Suy Niệm Lời Chúa – Thứ Ba sau Chúa Nhật XX Thường Niên – Đi Tìm Phần Thưởng Mai Sau

(Ed 28:1-10; Mt 19:23-30)

Một trong những sứ điệp mà Đức Chúa muốn nói qua các ngôn sứ là sự nguy hiểm của việc tự cao tự đại hay đúng hơn là sự kiêu ngạo. Sự kiêu ngạo dễ dàng dẫn đến thái độ xem mình là “chúa,” và như thế sống như không có sự hiện hữu của Thiên Chúa. Đây chính là điều mà Đức Chúa nói qua lời ngôn sứ Êdêkien trong bài đọc 1 hôm nay: “Có lời Đức Chúa phán với tôi rằng: Hỡi con người, hãy nói với thủ lãnh của Tia: Chúa Thượng là Đức Chúa phán thế này: Vì ngươi đem lòng tự cao tự đại nên ngươi đã nói: ‘Ta là thần, ta ngự trên ngai các thần, giữa trùng dương’” (Ed 28:1-2). Có lẽ, đây cũng là thái độ của nhiều người trong chúng ta. Nhiều lần, chúng ta sống, làm việc và quyết định cho cuộc đời của mình như Thiên Chúa không hiện hữu. Chúng ta hoạch định cho mình những kế hoạch mà không xem những kế hoạch đó có thích hợp với kế hoạch mà Thiên Chúa định cho chúng ta không. Chúng ta dựa trên sự khôn ngoan “con người” của mình để đạt được những vinh quang phú quý ở đời: “Nhờ khôn ngoan hiểu biết, ngươi đã làm ra của cải và thu tích vàng bạc trong kho. Vì ngươi rất khôn ngoan và có tài buôn bán, nên của cải ngươi đã tăng lên, và ngươi sinh lòng tự cao vì lắm của” (Ed 28:4-5). Nhưng rồi, người ta thường nói: “đời không như là mơ.” Có nhiều kế hoạch chúng ta hoạch định nhưng không luôn xảy ra như ý muốn vì “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên.” Chỉ khi những kế hoạch đưa ra bị thất bại ê chề, chúng ta mới nhận ra rằng mình chỉ là những con người yếu đuối: “Ngươi chỉ là người, chứ không phải là thần mà lại dám cho mình ngang hàng với thần thánh” (Ed 28:2). Những lời này giúp chúng ta ý thức mình là ai trước mặt Chúa để sống khiêm nhường và tín thác. Chỉ những người khiêm nhường mới biết và cảm nếm được niềm vui sống theo “kế hoạch của Thiên Chúa” hơn là làm theo kế hoạch của mình.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Mátthêu thuật lại cho chúng ta lời dạy của Chúa Giêsu về mối nguy hiểm của sự giàu có. Chúng ta có thể nói đây chính là kết luận được rút ra từ sự kiện mà các môn đệ đã chứng kiến, đó là việc người thanh niên không dám bỏ những của cải vật chất mình có để đi theo Chúa Giêsu. Chúa Giêsu sử dụng hình ảnh con lạc đà rất khó để chui qua lỗ kim hầu so sánh với việc người giàu có vào Nước Trời: “Thầy bảo thật anh em, người giàu có khó vào Nước Trời. Thầy còn nói cho anh em biết: con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa” (Mt 19:23-24). Đây là một lối nói phóng đại để cho thính giả biết là điều đang nói đến là rất khó xảy ra và có thể nói là không thể xảy ra. Chính lối nói đó đã làm cho các môn đệ sửng sốt và hỏi Ngài: “Thế thì ai có thể được cứu?” (Mt 19:25). Các ông nhìn ơn cứu độ từ khía cạnh con người. Điều này cho thấy, ơn cứu độ không phải là điều con người có thể đạt được, nhưng là do Thiên Chúa mang đến. Điều này được Chúa Giêsu khẳng định khi nói: “Đối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được” (Mt 19:26). Những lời này ám chỉ rằng hy vọng để được ơn cứu độ của người giàu là do kế hoạch của Thiên Chúa [vị trí tối thượng của ân sủng Thiên Chúa]. Người giàu tuyệt đối sẽ không được cứu độ theo cách thức khác với những người khác. Nói cách khác, họ cũng được cứu độ theo cùng cách thức với người khác. Và cách thức cứu độ hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa, chứ không thuộc về con người.

Thánh Phêrô khẳng định các ông đã không như người thanh niên giàu có, vì các ông đã bỏ mọi sự để đi theo Ngài. Điều các ông muốn biết là các ông sẽ được cái gì: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?” (Mt 19:27). Từ bỏ của cải thế gian để được kho tàng ở trên trời, đó là điều Chúa Giêsu nói với người thanh niên; bây giờ Ngài cũng nói với các môn đệ điều đó. Điều các ông nhận được không ở trong cuộc sống này mà trong cuộc sống vĩnh cửu: “Thầy bảo thật anh em: anh em là những người đã theo Thầy, thì đến thời tái sinh, khi Con Người ngự toà vinh hiển, anh em cũng sẽ được ngự trên mười hai toà mà xét xử mười hai chi tộc Israel. Và phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp” (Mt 19:28-29). Trong những lời này, Chúa Giêsu trả lời Phêrô bằng hai giai đoạn: lời hứa đặc biệt cho nhóm Mười Hai [“Thầy bảo thật anh em: anh em là những người đã theo Thầy, thì đến thời tái sinh, khi Con Người ngự toà vinh hiển, anh em cũng sẽ được ngự trên mười hai toà mà xét xử mười hai chi tộc Israel” (Mt 19:28)] và lời hứa cho tất cả các môn đệ [“Và phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp” (Mt 19:29)]. Điều chúng ta lưu ý ở đây là lời hứa Chúa Giêsu cho nhóm Mười Hai. Qua lời hứa này, Chúa Giêsu hướng họ về tương lai trong Nước Thiên Chúa. Trong khi đó, lời hứa cho các môn đệ lại mang hai chiều kích: ở đời này và sự sống vĩnh cửu đời sau. Dù như thế nào, điều Chúa Giêsu ám chỉ ở đây là phần thưởng Ngài hứa cho những người “bỏ mọi sự” mà theo Ngài không chỉ mang chiều kích “thời gian,” nhưng quan trọng hơn là mang chiều kích “vĩnh cửu.” Tuy nhiên, nhiều người trong chúng ta bị cuốn hút vào chiều kích “tạm thời” của phần thưởng, để rồi không tìm thấy niềm vui trong việc “bỏ mọi sự để đi theo thầy” hầu có được “sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp.” Đừng để phần thưởng tạm thời ngăn cản chúng ta khỏi niềm vui đạt được sự sống vĩnh cửu.

Bài Tin Mừng kết với kiểu đảo ngược quen thuộc trong Nước Thiên Chúa: “Nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, và nhiều kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu” (Mt 19:30). Trật tự này cũng được chúng ta chứng kiến nhiều lần trong đời sống. Nhiều người giàu có trở nên nghèo, và nhiều người nghèo trở nên giàu có; nhiều người chức cao quyền trọng trở nên “vô danh tiểu tốt” và nhiều người “bị loại ra ngoài” trở nên quan trọng. Trong bối cảnh của bài Tin Mừng, những lời này mang lại cho chúng ta niềm hy vọng khi cuộc sống gặp nhiều khó khăn và thất bại. Dù chúng ta có “đứng chót” trong bảng xếp hạng theo tiêu chuẩn của người đời, nhưng trong bảng xếp hạng của Chúa cho sự sống đời đời, biết đâu chúng ta đang đứng hàng đầu. Điều quan trọng là hãy luôn sống niềm vui có Chúa, sống yêu thương và sống tha thứ.

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB