(1Ga 5:5-13; Lc 5:12-16)
Bài đọc 1 hôm nay là phần cuối thư Thứ Nhất của Thánh Gioan. Chúng ta có thể nói rằng: đây là kết luận của tất cả những luận chứng mà Thánh Gioan đã trình bày để làm chứng cho mầu nhiệm nhập thể của Chúa Giêsu: qua việc “mặc lấy xác phàm,” Chúa Giêsu là chứng từ hữu hình và sống động của tình yêu của Chúa Cha dành cho con người, và cũng là Đấng kêu gọi chúng ta hãy yêu thương nhau như Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta. Thánh Gioan muốn nói rõ cho chúng ta những lời chứng về Đức Kitô mà Ngài đề cập trong thư của ngài không phải là lời chứng của người phàm, nhưng là của Thần khí: “Chính Đức Giêsu Kitô là Đấng đã đến, nhờ nước và máu; không phải chỉ trong nước mà thôi, nhưng trong nước và trong máu. Chính Thần Khí là chứng nhân, và Thần Khí là sự thật” (1Ga 5:6). Theo Thánh Gioan, không chỉ có Thần Khí là chứng nhân duy nhất, nhưng còn nước và máu: “Có ba chứng nhân: Thần Khí, nước, và máu. Cả ba cùng làm chứng một điều” (1Ga 5:7-8). Khi nói đến Thần Khí, nước và máu, Thánh Gioan muốn đưa chúng ta về với mầu nhiệm Thập Giá, là đỉnh cao của tình yêu của Thiên Chúa, nơi con tim của Chúa Giêsu bị đâm thâu để nước và máu chảy ra trở nên nguồn suối ân sủng cho con người (Ga 19:34). Thập giá chính là lới chứng hùng hồn và chân thật nhất của Chúa Cha về việc “yêu thế gian đến nỗi ban Con Một của mình” (Ga 13:1). Đây là điều Thánh Gioan khẳng định trong câu: “Lời chứng đó là thế này: Thiên Chúa đã ban cho chúng ta sự sống đời đời, và sự sống ấy ở trong Con của Người” (1Ga 5:11).
Tuy nhiên, Thánh Gioan cũng khuyến cáo chúng ta về việc chậm tin của chúng ta vào lời chứng của Chúa Cha, lời chứng của tình yêu thập giá. “Chúng ta vẫn nhận lời chứng của người phàm, thế mà lời chứng của Thiên Chúa còn cao trọng hơn, vì đó là lời chứng của Thiên Chúa, lời Thiên Chúa đã làm chứng về Con của Người (1Ga 5:9). Chúng ta thường nhận lời chứng của người phàm, còn lời chứng tình yêu cao trọng của thập giá thì đôi khi chúng ta không đón nhận vì có sự “rợp bóng” của đau khổ. Mấy ai trong chúng ta chấp nhận rằng: Đau khổ là dấu chứng hùng hồn nhất của một tình yêu chung thuỷ. Nhưng quả vậy, một tình yêu chân thật và trung thành với bản chất của mình [yêu cho đến cùng] chỉ được chứng thực khi đối diện với đau khổ và sự chết mà vẫn trung thành với chính mình. Còn một tình yêu bỏ cuộc khi đối diện với đau khổ là tình yêu nửa vời.
Để hiểu ý nghĩa của bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta cần phải đặt nó vào trong bối cảnh lớn hơn. Bài Tin mừng này thuật lại một trong hai phép lạ chữa lành mà Chúa Giêsu thực hiện lại trong chương 5: Chữa lành người phong cùi (5:12-16) và chữa lành người bị bại liệt (5:17-26). Điều làm chúng ta quan tâm ở đây đó là hai phép lạ chữa lành này được đặt giữa hai lần Chúa Giêsu gọi các môn đệ: Chúa Giêsu gọi các môn đệ đầu tiên (5:1-11) và gọi Lêvi (5:27-28). Điều này có ý nghĩa gì? Như chúng ta đã trình bày trong bài chia sẻ hôm qua, đây là lối viết theo kiểu “bánh mì kẹp,” qua đó Thánh Luca muốn nói rằng: Khi được Chúa Giêsu gọi, chúng ta sẽ được chữa lành để có thể đứng lên đi theo Ngài (chữa lành khỏi bại liệt) và hội nhập với cộng đoàn, không còn phải sống ngoài trại, chia cắt với người thân, với cộng đoàn tôn thờ Thiên Chúa (chữa lành khỏi bệnh phong cùi). Thật vậy, đây là một kỹ thuật Thánh Luca sử dụng để chuyển tải điều ngài muốn nói với người nghe: Việc đáp lại tiếng gọi của Chúa Giêsu luôn mang lại sự chữa lành, hay nói một cách tích cực hơn, khi chúng ta đáp lại tiếng Chúa gọi, chúng ta sẽ tìm được Ngài chữa lành. Nếu chúng ta chưa được chữa lành khỏi mọi chứng bệnh ngăn cản chúng ta đến với Chúa và người khác cách tự do, đó là vì chúng ta chưa đáp lại tiếng Chúa Giêsu và theo Ngài cách triệt để.
Chúng ta đi vào chi tiết của bài Tin Mừng hôm nay để rút ra thêm một vài điểm để suy gẫm: (1) Sự khiêm nhường của người phong cùi khi cầu xin Chúa Giêsu: Chúng ta để ý cử chỉ và lời xin của anh ta thật khiêm tốn: “vừa thấy Người, liền sấp mặt xuống, xin Người rằng: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch” (Lc 5:12). Trong câu này, “nếu Ngài muốn,” chúng ta thấy người phong cùi xin điều anh ta thật sự cần, nhưng anh vẫn để quyền tự do quyết định cho Chúa Giêsu. Thái độ khiêm nhường của người phong cùi làm chúng ta xét lại thái độ của chúng ta khi đến với Chúa, nhất là khi đến để xin Ngài một điều gì mà chúng ta thật sự cần. Hãy để Chúa làm những gì Ngài muốn trên cuộc đời chúng ta. Đừng nài ép Ngài thực hiện những gì chúng ta muốn cho cuộc đời của mình. Trời cao hơn đất thế nào, thì tư tưởng và đường lối của Thiên Chúa cũng cao hơn của chúng ta như thế: Điều Ngài muốn cho cuộc đời của chúng ta là vĩnh cửu, còn điều chúng ta thường muốn cho cuộc đời của mình là chóng qua và mau tàn.
(2) Căn bệnh phong cùi: Trong xã hội chúng ta ngày hôm nay, nhiều nước tuyên bố đã xoá sạch căn bệnh này. Ngay cả ở Việt Nam cũng thế, căn bệnh phong cùi không còn là một căn bệnh nguy hiểm như những thập niên hoặc thế kỷ trước. Tuy nhiên, điều chúng ta đang nói đến là bệnh phong cùi thể lý. Tin Mừng không chỉ nói đến bệnh phong cùi thể lý, mà còn nói đến bệnh phong cùi luân lý và thiêng liêng. Vào thời Chúa Giêsu, bệnh phong cùi không chỉ nói đến căn bệnh gây ra bởi virút Hansen, nhưng là tất cả những chứng bệnh về da. Điều làm cho một người mắc bệnh này đau khổ nhất không phải là cái đau của thể xác, nhưng là cái đau của tâm hồn vì bị chia cắt khỏi gia đình, người thân. Họ phải sống ngoài lều trại, không được tham dự vào đời sống cộng đoàn và việc phụng tự (x. Lv 13:46; Ds 5:2). Chứng bệnh phong cùi thiêng liêng và luân lý là chứng bệnh mà nhiều người chúng ta đang mắc phải. Chúng ta để cho nhiều thứ chia cắt chúng ta khỏi đời sống tương quan với người khác và với Chúa. Hãy xin Chúa chữa lành chúng ta để chúng ta có thể được sạch để tôn vinh Chúa qua đời sống yêu thương và phục vụ của chúng ta.
(3) Sự khiêm nhường của Chúa Giêsu khi tiếng đồn về Người ngày càng lan rộng: Thái độ của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta về việc “yêu thinh lặng” trong đời sống cầu nguyện sau khi thực hiện nhiều công việc thành công. Chúa Giêsu muốn nhắc nhở chúng ta rằng: Đừng tìm kiếm vinh quang nơi con người, nhưng hãy tìm kiếm sự thân mật với Thiên Chúa. Càng thành công trong công việc bao nhiêu, càng phải lui vào nơi hoang vắng để cầu nguyện bấy nhiêu, để chúng ta “không bị sa chước cám dỗ” đi tìm hư danh hơn là tìm vinh danh Thiên Chúa như lời Kinh Lạy Cha mà Ngài đã dạy chúng ta.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB