(Ep 6:10-20; Lc 13:31-35)
Trong bài đọc 1 hôm nay, Thánh Phaolô chỉ ra cho các tín hữu Êphêsô biết để đứng vững trước những mưu chước của ma quỷ họ phải tìm sức mạnh trong Chúa và trong uy lực toàn năng của Chúa. Đồng thời, họ phải mang toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa (x. Ep 6:10-11). Thánh Phaolô chỉ ra lý do tại sao chúng ta cần đến sức mạnh của Thiên Chúa “vì chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao” (Ep 6:12). Chi tiết hơn, Thánh Phaolô chỉ rõ: “Vậy hãy đứng vững: lưng thắt đai là chân lý, mình mặc áo giáp là sự công chính, chân đi giày là lòng hăng say loan báo tin mừng bình an; hãy luôn cầm khiên mộc là đức tin, nhờ đó anh em sẽ có thể dập tắt mọi tên lửa của ác thần. Sau cùng, hãy đội mũ chiến là ơn cứu độ và cầm gươm của Thần Khí ban cho, tức là Lời Thiên Chúa” (Ep 6:14-17). Trong những lời này, Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta về thực tại của thân phận con người, đó là với sức của mình, chúng ta không thể chiến thắng những mưu chước của ma quỷ. Ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm thất bại nặng nề khi chỉ dựa vào sức của riêng mình. Đứng trước những khó khăn và thử thách trong cuộc sống, hãy nhớ đến Chúa và để cho Ngài hoạt động trong chúng ta.
Điều đáng để chúng ta học hỏi nơi Thánh Phaolô là sự khiêm nhường của Ngài khi cầu xin các tín hữu Êphêsô cầu nguyện cho ngài để ngài mạnh dạn loan báo Tin Mừng ngay cả khi gặp thử thách đau khổ: “Anh em cũng hãy cầu xin cho tôi nữa, để khi tôi mở miệng nói, thì Thiên Chúa ban lời cho tôi, hầu tôi mạnh dạn loan báo mầu nhiệm của Tin Mừng; tôi là sứ giả của Tin Mừng này cả khi tôi đang bị xiềng xích. Anh em hãy cầu xin cho tôi để khi rao giảng Tin Mừng tôi nói năng mạnh dạn, như bổn phận tôi phải nói” (Ep 6:19-20). Đời sống làm chứng cho Chúa cần rất nhiều ơn thánh. Chúng ta nhận ra điều này trong ngày sống của mình. Nhiều người không tin hoặc chưa tin vào Chúa thường nhìn vào lời nói hay hành động của chúng ta để đức tin được gieo mầm trong lòng họ. Nhưng nhiều lần chúng ta không đủ can đảm để sống xứng đáng với ơn gọi làm con Thiên Chúa của mình để rồi lời nói và hành động của chúng ta làm cho người khác không tin hoặc mất niềm tin vào Chúa. Chúng ta phải luôn khiêm nhường cầu xin Chúa và xin người khác cầu nguyện cho mình để mỗi ngày chúng ta sống xứng đáng là chứng nhân của Tin Mừng.
Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Thánh Luca làm nổi bật sự vâng phục của Chúa Giêsu với thánh ý của Thiên Chúa và sự chăm sóc đầy yêu thương của Ngài cho Thành Giêrusalem, thành của Thiên Chúa, và dân trong thành. Ẩn dấu bên dưới đề tài lớn này là đề tài chống đối quen thuộc mà Chúa Giêsu, vị ngôn sứ của Thiên Chúa, luôn đối diện trong suốt sứ vụ của mình. Điều đáng làm chúng ta ngạc nhiên trong đoạn trích hôm nay là những người Pharisêu đến khuyến cáo Chúa Giêsu về mối nguy hiểm đang chờ đợi Ngài: “Khi ấy, tại Giêrusalem, có mấy người Pharisêu đến thưa Đức Giêsu rằng: “Xin ông đi ra khỏi đây, vì vua Hêrôđê đang muốn giết ông!” (Lc 13:31). Chúng ta ngạc nhiên vì những người Pharisêu thường là những người chống lại và muốn giết Chúa Giêsu. Nhưng ở đây, họ lại giúp Ngài. Đây có thể là chứng từ mang tính tích cực duy nhất về những người Pharisêu trong Tin Mừng Thánh Luca. Chi tiết này cho thấy dù những người được xem là “xấu” cũng có lúc làm việc tốt. Chúng ta không nên rơi vào tình trạng “đóng khung” anh chị em mình. Ai trong chúng ta cũng được ban cho lý trí và ý chí để biết và để muốn. Hai khả năng này sẽ giúp chúng ta chọn lựa và quyết định để thay đổi. Hãy để cho chính mình và người khác cơ hội thay đổi khi nhận ra mình đang sống một lối sống chống lại Chúa Giêsu.
Trong câu trả lời cho những người Pharisêu, Chúa Giêsu khẳng định rằng, Ngài không lùi bước dù có bị giết chết: “Người bảo họ: “Các ông hãy đi nói với con cáo ấy thế này: ‘Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất” (Lc 13:32). Những lời này cho thấy, Chúa Giêsu phải vâng phục Thiên Chúa hơn là nghe theo người đời. Ngài kính sợ Thiên Chúa [Cha Ngài] hơn là sợ con người. Chúa Giêsu xem Hêrôđê Antipas là một người xảo quyệt và ranh mãnh. Chúng ta không nên bỏ qua việc đưa lời phê bình về một hình ảnh mang tính chính trị trong trích đoạn này. Trong Tin Mừng Thánh Luca, không có gì được xâm phạm đến trật tự xã hội mà người La Mã đã thiết lập hoặc những người như Hêrôđê, là những người gìn giữ trật tự đó. Chúa Giêsu phê bình họ cách tự do. Điều này cho thấy Chúa Giêsu không lệ thuộc vào trật tự xã hội và những lối thực hành mà người La Mã cũng như đồng minh dấn thân sống. Ngài từ chối bạo lực và lối sống bóc lột mà họ chấp nhận như là một sự bình thường của cuộc sống, và lời giảng dạy cũng như hành vi của Ngài đối nghịch với nhiều lối sống khác mà họ chấp nhận và phổ biến. Là những môn đệ Chúa Giêsu, chúng ta có sẵn sàng sống một lối sống khác biệt, đó là thánh thiện, thành thật và thanh thản dù những người chung quanh chúng ta không sống không? Chúa Giêsu cho biết, trong ba ngày Ngài sẽ hoàn tất công việc của Ngài. Điều này cho thấy Hêrôđê không thể ngăn chặn Chúa Giêsu khỏi việc thực hiện sứ mệnh rao giảng Nước Thiên Chúa từ ngày này sang ngày khác. Chỉ trong thời gian của Thiên Chúa, Chúa Giêsu sẽ đến Giêrusalem và sẽ được làm cho sống lại trong vinh quang bởi Thiên Chúa trong ngày thứ ba. “Tuy nhiên, hôm nay, ngày mai và ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi, vì một ngôn sứ mà chết ngoài thành Giêrusalem thì không được” (Lc 13:33). Những lời này cho thấy Chúa Giêsu quyết định đón nhận thánh ý Thiên Chúa (Điều này được diễn tả cách mạnh mẽ trong thuật ngữ “phải” [Gk. dei]). Chúng ta có quyết định đón nhận thánh ý Thiên Chúa dù phải đối diện với sự loại trừ và đau khổ không?
Bài Tin Mừng kết thúc với những lời đầy yêu thương của Chúa Giêsu dành cho Giêrusalem, thành của Thiên Chúa và con cháu của thành: “Giêrusalem, Giêrusalem! Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi! Đã bao lần Ta muốn tập họp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu. Thì này, nhà các ngươi sẽ bị bỏ mặc cho các ngươi. Mà Ta nói cho các ngươi hay: các ngươi sẽ không còn thấy Ta nữa cho đến thời các ngươi nói: Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa!” (Lc 13:34-35). Giêrusalem không chỉ là nơi Chúa Giêsu bị giết, nhưng cả những người được sai đến với thành và con cháu của thành. Qua hình ảnh gà mẹ, Thánh Luca nói đến hình ảnh một Chúa Giêsu đầy yêu thương. Ngài chăm sóc và bảo vệ những ai thuộc về Ngài. Ngài luôn yêu thương họ và sẵn sàng chịu mọi sự để cho họ được bình an. Mỗi người chúng ta cũng được mời gọi chăm sóc và bảo vệ những ai thuộc về mình bằng cách yêu thương và sẵn sàng chịu mọi khó khăn để mang cho họ sự bình an mà Chúa Giêsu đã hứa.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB