Chiều cuối năm, nắng buông những tia mảnh mai, nhảy nhót trên những chồi non của cành cây đương mùa nảy lộc. Nắng nhẹ nhàng, e thẹn như cô thiếu nữ đôi mươi thẹn thùng. Lấp ló đón xuân những cành đào thắm nở, cành mai nhẹ nhàng trưng lên những bông nụ nhấp nhô. Người ta bảo cành mai tượng trưng cho nắng. Mai năm nay nở muộn phải chăng nắng cũng buông theo dòng…
Chiều cuối năm, rảo bước trên con đường trải đầy nhựa đường, phủ lấp những gồ ghề, vấp váp của đá sỏi ngày xưa, cậu tần ngần đứng trước con ngõ nhỏ, lối dẫn vào căn nhà có phần xập xệ in đậm dấu vết của thời gian.
Cất bước tiến về phía trước, lách người qua cánh cổng sắt hoen rỉ, những bước chân nhẹ hẫng trên cái ngõ nhỏ khấp khểnh, mòn lõm. Cậu dừng lại bên cây đào đương thì đua nở, cạnh bên bức tường bám đầy rêu phong. Bên mái hiên nhà lấp ló mấy lá xanh của cây mai được cậu cất công mang về từ những năm trước. Chẳng còn vẻ uốn lượn như hồi xưa, giờ cành lá đã lởm chởm, xum xuê và mọc tùm lum chẳng ra hàng ra lối.
Quanh vườn nhà, tiếng chim vẫn ríu rít rủ nhau cất tiếng nhẹ nhàng cùng với tiếng róc rách của cái giếng nước bên hiên nhà có tuổi đời còn lâu hơn cả tuổi đời của cậu. Trầm mình trong âm thanh dường như quen thuộc lại xen chút lạ lẫm mà đã lâu rồi cậu mới được nghe. Tiếng lộc cộc vang lên từ sau vườn nhà, tiếng mở cổng sắt vườn sau ken két. Cậu giật mình!
- Ê bay ơi.i.i.i.i………!
- Chì chi mà mi kêu lắm rứa? Gặp ma à?
- Bựa ni trăng tròn xoe mà còn có màu hơi đỏ. Đẹp nì bay ơi.
- Mi cứ ko lo học. Chơi suốt rứa mi……
Năm ấy cậu và Hoài đều là những đứa trẻ chập chững bước vào những năm cuối cùng của cấp 3. Những đứa trẻ chưa kịp lớn ngồi nói chuyện với nhau sau những giờ ôn thi căng thẳng, bỏ lại đằng sau những bài toán hóc búa, những bài thơ êm dịu, cả đám ngồi cùng nhau trên bức tường bám rêu phong của nhà cậu nói chuyện dưới ánh trăng.
- Ê Mai! Sau ni học xong tính làm chi rứa?
- Ê bây! Tau học xong đi nước ngoài với anh tau á bây ạ.
- Minh! Rứa mi tính chi chưa?
- Tau á! Học đại học chơ răng.
- Trời. Đại học không phải là con đường duy nhất để thành công. Tau học nghề cho nhanh thôi chơ cha mẹ choa không đủ nuôi tau học.
Mấy đứa bạn, mỗi đứa đều có một dự tính riêng, đều âm thầm mà theo đuổi. Cậu biết có những ước mơ đã bị gác lại bởi sự phũ phàng của cuộc sống. Có những ước mơ của tụi nó đã theo gió mà bay xa đến những nơi mà tụi nó ấp ủ để lại bản thân chính những con người thực hiện ước mơ ấy chống chọi với hiện thực. Còn cậu và Hoài, mỗi đứa cũng ấp ủ ước vọng riêng. Hẹn nhau bước vào đời sống tu trì, cậu chọn lựa con đường dài hơn khi cố gắng đậu đại học để thi đại chủng viện. Còn Hoài- đứa bạn thân từ tấm bé của cậu quyết định bước chân theo Đức Giê-su sau khi tốt nghiệp cấp 3. Hai đứa ấp ủ riêng những ước mơ và dự tính cho bản thân mình……
- Sau ni Long chịu chức rồi lễ khấn mình mời Long nha. Nhớ hây.
- Thì cứ gắng đi tu đi. Mình chắc có lẹ lâu hơn Hoài đó nị. Răng mà hứa được khoản dâng lễ được hầy…….
Hà Nội những năm ấy cũng hoa lệ như bây giờ, cậu can đảm bước đi, đương đầu với những cám dỗ thế tục- những cám dỗ mà hằng ngày trong giờ nguyện kinh cậu đã âm thầm chịu đựng và xin Chúa cất đi gánh nặng này cho cậu. Trước cái ngày cậu quyết định bước vào đời tu, bạn bè cậu đã ngăn cản “ Mày đẹp trai, lại học giỏi, dại gì mà đi tu vậy”, “ Mày điên rồi hả Long? Bố mẹ mày nuôi 6 năm đèn sách, cho mày học cái nghề cứu người rồi mày vào dòng thì cái mày học để làm gì?”…. Ai bảo là cậu không nghĩ! Cậu cũng đắn đo, cũng suy nghĩ. Những dòng suy nghĩ khiến cậu mất ngủ hằng đêm, hai con mắt trũng sâu, quầng mắt thâm sì. Cậu cũng đau đáu trong lòng khi quyết từ bỏ tất cả để nghe theo tiếng gọi con tim mà bước vào đời sống tu trì.
Những năm ấy…..
Cậu can đảm, mạnh dạn và vui sướng khi được chọn lựa con đường cậu muốn đi. Cậu sống hạnh phúc cùng với đời sống tu trì, nơi những chiếc áo sơ mi xám màu bám dính lấy cơ thể cậu suốt ngày, nơi những lời kinh vang vọng mỗi sáng sớm ban mai, nơi cậu cảm nhận được Thiên Chúa ôm ấp cậu trong vòng tay ấm áp dịu hiền của Ngài. Thi thoảng cậu được gọi về gia đình, cha mẹ vẫn sẽ hỏi cậu câu hỏi muôn thuở “ Nhớ nhà không? Ăn uống thế nào? Cố gắng cầu nguyện.” Đó gần như là những câu hỏi sẽ lặp đi lặp lại mỗi khi cậu có dịp gọi điện về gia đình và đó cũng là niềm mong nhớ cậu dành riêng cho cha mẹ già. Cậu cảm thấy mình lựa chọn thật đúng đắn- đời tu quả là hợp với cậu và là tất cả những gì cậu mong muốn từ ngày có trí khôn đến tận bây giờ.
- Thưa cha giám quản! Con xin phép cha cho con đi về.
- Sao vậy con? Nhà có chuyện gì hay con có chỗ nào không khoẻ? Con có muốn cha giúp gì không?
- Dạ thưa cha………..không ạ. Chỉ là sau thời gian phân định và cầu nguyện con thấy Chúa không chọn con.
- Con chắc chứ?
…………………………………………….
Người ta thường nói “ Người tính không bằng trời tính”, cậu rồi cũng chẳng thể đi tu nổi. Chúa dường như muốn thử thách cậu. Chẳng nguyện vọng nào của cậu được như ý. Chúa dường như muốn cậu bước đi một con đường mà cậu chẳng mong muốn, nói đúng ra là cậu không thích. Cậu tìm hiểu, học hỏi, thi cử, tham gia rồi cuối cùng là hai chữ “ tu xuất” bám dính lấy cậu đến giờ này. Ngày can đảm quyết định dứt tấm áo chùng đen ra đi, cậu cũng nức nở. Chẳng phải vì sợ miệng lưỡi thế gian đâm chọt vào cậu nhưng sợ cha mẹ già vì cậu mà đau khổ. Người ta rồi sẽ nói là “ông bà vô phúc mới có đứa con tu xuất.”, “ Thằng kia rồi cũng không làm gì nên chuyện đâu”…và cả nghìn lẻ một câu khác. Mỗi câu cứ như vết dao cứa vào trái tim vốn dĩ đã tổn thương của cha mẹ cậu. Cậu không dám đối diện với điều đó, âm thầm trốn đi biệt tăm.
Những tháng ngày đau khổ ấy bào mòn con người cậu đến xơ xác. Cậu không còn cái dáng vẻ của một thầy tu thời xưa, cũng chẳng còn trên khuôn mặt nụ cười hạnh phúc như cái ngày cậu còn ở Chủng viện. Như người quản gia bất lương trong câu chuyện của Đức Giê-su, cậu giờ đây “ Cuốc đất thì chẳng nổi, ăn mày thì hổ ngươi.” Cậu chẳng làm được cái gì nên hồn. Cậu lẩm bẩm tự nhủ với bản thân- đây là “ cái giá của việc tu xuất” mà người ta vẫn hay thường nói. Cậu chán nản, mệt mỏi, ủ rũ và xa rời Thiên Chúa.
Những lá thư được gửi từ quê nhà chất thành đống nơi góc phòng trọ. Cậu không có can đảm để mở những dòng thư mà cha mẹ nhờ người ta gửi vào cho cậu. Ngày quyết định chọn lựa rời bỏ tấm áo chùng đen, cậu nhắn cho chị một tin nhắn vỏn vọn có mấy chữ rồi im bặt. Bẵng đi mấy năm, cậu gom góp hết can đảm gọi điện cho anh chị báo tin nhưng cuộc nói chuyện ấy cũng chỉ kéo dài mấy phút đồng hồ. Cuộc nói chuyện ấy gần như lấy hết sức lực của cậu. Cậu thấy trái tim mình thổn thức, đau nhói và trống rỗng. Cậu vẫn chưa có đủ can đảm để đối diện với gia đình, với cha mẹ già.
Rầm!
Cậu mơ hồ, hoảng hốt không biết chuyện gì vừa xảy ra. Ngồi trên chiếc xe máy cà tàng đã cũ, vừa lái xe cậu mơ hồ suy nghĩ điều gì không rõ. Cú đâm xe khiến đầu óc cậu choáng váng. Nhìn đống hoa ngổn ngang trước mặt, cậu vẫn chưa biết mình vừa xảy ra chuyện gì cho đến khi………
Một người con gái mặc tấm áo sơ mi, đi dép quai hậu, gương mặt hiền từ và thánh thiện đến gần bên.
- Anh có làm sao không ạ? Có bị chảy máu hay gì ở đâu không? Con gọi xe cho anh đi bệnh viện nhé.
Cậu ngước mắt nhìn lên. Gương mặt quen thuộc ấy khiến cậu rùng mình vì xấu hổ. Là Hoài! Hoài chắc chưa nhận ra cậu trong cái tấm thân xơ xác này nhưng gương mặt thánh thiện đẹp tựa tượng tạc ấy không lạc đi đâu được.
- Dạ con không sao! Sơ có sao không ạ?
- Là Long phải không? Cái giọng này? Phải Long không Long?
- Dạ sơ nhầm người rồi. Sơ có bị làm sao không? Rồi đống hoa này tính sao ạ?
- Long à. Trốn gì nữa. Long phải không? Sao trốn biệt tích vậy?
Cậu lật đật đứng dậy nhặt đống hoa rơi vãi ở trên đường. Ấy còn may là va vào nhau ở trong cái hẻm nhỏ chứ đường lớn thì……..
- Thôi chào nhé. Mình về đây. Nhớ nha. Mình phục vụ ở giáo xứ Phước Long nhé.
Câu chào ngắn ngủi của Hoài dành cho đứa bạn tâm giao chí cốt trốn biệt tăm là cậu. Bẵng đi mấy năm, giờ đây Hoài đã là nữ tu dòng Mến Thánh Giá rồi. Vẫn cái nét đẹp đơn sơ ấy nhưng chất chứa bên trong là cái niềm vui được theo Đức Giê- su khiến Hoài nhìn thánh thiện lạ thường. Mấy đợt sau cậu thi thoảng ghé qua nhà thờ trong thánh lễ. Nhìn thấy Hoài trong tấm áo dòng đơn sơ, cậu lẩm bẩm tự nhủ “ Đến với Thiên Chúa đúng là hạnh phúc!”. Dần dà, cậu chăm chỉ đến nhà thờ, xưng tội, rước lễ và tham gia một số hoạt động trong giáo xứ. Hôm thứ sáu Tuần Thánh năm ấy, cậu gặp cha sở, ngồi hàn huyên với ngài về một vài điều. Cậu cũng kể cho cha sở nghe về tình cảnh của cậu. Ngài chép miệng:
– Ngày xưa cha cũng biết một thầy muốn trở về như chú, sợ đàm tiếu, sợ gia đình thất vọng lại cố nán lại. Cũng chịu chức, cũng đi mục vụ nhưng không tìm thấy niềm vui nơi ơn gọi dâng hiến. Ơn gọi cao quý thật, nhưng niềm hạnh phúc trong ơn gọi còn quan trọng hơn nhiều. Chúa chẳng muốn ai phải từ bỏ hạnh phúc khi đi cùng Ngài cả. Nếu không tìm được niềm vui thì Chúa cũng chẳng vui vì chọn lựa đó của chú. Chú đưa ra quyết định vẫn kịp thời đó. Chứ để đến khi chịu chức rồi, bỏ cũng dở mà ở thì… nặng nề lắm.
– Con cũng suy nghĩ và cầu nguyện nhiều mới quyết định như thế. Nhưng… – Cậu ngập ngừng.
Những điều đắn đo vẫn còn đó trong cậu nhưng chí ít ngay giây phút này cậu cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa dành cho cậu nơi những người xung quanh. Chúa gọi cậu qua cú ngã xe với Hoài như Thánh Phao- lô trên đường Đa- mát ngày xưa. Phải chăng Chúa cũng đang dùng cha sở để đưa cậu trở về như Chúa dùng ông Kha-na-ni-a mở mắt cho Sao-lô để nhìn thấy vinh quang của Chúa….
Sài Thành những năm đối diện với Covid, lòng cậu nóng như lửa đốt. Sài Gòn oằn mình trong cơn đại dịch, cuộc sống của cậu mỗi lúc thêm ngặt nghèo. Cậu vẫn kiên trì bám víu với khát khao tìm được ước mơ đời mình. Nhưng sau khi vượt qua lằn ranh sống chết, từ căn phòng màu trắng trở về cái xóm trọ đã hụt vắng quá nửa, cậu mới ngộ ra rằng chẳng có điều gì đáng quý hơn sự sống. Được sống đã là một đặc ân của Chúa dành cho mình. Dẫu sự sống của cậu chỉ như một hạt bụi nhỏ nhoi bám lên tấm áo choàng hoa lệ. Cậu muốn trở về với cha mẹ già đôn hậu, với anh chị em, với mấy đứa cháu, với gian nhà nhỏ ấm áp mùi hương trầm vấn vít mỗi dịp tết về.
Tiếng cót két của cánh cửa sắt hao mòn theo năm tháng đánh thức cậu từ cơn mê màng.
- Mi về mà nỏ báo chi cả mi. Mần cha nhà mi hóng mại. Tau dòm dòm cứ tưởng ai vô chơi
- Mẹ khỏe không mẹ? Cha mô rồi? Mẹ mần chi sau nhà rứa?
- Tau mới cho mấy con gà ăn, hái rổ rau muống trưa ăn cơm chơ mần chi.
- Nhà đi mô cả mẹ? Răng vắng tanh như ri.
- Nhà có ai ở nhà mô mà mi hỏi. Như ngài trên trời rớt xuống hậy.
- À mà đúng. Chục năm ni mi có về nhà mô mà.
Cậu nghe thấy được đằng sau câu nói của mẹ có chút hờn dỗi. Cũng đúng thôi. Cậu sợ không dám đối mặt với những đau khổ cha mẹ phải chịu nhưng cậu không biết cha mẹ đã ngóng đợi cậu từ bao giờ. Ngày chị gái xuất giá cậu báo vắng mặt. Ngày anh trai lấy vợ cậu cũng không về.
- Năm ni mẹ sắm tết chi chưa mẹ?
- Cha mẹ tính không đứa mô về nên nỏ sắm chi hết. Gói vài cái bánh chưng thôi.
- À. Năm ni cây mai nở muộn quá mi tề. Choa có biết làm răng à.
- Cứ từ từ mẹ nà. Nắng ấm lên mai sẽ nở.
- Ô. Hấn có mấy cái nụ vàng vàng đó rồi tề. Hay hẹ. Mai chắc nhận chủ hắn về phải.
- Mẹ! Con nói với mẹ chuyện ni! Mẹ có chấp nhận một đứa đi tu nhưng không làm linh mục không mẹ?
- Kệ chơ! Chúa gọi đường mô đi đường nớ. Ngài dọn đường nỏ lẹ không đi.
- Chơ mà con không đứng trên bàn thờ mà “dang tay” được mô nạ. Cha mẹ cụng nỏ có cơ hội đi lễ mở tay hay chi hết. Mẹ có ưng không?
- Choa thì răng nỏ được. Miễn là bay thấy hạnh phúc với chọn lựa của bay thôi chí. Như cây mai đó tề. Ai cụng nghị hắn hợp khí hậu Sài Gòn mà về Hà Tịnh hắn vẫn sống tốt đó thôi…
Cậu trầm lặng. Cậu cứ ngỡ chút sắc màu phương Nam ấy sẽ lạc lõng chơ vơ bên cây đào thắm đang trổ bông chi chít. Nhưng bắt gặp những tia vui vừa ánh lên trong đôi mắt đục mờ của mẹ, lòng cậu chợt nhẹ bẫng. Lòng cậu cũng nhẹ tênh như đứa trẻ sơ sinh mới được tái sinh từ lòng mẹ. Cậu mỉm cười..
Nhìn ra sân nhà còn phơi mấy bó cải mẹ còn phơi để muối. Thấy le lói vạt nắng cuối đông bồi hồi đậu xuống sân nhà, ửng màu vàng ấm cả bức tường bám đầy rêu phong. Mai nở muộn, nhưng xuân vẫn dịu dàng ấm áp rưng rưng…
(Tác phẩm có sử dụng một số phương ngữ Hà Tĩnh)
(Trích trong Tuyển tập truyện ngắn “Vệt Nắng” – Tác phẩm đạt giải Nhì cuộc thi “Văn Hóa Nghệ Thuật Đất Mới” 2022- 2024 do Giáo phận Xuân Lộc tổ chức)
Maria Dương Thị Quỳnh
Thanh tuyển Dòng Mến Thánh Giá Huế