(1 Cr 9:16-19.22b-27; Lc 6:39-42)
Mỗi người chúng ta được mời gọi rao giảng Tin Mừng trong đời sống thường ngày. Tuy nhiên, có nhiều người lại biến việc rao giảng Tin Mừng thành lý do để tự hào mình thánh thiện hoặc tốt lành hơn người khác để rồi chê trách họ. Thánh Phaolô trong bài đọc 1 chỉ rõ việc rao giảng Tin Mừng là một nhiệm vụ được Thiên Chúa giao phó, một nhiệm vụ phải hoàn thành mà không mong phần thưởng: “Vậy đâu là phần thưởng của tôi? Đó là khi rao giảng Tin Mừng, tôi rao giảng không công, chẳng hưởng quyền lợi Tin Mừng dành cho tôi” (1 Cr 9:18). Việc rao giảng Tin Mừng là một việc phải được thực hiện với sự tự do, nói cách khác, đó là sự chọn lựa của riêng mình. Vì vậy, người rao giảng Tin Mừng không mong được báo đáp mà chỉ nhằm mục đích “chinh phục thêm nhiều người” chia sẻ trong niềm vui vì được cứu độ: “Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người. Vì Tin Mừng, tôi làm tất cả những điều đó, để cùng được thông chia phần phúc của Tin Mừng” (1 Cr 9:22b-23). Liệu chúng ta có dám trở nên mọi sự cho hết mọi người như Thánh Phaolô không? Niềm vui có Chúa không giữ lại cho riêng mình, nhưng phải được chia sẻ cho hết mọi người để họ cũng được tận hưởng niềm vui bất tận đó.
Bài Tin Mừng hôm nay tiếp tục bài giảng trên núi của Chúa Giêsu. Nó nhằm mục đích củng cố lời dạy trong những phần trước (câu 20-38). Bài Tin Mừng bao gồm hai dụ ngôn: dụ ngôn về thầy-trò (câu 39-40) và dụ ngôn về sửa bảo huynh đệ (41-42). Tuy nhiên, theo các học giả Kinh Thánh, những dụ ngôn này không thể được giải thích như là những sứ điệp phổ quát cho các môn đệ Chúa Giêsu. Thánh Luca có những ý nghĩa cụ thể cho những dụ ngôn này trong bối cảnh ơn gọi của các môn đệ và những người sẽ là môn đệ, là những người sẽ gia nhập “những người nghèo” của Thiên Chúa qua việc chia sẻ của cải cho người khác, ngay cả kẻ thù của mình.
Trong dụ ngôn đầu tiên [“Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố? Học trò không hơn thầy, có học hết chữ cũng chỉ bằng thầy mà thôi], Chúa Giêsu không nhắm đến việc khiển trách những thầy dạy “đui mù” trong cộng đoàn Thánh Luca. Những lời này ám chỉ việc các môn đệ là những người đui mù cho đến khi Chúa Giêsu mở mắt cho họ thấy được những điều kiện để theo Ngài (x. Lc 6:20-38). Khi các môn đệ hoàn toàn được huấn luyện về việc chia sẻ của cải, thì họ sẽ có khả năng dạy dỗ người khác. Nói cách cụ thể hơn, người môn đệ Chúa Giêsu chỉ có thể trở nên người dẫn dắt người khác khi hoàn toàn để cho Chúa Giêsu hướng dẫn lời nói và hành động của mình. Chỉ khi chúng ta nên giống Chúa Giêsu, chúng ta mới có thể đem họ đến với Ngài mà không sợ bị lạc đường. Hãy nên giống Chúa Giêsu trong mọi sự, từ lời ăn tiếng nói. Chỉ có như thế chúng ta mới có thể hấp dẫn người khác tin vào Chúa Giêsu.
Dụ ngôn thứ hai tiếp tục làm sáng tỏ điều được đề cập trong dụ ngôn thứ nhất, đó là việc phải chia sẻ của cải cho người khác. Hình ảnh “cái rác” và “cài xà” ám chỉ đến lời khiển trách dành cho những môn đệ thấy những sai sót của mình trong lãnh vực chia sẻ của cải như một cái gì đó vụn vặt so với những lỗi lầm lớn của người khác. Để sửa những “lỗi lầm lớn” của người khác, chúng ta phải có lòng nhân hậu như Cha trên trời, đó là phải lấy “cái xà” [những lỗi mình xem là nhỏ] trong mắt mình trước. Nói cách khác, hãy tu thân trước, sau đó mới có khả năng giúp người khác.
Lm, Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB