(Is 7:10-14; Lc 1:26-38)
Trong đời sống thường ngày, chúng ta thấy nhiều người, ngay cả chính chúng ta, khi gặp thử thách thường than thân trách phận và trách luôn cả Chúa. Nhiều người cầu nguyện với Chúa như thử thách Ngài. Nhiều người còn ra điều kiện cho Chúa: Nếu Chúa cho con cái này hoặc nếu Chúa cho điều kia xảy ra con sẽ tin Ngài. Nhiều người trong chúng ta lại đi tìm dấu lạ. Quả thật, chúng ta quá bận rộn với việc tìm kiếm những dấu lạ “từ đất” mà quên mất dấu là “từ trời,” đó là Thiên Chúa đã ban cho chúng ta Con Một của Ngài để chết đền tội cho chúng ta – Chúa Giêsu trên Thập Giá chính là “dấu lạ” của tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa. Đây chính là bối cảnh để chúng ta hiểu lời Chúa ngày hôm nay.
Bài đọc 1 trình thuật cho chúng ta nghe về sấm ngôn của Ngôn Sứ Isaia cho Akhát, tiên báo về sự ra đời của một hài nhi như là dấu chỉ của việc Thiên Chúa luôn ở với dân Ngài. Chúng ta biết lời sấm này được thốt lên trong bối cảnh hoảng sợ của vua Akhát và toàn dân vì thành đang bị vây đánh. Chính trong bối cảnh hoảng sợ đó, Thiên Chúa đã ban cho Akhát một dấu hiệu: “Nghe đây, hỡi nhà Đavít, các ngươi làm phiền thiên hạ chưa đủ sao, mà còn muốn làm phiền cả Thiên Chúa của tôi nữa? Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu: Này đây người trinh nữ sẽ mang thai, sẽ sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuen” (Is 7:13-14). Những lời này vừa là một lời khuyến cáo cũng là một lời an ủi: Khuyến cáo vì chúng nhắc nhở chúng ta về việc kém lòng tin của mình. Khi gặp khó khăn, chúng ta thường làm ‘phiền lòng’ người khác và ‘phiền lòng’ Thiên Chúa bằng thái độ kêu than, càm ràm, khó chịu hoặc giận dữ. Nhưng dù chúng ta có làm ‘phiền lòng’ Người, Thiên Chúa vẫn ban cho chúng ta dấu chỉ, là Ngài vẫn mãi luôn ở bên chúng ta. Đây chính là điều an ủi khi chúng ta gặp gian truân và khó khăn trong cuộc sống. Thật vậy, mỗi khi gặp thử thách trong cuộc sống chúng ta sẽ cảm nghiệm rằng Thiên Chúa gần chúng ta hơn bao giờ hết. Tại sao chúng ta lại hoảng sợ?
Hôm nay, Tin Mừng lại trình thuật cho chúng ta nghe về truyền tin cho một người phụ nữ, đó là Đức Trinh Nữ Maria. Chúng ta thấy, lời Chúa trong ba ngay vừa qua nói về ba cuộc truyền tin. Tuy nhiên, thái độ của ba người đón nhận tin được truyền cho mình khác nhau: Thánh Giuse đón nhận trong sự thinh lặng hoàn toàn không hỏi câu nào và mau mắn đem ra thực hành; Zechariah đón nhận với sự nghi ngờ và vì thế “bị câm,” và chính trong sự “thinh lặng không nói” ông nhận ra và thấu hiểu mầu nhiệm của Thiên Chúa; và hôm nay Mẹ Maria đón nhận với một cuộc “đối thoại” của “đức tin tìm sự hiểu biết.” Khác với Zechariah, Mẹ không chất vấn quyền năng của Thiên Chúa, Mẹ chỉ “ngạc nhiên” về những điều “cao trọng” mà Thiên Chúa làm trên cuộc đời của Mẹ, một người tớ nữ của Thiên Chúa.
Mỗi người chúng ta khi lớn lên đều có những hoài bão và lý tưởng riêng của chúng ta. Đức Maria cũng thế. Là một trinh nữ đã đính hôn với Thánh Giuse, Mẹ cũng có những chương trình riêng cho cuộc đời của Mẹ, của gia đình tương lai của Mẹ. Nhưng khi Thiên Chúa đề nghị Mẹ đón nhận chương trình của Ngài thay vì sống và thực hiện chương trình của riêng mình, giống như bao nhiêu người khác, Mẹ cũng không khỏi không ngỡ ngàng. Mẹ cũng phải tự hỏi: “việc ấy xảy ra thế nào?” Chúng ta cùng hành trình với Mẹ trong cuộc đối thoại của “đức tin tìm hiểu biết” với Chúa để hiểu những cảm xúc của Mẹ trong cuộc đối thoại đó. Chính những cảm xúc thật con người này của Mẹ cũng là những cảm xúc mà chúng ta cần phải có khi đến với Chúa và lắng nghe, đối thoại với Ngài.
Cảm xúc thứ nhất của Mẹ đó là “bối rối và tự hỏi về ý nghĩa” (Lc 1:29) của lời chào của Thiên Thần Gabriel: “Mừng vui lên hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (Lc 1:28). Tại sao Mẹ lại bối rối và tự hỏi? Mẹ bối rối vì lời chào đó là câu tóm gọn cả lịch sử của Dân Tộc Israel của Mẹ, một dân tộc mà luôn bị áp bức và lưu đày cho đến bây giờ; một dân tộc đang bước đi trong “u tối”; một dân tộc đang lầm lũi trong bóng tối và buồn sầu để chờ đợi Đấng Thiên Sai. Sống trong bầu khí “u sầu” của dân tộc mình, nỗi buồn của họ trở thành nỗi buồn của Mẹ. Bây giờ, nghe lời chào “Mừng vui lên!” Mẹ tự hỏi làm sao Mẹ mừng vui khi dân của Mẹ đang còn bị áp bức đô hộ của người La Mã và nhất là gánh nặng của tội lỗi? Làm sao Mẹ không bối rối và tự hỏi khi nghe lời: “Đức Chúa ở cùng bà”? Đây là lời mà mỗi khi Đức Chúa trao cho ai một sứ mệnh, Đức Chúa luôn nói: “Hãy đi, Ta ở với ngươi!” Mẹ tự hỏi sứ mệnh mà Chúa muốn Mẹ là gì? Chúng ta cũng thế, chúng ta cũng thường bối rối và tự hỏi trước lời đề nghị của Thiên Chúa khi Ngài mời gọi chúng ta cộng tác.
Cảm xúc thứ hai của Mẹ sau khi đón nhận sứ mệnh “sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu” (Lc 1:30) là kinh ngạc: “Làm sao chuyện đó xảy ra được!” Mẹ kinh ngạc trước điều mà Chúa sẽ thực hiện trên Mẹ mà không có chút nghi ngờ [như Zechariah]. Mẹ không đòi dấu lạ như Zechariah: “Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy?” (Lc 1: 18). Mẹ thật sự kinh ngạc về điều mà Chúa sẽ làm trên cuộc đời Mẹ mà với lối suy nghĩ tự nhiên của con người Mẹ vẫn chưa hiểu được “vì tôi không biết đến người nam” (Lc 1:34). Chính sự ngạc nhiên đơn sơ của Mẹ cần một lời giải thích và như thế Thiên Thần giải thích cho Mẹ cách cặn kẽ và nói cho Mẹ biết là việc mà con người không thể làm được thì đối với Thiên Chúa là có thể: giống như điều mà Elizabeth không thể làm thì Thiên Chúa thực hiện được. Chúng ta chỉ có thể hiểu và đi vào mầu nhiệm của Thiên Chúa khi chúng ta vượt ra khỏi lối lý luận thông thường tự nhiên của con người. Chúng ta cần lý luận theo chiều ngược lại thì chúng ta sẽ thấy mọi sự là có thể đối với Thiên Chúa. Hãy để Chúa làm chúng ta ngạc nhiên với những “điều trọng đại” trên cuộc đời của chúng ta. Hãy biết kinh ngạc trước kỳ công của Chúa trong từng giây phút sống của chúng ta!
Cảm xúc thứ ba của Mẹ là hoàn toàn tin tưởng và phó thác. Chỉ cần lời chứng của sứ thần về quyền năng của Chúa, ngay lập tức Mẹ trao cả cuộc sống của Mẹ để bước vào và sống mầu nhiệm của Thiên Chúa. Mẹ không còn hỏi bất kỳ điều gì khác ngoài lời “Fiat” (“Xin Vâng”). Mọi sự bây giờ không còn là Mẹ làm mà là Thiên Chúa sẽ làm những gì Ngài muốn trên cuộc đời của Mẹ. Điều này đưa chúng ta gần hơn với mầu nhiệm thập giá khi Chúa Giêsu trong vườn cây dầu xin Chúa Cha cất chén đắng khỏi Ngài, nhưng không theo ý của riêng Ngài, mà theo ý của Chúa Cha mà thôi (xem Lc 22:42). Đây là một cảm xúc đượm nét “hy sinh,” vì phải từ bỏ con người của mình để sống mầu nhiệm thập giá, nhưng mang lại niềm vui thật sâu xa của mầu nhiệm Phục Sinh. Chỉ có những tâm hồn hoàn toàn tin tưởng phó thác đường đời của mình cho Chúa mới hiểu hết được ý nghĩa của mầu nhiệm vượt qua của Đức Kitô.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB