(Is 41:13-20; Mt 11:11-15)
Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta có nhiều nỗi sợ – sợ không có cái ăn cái mặc, sợ không thành công, sợ bị người khác chê cười, gièm pha, và biết bao nhiêu nỗi sợ khác. Đây cũng chính là tâm trạng của Dân Chúa trong thời Ngôn Sứ Isaia. Đức Chúa qua miệng Ngôn Sứ Isaia trấn an dân chúng: “Đừng sợ, chính Ta phù trợ ngươi. Đừng sợ, hỡi Giacóp, loài sâu bọ, hỡi Israel, kẻ mọn hèn. Chính Ta phù trợ ngươi – sấm ngôn của Đức Chúa – Đấng cứu chuộc ngươi là Đức Thánh của Israel” (Is 41:13-14). Những lời này trấn an chúng ta trước những khó khăn của cuộc sống. Chúng ta đã có Chúa phù trợ mình. Thánh Phaolô đã thốt lên: “Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại chúng ta được?” (Rm 8:31). Ngôn sứ Isaia chỉ ra cho chúng ta những hiệu quả sau khi chúng ta được Thiên Chúa phù trợ, đó là (1) có khả năng vượt qua mọi khó khăn [“Này đây Ta sẽ biến ngươi thành một cái bừa vừa sắc vừa mới và đầy mũi nhọn. Ngươi sẽ dày đạp và nghiền nát núi non, sẽ làm cho các đồi nên như trấu. Ngươi sẽ rê chúng, gió sẽ cuốn đi và bão táp sẽ phân tán chúng” (Is 41:15-16)]; (2) trở nên niềm vui và tự hào của Thiên Chúa [“Còn ngươi, vì Đức Chúa, sẽ mừng vui hoan hỷ, vì Đức Thánh của Isral, sẽ hãnh diện, tự hào”] (Is 41:16). Hai điều này giúp chúng ta nhận ra rằng khi đến với Chúa, chúng ta sẽ có đủ sức mạnh để chiến thắng mọi khó khăn và trở thành niềm vui của Thiên Chúa trước mặt anh chị em mình. Tình yêu dành cho Thiên Chúa sẽ phá tan sự sợ hãi, sẽ trở nên động lực giúp chúng ta vượt qua khó khăn thử thách và tìm thấy niềm vui trong Chúa và trong việc phục vụ anh chị em mình.
Trong bài tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu tôn vinh Thánh Gioan Tẩy Giả: “Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả” (Mt 11:11). Nhưng điều gì làm cho Ngài trở nên vĩ đại? Chúng ta hiểu điều này khi chúng ta đặt đoạn tin mừng hôm nay trong bối cảnh của nó. Đây là những câu kết (11-15) của đoạn nói về vấn nạn của Thánh Gioan Tẩy Giả về chân tính của Chúa Giêsu khi bị giam trong ngục (Mt 11:2-15). Chính trong sự tăm tối và cô đơn của những bức tường nhà tù, Thánh Gioan Tẩy Giả hoài nghi về chân tính của Đức Kitô. Ngài sai các môn đệ của mình đến hỏi Chúa Giêsu xem Ngài có phải là Đấng mà ông ta và mọi người đang mong chờ. Chúa trích lời của Ngôn Sứ Isaiah về hình ảnh của người tôi tớ đau khổ của Yahweh để trả lời cho Thánh Gioan Tẩy Giả và ông đã tin, nên sẵn sàng chết để làm chứng cho sự thật về Đức Kitô. Sự vĩ đại của Thánh Gioan Tẩy Giả hệ tại ở việc ông không “vấp ngã” vì Đức Kitô (Mt 11:5) khi cuộc đời trở nên buồn tẻ và đau khổ trong “nhà tù” của cảm giác “vắng bóng” Thiên Chúa. Sự vĩ đại của bạn hệ tại điều gì?
Tuy nhiên, Chúa Giêsu lại đưa chúng ta đi xa hơn khi khẳng định rằng: “kẻ nhỏ nhất trong nước trời còn cao trọng hơn ông [Gioan Tẩy Giả] (Mt 11:11). Tại sao những kẻ nhỏ nhất trong nước trời lại vĩ đại hơn Thánh Gioan Tẩy Giả? Những người trong nước trời là những người không sinh do máu huyết con người, nhưng do ý muốn của Thiên Chúa (Ga 1:13). Còn Thánh Gioan Tẩy Giả được sinh ra bởi người phụ nữ: “Trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ” (Mt 11:11). Thánh Gioan Tẩy Giả vĩ đại nhất trong số các “phàm nhân.” Còn người nhỏ nhất trong số “con cái Thiên Chúa” thì vĩ đại hơn ông. Điều này đưa chúng ta về với đoạn trình thuật tin mừng nói về việc một người phụ nữ chúc phúc “cho người mẹ đã cưu mang và cho thầy bú mớm” (Lc 11:27). Và Chúa Giêsu đã quả quyết với bà ta rằng: “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11:28). Như thế, “sinh ra” bởi việc lắng nghe và tuân giữ sẽ làm cho chúng ta vĩ đại hơn là sinh ra bởi “xác phàm” – tức là lắng nghe và tuân giữ những “phản ứng tự nhiên” của xác thịt.
Một điểm khác mà chúng ta có thể lưu ý đến đó chính là việc Chúa Giêsu còn gọi Gioan Tẩy Giả là Elia. Điều này có nghĩa là gì? Chúng ta đọc trong sách Các Vua Quyển Thứ Nhất (1 Kg 18:20-40), Elia là người bảo vệ việc tôn thờ Thiên Chúa thật khi chống lại các ngôn sứ giả của thần Baal. Ông ta đem dân chúng trở về lại với niềm tin và tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất. Đây chính là vai trò của Thánh Gioan Tẩy Giả được chính Thiên Thần truyền tin cho Zechariah: “Vì em bé sẽ nên cao cả trước mặt Chúa. Rượu lạt rượu nồng em sẽ đều không uống. Và ngay khi còn trong lòng mẹ, em đã đầy Thánh Thần. Em sẽ đưa nhiều con cái Ít-ra-en về với Đức Chúa là Thiên Chúa của họ. Được đầy thần khí và quyền năng của ngôn sứ Ê-li-a, em sẽ đi trước mặt Chúa, để làm cho lòng cha ông quay về với con cháu, để làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay, và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa” (Lc 1:15-17).
Nhìn chung, bài tin mừng ngày hôm nay có liên hệ chặt chẽ với ngày hôm qua. Ngày hôm qua Chúa Giêsu muốn chúng ta học nơi Ngài hai điều: hiền lành và khiêm nhường. Nước Trời không thể dùng bạo lực để chiếm lấy, nhưng dùng sự hiền lành và khiêm nhường, lòng thương xót và tốt lành. Trước tiên, chúng ta tự hỏi: nước trời là gì mà chỉ có thể chiếm lấy bằng sự hiền lành và khiêm nhường? Trong niềm tin Kitô Giáo, nước trời có thể được hiểu theo ba nghĩa chính sau đây: nước trời không được hiểu như là một lãnh thổ địa lý, nhưng: (1) theo nghĩa Kitô học, nước trời chính là “Đức Kitô” – những ai chiếm lấy được Đức Kitô sẽ trở nên vĩ đại; (2) theo nghĩa Giáo Hội học, nước trời chính là Giáo Hội hay đúng hơn Giáo Hội chính là hạt giống của nước trời; (3) theo nghĩa thần bí, nước trới chính là thế giới nội tâm hay con tim của con người. Theo ba nghĩa này, nước trời là một thực tại không mang tính “vật chất trần tục,” nhưng là một thực tại mang tính siêu việt. Chỉ những con người trở nên giống Đức Kitô, hiền lành và khiêm nhường mời có khả năng để hiểu và chiếm lấy nước trời.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB