(Cn 30:5-9; Lc 9:1-6)
Trong bài đọc 1 hôm nay, tác giả sách Châm Ngôn đưa ra hai điểm để chúng ta suy gẫm. Điểm thứ nhất là sự chứng nghiệm của lời Thiên Chúa. Hay nói cách khác, lời Chúa là sự thật. Vì vậy, “đừng thêm thắt chi vào lời Người phán dạy kẻo bị Người quở trách, và con thành kẻ nói dối nói gian” (Cn 30:6). Chúng ta thường nghe, “tam sao thất bổn.” Một câu chuyện chuyền từ người này sang người khác sẽ luôn được “thêm mắm thêm muối” cho câu chuyện được ly kỳ hơn để rồi nhiều khi sự thật của câu chuyện cũng bị bóp méo. Điều này đôi khi xảy ra với lời Chúa khi chúng ta thêm vào những lời, những giải thích theo ý mình hơn là theo ý Chúa. Chi tiết này mời gọi chúng ta sống chân thật với lời Chúa.
Điểm thứ hai là điều chúng ta cần phải xin, đó là “con chỉ xin hai điều, Ngài đừng nỡ chối từ trước khi con nhắm mắt: Xin đẩy xa con lời dối trá và chuyện lọc lừa. Xin đừng để con túng nghèo, cũng đừng cho con giàu có; chỉ xin cho con cơm bánh cần dùng, kẻo được quá đầy dư, con sẽ khước từ Ngài mà nói: “Đức Chúa là ai vậy?” hay nếu phải túng nghèo, con sinh ra trộm cắp, làm ô danh Thiên Chúa của con” (Cn 30-7-9). Những lời này chỉ cho chúng ta điều cần xin là một lối sống chân thật và thoả mãn với những gì mình có và mình là. Nói cách cụ thể hơn, điều cần xin là lối sống đẹp lòng Thiên Chúa trong mọi sự. Nhiều người trong chúng ta xin được thành công hay vinh quang phú quý ở đời, điều đó không có gì sai. Nhưng điều quan trong nhất trong cuộc sống là sống theo thánh ý Thiên Chúa. Chỉ có lối sống đẹp lòng Thiên Chúa mới có thể giúp chúng ta nhận biết Ngài trong cuộc sống này và được hưởng nhan thánh Ngài trong đời sống mai sau.
Bài Tin Mừng hôm nay được đặt nền trên trình thuật của Thánh Máccô (6:7-13). Nó phải được đọc trong tương quan của toàn bộ phần này, đó là Lc 7:1-8:56. Trình thuật hôm nay thuật lại việc Nhóm Mười Hai tiếp tục sứ mệnh rao giảng về Nước Thiên Chúa. Tuy nhiên, để hoàn thành sứ mệnh này, các ông phải ý thức được rằng các ông được sai đi với năng lực của Chúa Giêsu: “Khi ấy, Đức Giêsu tập họp Nhóm Mười Hai lại, ban cho các ông năng lực và quyền phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật. Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân” (Lc 9:1-2). Trong những lời này, chúng ta cần lưu ý những yếu tố sau: (1) trước khi được sai đi, các môn đệ được Chúa Giêsu “tập họp” quanh Ngài. Đây là yếu tố tiên quyết cho sứ mệnh. Ở với Chúa Giêsu khẳng định căn tính của người môn đệ. Nói cách khác, trước khi được sai đi, người môn đệ phải ở lại với thầy mình; (2) các môn đệ được sai đi với năng lực và quyền phép của Chúa Giêsu. Nói cách khác, người môn đệ thực hành sứ mệnh không phải với khả năng của mình, nhưng với năng lực và quyền phép của Chúa Giêsu. Chi tiết này cho thấy người môn đệ không phải là nhân vật chính. Nếu không có năng lực và quyền phép của Chúa Giêsu, họ sẽ không thể hoàn thành sứ mệnh được trao phó; (3) mục đích của sứ mệnh là “rao giảng Nước Thiên Chúa” chứ không rao giảng về chính mình. Bên cạnh đó, người môn đệ được sai đi “để chữa lành” và quy tụ chứ không phải để gây thuơng tích và chia rẽ. Ba chi tiết này nhắc nhở chúng ta về ơn gọi làm môn đệ của mình. Nhiều lần trong cuộc sống, thay vì để Chúa Giêsu là “nhân vật chính” chúng ta chiếm lấy vị trí của Ngài. Chúng ta biến mình thành trung tâm và làm cho người khác thấy rằng mình có thể làm được mọi sự với sức của mình, chứ không phải với ơn của Chúa. Chúng ta phải ý thức rằng, chúng ta được gọi, được yêu thương, được tha thứ và được sai đi, với năng lực và quyền phép của Chúa Giêsu, để rao giảng Nước Thiên Chúa cho anh chị em mình.
Chi tiết thứ hai trong bài Tin Mừng là lời giáo huấn của Chúa Giêsu về những gì cần và không cần cho hành trình rao giảng: “Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo. Khi anh em vào bất cứ nhà nào, thì ở lại đó và cũng từ đó mà ra đi. Hễ người ta không đón tiếp anh em, thì khi ra khỏi thành, anh em hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ” (Lc 9:3-5). Trong phần này, chúng ta thấy Chúa Giêsu muốn các môn đệ phải có thái độ tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Họ không cần phải lo lắng về “cái ăn cái mặc” là những nhu cầu căn bản của con người. Ngài muốn các môn đệ cũng đừng lo lắng về “chỗ ăn chỗ ở” vì Ngài sẽ cung cấp cho họ. Điều quan trọng họ cần lưu ý là những gì xảy ra cho Ngài thì cũng xảy ra cho người môn đệ. Nói cách khác, người ta đối xử với Ngài như thế nào thì họ cũng sẽ đối xử với người môn đệ như thế. Nói cách cụ thể hơn, Chúa Giêsu được nhiều người đón tiếp, nhưng cũng không ít người chống đối và không đón tiếp Ngài. Điều này cũng sẽ xảy ra cho người môn đệ. Chi tiết này giúp người môn đệ biết rằng họ đừng tự mãn khi được đón tiếp hay tự ti khi không được đón tiếp. Điều họ cần quan tâm là: cuộc sống của họ phải phản ánh cách trung thực cuộc sống của Đấng đã sai họ. Họ phải làm chính xác những gì họ được sai đi để làm chứ không làm những điều họ muốn làm. Điều này được phản chiếu qua câu kết của bài Tin Mừng: “Các ông ra đi, rảo qua các làng mạc loan báo Tin Mừng và chữa bệnh khắp nơi” (Lc 9:6). Các môn đệ thực hiện chính xác những điều Chúa Giêsu truyền. Còn chúng ta thì thế nào: Chúng ta đang làm những điều Chúa muốn chúng ta làm hay chúng ta đang cố gắng thay thế điều Chúa muốn bằng những điều chúng ta muốn trong đời sống sứ mệnh phục vụ?
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB