Hương Thơm

Những ngày hồng ân vừa qua, được tham dự các lễ trọng Giáng Sinh và Đại lễ Mở Cửa Năm Thánh 2025 tại Nhà thờ Chính tòa Phủ Cam, trong các thánh lễ đều có xông hương từ bàn thờ, Thánh Giá, Giám mục chủ tế, hàng giáo sĩ và cả giáo dân, các linh mục phụ lễ xông hương cho Vị Chủ tế, các lễ sinh cho quý cha đồng tế, họ đã thể hiện việc xông hương một cách cung kính theo tinh thần phụng vụ, toát lên được vẻ tôn kính, long trọng, sốt sắng cho việc cử hành trong tinh thần đức tin. Cùng với cộng đoàn phụng vụ, người viết cũng được đón nhận việc xông hương, hương thơm tỏa lan khắp thành đường, và cũng đã miên man nghĩ đến những mùi hương Mùa Giáng Sinh trong hang đá Bê-Lem xưa.

Nhưng trước hết, thiết nghĩ chúng ta nên lùi lại để sơ lược một vài ý nghĩa về Hương đã được nêu lên trong Kinh Thánh.

  1. HƯƠNG được nói đến trong Kinh Thánh và ý nghĩa Thần học.

Hương được đặt trên lễ vật toàn thiêu tại bàn thờ như là việc dâng hy lễ tưởng niệm. “hương thơm êm dịu dâng lên Chúa” (Lv 2). Sau này, trong đền thờ Giêrusalem, vào ngày lễ xá tội vị thượng tế vén tấm màn ngăn đi vào nơi cực thánh để đốt cháy hai nắm hương bột có mùi thơm. Lúc bấy giờ khói hương dày đặc và hương thơm tỏa khắp nơi cực thánh trong đó có đặt hòm giao ước (Lv 16, 12-13). Tại Israel, người ta xông hương cho những người, những đồ vật và những nơi dành riêng cho việc thờ phượng Thiên Chúa duy nhất. Tất cả họ tham gia vào việc thờ phượng Thiên Chúa, họ được mời gọi loan truyền hương thơm tinh thần êm dịu: “Các ngươi hãy nghe, các con trai thánh, các ngươi hãy tỏa như hương trầm thơm tho tốt lành” (Hc 39,13-14).

Xông hương buộc thực hiện trong tôn giáo của người Israel nhưng các ý nghĩa biểu tượng thì xuất hiện muộn hơn, kể cả trong phụng vụ Kitô giáo, trước hết là trong Giáo hội Đông phương.

Trong Tin Mừng Matthêu, đã miêu tả lòng sùng kính đối với Chúa Giêsu Hài Đồng của các đạo sĩ, người ta gọi họ là Ba Vua. Họ đến từ vùng đất Đông phương xa xôi để gặp vua dân Do Thái. Họ dâng cho Ngài những thứ quý giá đựng trong hộp là: vàng, mộc dược và nhũ hương (Mt 2, 11).

Thánh Phaolô huấn dụ tín hữu Kitô rằng: “Tôi nài van anh em, trong tình thương của Thiên Chúa: hãy hiến dâng toàn thân và đời sống anh em như hy lễ thánh thiện, thơm tho lên cùng Thiên Chúa” (Rôma 12, 1). Theo thánh Phaolô, tất cả các tín hữu, với chứng tá đức tin của mình họ làm lan tỏa trên thế giới hương thơm của Đức Kitô và dâng lên Chúa Cha “trong hiến lễ thơm tho diệu vợi” (2 Cor 2,14-16).

Như vậy, xông hương là dấu chỉ diễn đạt sự cung kính và như lời nguyện cầu dâng lên Thiên Chúa.

Con người nối kết với Thiên Chúa và thờ phượng Đấng Tối Cao qua các lễ nghi. Các lễ nghi đó được diễn đạt và thể hiện qua các biểu tượng, những dấu hiệu, những cử chỉ vật lý trong lãnh vực của con người. Việc thờ phượng Thiên Chúa được diễn đạt không chỉ trong tâm hồn nhưng cả ngoài thể xác. Mùi thơm êm dịu của trầm hương, chắp tay, cúi đầu… chúng làm cho người ta cảm nhận và dễ dàng đi vào bầu khí của mầu nhiệm thánh đang cử hành. (Truyền thông HĐGMVN)

Vì thế, nghi thức xông hương mang nhiều ý nghĩa tượng trưng:

Thứ nhất, nhắc nhớ tình yêu vẫn đang bừng cháy của Thiên Chúa dành cho nhân loại;

Thứ hai, là một biểu tượng của kinh nguyện con người được ví như làn hương đang bay lên trước nhan Thiên Chúa (x. Tv 140/141,2; Kh 8,3-4)

“Ước chi lời con nguyện như hương trầm bay toả trước Thánh Nhan,và tay con giơ lên được chấp nhận như của lễ ban chiều” (Tv 141, 2). Cho nên nhắc nhớ tín hữu không nên tách biệt với lễ vật của họ nhưng phải dâng chính mình với lễ vật và dâng lời nguyện kèm theo;

Thứ ba, tỏ lòng tôn kính lễ phẩm sắp trở thành Mình Máu Chúa Kitô;  

Thứ tư, việc xông hương mọi thành phần Dân Chúa đang tụ họp để tạ ơn Chúa là một dấu chỉ rất đẹp vừa bày tỏ lòng tôn kính phẩm giá của họ vừa như một ước nguyện cho tất cả mọi người được thánh hóa, trở nên của lễ thanh sạch đáng được Chúa chấp nhận, rồi được quyện với lễ phẩm mà dâng lên cho Thiên Chúa: Tư tế được xông hương do tác vụ thánh đã lãnh nhận (proter sacrum ministerium) trong khi dân chúng được xông hương do phẩm giá của họ là những người đã lãnh nhận bí tích tái sinh (ratione baptismalis dignitatis)  (NTTL 27; QCSL 75, 144, 178, 190, 276d). (x.WHĐ, 19.3.2024)

Ý nghĩa của việc trân trọng xông hương, những ai được xông hương đã được giáo lý Hội Thánh nêu lên cách rõ ràng: Xông hương Thánh Giá, Lời Kinh Thánh, của lễ (sẽ trở nên) Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu; trên các Vị Chủ tế, các vị do thánh chức họ đã lãnh nhận. Và sau hết, giáo dân được xông hương do phẩm giá của họ là những người đã lãnh nhận bí tích Rửa tội và họ phải giữ mình thanh sạch hầu xứng đáng tham dự vào Mầu nhiệm Đức tin. Ý thức như vậy, nên chúng ta sẽ đón nhận cách chủ động trong việc được xông hương trong các lễ Trọng, lễ Đại triều mà chúng ta hân hạnh được hiệp thông.

  1. Mùi HƯƠNG của Hang đá Bê-Lem
  • Mẹ Maria sinh Hài Nhi và đặt trong máng ăn của chiên lừa. Trong chuồng súc vật thì có mùi ‘hương’của chúng, nếu Thánh Giuse có dọn kỷ thì cũng không thể xóa hết mùi khai khai của nước tiểu chúng để lại; hy vọng mùi rơm rạ lót cho Chúa Hài nhi nằm còn thơm thơm mùi bông  lúa. Bếp lửa mà Thánh Giuse nhóm lên chắc hẳn phải có mùi thơm củi khô đem lại sự ‘ấm áp’ dễ chịu sưởi ấm Giêsu bé bỏng ngoài đồng vắng trong cơn gió lạnh mùa Đông

Còn các mục đồng họ vội vã đến với Chúa, chắc họ cũng đem theo ít củi, có tấm khăn lông chiên nhỏ, có ít chiếc bánh khô và ít sữa chiên. Mùi hương thơm nơi họ là mùi khét khét vì dầm sương dãi nắng, mà nắng thì nhiều hơn, nên áo xống của họ có mùi mồ hôi mặn mặn vì có ít nước để tắm rửa.

Các Đạo sĩ tìm đến với Chúa Hài Đồng, vượt qua đường sá xa xôi để gặp Vị Vua mới sinh ra. Họ dâng cho Ngài những thứ quý giá đựng trong hộp, là: vàng, mộc dược và nhũ hương (Mt 2, 11). Y phục họ có mùi thơm quý phái, nhưng lạc đà của họ thì có mùi đặc trưng rồi, đến đổi người ta đã tạo ra ‘mùi hương lạc đà’, mùi hương không lẫn lộn vào đâu được, người ta nói: trong mình nó mang hương thơm của chà là, hoa quả khô, nhựa thơm, xạ cầy hương, rất cá tính, độc lạ. Chúa Giêsu mới vào trần gian đã đón lấy những hương thơm nặng mùi đấy, nhưng thật cao sang, và êm đềm. Hương thơm của lòng tôn kính mến yêu và thần phục. Hương thơm của Bậc Đế Vương.

  • Hôm nay con đang có gì để dâng Chúa đây?

Điểm qua các mùi và hương thơm nơi Hang đá Bêlem xưa, con lấy gì để dâng Chúa đây? Vàng, nhũ hương, mộc dược con không có. Nhìn vào hang đá thấy Chúa Hài Nhi ngữa đôi bàn tay, con thật hổ thẹn. Đến với Chúa con chẳng có gì mà mùi thơm nơi con có thể cũng làm Chúa không thoải mái chút nào! Vướng vất những tội lỗi: thiếu yêu thương, hờn ghen, đố kỵ, kiêu căng, ích kỷ còn nuôi những bóng hình làm con không trọn tình với Chúa, trần tục và phàm hèn.

Ôi lạy Chúa Giêsu Hài Đồng con thật bất xứng, muôn ngàn lần bất xứng; thế nhưng, con không sợ Chúa xua từ con. Chúa sinh nơi chuồng bò lừa, Chúa đón nhận những hương nặng mùi như nó vốn có, Chúa mĩm cười với các mục đồng quê mùa mà có tấm lòng đơn sơ, họ đã làm Chúa vui, Chúa chúc lành cho họ và họ lại hớn hở đêm Tin Vui Chúa sinh ra cho người ta biết. Chúa không chọn nơi đền vàng điện ngọc để giáng sinh, mà nơi thấp hèn hôi hám thì Chúa chọn. Vậy con không lấy lý do thấy mình tội lỗi mà không đến với Chúa, không HY VỌNG, Trông Cậy nơi Chúa. Chúa biết con chẳng xứng, nhưng Chúa cũng đã chọn con. Lạy Chúa, lễ vật con dâng Chúa là tấm lòng. Xin cho trái tim con trong sạch, khiêm tốn để khi biết mình hèn nhơ thì con nhận biết Chúa cao cả muôn trùng Chí Thánh, Chúa đã yêu con cách nhưng không và vẫn kiên trì mời gọi con đến với Tình yêu mầu nhiệm cao sâu của Chúa. Con xin hết lòng cảm mến, tạ ơn Chúa.

Lạy Mẹ Maria đồng trinh, Mẹ của Hài Nhi Giêsu, trong hang đá Bêlem xưa, mùi sữa thơm tinh tuyền của Mẹ đã làm Chúa vui và nuôi Chúa lớn lên, để sau này khi đi giảng đạo, có người phụ nữ đã cất tiếng hô lên: Phúc cho dạ đã cưu mang Thầy, và vú đã cho Thầy bú” (Lc 11, 27). Lòng Mẹ đã nên điện ngọc Chúa Trời, xin Mẹ cầu cùng Chúa cho chúng con giữ tấm lòng trinh trong, mọi tư tưởng, lời nói, cử chỉ mang hương thơm của Đức Ái, cảm thông, sẻ chia khi đến với tha nhân. Như lời Thánh Phaolô dạy: Hãy hiến dâng toàn thân và đời sống anh em như hy lễ thánh thiện, thơm tho lên cùng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người.” (Rôma 12, 1).

  Nữ tu Maria Nguyễn thị Tuyệt