(Ep 4:1-7.11-13; Mt 9:9-13)
Hôm nay, Giáo Hội mừng kính Thánh Mátthêu Tông Đồ, một trong bốn tác giả sách Tin Mừng. Hình ảnh thánh nhân mang lại cho chúng ta nhiều niềm vui và hy vọng vào tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa. Ngài yêu thương và gọi chúng ta ngay cả khi chúng ta còn là tội nhân. Vì vậy, chúng ta không có lý do gì để thất vọng khi nhận ra thân phận yếu đuối của mình. Nhưng sẵn sàng đứng lên để đáp lại tiếng Chúa Giêsu gọi chúng ta ngay trong những bận rộn “bất chính” của ngày sống. Trong ngày mừng kính Thánh Mátthêu, chúng ta để lời Chúa nói với chúng ta, vì lời Chúa là lời mang lại sự sống và có khả năng thanh luyện chúng ta.
Trong bài đọc 1, Thánh Phaolô trong cảnh tù ngục của mình khuyên nhủ tín hữu Êphêsô sống trung thành với ơn gọi mà Thiên Chúa ban cho họ (Ep 4:1). Thánh nhân đưa ra cách thức cụ thể để biết họ sống xứng đáng với ơn gọi của họ, đó là, “anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau” (Ep 4:2-3). Bên cạnh đó, thánh nhân sử dụng hình ảnh thân thể để nói về sự hiệp nhất của mọi người trong Đức Giêsu vì nhờ một Thần Khí. Họ nên một vì đối với họ chỉ “có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người, và trong mọi người” (Ep 4:5-6). Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là Thánh Phaolô cho biết họ “đồng nhất” chứ không “đồng hoá.” Nói cách khác, việc nên một trong Đức Kitô không làm cho họ mất đi ân sủng mỗi người “đã nhận được ân sủng tuỳ theo mức độ Đức Kitô ban cho” (Ep 4:7). Chính sự khác biệt này làm cho dân thánh nên phong phú hầu “chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là “xây dựng thân thể Đức Kitô, cho đến khi tất cả chúng ta đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô” (Ep 4:12-13). Mỗi người chúng ta cũng được Chúa mời gọi để trở thành một bộ phận trong Nhiệm Thể Chúa Kitô. Chúng ta được mời gọi để “bổ xung” và nâng đỡ nhau hầu trở nên một thân thể. Vì vậy, hãy sống cho xứng đáng với ơn gọi của mình, đừng trở nên nguyên nhân chia rẽ và bất đồng trong thân thể Chúa Giêsu [trong gia đình hay cộng đoàn].
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại ơn gọi của Thánh Mátthêu. Câu chuyện này cũng được tìm thấy trong Tin Mừng Thánh Máccô (2:13-17) và Thánh Luca (5:27-32). Câu chuyện được kể trong hai phần: ơn gọi của Thánh Mátthêu được trình thuật cách vội vàng trong câu 9 và đoạn kế tiếp nói về bữa ăn với những người tội lỗi trong câu 11-13. Theo các học giả Kinh Thánh, cùng với câu 14-17, trích đoạn này tạo nên một gián đoạn trong chuỗi mười phép lạ mà Chúa Giêsu thực hiện. Theo cấu trúc của câu chuyện, câu 9 nói về ơn gọi của Thánh Matthêu, và câu 10-13 là lời giải thích của Chúa Giêsu [trong ba câu nói của Chúa Giêsu nằm ở câu 12 và 13] cho những người chất vấn Ngài về lý do tại sao Ngài chọn một người “bị xem là tội lỗi” làm môn đệ Ngài.
Như chúng ta biết, đây là câu chuyện duy nhất về việc Chúa Giêsu dùng bữa với người thu thuế và tội lỗi trong Tin Mừng Thánh Mátthêu. Khi trình thuật điều này, Thánh Mátthêu muốn chỉ ra đây là lối thực hành rất chân thật của một Đức Kitô lịch sử hầu giúp chúng ta hiểu khía cạnh quan trọng của tính độc đáo và cụ thể trong sứ mệnh của Ngài. Nói cách khác, qua việc chia sẻ bữa ăn với tội nhân, Chúa Giêsu cho thấy Ngài hoàn toàn “nên một” với họ vì họ là “lý do” mà Ngài được sai đến. Cuộc sống của Ngài hoàn toàn khác biệt với những bậc thầy Do Thái thời đó. Ngài không đến để phá huỷ Do Thái Giáo, nhưng là để cứu những người bị Do Thái Giáo loại ra bên lề. Mục đích của Ngài cũng giống với những người Pharisêu [trong giai đoạn đầu], nhưng “chiến thuật” của Ngài thì khác. Chi tiết này khuyến cáo chúng ta về thái độ sống loại trừ của mình. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta xem mình là những người tốt, những người thánh thiện để loại trừ những thành viên khác trong cộng đoàn. Học theo gương Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi đến với những anh chị em bị loại trừ, chia sẻ cuộc sống với họ [ngồi chung bàn ăn với họ], lắng nghe những ưu tư cũng như những thất bại của họ. Hãy mang cho họ niềm tin và sự hy vọng, để họ đứng lên trở về với Chúa và trở về với anh chị em mình.
Chúng ta có thể suy gẫm bài Tin Mừng hôm nay theo cách trình bày các nhân vật liên quan. Trước hết là Thánh Mátthêu. Kinh Thánh cho chúng ta biết, thánh nhân là một người thu thuế. Ngài bị liệt vào hạng những người tội lỗi (x. Mt 9:10). Tuy nhiên, điều đáng để chúng ta lưu ý là sự sẵn sàng đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu và sự thay đổi tận căn của thánh nhân. Ngay khi được Chúa Giêsu gọi: “Anh hãy theo tôi,” Mátthêu liền “đứng dậy,” đi khỏi chỗ ông kiếm sống, nơi ông làm việc mỗi ngày để đi theo Chúa Giêsu. Hơn nữa, ông còn mời Chúa Giêsu đến để dùng bữa tại nhà mình (x. Mt 9:9-10). Chúng ta thấy ở đây hai “chuyển vận” – “đứng dậy đi theo” và “mời vào trong nhà dùng bữa.”
Phản ứng của những người Pharisêu cũng là điều để chúng ta suy gẫm vì đây cũng là phản ứng của chúng ta khi nhìn thấy điều “không như chúng ta nghĩ”: “Thấy vậy, những người Pharisêu nói với các môn đệ Người rằng: ‘Tại sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi?’” Nhiều lần, chúng ta cũng “trách” hay “chê bai” Chúa: Tại sao Chúa lại cho những người tội lỗi đến gần Chúa; tại sao Chúa lại cho những người “sống ác” được thành công? Khi có ý định trách Chúa hay trách người khác, hãy nhìn vào trong tận con tim mình và tự nhủ: Tôi cũng là một tội nhân, tại sao tôi lại chê trách và loại trừ người khác? Tôi cũng cần Chúa như những người tội lỗi.
Cuối cùng, trong ba lời nói của Chúa Giêsu, Ngài chỉ ra tình trạng của Mátthêu [và của mỗi người chúng ta], đó là Mátthêu đang cần một thầy thuốc vì ông là người đau ốm: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần” (Mt 9:12). Ngài cũng chỉ ra ý muốn và sứ mệnh của Ngài: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9:13). Đây cũng chính là tình trạng của mỗi người chúng ta và Chúa Giêsu cũng đến với chúng ta như đã đến với Mátthêu. Điều quan trọng là chúng ta có nhận mình là người đau ốm cần đến Ngài không hay chúng ta cũng như những người Pharisêu, là những người xem mình công chính, thánh thiện hơn người khác, không cần đến Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đến để gần gũi những người tội lỗi. Đây cũng là sứ mệnh của những người theo Ngài. Chúng ta cũng phải gần gũi những người chúng ta xem là tội lỗi, để yêu thương, tha thứ và đem họ về với Chúa.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB