Đồng Hành Với Người Trẻ Hôm Nay (1)

A. MỞ ĐẦU

Sống trong thế giới mà con người và cách riêng là người trẻ đang phải đối diện với rất nhiều những khó khăn trong cuộc sống, trong việc chuẩn bị tương lai và cách riêng là trong việc sống đức tin. Chính sự phát triển, những trào lưu của nền văn hóa hưởng thụ, đã làm cho người trẻ trở nên thụ động, thích sống một cuộc sống tự do, thoải mái, thích trải nghiệm những điều mới lạ. Vì lẽ đó, những quy định, luật lệ và nghi thức trong Giáo hội dường như trở nên cũ kỹ và thiếu sự thu hút nơi các bạn trẻ.

Đức Thánh cha Phanxico, trong Tông huấn Đức Ki-tô hằng sống đã đưa ra một thực trạng, với một nhận định cụ thể như sau: “Khá nhiều người trẻ, vì rất nhiều lý do, không thể kỳ vọng điều gì nơi Giáo hội, vì họ chẳng thấy Giáo hội có ý nghĩa gì cho cuộc sống của họ[1]”. Chính vì vậy, Giáo hội cần phải “lắng nghe, đối thoại” với nhóm người trẻ này, nhằm giúp họ “phân định” để biết họ là ai, họ thực sự muốn gì nơi Giáo hội, cũng như Giáo hội hôm nay đang muốn trao cho họ sứ mạng nào giữa lòng thế giới là một điều hết sức cần thiết và cấp bách trong thời đại hôm nay.

Trong bài viết này, người viết xin được trình bày khái quát những khủng hoảng về luân lý và đức tin nơi Giáo hội, để có thể đưa ra lý do vì sao người trẻ lại đánh mất sự kỳ vọng vào Giáo hội, đồng thời tìm hiểu để biết rõ những khát vọng của họ, nhằm đưa ra một giải pháp trong việc đồng hành với họ, giúp họ có thể nhận ra chính mình và sứ mạng của mình, để sống và thực thi sứ mạng đó cách tròn đầy và triển nở hơn.

B. NỘI DUNG

I. GIÁO HỘI VÀ NHỮNG THÁCH ĐỐ

  1. Những khủng hoảng trong Giáo hội

            Giáo hội với đặc tính thánh thiện, nhưng nó bao gồm cả những người tội lỗi. Trải qua dòng lịch sử, Giáo hội của Chúa Ki-tô hằng ngày đều phải chiến đấu để chống lại các thế lực kẻ thù. Khởi đi từ những bè rối, những triết lý sai lạc, tất cả những điều này đều xuất phát từ sự hiểu biết chưa tường tận về giáo lý, hay sự nông cạn về đức tin của những nhà thần học, những ki-tô-hữu, và ngay cả nơi hàng giáo phẩm. Hoặc như việc Giáo hội phải đi chinh chiến bởi những cuộc thập tự chinh, và cả những lúc Giáo hội đã có tới ba Giáo hoàng cùng lúc…Hơn nữa, trong thời đại hôm nay, Giáo hội vẫn tiếp tục chiến đấu với những mánh khóe của ma quỷ, ngang qua sự hiện đại, sự tân tiến của thế giới, sự tấn công của trào lưu tục hoá cùng những vấn đề phát sinh từ chính những nghiên cứu của thần học luân lý hiện đại. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II nhận xét: “Cần phải ghi nhận sự “bất hoà” giữa giáo huấn truyền thống của Giáo hội với một số lập trường thần học, về những vấn đề đặc biệt quan trọng đối với Giáo hội, đối với đời sống đức tin của các kitô hữu, ngay cả đối với cộng đồng nhân loại, cách riêng là đối với các bạn trẻ hiện nay[2], để từ đây, chúng ta có thể đặt ra những vấn đề luân lý và đức tin mà họ phải đối diện.

  • Luân lý

Sống trong thế giới mà phần lớn con người sống trong sự ích kỷ chỉ biết mình, Giáo hội cũng chịu ảnh hưởng bởi điều đó, sống trong sự khép kín, chưa dám mở ra với mọi người. “Ngoài Giáo hội không có ơn cứu độ” là một quan niệm hết sức khép kín và nhỏ bé, nếu như ngoài Giáo hội không có ơn cứu độ, thì những người chưa bao giờ được nghe nói tới Chúa Ki-tô và Giáo hội, những tín hữu của các tôn giáo khác, hay những lương dân sống tốt lành theo tiếng lương tâm thì sao? Họ phải chịu án phạt sao! Vấn đề này được mở ra từ sau công đồng Vaticanô II, “ngoài Giáo hội vẫn có thể có ơn cứu độ” hay nơi các tôn giáo khác vẫn có những mầm giống Ki-tô. Tuy nhiên, trong thực tế, vấn đề này lại thực hiện một cách chưa xác thực, bởi rất nhiều những ki-tô-hữu vẫn còn giữ những quan niệm cũ, vẫn sống trong trào lưu của sự khép kín, ích kỷ, mà chưa biết để mở ra với thế giới. Hơn nữa, nhiều lúc trong chính Giáo hội đã biểu hiện một sự “già nua” bởi cứ khư khư ở lại trong sự khắt khe với những luật lệ cổ xưa, mặc cho những luật lệ và quan niệm đó đã được thay đổi để phù hợp với thời đại.

Đặc biệt trong thời gian gần đây, vấn đề lạm dụng trẻ em, hay những vụ bê bối tình dục, tiền bạc trong Giáo hội nơi gương xấu của các Giám mục, linh mục và cả những vị Hồng y, đã đưa đến một sự khủng hoảng lớn trong Giáo hội, nhiều cơ sở vật chất, nhà thờ, nhà xứ hay đại chủng viện đã được bán đi để bồi thường cho những vụ lạm dụng đó. Vậy, phải chăng Giáo hội đang nghĩ rằng:“Giáo hội trẻ trung nhờ việc chấp nhận mọi thứ mà thế giới đang chào mời, hay nghĩ rằng Giáo hội được đổi mới nhờ việc gạt bỏ sứ điệp của mình và hành động giống như mọi người khác[3]”. Tông huấn Đức Ki-tô hằng sống đã nói đến một “Giáo hội tìm kiếm một sự an toàn giả tạo của thế gian[4] bởi sự tha hóa, sự ảnh hưởng của tinh thần thế tục, và ngay cả những cám dỗ bởi việc thiếu đời sống nội tâm, và khả năng làm chủ chính mình.

Một thực trạng cũng đang xảy ra trong Giáo hội, mà thượng hội đồng giám mục thế giới lần thứ XVI đã đề cập đến rất nhiều, đó là vấn đề “giáo sĩ trị”. Thực trạng này đã xảy ra rất nhiều, nhất là những linh mục trong các môi trường giáo xứ, hay trong não trạng của chính những linh mục. Thể hiện qua việc lạm dụng quyền lực, chửi bới, thiếu tôn trọng giáo dân, không biết lắng nghe, thấu hiểu, và thiếu sự chăm sóc đoàn chiên của mình.

Vấn đề “lạm dụng quyền lực, lạm dụng kinh tế, lạm dụng lương tâm, lạm dụng tình dục[5]; khát vọng thống trị, tinh thần thiếu đối thoại và thiếu minh bạch, tình trạng thiếu vắng tâm linh, chủ nghĩa giáo sĩ trị đánh mất niềm tin và nhiệt huyết nơi người trẻ.[6] Có thể nói đây là nỗi đau của Giáo hội, những nỗi đau ấy không thể diễn tả thành lời, và là một thách thức lớn cho Giáo hội trong một thế giới đang thay đổi qua con đường toàn cầu hóa đã và đang phát triển phổ biến, nhất là trong vấn đề giáo dục luân lý và đức tin cho người trẻ hôm nay.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi: “Chúng ta hãy cầu xin Chúa giải thoát Hội Thánh khỏi những kẻ làm cho Hội Thánh già đi, giam cầm Hội Thánh trong quá khứ, giữ Hội Thánh lại hoặc giữ cho Hội Thánh ngừng lại.”[7] Vì vậy, Giáo hội cần đổi mới và khiêm nhường trở về với con đường trẻ trung của Thầy Giêsu, bằng chính đời sống chứng tá giữa lòng thế giới hôm nay.

  • Đức tin

Song song với những khủng hoảng của Giáo hội về vấn đề luân lý, thì vấn đề Đức tin nơi Giáo hội cũng chịu ảnh hưởng và không tránh khỏi những thách đố, khủng hoảng. Đời sống chứng tá nơi Giáo hội dường như trở nên tầm thường, không còn hấp dẫn và lôi cuốn những con người trong thế giới, cách riêng là những người trẻ. Điều này được thể hiện ngang qua những gương xấu trong Giáo hội, hàng giáo sĩ, giới tu trì và cả những giáo dân không đủ gương sáng và chứng tá trong đời sống đức tin và mục vụ.

Hơn nữa, chính những thành phần được coi là sự thánh thiện của Giáo hội lại chưa thể hiện được sự thánh thiện đó ngang qua chính cuộc sống của mình, họ sống một cuộc sống bình thường, một cuộc sống chưa xác tín vào niềm tin của mình, sống đức tin cách lý thuyết, hời hợt, hay cả khi là những phản chứng về đức tin, chẳng hạn như tại Việt Nam, có rất nhiều những linh mục, tu sĩ và giáo dân đã dấn thân vào các nhóm sai lạc, như “Đức Chúa trời Mẹ”, sứ điệp từ trời” và cụ thể hơn là “nhóm trừ quỷ Bảo Lộc”. Bên cạnh đó, một phần đông những ki-tô-hữu đã “đánh mất lòng nhiệt thành vì không còn nghe tiếng Chúa gọi mình chấp nhận sự mạo hiểm và trao hiến[8]” đồng thời, đánh mất cả chứng tá của tình huynh đệ.

Chính bởi những khủng hoảng trên mà dường như việc giáo dục đức tin cho các bạn trẻ cũng chưa được chú tâm đáp ứng, và Giáo hội cũng chưa thực sự đáp ứng được những mong chờ nơi các bạn trẻ. Chính những gương xấu, những khủng hoảng trong đời sống đức tin và luân lý nơi Giáo hội, đã ảnh hưởng rất lớn trên đời sống đức tin của các bạn trẻ, và phải chăng họ đang gặp khủng hoảng, đánh mất niềm tin và sự kỳ vọng vào Giáo hội. Vì vậy, “khá nhiều người trẻ, vì rất nhiều lý do, không thể kỳ vọng điều gì nơi Giáo hội, vì họ chẳng thấy Giáo hội có ý nghĩa gì cho cuộc sống của họ[9].

  1. Những khủng hoảng của người trẻ hôm nay

Sống trong một thế giới văn minh, phát triển, người trẻ sẽ có rất nhiều cơ hội để học hỏi, để lớn lên bởi những phương tiện của thời đại hỗ trợ. Tuy nhiên, có nhiều lúc chính những phương tiện và sự văn minh đó, lại là cớ để dẫn đưa người trẻ đến những khủng hoảng trong đời sống, nhất là khủng hoảng về vấn đề luân lý và đức tin.

  • Người trẻ trước nền văn minh hiện đại

Trước nền văn minh của thế giới, vẫn còn đó nhiều người trẻ đang sống trong bối cảnh chiến tranh, như ở Nga và Ukraina, hay tại Sudan. Nhiều người khác phải gánh chịu bạo lực dưới vô số hình thức: bắt cóc, tống tiền, tội phạm có tổ chức, buôn bán người, nô lệ tình dục…  Nhiều người trẻ khác vì đức tin của mình mà phải gánh chịu nhiều bách hại. Hay những người trẻ, vì lý do nào đó, đang sống trong tình trạng tội lỗi… đang lung lạc bởi các ý thức hệ, bị khai thác và sử dụng làm những điều sai trái. Có nhiều người trẻ trở thành những con người theo chủ nghĩa cá nhân, thù địch và nghi ngờ mọi người; nhiều người lại phải bỏ mạng vì nghèo đói và bạo lực, bị gạt ra bên lề và bị loại trừ khỏi xã hội vì lý do tôn giáo, sắc tộc hay kinh tế.[10]

Sống trong thời đại kỹ thuật số, thời đại công nghệ của Internet… nó giúp con người mở rộng kiến thức, thúc đẩy, bảo vệ quyền con người và đồng thời giúp cho họ có đời sống phát triển, xã hội văn minh. Tuy nhiên, nó cũng là phương tiện đẩy đưa người trẻ vào những mối nguy hại và những ngõ cụt của cuộc sống. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói: “Mạng là một cơ hội để thúc đẩy việc gặp gỡ người khác, nhưng cũng có thể làm tăng thêm sự tự cô lập của chúng ta”[11]. Những người trẻ là những người có ảo tưởng nhiều nhất rằng, mạng xã hội hoàn toàn có thể làm cho họ thỏa mãn về mặt tương quan. Hơn nữa, tình trạng ý thức hệ đã ảnh hưởng một cách tiêu cực đến giới trẻ trong đời sống tính dục, hôn nhân, về sự sống hay về công bằng xã hội”[12] ; như việc sống thử trước hôn nhân, tìm kiếm cảm giác mạnh, ích kỷ chỉ nghĩ đến mình, tìm kiếm một sự thỏa mãn cho bản thân, mà quên đi vấn đề luân lý và đức tin. Hơn nữa, đời sống thiêng liêng và vấn đề tâm linh nơi người trẻ dường như không được để ý tới, hay có để ý tới, cũng chỉ một cách sơ sài.

Hơn nữa, sống trong thế giới này, chính người trẻ cũng kinh nghiệm những bế tắc, những thất vọng và những ký ức đau đớn sâu xa. Họ thường cảm thấy “nỗi đau của những thất bại trong quá khứ, những vỡ mộng, những kinh nghiệm về sự phân biệt đối xử và bất công, về cảm giác mình không được yêu thương và đón nhận”. Rồi, cũng “có những tổn thương luân lý, sự đè nặng của những lỗi lầm trong quá khứ, và một mặc cảm tội lỗi vì mình đã phạm các sai lầm”.

Chính những tình trạng trên, đã đưa người trẻ đến sự thất vọng, buông bỏ, sự lung lạc trong đức tin, mất niềm hy vọng vào cuộc sống, vào chính bản thân mình và ngay cả niềm tin nơi Giáo hội.

  • Đức tin có còn cần thiết

Sống trong thế giới, mà dường như những người trẻ cảm thấy được thỏa mãn và đáp ứng tất cả nhu cầu của bản thân mình, trong khi những nhu cầu đó họ không tìm thấy nơi Giáo hội, hay chính những lúc các bạn trẻ dường như rơi vào tình trạng bị bỏ rơi, mất phương hướng mà không có được sự đỡ nâng của những người xung quanh. Vậy Đức tin có còn cần thiết?

Chính sự hấp dẫn của tiền tài, danh vọng của sự hưởng thụ mà nhiều người trẻ đã xa rời đức tin, không còn cảm thấy mình thuộc về Giáo hội, hoặc họ cho rằng “Giáo hội chẳng liên quan gì đến cuộc đời họ. Một số còn minh nhiên yêu cầu Giáo hội để họ yên thân, vì họ cảm thấy khó chịu, nếu không muốn nói là bực bội khi Giáo hội hiện diện”.[13] Hơn nữa, vấn đề giáo dục đức tin nơi những người trẻ không được cha mẹ, giáo xứ ưu tiên, hay khi chính bản thân họ coi vấn đề đức tin là một điều gì đó dư thừa, bởi họ đang tìm kiếm một đức tin phải sờ, thấy và kiểm chứng được, và dường như họ đang khao khát chờ đợi một điều gì đó khác hơn so với những cử hành, những nghi lễ buồn tẻ, quen thuộc. Nên đối với họ, có thể Đức tin không còn quan trọng nên không còn chú tâm vào việc đào tạo đức tin của mình.

Những người trẻ đang rơi vào hoàn cảnh đó, bởi họ chưa tìm thấy một lý tưởng, một chân lý đích thực cho cuộc đời mình, họ cứ mãi mê chạy theo những giá trị của trần thế. Tuy nhiên, nơi họ vẫn đang khao khát một điều gì đó sâu thẳm trong cõi lòng, bởi bản chất của con người là khao khát và kiếm tìm chân lý đích thực. Có rất nhiều người trẻ đã tìm ra chân lý đó, trong chính đời sống đức tin của mình, nơi sự gắn kết với Đức Ki-tô. Họ đang sống đời đức tin và chứng tá một cách hữu hiệu, ngang qua gương sống và việc thực hành đức tin. Như chân phước trẻ Carlo Acutis, ngài đã luôn sống đức tin một cách cụ thể, xác tín và luôn khao khát nên thánh trong chính đời sống đức tin qua việc gần gũi và yêu mến Chúa, nhất là Chúa Giê-su Thánh Thể, hay có nhiều bạn trẻ khác đã dám làm chứng cho đức tin bằng cái chết của mình.

Vì vậy, Đức tin là một yếu tố rất cần thiết trong đời sống của mỗi con người, ngay cả những người không cùng niềm tin tôn giáo, chính nơi niềm tin, sự khao khát kiếm tìm chân lý mà con người đạt đến hạnh phúc đích thực. Vì vậy, một Giáo hội Hiệp hành phải học cách đồng hành với những người trẻ này[14] để giúp họ được tìm thấy những giá trị của cuộc đời bằng việc sống trong niềm tin và trưởng thành trong đức tin.

II. GIÁO HỘI ĐỒNG HÀNH VỚI NGƯỜI TRẺ

  1. Hiệp hành: Phương cách sống và hành động đặc trưng của Giáo hội
    • Những giá trị và lợi ích của hiệp hành

Hiệp hành được dịch bởi “Synodos” từ gốc của Hy Lạp, tức là đi trên cùng một con đường, theo một ý nghĩa cụ thể nhất và mạnh nhất. Nhằm mục tiêu đưa con người đến sự hoán cải và đổi mới. Hiệp hành biểu lộ bản chất của Hội Thánh, là cách thức, lối sống và sứ mạng của Hội Thánh[15]” đồng thời là một phần không thể thiếu trong chính bản chất của mình.

Hiệp hành là chiều kích thiết yếu của Giáo hội, có khả năng tập hợp được toàn bộ sức mạnh của mọi thành phần Dân Chúa, tạo sự gắn bó trong nội bộ, và mở ra với sứ mạng truyền giáo cho muôn dân. Lối sống Hiệp Hành của Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI mời gọi mọi thành phần Dân Chúa cùng nhau chung bước để hướng đến một Hội thánh Hiệp Hành: hiệp thông – tham gia – và sứ vụ.[16] Chính những chiều kích này là mục đích mà Thượng Hội Đồng muốn nhắm đến.

Hiệp hành có khả năng thúc đẩy những trải nghiệm sống động về sự phân định, tham gia và đồng trách nhiệm, là nơi quy tụ mọi loại ân sủng khác nhau để phục vụ cho sứ mạng của Hội thánh trên toàn thế giới.  Hiệp hành tạo niềm hứng khởi để con người mơ về một Hội thánh mà chúng ta được mời gọi trở thành, là làm cho niềm hy vọng được nảy nở, là khơi dậy niềm tin, là băng bó các vết thương, là tạo nên những mối tương quan mới mẻ và sâu sắc hơn, là học hỏi lẫn nhau, là xây dựng những nhịp cầu, là thắp sáng tâm trí, là sưởi ấm cõi lòng và phục hồi sức mạnh cho đôi tay để phục vụ sứ mạng chung[17]. Một chiều kích khác của Hiệp hành là việc canh tân não trạng và cơ cấu Giáo hội, ngang qua việc canh tân chính bản thân mỗi phần tử trong Giáo hội. Chính việc canh tân này giúp cho con người quan tâm hơn đến việc điều chỉnh lại những gì chưa phù hợp, để có thể thực hiện điều Thiên Chúa mời gọi.

Con đường hiệp hành nhằm đưa con người được sát kề hơn trong tương quan với Thiên Chúa, ngang qua việc dành thời gian để lắng nghe, phân định và xác tín vào sự hiện diện yêu thương của Chúa; cũng như hướng con người đến sự thông hiệp với Chúa, ngang qua những sinh hoạt của cộng đoàn, giáo xứ, giáo Phận. Nhờ đó con người có khả năng để luôn hy vọng, tin tưởng vào sự quan phòng và chở che của Chúa trên cuộc đời mình.

Hiệp hành cũng là cơ hội để con người đổi mới tương quan với bản thân, là cơ hội thuận tiện để con người thủ đắc thêm khả năng phân định dựa trên các giá trị Tin Mừng, để nhận ra những giá trị cốt lõi của đời sống ki-tô-hữu. Nhờ đó có thể chuyển trao những giá trị đó đến với anh chị em mình, và góp tay xây dựng một thế giới tốt đẹp, nơi mọi người cảm nhận được tình yêu thương, niềm vui và sự quan tâm chăm sóc của Giáo hội.

Hơn nữa, Hiệp hành còn là cơ hội tốt để con người đổi mới trong tương quan với tha nhân. Bởi tính hiệp hành diễn tả bản chất của Hội thánh, là Dân Thiên Chúa đồng hành cùng nhau và tập họp trong cộng đoàn, được Chúa Giêsu quy tụ bằng quyền năng của Chúa Thánh Thần để loan báo Tin Mừng.[18] Theo nghĩa này, tính hiệp hành giúp cho toàn thể Dân Chúa cùng nhau tiến bước, lắng nghe Chúa Thánh Thần và Lời Chúa, tham gia vào sứ mạng của Giáo hội trong sự hiệp thông mà Đức Kitô thiết lập giữa chúng ta. Cuối cùng, con đường hiệp hành này là cách hiệu quả nhất để biểu lộ và thực hành bản chất của Giáo hội với tư cách là Dân Chúa lữ hành và truyền giáo. Hơn nữa, nhờ gặp gỡ Hiệp Hành, cùng với sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, con người mở rộng con tim để đón nhận tất cả mọi người, nhất là những người “ở ngoại vi”, họ thường bị bỏ rơi hoặc bị gạt ra bên lề cuộc sống[19].Vì thế, Hiệp Hành chính là cơ hội để con người có thể đổi mới tương quan với Thiên Chúa, với bản thân và với tha nhân. “Con đường hiệp hành này là chính con đường Thiên Chúa mong đợi nơi Hội thánh của thiên niên kỷ thứ ba[20]

  • Những thao thức của Giáo hội về người trẻ

Người trẻ là tương lai của Giáo hội, của Thế giới. Vì vậy, các Kitô hữu trẻ luôn là mối quan tâm đặc biệt của toàn thể Giáo hội. Giáo hội đã luôn quan tâm đồng hành với người trẻ trong mọi giai đoạn lịch sử và cách cụ thể từ sau công đồng Vaticano II, điều này được chứng minh qua các thượng hội đồng, các thư chung, thư mục vụ… cụ thể như: Thượng Hội đồng Giám Mục lần thứ XV họp tại Rôma vào tháng 10 năm 2018 bàn về chủ đề “Giới trẻ, đức tin và việc phân định ơn gọi” Đức Thánh Cha Phanxico đã ban tông huấn Đức Ki-tô hằng sống, trong đó, ngài khắc họa Dung nhan sống động, tươi trẻ và gần gũi của Chúa Kitô Phục sinh đang sống giữa chúng ta. Riêng tại Việt Nam, trong những năm vừa qua (2020-2022), Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã đưa ra chủ đề Giáo hội đồng hành với người trẻ qua những chủ đề cụ thể: năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện. Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình và Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

Người trẻ là tương lai của Giáo hội, xã hội và là yếu tố làm cho Giáo hội được tươi trẻ và sống động hơn. Nhưng để có thể có được những điều đó, họ rất cần được hướng dẫn, đồng hành và nâng đỡ. Vì Vậy, có thể nói rằng Giáo hội chính là con đường để hướng dẫn người trẻ đến cùng Đức Ki-tô và làm cho cuộc đời họ trở nên tươi mới hơn.

  1. Đồng hành với người trẻ

Như đã nói ở phần “người trẻ trước nền văn minh hiện đại”, Vậy, với những thách đố mà người trẻ đang phải đối diện, thì Giáo hội phải làm gì cho họ? Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói rằng: “Là Giáo hội, chúng ta không thể vô cảm trước những bi kịch ấy của các bạn trẻ[21]Nhưng đúng hơn “chúng ta cần những dự án có thể kiện cường các bạn trẻ, đồng hành với họ và thúc đẩy họ gặp gỡ những người khác, dấn thân vào những việc phục vụ quảng đại trong sứ mạng”[22] bởi Thiên Chúa đang kêu gọi chúng ta thắp lên những ánh sao trong đêm tối của các bạn trẻ[23].

Trong thế giới hôm nay, dường như con người đang nhìn vào người trẻ và nghĩ rằng, vấn đề luân lý nơi người trẻ đang xuống cấp và gây nhiều ảnh hưởng xấu đến xã hội và Giáo hội. Tuy nhiên, Giáo hội vẫn luôn nhìn nhận rằng: “Tuổi trẻ là một phúc lành cho Giáo hội và thế giới[24]; “người trẻ không chỉ là đối tượng phục vụ của Giáo hội, mà còn là chủ thể phản ảnh Đức Giêsu Kitô giữa lòng nhân thế; không chỉ là tương lai mà còn là hiện tại của thế giới, họ đã và đang góp phần làm phong phú thế giới[25].

Giữa những thập giá mà người trẻ phải mang vác, Giáo hội cần đồng hành với họ, để giúp họ thấy sự hiện diện của Đức Ki-tô cùng sự đồng hành đầy sức an ủi và chữa lành của Người. Đồng thời, Giáo hội cũng trở thành khí cụ của Đức Giêsu trên con đường này, con đường dẫn đến sự chữa lành và bình an nội tâm[26] cho các bạn trẻ. Việc đồng hành với người trẻ hướng đến sự trưởng thành toàn diện, nhất là sự trưởng thành về mặt luân lý và đức tin là một điều hết sức quan trọng, cần thiết và cấp bách mà mọi thành phần dân Chúa đều phải lưu tâm.

Vậy, Giáo hội cần phải đồng hành với người trẻ theo những cách thức nào để có thể phù hợp với hoàn cảnh trong thế giới hôm nay. Trong Tông huấn Đức Ki-tô hằng sống, Đức Thánh Cha Phanxico đã nêu lên một khuôn mẫu của việc đồng hành, đó là việc đồng hành với người trẻ theo ba bước như Đức Kitô phục sinh đã làm đối với hai môn đệ trên đường Emmaus (x. Lc 24, 13-35). Ngài đã đến gặp gỡ và cùng đi với họ trên cùng một con đường. Chính Ngài gợi chuyện và lắng nghe tâm tư buồn phiền thất vọng của họ, sau đó Ngài cùng với họ đọc lại Kinh Thánh để phân định kế hoạch của Thiên Chúa. Sau khi nhận ra Chúa Phục sinh qua việc bẻ bánh, lòng họ đã bừng cháy, họ đổi chiều để đi ngược lại con đường vừa đi và trở về Giêrusalem loan báo Tin Mừng Phục sinh cho các Tông đồ[27].

  • Gặp gỡ

Cũng như Đức Ki-tô, Giáo hội đồng hành với người trẻ trước hết bằng một cuộc gặp gỡ “Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ” Ngài đã chủ động trong việc bước tới và gặp gỡ các môn đệ, nhất là khi các ông đang ở trong tình trạng của sự thất vọng. Dù lúc này, các ông chưa hiểu, chưa thấu, nhưng sự hiện diện của Đức Giê-su trong lúc này có lẽ đã giúp họ được phần nào trước tâm trạng thất vọng đó, nên hai ông đã thổ lộ nổi thất vọng và sự chán nản cho Đức Giê-su (Lc 24,18- 24). Trong việc đồng hành với người trẻ cũng vậy, nhiều lúc chính Giáo hội phải là người nhạy bén, để chủ động đến tiến đến gần và cùng đi với họ, bởi lẽ, có những lý do nào đó khiến họ không đủ tự tin để đến, để sẽ chia, hay cả khi họ nhìn Giáo hội như một điều gì đó xa vời trong những cuộc gặp gỡ của họ, hoặc nhiều lúc chính các bạn trẻ lại không đủ can đảm bởi họ nhận thấy những rào cản ở nơi Giáo hội hay cả khi họ không còn kỳ vọng gì nơi Giáo hội[28]. Vì vậy, cũng như hai môn đệ trên đường Em-mau đã chia sẻ tâm trạng của mình với Thầy Giê-su, khi cảm nhận được sự thấu cảm của Ngài, thì các bạn trẻ cũng vậy, khi họ cảm nhận được sự thấu hiểu nơi Giáo hội, nơi mọi thành phần trong Giáo hội, thì đó cũng là lúc họ có thể dễ dàng mở lòng để bước vào một cuộc đồng hành. Việc Chúa Giê-su đồng hành với hai môn đệ, đã đưa đến một thành quả đó là việc họ đã nhận ra Chúa, khi họ tiến vào một cuộc gặp gỡ sâu xa, đó chính là việc Chúa Giê-su ở lại và cùng đồng bàn với họ ngang qua dấu chỉ Bẻ Bánh. Vì vậy, Giáo hội cũng hướng người trẻ vào một cuộc gặp gỡ thực sự, khi hướng dẫn cho người trẻ nhận ra Chúa, nhận ra những giá trị Tin Mừng; đồng thời nhận ra những giá trị luân lý và Đức tin nơi chính bản thân của các bạn trẻ.  Đây là điểm tới của hành trình “đồng hành”.

Hơn nữa, những người trẻ phải chăng đang muốn những cuộc gặp gỡ thực sự, nó không hệ tại ở những văn bản, hay tổ chức những chương trình, những kế hoạch, nhưng trọng tâm là sự gặp gỡ trực tiếp, khi cùng đi với các bạn trẻ, cùng cảm thông, cùng đồng hành và trên hết là sự tôn trọng…Đó là cách mà Thiên Chúa Cha nhìn mọi sự; Ngài “biết cách nâng niu nuôi dưỡng những hạt giống thiện hảo trong trái tim những người trẻ. Vì thế tâm hồn mỗi người trẻ phải được xem là “đất thánh”, nơi mang các hạt giống sự sống thần linh; chúng ta phải “cởi giày ra” trước khi đến gần và bước sâu hơn vào Mầu nhiệm.”[29]  chính khi Giáo hội đến với người trẻ lúc này, là cơ hội thuận tiện để hướng người trẻ đến một sự thay đổi và hoán cải bản thân, đến việc gặp gỡ Thiên Chúa, gặp gỡ nhau và gặp gỡ chính mình.

  • Lắng nghe

Đồng hành còn là khả năng biết lắng nghe và lắng nghe là một trong những chìa khóa quan trọng trong việc đồng hành. Nó giúp cho người đồng hành hiểu biết chiều sâu nội tâm và vấn đề của người thụ hướng để cùng phân định và đồng hành với họ[30].

Ở đây, người viết chỉ nhấn mạnh đến việc lắng nghe của Giáo hội và của những người trẻ trong Giáo hội. Vì vậy, để việc lắng nghe mang lại những giá trị thì trước tiên, Giáo hội nên lắng nghe chính mình trước khi lắng nghe các bạn trẻ, vì khi lắng nghe được chính mình, sẽ dễ dàng để lắng nghe người khác. Vì vậy, Giáo hội không nên để mình bị lôi cuốn một cách dễ dàng vào sự cứng nhắc của riêng mình, nhưng hãy “phản ánh Đức Giê-su Ki-tô và khiêm nhường nhìn nhận một số điều phải thay đổi cách cụ thể”.Bởi Giáo hội trẻ trung khi biết lắng nghe chính mình, là chính mình và “có năng lực để hiểu rõ bản thân mình[31].

Hơn nữa, việc lắng nghe phải là một việc mang tính sẻ chia, chứ không phải là một sự áp đặt phải làm thế này hay làm thế kia. Trong vấn đề đồng hành và lắng nghe người trẻ, nhiều lúc Giáo hội cũng muốn những người trẻ phải nghe theo sự hướng dẫn và sắp đặt của mình, mà không để ý tới cảm xúc của họ, hay như thượng Hội đồng đã nhìn nhận rằng: “thay vì chú ý lắng nghe, Giáo hội lại có xu hướng đưa ra những câu trả lời đóng gói sẵn và những giải pháp tiền chế, mà không cho phép những người trẻ nêu lên những câu hỏi thực sự của họ, cũng như không đối mặt với những thách đố mà họ đề ra”. Vậy, nếu cứ như vậy, thì khả năng trưởng thành và đưa đến một kết quả tốt đẹp thì đó là một điều hết sức xa vời, và niềm tin cũng như hy vọng nơi Giáo hội của những người trẻ sẽ ra sao.

Cuộc gặp gỡ giữa Đức Ki-tô với hai môn đệ trên đường Em-mau được bắt đầu khi hai môn đệ trách Đức Ki-tô là không biết “Chắc ông là người duy nhất… không biết” và sau khi nghe họ kể chuyện, Ngài đã lắng nghe với thái độ đơn sơ, giản dị, Ngài lắng nghe những nỗi niềm, lắng nghe trọn vẹn câu chuyện và sau khi nghe xong Ngài lại trách họ là không hiểu, rồi “bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông”. Người giải thích, còn các ông lắng nghe để khi đã nhận ra Ngài lúc bẻ bánh, lòng họ đã chẳng bừng cháy lên.

Khả năng lắng nghe là một điều không thể thiếu trong việc đồng hành, cách riêng là việc đồng hành với người trẻ. Lắng nghe bao hàm cả việc hiểu biết, đón nhận và giúp người trẻ khám phá ra con người thật của họ và kế hoạch mà Thiên Chúa dành cho họ[32]. Vì vậy, trong việc đồng hành với người trẻ, Giáo hội cũng cần có thái độ cởi mở, và hướng người trẻ đến với một khao khát thay đổi bản thân ngang qua việc lắng nghe những chuyển biến nội tâm. Cũng như hai môn đệ trên đường Em-mau, khi người trẻ bối rối, hoang mang thì chính Giáo hội cũng cần có những sự giải thích như Đức Giê-su đã giải thích cho các môn đệ, khi dùng chính Kinh Thánh, hay như Đức Thánh cha Phanxico đã nói với các bạn trẻ rằng: Đức Ki-tô ở trong các con, Người ở với các con và không bao giờ bỏ các con, người vẫn luôn ở đó, Người kêu gọi các con và người chờ mong các con trở về vói Người và bắt đầu lại mọi sự[33].

Trong cuộc đồng hành của Đức Giê-su với hai môn đệ, vấn đề được bàn tới không phải là một điều gì đó mơ hồ, nhưng là việc Ngài đi vào trọng tâm với vấn đề mà lòng các ông còn chưa ra khỏi… Vì vậy, để có thể đồng hành với người trẻ cách hiệu quả, chính Giáo hội cũng cần tìm hiểu để biết đâu là những khát vọng, những mơ ước mà Người trẻ đang hướng tới và hơn nữa họ đang kỳ vọng điều gì nơi Giáo hội. Nhờ hiểu biết những khát vọng sâu xa của người trẻ, Giáo hội cùng đồng hành với họ, để hướng họ đến một cuộc sống tươi mới hơn, một cuộc sống trẻ trung, năng động và tràn đầy sức sống, như việc Đức Giêsu, đã đi vào chốn sâu thẳm của tâm hồn, để có thể làm cho con tim các môn đệ “bừng cháy”.

Để việc đồng hành với Người trẻ mang lại hiệu quả, điều quan trọng là việc chính Giáo hội cúi mình trong khiêm tốn thật sự, để lắng nghe chính mình và cùng bước đi với người trẻ trong những thách đố, để có thể nói với họ rằng “Đức Ki-tô, Ngài vẫn ở đó và Ngài đang sống”. Vì vậy, lắng nghe là một điều hết sức cần thiết trong việc đồng hành với người trẻ, Giáo hội cần lắng nghe họ, không chỉ lắng nghe bằng đôi tai, bằng ánh mắt, nhưng là lắng nghe bằng cả con tim, với thái độ bình tĩnh và kiên nhẫn. (Còn tiếp)

Bài Tiểu luận Môn Thần học Luân lý chuyên biệt

Học viên Matta Trần Thị Hạnh

Hội dòng Mến Thánh Giá Huế

[1] Đức thánh cha Phanxico, Tông huấn hậu thượng hội đồng Đức Ki-tô hằng sống, Lm. Lê Công Đức.PSS dịch, số 40.

[2] Những luân lý hiện nay theo thông điệp Ánh Rạng Ngời Chân Lý, <https://gpcantho.com/nhung-luan-ly-hien-nay-theo-thong-diep-anh-rang-ngoi-chan-ly/> (truy cập ngày 11/05/2023).

[3] Đức thánh cha Phanxico, Tông huấn hậu thượng hội đồng Đức Ki-tô hằng sống, Lm. Lê Công Đức.PSS dịch, số 35.

[4] X. Ibid, số 37.

[5] Ibid, số 98.

[6]  x.Ibid, số 95 và 98.

[7] Đức thánh cha Phanxico, Tông huấn hậu thượng hội đồng Đức Ki-tô hằng sống, Lm. Lê Công Đức.PSS dịch, số 35.

[8]Ibid, số 37.

[9] Đức thánh cha Phanxico, Tông huấn hậu thượng hội đồng Đức Ki-tô hằng sống, Lm. Lê Công Đức.PSS dịch, số 40.

[10] X.Ibid, số 72-74.

[11] ĐGH Phanxicô, Sứ điệp ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 53, năm 2019; x. Docat, số 42 và số 44.

[12] Đức thánh cha Phanxico, Tông huấn hậu thượng hội đồng Đức Ki-tô hằng sống, Lm. Lê Công Đức.PSS dịch, số 79.

[13]Ibid, số 40

[14] X. Tài liệu cuối cùng đại hội cấp châu lục của Giáo hội á châu về tính hiệp hành 16.03.2023, <https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tai-lieu-cuoi-cung-cua-dai-hoi-cap-chau-luc-cua-giao-hoi-a-chau-ve-tinh-hiep-hanh-50697#_Toc132788157>, số 139, (truy cập ngày 11/05/2023).

[15] Hiệp hành là lối sống của Hội Thánh <https://giaophanphucuong.org/hiep-hanh/hiep-hanh-la-loi-song-cua-hoi-thanh-29175.html> (truy cập 05/05/2023)

[16] Vatican, Cẩm nang cho Thượng Hội đồng Giám mục về tính hiệp hành, <https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/cam-nang-cho-thuong-hoi-dong-giam-muc- ve-tinh-hiep-hanh-42941>, Số 1.3, (truy cập 04/05/2023).

[17] Ibid.

[18] Vatican, Cẩm nang cho Thượng Hội đồng Giám mục về tính hiệp hành, <https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/cam-nang-cho-thuong-hoi-dong-giam-muc-ve-tinh-hiep-hanh-42941>, số 1.2 (truy cập ngày 05/05/2023).

[19] Ibid, số 1.5.

[20] Diễn từ Mừng kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập Thượng Hội đồng Giám mục (17.10.2015), <https://cunghoidap.com/dien-tu-mung-ky-niem-50-nam-ngay-thiet-lap-thuong-hoi-dong-giam-muc/amp> (truy cập ngày 06/05/2023).

[21] Đức thánh cha Phanxico, Tông huấn hậu thượng hội đồng Đức Ki-tô hằng sống, Lm. Lê Công Đức.PSS dịch, số 75.

[22] Ibid, số 30.

[23] Ibid, số 33.

[24] Ibid, số 13.

[25] Ibid, số 64.

[26] Đức thánh cha Phanxico, Tông huấn hậu thượng hội đồng Đức Ki-tô hằng sống, Lm. Lê Công Đức.PSS dịch, số 83.

[27] x. Ibid, số 236-237.

[28] Ibid, số 40.

[29]Đức thánh cha Phanxico, Tông huấn hậu thượng hội đồng Đức Ki-tô hằng sống, Lm. Lê Công Đức.PSS dịch, số 67.

[30] Lắng nghe thấu cảm trong phân định và đồng hành thiêng liêng, <https://sjjs.edu.vn/lang-nghe-thau-ca%CC%89m-trong-phan-di%CC%A3nh-va-dong-hanh-thieng-lieng/> (truy cập ngày 11/05/2023).

[31] TS. Nguyễn Chí ThuậtTạp chí Tri Thức Trẻ, <http://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/nghe_thuat_lang_nghe_thau_hieu_nguoi_khac.html>, (ngày truy cập 06/05/2023).

[32] Lm. Giu-se Phạm Quốc Văn, OP. Trên đường Em-mau. NXB tôn giáo. Tr.20.

[33] Đức thánh cha Phanxico, Tông huấn hậu thượng hội đồng Đức Ki-tô hằng sống, Lm. Lê Công Đức.PSS dịch, số 2.