Suy Niệm Lời Chúa – Chúa Nhật XXXI Thường Niên – Sống Giới Răn Yêu Thương

 (Đnl 6:2-6; Hr 7:23-28; Mc 12:28b-34)

Bài đọc 1 hôm nay trình bày cho chúng ta trung tâm của niềm tin Do Thái Giáo, đó là Shema Israel. Một cách cụ thể, Môsê nhắc nhở con cái Israel phải có thái độ nào trước Thiên Chúa: “Anh em cũng như con cháu anh em sẽ kính sợ Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, mọi ngày trong suốt cuộc đời, tuân giữ tất cả những chỉ thị và mệnh lệnh của Người mà tôi truyền cho anh em, và anh em sẽ được sống lâu” (Đnl 6:2). Môsê nói những lời này cho những người Israel đã chứng kiến kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện khi đưa họ ra khỏi cảnh nô lệ bên Ai Cập. Để đáp lại tình yêu của Thiên Chúa, con cái Israel phải có lòng kính sợ Ngài và tuân giữ các mệnh lệnh của Ngài. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta đến tâm tình cần phải có khi nhìn lại cuộc sống của mình với những ơn lành Thiên Chúa đã thực hiện trên cuộc đời chúng ta. Đi trong đường lối của Thiên Chúa mang lại sự sống muôn đời và được hưởng niềm vui trong đất hứa. Bên cạnh đó, Môsê còn nhắc nhở dân Israel về niềm tin vào một Thiên Chúa duy nhất, bên cạnh Ngài không có thần nào khác: “Nghe đây, hỡi Israel! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất” (Đnl 6:4). Những lời này khẳng định vị trí tối thượng và duy nhất của Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa là Đấng duy nhất được tôn thờ, nên con cái Israel “hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em” (Đnl 6:5). Là Đấng tối thượng duy nhất nên Đức Chúa phải được yêu mến trên hết mọi sự và với trọn con người của chúng ta. Chúng ta đã ghi lòng tạc dạ điều này như Môsê đã nhắc nhở con cái Israel chưa? – “Những lời này tôi truyền cho anh em hôm nay, anh em phải ghi lòng tạc dạ” (Đnl 6:6).

Đề tài về sự khác biệt giữa chức vụ thượng tế của Chúa Giêsu và các thượng tế khác được tác giả thư Do Thái tiếp tục trong bài đọc 2 ngày hôm nay: “Đức Giêsu không như các vị thượng tế khác: mỗi ngày họ phải dâng lễ tế hy sinh, trước là để đền tội của mình, sau là để đền thay cho dân; phần Người, Người đã dâng chính mình, và chỉ dâng một lần là đủ. Vì Luật Môsê thì đặt làm thượng tế những con người vốn mỏng giòn yếu đuối, còn lời thề có sau Lề Luật, lại đặt Người Con đã nên thập toàn cho đến muôn đời” (Dt 7:27-28). Theo tác giả thư Do Thái, Chúa Giêsu là mẫu gương thánh thiện và thập toàn cho chúng ta. Ngài không phạm tội như các thượng tế phàm nhân, nhưng Ngài chấp nhận hiến thân mình làm của lễ đền tội cho mọi người. Con chúng ta thì sao? Chúng ta có đủ can đảm để hiến thân làm của lễ đền tội cho những người làm chúng ta đau khổ, những người xúc phạm chúng ta không? Những ai nói “xin lỗi” sau khi phạm lỗi là những người sống theo bổn phận và đức công bằng. Những người nói “xin lỗi” khi người khác xúc phạm đến mình vì không muốn đánh mất mối tương quan đã được xây dựng là những người sống theo tình yêu và con tim của Chúa.

Bài Tin Mừng hôm nay tiếp tục khẳng định vị trí cao trọng của tình yêu trung thành và vô điều kiện qua việc Chúa Giêsu cho biết tình yêu là điều răn đứng đầu. Bài Tin Mừng nói lên cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu với một kinh sư. Đây chính là cuộc tranh luận thứ tư của Chúa Giêsu với các kinh sư. Tuy nhiên, thái độ chân thành và khao khát học hỏi của vị kinh sư biến sự kiện đó thành một cuộc trao đổi để học hỏi hơn là một cuộc tranh luận như thường xảy ra giữa Chúa Giêsu và các kinh sư. Chúng ta thấy có một sự tương đồng và hợp lý trong bài Tin Mừng. Chúng ta có thể chia bài Tin Mừng ra làm hai phần: phần 1 (Mc 12:28b-31) là câu hỏi thưa – đáp giữa vị kinh sư và Chúa Giêsu, phần 2 (Mc 12:32-34) là phần nhận định hay phản ứng của vị kinh sư và Chúa Giêsu trên câu trả lời của người kia.

Phần 1 là câu hỏi-đáp về sự cao trọng của điều răn yêu thương: “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng hàng đầu?” (Mc 12:28b). Chúa Giêsu trích Đnl 6:4-5 để trả lời cho câu hỏi trên: “Nghe đây, hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi.” Câu này đứng vị trí đầu tiên trong ba bản văn Kinh Thánh mà người Do Thái phải đọc hai lần mỗi ngày. Điều răn yêu Chúa có nguồn gốc trong chính bản chất của Ngài như là Thiên Chúa duy nhất. Bốn danh từ “lòng, linh hồn, trí khôn và sức lực” không ám chỉ những phần khác nhau của con người, những nói lên tính toàn bộ của con người. Nói cách khác, chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa với trọn con người của chúng ta. Chúng ta có đang yêu Chúa với trọn con người của chúng ta không hay tình yêu của chúng ta đã bị phân mảnh cho những tạo vật khác? Chúa Giêsu không dừng lại ở việc yêu Chúa, Ngài thêm vào tình yêu dành cho người thân cận: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó” (Mc 12:31). Tuy nhiên, chúng ta cần cẩn trọng trong việc đồng hoá hoặc gắn hai điều răn này với nhau. Hai điều răn được nối kết với từ “yêu” và chúng được đặt song song với nhau chính là “hành động mang tính thần học” của chính Chúa Giêsu. Khi phân tích câu trả lời của Chúa Giêsu từ khía cạnh Kitô học, chúng ta nhận ra nét đặc biệt sau: Trong câu trả lời của Ngài, Chúa Giêsu không chỉ nói đến vị trí tối thượng của tình yêu dành cho Thiên Chúa, của Shema Israel, nhưng Ngài còn khẳng định vị trí cao trọng của tình yêu dành cho người khác. Hai điều răn này đi với nhau không thể tách rời. Điều này xảy ra vì sự nhập thể của Ngài. Nói cách khác, qua mầu nhiệm nhập thể, Chúa Giêsu đã mang tình yêu dành cho Thiên Chúa và cho con người lại với nhau trong Ngôi Vị của Ngài: Ngài là Thiên Chúa thật [tình yêu dành cho Thiên Chúa] và là người thật [tình yêu dành cho người thân cận]. Chỉ có trong Chúa Giêsu, hai giới răn yêu Chúa và yêu người trở nên một. Ngài đã mang trời hoà giải với đất, giới hạn với vô hạn, tương đối với tuyệt đối, thời gian với vĩnh cửu. Như vậy, chỉ trong Chúa Giêsu chúng ta mới có thể yêu Chúa và yêu người khác cách trọn vẹn.

Phần thứ hai trình bày cho chúng ta sự nhận định của vị kinh sư về câu trả lời của Chúa Giêsu và sau đó là nhận định của Chúa Giêsu về nhận định của vị kinh sư. Trong nhận định của mình, vị kinh sư đồng ý với những gì Chúa Giêsu trình bày mà không tỏ thái độ chống đối bằng cách nhắc lại những gì Chúa Giêsu nói. Nhưng như Chúa Giêsu thêm giới răn yêu người thân cận vào giới răn yêu Chúa, vị kinh sư cũng thêm “hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ” (Lc 12:33). Lời này của vị kinh sư vọng lại lời của Ngôn sứ Hôsê (6:6) và lời trong sách Samuen quyển thứ nhất (15:22). Trong câu trả lời của vị kinh sư, chúng ta nhận ra nguyên lý nằm sau mọi lễ toàn thiêu và hy lễ là tình yêu dành cho Thiên Chúa và người thân cận. Có phải tình yêu Thiên Chúa và người thân cận là động lực thúc đẩy tất cả những lời nói và việc làm của chúng ta không?

Đứng trước câu trả lời khôn ngoan của vị kinh sư, Chúa Giêsu “khen” ông ta và khẳng định rằng: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!” (Mc 12:34). Câu nói của Chúa Giêsu không mang tính “tương lai,” nhưng là hiện tại. Nước Thiên Chúa là một thực tại mà vị kinh sư đang đứng rất gần, ngay bên cạnh. Chính tình yêu dành cho Thiên Chúa và tha nhân sẽ chuẩn bị cho ông đón nhận Nước Thiên Chúa. Đây cũng chính là điều Chúa Giêsu nhắc nhở mỗi người chúng ta: chúng ta chỉ có thể vào Nước Thiên Chúa khi tình yêu dành cho Chúa và cho tha nhân là động lực duy nhất của đời sống chúng ta.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB