Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Hai sau Chúa Nhật XXIII Thường Niên – Mục Đích Của Luật Là Đưa Chúng Ta Gần Chúa Và Gần Nhau

(1 Cr 5:1-8; Lc 6:6-11)

Trong bài đọc 1 hôm nay, Thánh Phaolô khuyến cáo tín hữu Côrintô về điều họ “vênh vang, kiêu ngạo.” Họ vênh vang về lối sống sống không đạo đức và những hành động “dâm ô” của mình. Đây có lẽ cũng là thái độ của nhiều người trong chúng ta khi chúng tự hào về lối sống ghen tỵ, so sánh, nói hành nói xấu người khác để cho mình tốt lành hơn họ. Chúng ta cần biết rằng: Trong cuộc sống, vênh vang kiêu ngạo về việc tốt mình làm đã là một điều không thể chấp nhận, huống chi là vênh vang kiêu ngạo về những điều không hay không tốt của mình. Chúng ta cần vun trồng nơi mình thái độ khiêm nhường vì chỉ có người khiêm nhường mới nhận ra và chấp nhận mình yếu đuối cần đến ơn Chúa và sự trợ giúp của anh chị em mình.

Bên cạnh đó, thánh Phaolô cũng chỉ ra thái độ cần thiết của người Kitô hữu trước những điều sai của anh chị em mình, đó là, không chỉ trích hoặc lên án, nhưng là “than khóc” (x. 1 Cr 5:2) cho những lỗi phạm của anh chị em mình. Không những thế, khi nhận ra mình sai lỗi, Thánh Phaolô mời gọi chúng ta loại bỏ nếp sống đó để biến đời sống trở nên hiến tế tinh tuyền dâng lên Thiên Chúa: “Chúng ta đừng lấy men cũ, là lòng gian tà và độc ác, nhưng hãy lấy bánh không men, là lòng tinh tuyền và chân thật, mà ăn mừng đại lễ” (1 Cr 5:8). Mỗi ngày chúng ta cần loại bỏ những gì không hay không tốt trong lời ăn tiếng nói, trong cử chỉ hành động của mình hầu hoàn toàn nói và hành động theo điều Chúa muốn chúng ta.

Bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho thấy một Đức Kitô thật hoàn hảo: Lời nói đi đôi với việc làm. Hay nói cách khác, lời nói [lời giảng dạy] được làm sáng tỏ qua hành động và hành động được hàm chứa trong lời nói. Thánh Luca mở đầu bằng việc Chúa Giêsu vào hội đường và giảng dạy trong một ngày sabát (Lc 6:6). Sau khi giảng dạy bằng “lời nói”, Chúa Giêsu hành động để làm sáng tỏ lời dạy của mình, là lời mang lại sự sống, qua việc chữa lành người bị khô bại tay phải. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về một đời sống “thống nhất” trong lời nói và việc làm. Những người có lời nói đi đôi với việc làm là những người được chúc phúc vì họ là những người “lắng nghe lời Chúa và đem ra thực hành.” Hãy sống một đời sống hiền hoà trong lời ăn tiếng nói, trong cử chỉ và hành động!

Nếu xem xét kỹ, chúng ta thấy có hai thái độ khác liên quan đến việc áp dụng luật được trình bày trong bài Tin Mừng: Chúa Giêsu và các kinh sư và những người Pharisêu. Đối với Chúa Giêsu, luật lệ là để giải thoát con người khỏi những rào cản không cho họ đến gần Chúa và đến gần người khác. Hay nói cách khác, mục đích của luật lệ là để cứu sống. Ngược lại, đối với các kinh sư và người Pharisêu, luật lệ là để “giăng bẫy” và “tìm cớ để tố cáo” (Lc 6:7), hay như lời của Chúa Giêsu là để “huỷ diệt.” (Lc 6:10). Khi Chúa Giêsu hỏi: “Tôi xin hỏi các ông: ngày sabát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt?” (Lc 6:9), Ngài muốn khẳng định rằng: Ngài và các môn đệ không bị trói buộc bởi luật sabát khi liên quan đến làm việc tốt hay cứu sống người. Nói cách cụ thể hơn, luật ngày sabát “mất hiệu lực” khi “hoàn cảnh” đòi buộc chúng ta làm việc tốt và cứu người. Tóm lại, là “Con Người,” Chúa đề ra nguyên lý yêu thương. Đối với Ngài, nguyên lý này là nguyên lý cao nhất vượt trên mọi “luật lệ con người.”

Cuối cùng, chúng ta nhận ra chính mình trong phản ứng của các kinh sư và người Pharisêu trước việc chữa lành của Chúa Giêsu: “Họ thì giận điên lên, và bàn nhau xem có làm gì được Đức Giêsu không” (Lc 6:11). Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta cũng “giận điên lên” vì người khác làm điều tốt hay thành công hơn mình. Chúng ta cũng tìm cách cắt nghĩa sai hành động tốt của người khác để hạ danh dự của họ. Đây là thái độ của những người: “Nếu tôi không ăn được thì tôi cũng đạp đổ để không ai có thể ăn.” Tuy nhiên, khi sống với thái độ này, chúng ta sẽ là người đau khổ nhất và không hạnh phúc nhất. Vì lúc nào chúng ta cũng “rình xem” những lỗi lầm của người khác. Chúng ta sẽ không có một giây phút để cảm nhận được sự bình an mà tình yêu và sự cảm thông mang lại.

Lm, Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB