“Các Tín Hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng.” (x.Cl 1, 24-29)
Tu sĩ được đặt để làm chuyên viên cầu nguyện. Thực tế thì sao?
Người ta thường thấy có những tu sĩ suốt ngày bộn rộn với công việc tông đồ, mục vụ, bổn phận thường ngày. Lễ càng nhiều, càng lớn, các tu sĩ xem chừng càng tất bật. Thường khi các giờ thiêng liêng, cầu nguyện được xếp đặt như một khuôn khổ của luật buộc phải chu toàn. Rồi những ngày lễ lạt thì các giờ thiêng liêng được cắt xén sao cho nhanh và gọn nhất có thể; người ta tham dự cho đủ giờ, đúng luật hay để chu toàn đúng dự phóng; còn tâm trí thường khi được đặt để ở những công việc bổn phận đang dở dang chờ đợi.
Phải chăng cái bận rộn kia làm nên giá trị đời tu, và người tu sĩ bận rộn mới thấy được giá trị của mình?
Không ai phủ nhận giá trị của những hoạt động tông đồ, mục vụ hay công việc bổn phận. Nhưng nó chỉ là phương tiện chứ không là mục đích kiếm tìm của những người sống đời thánh hiến.
Một đời tu bận rộn chưa hẳn là một đời tu hạnh phúc. Nhưng một đời tu hạnh phúc sẽ luôn có Chúa ở suốt chặng đường kiếm tìm. Một tu sĩ có Chúa sẽ ý thức được tầm quan trọng và vị trí ưu tiên của việc cầu nguyện trong tất cả các sinh hoạt và bổn phận của mình. Bởi đó là phương thế giúp mỗi người bước vào tương quan cá vị với Thiên Chúa, Đấng suốt đời người tu sĩ kiếm tìm.
Chính vì vậy, cầu nguyện là yếu tố cốt lõi của đời sống tu trì.
Tất cả các Tu sĩ đều phải lấy cầu nguyện làm trọng và thực hành cầu nguyện như nghĩa vụ thiết yếu của đời tu. Bởi, mục đích đời tu là sống kết hợp mật thiết với Thiên Chúa như Giáo luật thiết định: “Chiêm ngắm thực tại của Thiên Chúa và kết hợp liên lỉ với Ngài là bổn phận hàng đầu và chính yếu của mọi tu sĩ.” Sắc lệnh đức ái hoàn hảo cũng viết: “Hoạt động của các tu sĩ phải được xuất phát từ đời sống kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô.” Công đồng Vatican II cũng khuyên: “Các tu sĩ của các Hội Dòng phải cần mẫn luyện tập tinh thần cầu nguyện và cả sự cầu nguyện.”
Như thế, mọi lý do biện minh cho việc bỏ lơ, bớt xén hay không thấy được vị trí ưu tiên cho việc cầu nguyện trong dự phóng hằng ngày của cá nhân và cộng đoàn đều đáng để chúng ta nghiêm túc duyệt xét lại. Vì: Khi bước theo Chúa trong hành trình dâng hiến, mỗi chị em, cộng đoàn và Hội dòng đều mong muốn tìm và thực thi thánh ý Thiên Chúa mỗi ngày. Điều đó khả thi khi chúng ta biết đặt đời sống cầu nguyện lên trên hết và trước hết. Như thế thánh ý Chúa mới là bận tâm hàng đầu trong mọi chọn lựa của mình.
Hiến chương Điều 54 dạy mỗi chị em Mến Thánh Giá rằng:
Trong lòng Giáo Hội, Đức Cha Lambert là tấm gương và là thầy dạy gần nhất của mỗi chị em Mến Thánh Giá. Theo Ngài:
- Để gia tăng đời sống thiêng liêng, không có phhương thế nào hữu hiện bằng sự đối thoại thương xuyên với Thiên Chúa và lòng trung thành với tác động của ân sủng Người.
- Đời sống thiêng liêng được cụ thể hóa bằng việc:
- Tập trung cái nhìn và trái tim vào Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh với một tình yêu phi thương mang đặc tính tri thức, cảm ái và thực tiễn.
- Vun trồng đời sống kinh nguyện nội tâm phong phú: suy niệm, nguyện ngắm cảm ái và chiêm ngưỡng bằng cái nhìn đơn sơ thuần khiết.”
- Cử hành Phụng vụ và cung chiêm Thánh Thể với thái độ tôn thờ sâu thẳm, trang nghiêm, xứng với sự cao cả của Thiên Chúa.
- Đặt mình thương xuyên dưới tác động của Thánh Thần, để trở nên con thảo của Chúa Cha và được ơn soi sáng cho từng sinh hoạt Tông Đồ.
Trong mọi hình thức kinh nguyện, điểm đặc sắc nhất là thái độ nài xin trước mặt Thiên Chúa để chuyển cầu cho lương dân được ơn cứu độ.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, cuộc sống hôm nay dễ lôi cuốn con vào vòng xoay của hoạt động, và bận tâm lo nghĩ nhiều điều. Chạy theo những giá trị tức thời, thành tích và lời khen tặng của người đời mà quên mất mục đích của hành trình ơn gọi con kiếm tìm là chính Chúa.
Xin cho con biết đi vào thanh vắng, cô tịch với Chúa. Biết kiến tạo một không gian thánh, nơi đó chỉ Chúa và con; để từ không gian thánh đó giúp con bước vào đời mỗi ngày một lớn khôn. Amen.
Nữ tu Madalêna Hồ Thị Hồng Đức