(Gv 11:9 – 12:8; Lc 9:43b-45)
Với sự khôn ngoan của mình, tác giả sách Giảng Viên khuyên các bạn thanh niên đang trong tuổi thanh xuân “cứ vui hưởng tuổi xuân của bạn, và làm cho tâm hồn được hạnh phúc trong những ngày còn trẻ: cứ chiều theo ước muốn của lòng mình và những gì mắt mình ưa thích. Nhưng bạn phải biết rằng: về tất cả những điều đó, Thiên Chúa sẽ gọi bạn ra xét xử” (Gv 11:9). Lời khuyên này muốn người trẻ vui hưởng tuổi thanh xuân của mình trong việc tìm kiếm những gì mà lòng mình mong ước với tinh thần trách nhiệm vì phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa cho những gì mình làm trong tuổi thanh xuân [nhiều lần bồng bột]. Bên cạnh đó, những người đang giữa tuổi thanh xuân cần nhận ra sự chóng tàn của tuổi xuân mà “tưởng nhớ đến Đấng dựng nên mình” (Gv 12:1). Họ cũng phải thực hiện bốn cái “đừng”: (1) “Đừng chờ đến ngày tai ương ập tới, đừng chờ cho năm tháng qua đi, những năm tháng mà rồi bạn sẽ phải nói: “Tôi chẳng có được một niềm vui nào trong thời gian đó cả!” (Gv 12:1); (2) “Đừng chờ đến khi mặt trời với ánh sáng, mặt trăng cùng tinh tú đều trở thành tối tăm, và mây đen tụ lại khi cơn mưa đã dứt” (Gv 12:2); (3) “Đừng chờ đến khi chỉ bạc đứt, bình vàng vỡ, vò nước bể ngay tại hồ chứa nước, ròng rọc gãy, vụt rơi xuống giếng sâu” (Gv 12:6); (4) “Đừng chờ đến khi bụi đất lại trở về với đất, khi phàm nhân trả lại cho Thiên Chúa hơi thở Người đã ban cho mình” (Gv 12:7). Nói tóm lại, bốn cái đừng nhắc nhở chúng ta, nhất là những người đang trong tuổi thanh xuân một điều, đó là đừng chờ đến lúc quá muộn để yêu Chúa và yêu anh chị em mình.
Bài Tin Mừng hôm nay gồm ba câu. Nếu chúng ta lưu ý cẩn thận, chúng ta thấy cấu trúc bài Tin Mừng được sắp xếp cách cẩn thận để truyền tải cho chúng ta sứ điệp Chúa Giêsu muốn nói đến. Nội dung chính của sứ điệp đó nằm trong câu giữa (câu 44): “Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.” Những lời này đưa chúng ta về với lời khẳng định của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm qua về Người Tôi Tớ Đau Khổ của Thiên Chúa. Để “biết” và “hiểu” điều này, thái độ cần thiết mà người môn đệ phải có là “lắng tai nghe cho kỹ.” Lắng nghe là thái độ mà người Do Thái được mời gọi để sống trong tương quan với Thiên Chúa. Đây là mệnh lệnh được tìm thấy trong “Shema Israel” (Đnl 4:6). Còn đối với các môn đệ của Chúa Giêsu, thái độ lắng nghe phải là thái độ cần thiết nhất trong hành trình biết Chúa Giêsu là ai. Ngài là Lời của Thiên Chúa. Lời phải được lắng nghe. Chúng ta sẽ không biết và hiểu được Lời nếu chúng ta không lắng nghe cho kỹ.
Thái độ lắng nghe của người môn đệ được đặt đối nghịch với thái độ “bỡ ngỡ về tất cả các việc Đức Giêsu làm” của mọi người. Ở đây chúng ta cần lưu ý rằng: trong Tin Mừng Thánh Luca, tất cả các việc làm của Chúa Giêsu phải được nhìn từ khía cạnh của thập giá. Thái độ này được đặt đối diện với thái độ “tò mò” của Hêrôđê về những việc Chúa Giêsu làm. Qua việc làm của Chúa Giêsu, nhiều người đặt nghi vấn về căn tính của Ngài. Ở đây chúng ta nhận ra một định luật triết học, đó là hành động mạc khải hữu thể. Nói cách khác, qua hành động chúng ta biết được hữu thể. Cũng vậy, qua hành động của mình, Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta biết Ngài là ai. Chi tiết này khuyến cáo chúng ta về đời sống của mình. Chính hành động của chúng ta tỏ cho người khác biết mình là ai. Vấn đề ở đây là chúng ta không chỉ là những “con người” như những người thuộc tôn giáo khác. Chúng ta là môn đệ của Chúa Giêsu; chúng ta là “con Thiên Chúa.” Liệu hành động của chúng ta có phản chiếu những thực tại này không?
Trước lời khẳng định về “căn tính của mình” là Người Tôi Tớ Đau Khổ của Thiên Chúa, các môn đệ “không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bí ẩn, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa. Nhưng các ông sợ không dám hỏi lại Người về lời ấy” (Lc 9:45). Theo Marshall, câu này là lối diễn tả của Thánh Luca về “sự bí mật về đau khổ.” Nói cách cụ thể hơn, đau khổ hàm chứa một bí mật mà không ai có thể hiểu được. Chính bí mật này làm cho con người đôi khi cảm thấy sợ hãi. Quả vậy, kinh nghiệm cuộc sống dạy chúng ta rằng khi đối diện với đau khổ, chúng ta thường hỏi “tại sao.” Và chúng ta nhiều lần không tìm thấy câu trả lời. Đau khổ quả là một huyền nhiệm làm cho ai trong chúng ta cũng hoảng sợ. Chúng ta hoảng sợ đến nỗi, như các môn đệ, không dám hỏi Chúa Giêsu. Tuy nhiên, trong Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta một câu trả lời về đau khổ. Chỉ sau khi Chúa Giêsu phục sinh và món quà của sự hiểu biết được ban (x. Lc 24:13-35), các môn đệ mới hiểu được ý nghĩa của mầu nhiệm thập giá, mầu nhiệm của đau khổ. Cũng vậy, chỉ trong mầu nhiệm phục sinh của Chúa Giêsu chúng ta mới có thể hiểu được những đau khổ mà mình đã hoặc đang đối diện. Càng đau khổ bao nhiêu, chúng ta càng phải ngước nhìn Chúa Giêsu bị treo trên thánh giá bấy nhiêu. Chỉ trong ánh sáng của mầu nhiệm thập giá mà chúng ta mới hiểu được ý nghĩa của những đau khổ chúng ta chịu.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB