Suy Niệm Lời Chúa – Ngày 2 Tháng 11 – Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời – Thánh Ý Thiên Chúa Là Chúng Ta Được Sống Muôn Đời

(G 19:1.23-27a; Rm 5:5-11; Ga 6:37-40)

Trong những ngày này, chúng ta sống mầu nhiệm Hội Thánh thông công. Ngày hôm qua, chúng ta mừng kính trọng thể các thánh nam nữ. Các ngài là những thành viên của Hội Thánh khải hoàn. Hôm nay, chúng ta kính nhớ đến các tín hữu đã qua đời, là những người đang chờ đợi được hưởng nhan thánh Chúa. Họ là những thành viện của Hội Thánh đau khổ. Còn chúng ta, những người đang sống là thành viên của Hội Thánh lữ hành. Có thể nói, chúng ta là chiếc cầu nối. Khi cử hành mầu nhiệm Hội Thánh thông công, chúng ta được mời gọi để sống một đời sống thánh thiện, để khi chết một mặt chúng ta được gia nhập cùng các thánh trên thiên đàng và mặt khác không phải chịu thanh luyện cách đau đớn trong lửa luyện ngục. Lời Chúa ngày hôm nay mời gọi chúng ta đặt tin tưởng vào Chúa, Đấng đã chiến thắng sự chết.

Trong bài đọc 1, Gióp tâm tình rằng: “Ôi, những lời tôi nói đây, phải chi có người chép lại, phải chi có người ghi vào sách, có người đục bằng sắt, trám bằng chì, tạc vào đá cho đến muôn đời! Tôi biết rằng Đấng bênh vực tôi vẫn sống, và sau cùng, Người sẽ đứng lên trên cõi đất. Sau khi da tôi đây bị tiêu huỷ, thì với tấm thân này, tôi sẽ được ngắm nhìn Thiên Chúa. Chính tôi sẽ được ngắm nhìn Người, Đấng mắt tôi nhìn thấy không phải người xa lạ” (G 19:23-27a). Gióp cho thấy, cái chết chính là cánh cửa mở ra để chúng ta được ngắm nhìn Thiên Chúa. Một điều đáng làm chúng ta suy gẫm là việc Gióp khẳng định, đó là Thiên Chúa mà ông được ngắm nhìn sau khi chết không phải là người xa lạ. Điều này ám chỉ là ông đã rất quên thuộc với Thiên Chúa khi đang sống. Chúng ta thế nào? Chúng ta có quen thuộc với Thiên Chúa trong từng ngày sống của chúng ta không? Hãy “làm quen với Chúa và đường lối của Ngài” khi còn sống trên dương thế này, để khi chết, chúng ta không còn xa lạ với Ngài.

Thánh Phaolô dùng cái chết của Chúa Giêsu để an ủi các tín hữu Rôma. Họ là những người của cậy trông “vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5:5). Hơn nữa, niềm cậy trông này được đặt trên sự kiện là Chúa Giêsu đã chết cho họ ngay khi họ còn là tội nhân (x. Rm 5:6). Nếu Chúa Giêsu chết cho chúng ta khi chúng là tội nhân, huống chi bây giờ chúng ta được làm con cái Thiên Chúa, những người được làm cho trở thành công chính bởi cái chết của Chúa Giêsu. Những lời này mang lại cho chúng ta niềm an ủi khi tưởng nhớ đến những người thân yêu đã ra đi trước chúng ta. Chúng ta tin rằng Chúa Giêsu đã chết để cứu chúng ta khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa (x. Rm 5:9). Vì vậy, chúng ta đã được hoà giải với Thiên Chúa nên chúng ta cũng được cứu nhờ sự sống của Chúa Giêsu (x. Rm 5:10). Đây là niềm tự hào của chúng ta: Chúng ta tự hào rằng chúng ta có một Thiên Chúa yêu thương vô điều kiện. Ngài yêu chúng ta ngay khi chúng ta còn là tội nhân. Điều này mời gọi chúng ta đặt tin tưởng vào Ngài, đồng thời học ở Ngài để yêu thương những người mà chúng ta xem là tội nhân đối với chúng ta.

Thánh Gioan trong bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta lý do Chúa Giêsu được sai xuống thế gian. Bài Tin Mừng này được đặt trong bối cảnh lời giảng của Chúa Giêsu về Bánh Hằng Sống. Thánh Gioan cho thấy rõ Chúa Giêsu được sai đến để thi hành thánh ý Chúa Cha: “Khi ấy, Đức Giêsu nói với dân chúng rằng: ‘Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài, vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi’ (Ga 6:37-38). Những lời này cho thấy chỉ những ai được Chúa Cha ban mới đến với Chúa Giêsu. Và những ai đã đến với Chúa Giêsu thì sẽ không hư mất. Vì vậy, những môn đệ nào cảm thấy bị xúc phạm và rời bỏ Chúa Giêsu về lời dạy của Ngài về sự sống vĩnh cửu thì không thuộc về những người được Chúa Cha ban. Chúa Giêsu sẽ không đuổi bất kỳ ai đến với Ngài. Không phải như những người lãnh đạo Do Thái, là những người đã xua đuổi những người tin vào Chúa Giêsu ra khỏi hội đường (x. Ga 9:34-35). Tin tưởng vào những lời này, chúng ta an tâm rằng những anh chị em của chúng ta đã qua đời sẽ không bị xua đuổi, nhưng được đón tiếp vào trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa. Và chúng ta cũng được mời gọi sống hoà đồng và yêu thương, để không xua đuổi bất kỳ ai ra khỏi con tim và cuộc sống của mình.

Ý của Chúa Cha gồm hai điều: (1) Chúa Giêsu không để mất những người Chúa Cha ban cho Ngài bằng cách cho họ sống lại trong ngày sau hết: “Mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6:39); (2) Sự sống muôn đời được ban cho những ai nhìn thấy và tin vào Chúa Giêsu: “Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6:40). Ở đây, Chúa Giêsu được trình bày như là nguồn của sự sống. Ngài không chỉ ban cho chúng ta sự sống trên dương thế này, nhưng còn cả sự sống của đời sau. Như vậy, để sống một đời sống sung mãn, chúng ta không thể tìm ở đâu khác ngoài Chúa Giêsu. Hãy để Chúa Giêsu là suối nguồn của sự sống chúng ta!

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB