Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Sáu sau Chúa Nhật XVII Thường Niên – Học Để Nhìn Vượt Qua Những Cái Tầm Thường Của Ngày Sống

(Gr 26:1-9; Mt 13:54-58)

Bài đọc 1 thuật lại cho chúng ta lời Chúa đến với Ngôn sứ Giêrêmia “vào đầu triều đại Giơhôgiakim, con vua Giôsigiahu, làm vua Giuđa” (Gr 26:1). Lời sấm của Đức Chúa gồm hai nội dung: nói với ngôn sứ và qua ngôn sứ nói với nhà Giuđa. Trong lời dành cho chính ngôn sứ Đức Chúa phán: “Ngươi hãy đứng ở tiền đình Nhà Đức Chúa và công bố để lên án mọi người thuộc các thành Giuđa đang đến thờ lạy trong Nhà Đức Chúa. Ngươi hãy công bố cho chúng mọi lời Ta truyền cho ngươi, đừng bớt lời nào. May ra chúng sẽ nghe và mỗi người sẽ bỏ con đường xấu xa của mình mà trở lại, bấy giờ Ta sẽ hối tiếc về tai hoạ chính Ta đang định giáng trên chúng vì những hành vi gian ác của chúng” (Gr 26:2-3). Trong những lời này, Đức Chúa truyền lệnh cho Giêrêmia chỉ nói những lời Ngài truyền. Đây chính là căn tính của một vị ngôn sứ, là chỉ nói lại lời của Đức Chúa, không thêm không bớt. Chúng ta cũng được mời gọi trở nên những ngôn sứ của Đức Chúa trong đời sống thường ngày. Chúng ta chỉ nói những lời của Đức Chúa, những lời mang lại sự sống qua sự sám hối, trở về với Chúa. Trung thành với lời Chúa, ngôn sứ Giêrêmia đã nói lời Đức Chúa kêu gọi nhà Giuđa trở về với Ngài: “Nếu các ngươi không chịu nghe Ta mà sống theo Lề Luật Ta đã đưa ra trước mặt các ngươi, nếu các ngươi không chịu nghe lời các ngôn sứ, tôi tớ của Ta, những người chính Ta không ngừng sai đến với các ngươi, nhưng các ngươi đã chẳng chịu nghe, Ta sẽ xử với Nhà này như với Silô; còn thành này, Ta sẽ cho mọi dân tộc trên cõi đất dùng làm lời nguyền rủa” (Gr 26:4-6). Thay vì nghe lời sấm của Đức Chúa, “các tư tế, các ngôn sứ và toàn dân túm lấy ông mà bảo: ‘Thế nào ông cũng phải chết! Tại sao ông lại dám nhân danh Đức Chúa mà tuyên sấm rằng: Nhà này sẽ nên như Silô, còn thành này sẽ ra điêu tàn, không ai cư ngụ?’ Toàn dân đã tụ tập quanh ông Giêrêmia, trong nhà Đức Chúa” (Gr 26:8-9). Những chi tiết trên cho thấy định mệnh của vị ngôn sứ, đó là bị loại trừ và kết án. Ngôn sứ bị kết án bởi những người không quen với lời Chúa, không thích nghe lời khuyến cáo của Đức Chúa mà chỉ thích nghe lời ngon ngọt, xu nịnh của con người. Đôi khi, đây cũng là thái độ sống của chúng ta. Chúng ta thích nghe tiếng ngon tiếng ngọt, tiếng đồng ý với những điều không đúng của mình từ người khác mà không thích nghe lời can ngăn, khuyến cáo từ Đức Chúa qua các ngôn sứ của Ngài.

Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu trở về quê nhà của mình và giảng dạy như Ngài vẫn thường làm. Chúng ta có thể tìm thấy trình thuật này trong Tin Mừng Thánh Máccô (6:1-6) và Luca (4:16-30). Với trình thuật này, một phần mới trong Tin Mừng Thánh Mátthêu được bắt đầu. Phần mới này bao gồm nhiều câu chuyện hầu lấy từ Tin Mừng Thánh Máccô mà trong đó Thánh Mátthêu phát triển những yếu tố có liên quan đến Thánh Phêrô (x. Mt 14:28-31; 16:16-19; 17:24-27). Phần này cũng trình bày cho chúng ta khởi đầu con đường đi đến thập giá của Chúa Giêsu một cách minh nhiên hơn và tiên báo cuộc thương khó của Ngài. Đồng thời, phần này cũng trình bày cho chúng ta về việc Chúa Giêsu thiết lập các môn đệ để tiếp tục sứ mệnh của Ngài sau biết cố tử nạn. Điều đáng lưu ý là phần này bắt đầu với sự kiện loại trừ của những người ở quê nhà của Chúa Giêsu. Chi tiết này nói cho chúng ta biết rằng sứ mệnh của người môn đệ cũng sẽ gặp những khó khăn và loại trừ. Liệu người môn đệ có trung thành với sứ mệnh của mình cho đến cùng không?

Trình thuật cho chúng ta biết việc giảng dạy của Chúa Giêsu trước tiên tạo nên nơi thính giả của Ngài một sự kinh ngạc: “Khi ấy, Đức Giêsu về quê, giảng dạy dân chúng trong hội đường của họ, khiến họ sửng sốt” (Mt 13:54). Nhưng sự kinh ngạc này dường như không mang vẻ thán phục, yêu mến mà là sự kinh ngạc mang tính nghi vấn: “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế? Ông không phải là con bác thợ sao? Mẹ của ông không phải là bà Maria; anh em của ông không phải là các ông Giacôbê, Giôxếp, Simôn và Giuđa sao? Và tất cả chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông ta được như thế?” (Mt 13:54-56). Trong những lời này, thính giả của Chúa Giêsu đã đặt câu hỏi về nguồn gốc của Ngài. Họ không thể vượt qua tương quan máu thịt để đi đến một tương quan cao hơn. Vì vậy, họ không biết được nguồn gốc thần linh của Chúa Giêsu. Chính điều này đã quyết định thái độ của họ đối với Chúa Giêsu: “Và họ vấp ngã vì Người” (Mt 13:57). Đúng vậy, người ta thường nói: Quen thuộc làm phát sinh sự khinh thường. Hay ông bà ta cũng có nói: Gần chùa gọi bụt bằng anh. Chính thái độ này đã làm những người ở quê của Chúa Giêsu không nhìn nhận sự hiện diện của Thiên Chúa trong Chúa Giêsu bởi vì họ chỉ để ý đến bối cảnh và nguồn gốc tầm thường thấp hèn của Ngài. Nguồn gốc và bối cảnh sống này cũng chính là nguồn gốc và bối cảnh của họ vì họ là người cùng quê với Chúa Giêsu. Như thế, khi khinh thường Chúa Giêsu, họ cũng khinh thường chính mình.

Đáp lại lời khinh thường của dân cùng quê, Chúa Giêsu sử dụng một câu ngạn ngữ để nói với họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương và trong gia đình mình mà thôi” (Mt 13:57). Trong những lời này, Chúa Giêsu được xem như là một vị ngôn sứ. Vì thính giả không đón nhận lời giảng dạy của Ngài, Chúa Giêsu “không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ không tin” (Mt 13:58). Ở đây chúng ta thấy Thánh Mátthêu đã thay đổi lời của Thánh Maccô, “Ngài không thể làm” [một sự thất bại không cố ý], thành “Ngài không làm” [một quyết định tự do, cố ý]. Thật vậy, Chúa Giêsu “đã không làm nhiếu phép lạ” là vì Ngài biết rằng khi đã không chấp nhận lời giảng dạy của Ngài, thì thính giả cũng khó chấp nhận hành động của Ngài. Chúng ta cũng nhận ra điều này trong kinh nghiệm sống hằng ngày của mình. Khi đã không chấp nhận [nghi ngờ] lời nói của ai, chúng ta cũng không chấp nhận [nghi ngờ] hành động của người đó. Nhiều khi nếu người đó làm việc gì với ý hướng thật tốt, chúng ta cũng cắt nghĩa sai hành động của họ. Lời Chúa mời gọi chúng ta xét lại tương quan của mình với Ngài và với anh chị em: Chúng ta có mở lòng để lắng nghe, đón nhận lời Chúa và lời anh chị em mình, để rồi trở nên cởi mở hầu đón nhận hành động của Chúa và của anh chị em mình không?

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB