđêmô, với người phụ nữ Samaria], Chúa Giêsu giải thích cho thính giả của Ngài về ý nghĩa của những điều Ngài muốn nói. Trong trình thuật này, Chúa Giêsu giải thích cho thính giả của mình như sau: “Thật, tôi bảo thật các ông : nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6:53-56). Các học giả Kinh Thánh cho rằng những câu này mở rộng câu nói nguyên thuỷ của Chúa Giêsu trong câu 51b về bánh hằng sống, đó là thịt Chúa Giêsu với lối diễn tả “thịt và máu.” Nếu lưu ý kỹ, chúng ta thấy các câu đều đi theo cùng kiễu mẫu, đó là, trước tiên quy chiếu về việc ăn thịt và uống máu. Việc Chúa Giêsu khẳng định về thịt và máu là thức ăn và thức uống “thật” gợi lại cho chúng ta điều Ngài nói trong câu 35. Những câu trên muốn khẳng định rằng điều cần thiết là phải “ăn thịt và uống máu Chúa Giêsu” để được cứu độ. Điều này được diễn tả qua những hình thức sau: (1) có sự sống nơi mình (câu 53); (2) có sự sống muôn đời (và tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết trong câu 54); (3) ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy (câu 56). Điều đáng để chúng ta lưu ý trong những câu trên là lời mời gọi “ở lại trong Ngài” của Chúa Giêsu. Chi tiết này phản ánh cơn khủng hoảng tách rời khỏi Chúa Giêsu [chối đạo] xảy ra trong cộng đoàn Thánh Gioan. Trong chương 15, Thánh Gioan nói về sự cần thiết cho người môn đệ ở lại với Chúa Giêsu, như cành nho dính liền với thân nho [nho cũng là biểu tượng của Thánh Thể]. Những chi tiết trên nhắc nhở chúng ta về sự gắn bó của mình với Chúa Giêsu. Mỗi lần đến với Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể, chúng ta được nhắc nhở về sự “hiện diện hỗ tương” giữa Chúa Giêsu với chúng ta: Chúa Giêsu ở trong chúng ta và chúng ta ở trong Chúa Giêsu. Nếu Chúa Giêsu ở trong chúng ta, sao chúng ta lại sống một đời sống ích kỷ, ghen tỵ và loại trừ anh chị em mình? Nếu chúng ta không sống yêu thương và tha thứ, chúng ta không ở lại trong Chúa Giêsu và không để Chúa Giêsu ở lại trong chúng ta.

Bài Tin Mừng kết với việc Chúa Giêsu dùng mối tương quan giữa Chúa Cha với Ngài để nói đến sự gắn bó giữa người môn đệ với Ngài: “Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6:57-58). Trong những lời trên, chúng ta thấy lối diễn tả khác thường trong cụm từ “Chúa Cha là Đấng hằng sống.” Lối diễn tả này có thể được hình thành dựa trên lối suy diễn từ cụm từ “bánh hằng sống” trong câu 51. Người đọc biết rằng Chúa Cha sai Chúa con đến để mang lại sự sống (x. Ga 3:16-17), và rằng sự sống Người Con có là chính sự sống của Chúa Cha ban cho Chúa Con (x. Ga 5:26). Trong những lời trên, Chúa Giêsu mở rộng mối tương quan giữa Chúa Cha và Chúa Con đến những người tin, là những người chia sẻ trong Thánh Thể. Như vậy, những người đón nhận Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể sẽ nhận được chính sự sống mà Chúa Giêsu nhận từ Chúa Cha. Thật là một ân phúc tuyệt diệu mà mỗi người chúng ta được ban cho. Khi hiểu được điều này, chúng ta phải đến với Thánh Thể với sự kinh ngạc đầy yêu thương và tôn thờ vì một Thiên Chúa uy quyền trở nên thật nhỏ bé để trở nên của ăn mang lại cho chúng ta sự sống đời đời.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB