(2 Tx 1:1-5.11b-12; Mt 23:13.15-22)
Những lời của Thánh Phaolô cho các tín hữu Thêxalônica mang đượm tình phụ tử dịu hiền: “Thưa anh em, lúc nào chúng tôi cũng cầu nguyện cho anh em: xin Thiên Chúa chúng ta làm cho anh em được xứng đáng với ơn gọi, và xin Người dùng quyền năng mà hoàn thành mọi thiện chí của anh em và mọi công việc anh em làm vì lòng tin” (2 Tx 1:11). Thánh nhân luôn cầu nguyện cho những người được Thiên Chúa trao phó cho ngài để họ sống trung thành và gắn bó với Thiên Chúa. Thánh Phaolô cho biết rằng, chỉ khi sống xứng đáng với ơn gọi của mình thì “danh của Chúa chúng ta là Đức Giêsu, sẽ được tôn vinh nơi anh em, và anh em được tôn vinh nơi Người, chiếu theo ân sủng của Thiên Chúa chúng ta và của Chúa Giêsu Kitô” (2 Tx 1:12). Điều này làm chúng ta xét lại chính cuộc sống của mình đã nhiều lần chúng ta không sống xứng đáng với ơn gọi làm Kitô hữu [hay ơn gọi tu trì] của mình, và như thế chúng ta đã làm cho danh Chúa Giêsu bị châm biếm hay xem thường. Khi nhận ra mình không sống xứng đáng với ơn gọi của mình, chúng ta “đừng vội để cho tinh thần dao động, cũng đừng hoảng sợ” (2 Tx 2:1) vì Chúa Giêsu đến để kêu gọi chúng ta bắt đầu lại trong từng giây phút.
Để hiểu bài Tin Mừng hôm nay tốt hơn, chúng ta cần đặt nó vào trong bối cảnh của những lời “khiển trách” và lời dạy mang tính cánh chung của Chúa Giêsu. Chương 23 là điểm mấu chốt để kết luận một chuỗi những dụ ngôn về phán xét và tranh luận với những người lãnh đạo Do Thái [đã bắt đầu từ chương 21:23]. Chương này cũng nhằm mục đích giới thiệu bài giảng quan trọng cuối cùng của Chúa Giêsu trong chương 24 và 25 về ngày cánh chung. Mặc dù chương này trình bày một Chúa Giêsu dường như “khó chịu” với các kinh sư và những người Pharisêu được diễn tả qua những lời “khiển trách,” nhưng nó lại quan trọng vì hai lý do: (1) Nó giúp chúng ta nhận ra bối cảnh của việc Chúa Giêsu bị đóng đinh, và (2) nó chỉ ra cho chúng ta một cuộc đối thoại mang tính “luận chiến” giữa cộng đoàn của thánh Mátthêu và những “chuyên viên” ở Jamnia.
Sau khi hướng dẫn các môn đệ và dân chúng làm theo những gì các kinh sư và những người Pharisêu dạy, đồng thời mời gọi họ hướng về Ngài như là Người dạy đích thật (x. Mt 23:1-12), Chúa Giêsu bắt đầu khiển trách các kinh sư và những người Pharisêu. Đoạn trích Tin Mừng hôm nay gồm ba lời khiển trách: Hai lời về sự giả hình [đạo đức giả] và một lời về sự dẫn đường mù quáng. Trong lời khiển trách về giả hình thứ nhất, Chúa Giêsu ám chỉ đến việc các kinh sư và biệt phái không chấp nhận sứ mệnh rao giảng Nước Trời của Ngài như là Đấng Kitô. Điều này được diễn tả qua lời họ “khoá cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào! Chính các người không vào, mà những kẻ muốn vào, các người cũng không để họ vào” (Mt 23:14). Nói cách khác, họ không chấp nhận Chúa Giêsu chính là Đấng Cứu Thế. Họ tìm cách chống lại Chúa Giêsu. Điều này cũng nhiều lần xảy ra trong ngày sống khi chúng ta không làm chứng cho Chúa Giêsu qua những lời mình nói và qua những việc mình làm.
Điều thứ hai Chúa Giêsu khiển trách các kinh sư và người Pharisêu là trong sứ vụ truyền giáo của họ, họ làm cho người khác tin vào Chúa, rồi sau đó lại làm cho người đó trở nên những người “đáng xuống hoả ngục gấp đôi các người” (Mt 23:15). Điều này ám chỉ đến việc lời khiển trách thứ ba đó là việc dẫn đường mù quáng của các kinh sư và người Pharisêu. Điều mù quáng ở đây là họ bỏ qua những việc quan trọng [thánh ý Chúa hoặc luật của Thiên Chúa] để làm những việc không quan trọng [giữ luật của con người]. Điều này được Chúa Giêsu dẫn chứng trong việc thề hứa (x. Mt 23:16-22). Nhiều lần chúng ta cũng bỏ qua những việc quan trọng để rồi thề hứa và cố gắng thực hiện những điều không quan trọng. Chúng ta phải cẩn thận trong mọi sự vì những gì chúng ta nói hoặc làm luôn có ảnh hưởng trên người khác: hoặc đem họ đến gần Chúa hoặc đưa họ xa Chúa.
Ba lời khiển trách của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay liên kết với nhau rất chặt chẽ. Vì các kinh sư và người Pharisêu không tin nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu thế, nên họ không chấp nhận Ngài và ngăn cản những người khác muốn tin và đón nhận Ngài. Để thực hiện điều này, họ cố gắng thuyết phục người khác theo họ để chống lại Chúa Giêsu. Nói cách khác, họ làm cho người khác tuân giữ luật con người, tức là làm theo điều họ muốn hơn là điều Chúa muốn. Những lời khiển trách này mời gọi chúng ta nhìn lại cuộc sống của mình. Ai trong chúng ta cũng được Thiên Chúa hứa ban cho nước trời. Nhưng nhiều người lại không muốn vào. Chúng ta sống theo ý mình và người khác nhiều hơn là theo ý Chúa. Chính điều này đã làm chúng ta nhiều lần trở nên gương mù gương xấu cho người khác. Những lúc như vậy, chúng ta đã trở thành những người dẫn đường mù quáng. Hãy sống một đời sống trọn vẹn trong Đức Giêsu qua đời sống gương mẫu của mình hầu giúp người khác vào được Nước Trời nơi chúng ta cũng hy vọng sẽ tới.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB