Chuyện ngắn: Đóa Hồng Bạch

ĐÓA HỒNG BẠCH

Về đêm…

Nhà nguyện yên tĩnh và im ắng một cách lạ thường. Tiếng mưa rơi ngoài hiên khẽ chạm tạo thành những tiếng tí tách như một bản nhạc du dương. Tôi đang yên lặng lắng nghe Mẹ Maria thầm thì với Con Mẹ về những điều Mẹ đã nghe khẩn nguyện trong ngày hôm nay. Bên kia, Thánh Giu-se cũng âu yếm nhìn ngắm và lắng nghe như cách trước nay người vẫn thinh lặng….

Cót…………… két……………..

Cửa nhà nguyện bỗng dưng hé mở. Bóng dáng một người phụ nữ nhỏ nhắn nhè nhẹ bước vào như sợ sẽ đánh thức ai….

Mẹ Maria dừng tỉ tê câu chuyện với Con Mẹ. Tôi cũng đảo mắt nhìn xuống nơi bóng dáng nhỏ nhắn ấy đang quỳ. Cả nhà nguyện chỉ có mỗi ánh sáng từ tôi hiu hắt. Bóng dáng ấy ngồi tận cuối nhà thờ, gục đầu khóc. Khẽ nheo mắt ra xa. Bóng dáng ấy… tôi chưa gặp bao giờ. Từ ngày được xuất hiện bên Người nơi nhà nguyện nhỏ cheo leo trên đỉnh núi này, tôi đã gặp qua rất nhiều người nhưng người phụ nữ này tôi chưa từng nhìn thấy. Ở cái đất “khỉ ho cò gáy”, heo hút đồi gió heo may này hình như cũng chẳng có ai biết nàng. Ngày hôm ấy bản làng Khe Sanh xuất hiện hai người phụ nữ mặc áo trắng cùng với một nhóm người từ dưới xuôi lên. Nàng nổi bật giữa nhóm người vì mái tóc trắng cùng với bộ đồ trắng tinh. Dân trong bản gọi nàng là “hoa hậu” của cái vùng núi chả ai muốn đặt chân đến này. Chẳng ai biết nàng từ đâu tới nhưng nàng đẹp- đẹp một cách lạ lường và nổi bật ở giữa cái bản làng nằm chơi vơi giữa những ngọn núi cao bạt ngàn. Thế nhưng chẳng ai biết thẳm sâu bên trong khuôn mặt xinh đẹp ấy là cả một câu chuyện dài….

Ngày ngày bên Người đôi khi tôi cũng được nghe những câu chuyện mà chắc chắn sẽ là bí mật “sống để dạ chết mang theo” của nhiều người. Có những câu chuyện chất chứa cả niềm vui, nỗi buồn, những điều khó nói và đôi khi là cả một câu chuyện bi ai của một kiếp làm người. Chả ai có thể đoán được một người đằng sau ánh mắt, cũng chẳng ai có thể nhìn tận thấu tâm can một người qua một nụ cười. Bởi thế cái nhà nguyện rách nát, nghèo nàn trên tít đỉnh núi cao này được coi như là chỗ chất chứa bao tâm sự của những kẻ cần trút bầu tâm sự.

Còn nàng…

Ngày đầu tiên đến đây nàng đã là một người nói ít nhất trong số những người đặt chân đến nhà nguyện. Tôi lại là một kẻ nhiều chuyện hơn cái vẻ bên ngoài trầm tĩnh mà mọi người vẫn hay tưởng tượng nên nhanh trí nháy mắt với chuỗi hạt nhìn có vẻ đã cũ mòn trên đôi tay nàng.

– Này đằng ấy, theo cô gái này lâu chưa?

– Sao vậy ngọn đèn nhỏ? Muốn hỏi gì hả?

– Kể ít chuyện về cô gái đặc biệt này đi.

Chuỗi hạt tự mình rơi vào khoảng không trầm tư như nghĩ về một điều gì xa xăm. Với cái giọng ấm áp, nó nhẹ nhàng kể tôi nghe câu chuyện về cuộc đời của một cô gái mang một vẻ ngoài thật đặc biệt.

– Nàng tên Linh. Mẹ nàng – một người được ví là “hoa nhài” khi từ bỏ những “cơ hội mười mươi” để theo ba nàng.  Một người phụ nữ gốc Huế chân chính, nhẹ nhàng, thanh lịch và đầy tinh tế quẳng lại đằng sau mọi thứ để chạy theo ba nàng là một kẻ có bề ngoài trí thức nhưng thích lang bạt phiêu du và chẳng có nghề nghiệp gì. Người ta thường có câu “đâu ai bình thường khi yêu”. Tạo hóa thật trớ trêu khi tạo nên thứ tình yêu mà bà ngoại nàng cho là hết sức điên rồ ấy. Khi cất bước theo ba nàng vào Sài Gòn, một mình mẹ nàng đã phải gánh vác cả cái gia đình nhỏ được coi là nơi chất chứa ngần ấy cái thời gian thanh xuân. Với tay nghề khéo léo và nét thanh lịch của bản chất con người xứ Huế, mẹ nàng gom góp hết tất cả vốn liếng mình tích góp được rồi làm cái phòng may nhỏ nơi cái phòng trọ bé tí tận cuối cùng của con ngõ ngày ấy. Từ những ngày đầu tiên, khách của mẹ chỉ có bà cô phòng trọ bên cạnh, một rồi hai người, dần dà cái tiệm nhỏ của mẹ cũng có thể chuyển ra ở một nơi khang trang hơn. Người ta đến với mẹ không những vì tài năng mà còn vì khả năng may vá đỉnh của mẹ. Ba nàng cũng chẳng còn nay đây mai đó nữa mà ở nhà phụ mẹ nàng trong những việc nhỏ nhặt. Sài Gòn hoa lệ từ đó trở thành chốn dung thân cho gia đình nàng…

Hai năm sau, mẹ nàng phát hiện mình có bầu. Một niềm vui tưởng chừng như vỡ òa nhưng lại là một khởi đầu cho chuỗi tấn bi kịch…

Khi gia đình khá giả và có điều kiện hơn một chút, ba nàng bắt đầu dấn thân vào cuộc sống của “kẻ nhà giàu”. Ba nàng bắt đầu tìm tòi và đầu tư vào chứng khoán. Gia đình càng ngày càng có của ăn của để, thế nhưng cái giá phải trả lại quá đắt cho một gia đình trẻ vốn dĩ đang yên ấm. Những đêm mẹ đau đến khóc ngất trên giường thì ba chỉ chăm chú vào cái điện thoại với những con số đang nhảy nhót. Ban ngày khi ba ngồi cà phê tám chuyện dạo với bạn bè thì mẹ nàng một thân một mình với cái bụng “to vượt mặt” lách qua hàng đống tá vải vóc chỉ để tìm cho được một tấm vải ưng ý cho khách hàng.

Thời gian dần dà cũng đến ngày mẹ nàng trở dạ…

– “Này Hùng. Sao con mày chẳng giống mày tí nào thế?”

– “Ờ ha. Sao nhìn chẳng giống mày thế nhỉ? Hay lại nuôi con cho thằng nào? Vợ mày xinh đẹp thế cơ mà!”

– “Có khi nó nói đúng đấy. Mấy nay mày hay đi đêm về sáng. Có mấy khi mày ở nhà đâu mà biết. Chắc vợ mày lại “tòm tèm” với thằng cha nào rồi.”

– “Sao mày đen mà nhìn con mày trắng thế nhỉ?”

Giây phút nghe những lời dèm pha ấy, ba nàng lặng thinh. Chẳng ai biết ba nàng đang nghĩ gì…

Có những lời nói ra tưởng chừng như là vô hại nhưng nó lại như một chất độc dần dà ngấm vào cơ thể khỏe mạnh khiến nó yếu đi. Những người nói lời dèm pha ấy chẳng bao giờ biết hệ lụy những lời mình nói ra là gì. Họ chẳng bao giờ phải đón nhận những điều mà họ nói. Nhưng những lời tưởng chừng vô hại ấy lại như một làn sóng dữ đập vào ngôi nhà nhỏ khiến nó dần dần rạn nứt…

Bốp!…… Một cái tát “nảy đom đóm” rơi lên mặt mẹ nàng. Cả đời bà chắc đó là lần đầu tiên nhận một cái tát. Khuôn mặt xinh đẹp đỏ ửng và in hằn dấu tay rõ mồn một.

– “Mày nói đi. Nó là con ai? Mày ngủ với thằng nào rồi?”

– “Có phải thằng cha hôm trước đến may vest đã tặng mày cây son?”

– “Hay thằng cha đẹp trai đến độ cô bán hàng kế bên mê mẩn?”

– “Mày nói coi. Mày đã cắm trên đầu tao cái sừng dài mấy mét rồi hả?”

– “Hay giờ mày cũng không biết nó là con của thằng nào?”

Những câu hỏi cứ dồn dập khiến mẹ nàng như chết lặng. Mẹ nàng không biết ba nàng nghi ngờ từ lúc nào để có thể thốt ra những lời đay nghiến đến như thế…

Giọt nước mắt cay đắng trào ra từ nơi khóe mắt mẹ nàng như thể nó đã chực sẵn chỉ chờ đến ngày được rơi xuống. Bao nhiêu nỗi tủi thân và uất ức suốt bấy lâu khiến những giọt nước mắt cứ thế chảy dài trên gò má đỏ ửng của mẹ nàng. Giây phút ấy, mẹ nàng không biết nói gì và cũng không muốn nói gì. Cũng phải thôi. Nói gì bây giờ? Nói hay giải thích bất cứ điều gì ngay giây phút ấy với ba nàng cũng đều là dư thừa…

Suốt những ngày tháng sau đó, ba nàng vẫn cứ đều đặn trút lên tấm thân yếu đuối của mẹ những trận đòn. Một tấm thân con gái vừa vượt qua, ngày đêm chăm sóc con nhỏ lại liên tục ăn những trận đòn khiến thân thể của mẹ nàng giờ đây như “thân cò xác xơ”. Những tháng ngày tăm tối ấy dù nhung nhớ hay vô tình quên lãng thì đều khiến người ta đau đớn như nhau. Mặc dù thế, mỗi lần ra ngoài mẹ đều biểu hiện rằng mình đang hạnh phúc dù cho khổ đau ngập tràn. Những năm sau đó, ba nàng cũng dần nguôi ngoai đi cái chuyện nàng chẳng giống ba nàng. Nói đúng hơn là ba nàng chẳng còn muốn quan tâm.

Một đêm tĩnh lặng…

Lúc ấy nàng chỉ mới là một đứa trẻ 7 tuổi. Nàng ghét ba vì ba đánh mẹ. Nàng ghét ba vì thấy ba chẳng thương nàng như ba của những đứa trẻ khác. Ba cũng chẳng bao giờ đưa đón nàng đi học, chẳng bao giờ mua cho nàng cây “cà-rem” như tụi bạn trong lớp, cũng chẳng bao giờ ba cõng nàng trên vai đi xem pháo hoa như mấy đứa trẻ hàng xóm. Thế nhưng sự hiện diện của ba trong căn nhà nhỏ đã trở thành một nếp sống quen thuộc đến nỗi đứa trẻ nhỏ năm ấy mỗi lần nghĩ lại vẫn cảm thấy rùng mình.

Thế nhưng…

Đêm tối năm ấy ba bỏ nhà ra đi chỉ để lại một mẩu thư nhỏ với những dòng chữ nguệch ngoạc như thể viết vội sợ bị ai nhìn thấy.

“Tôi đi. Để mọi thứ lại cho cô và đứa trẻ đó. Tôi chẳng muốn biết nó là con ai nữa nhưng dù sao thì cũng gắng nuôi dạy nó nên người. Những năm tháng qua tôi thật sự xin lỗi cô…”

Mẹ nàng ngồi phịch xuống sàn với gương mặt trắng bệch. Trước giờ chắc mẹ nàng chẳng dám nghĩ mình sẽ phải đối diện với tình cảnh như thế này. Mẹ nàng chắc cũng chẳng ngờ hạnh phúc mà mẹ dùng tất cả để đánh đổi lại mong manh đến vậy. Bởi thế đời đâu ai hay chữ ngờ.

– Này đằng ấy. Thế rốt cuộc là có chuyện gì? Ông ta bỏ đi hay…?

– Ơ kìa. Nhiều chuyện. Từ từ để người ta kể cho nghe chứ. Thở cái đã nào…

– Nhanh nhanh lên coi. Đang đến đoạn quan trọng tự dưng dừng là sao?

– Được rồi. Kể bây giờ đây.

– Ba nàng bỏ đi biệt xứ chẳng ai biết vì lý do gì, cũng chẳng ai biết ba nàng ở đâu, còn sống hay đã chết. Chỉ biết rằng ba nàng để lại cho nàng và mẹ một tài sản kếch xù rồi biệt tăm……..

Sài Gòn năm ấy mưa tầm tã. Những hạt mưa như len lỏi vào từng ngóc ngách của những con phố nhỏ, khẽ chạm vào da thịt của những mảnh đời trần trụi không chốn dung thân. Mưa cũng nhẹ nhàng lướt trên mái tóc của những con người vội vã đến độ không kịp tìm cho mình một chỗ trú. Mưa bóc trần những trần trụi nhất của đời người.

Cũng vào mùa mưa năm ấy…

Lần đầu tiên nàng cảm thấy trái tim rung lên nhịp yêu thương, cũng là lần đầu tiên nàng cảm nhận trọn vẹn cảm xúc của một đời làm người.

Tháng 11 năm ấy, mẹ nàng ngỏ ý muốn quay về Huế, về thăm lại vùng đất mà mẹ nàng đã bỏ mọi thứ mà theo ba nàng. Chuyến đi ấy kéo theo cả những bất ngờ đến vô tận…

Nàng và mẹ về lại ngôi nhà cũ của bà ngoại và cậu. Ngôi nhà nằm ở cuối con ngõ nhỏ với cánh cổng sắt to và sẫm màu thời gian.

“- Mạ ơi!”

Mẹ nàng gọi với giọng yếu ớt và nấc nghẹn. Tiếng gọi như vỡ òa của những kìm nén bao năm nay. Nơi khung cửa sổ màu trắng đã úa màu thời gian, ngoại nằm trên chiếc chõng tre ngày xưa đã sờn cũ vì nắng gió, ngoại vội ngoái đầu nhìn ra hệt như đã chờ tiếng gọi này lâu, lâu lắm rồi.  Mẹ nàng gục đầu bên chân ngoại mà khóc nức nở như một đứa trẻ. Những giọt nước mắt cũng rơi dài trên gò má đầy nếp nhăn của ngoại.

Ngày hôm ấy…

Nàng được chứng kiến những cung bậc cảm xúc khác nhau. Niềm vui vỡ òa của ngoại, nỗi ân hận đến tột cùng của mẹ, giọt nước mắt vui mừng của cậu và một điều hết sức đặc biệt…

Ngoài trời mưa tầm tã, mưa xối xả, mưa như mang hết bao nỗi tâm tư của con người ném xuống. Hôm ấy, những giọt nước mắt cũng hòa theo nước mưa mặn chát. Mẹ nàng ôm bà ngoại mà khóc, khóc cho hết những tủi thân, uất ức và dồn nén bao năm qua. Trở về với ngoại, mẹ nàng như đứa trẻ con ngồi tỉ tê câu chuyện cứ dài mãi không hết. Còn ngoại nàng cứ im lặng, hết nhìn mẹ đến nhìn nàng, nhìn âu yếm.

Đến chiều, hàng xóm xung quanh tập trung qua nhà ngoại của nàng vì nghe tin mẹ nàng đã quay về. Đang lúc mọi người xúm xít hỏi thăm thì một người phụ nữ với bộ áo dài xám cùng tấm bánh trắng nhỏ bé mà người ấy mang theo khi đến thăm ngoại đã khiến nàng ngạc nhiên quá đỗi. Lúc người phụ nữ ấy đến, hết thảy mọi người đều tôn trọng và cúi chào. Ai ai cũng niềm nở chào đón người phụ nữ ấy. Nàng khó hiểu và tự lẩm bẩm:

– “Chỉ một người phụ nữ nhỏ bé thôi chứ có phải là ai nổi tiếng hay cao siêu gì đâu mà làm quá lên thế? Mà người phụ nữ ấy mang theo vật gì kia?”

Vô vàn câu hỏi quẩn quanh trong đầu nàng về người phụ nữ kì lạ kia. Sau đó, người phụ nữ kia đọc một câu gì kì lạ lắm. Mọi người xung quanh đều rất cung kính cúi đầu. Người phụ nữ kì lạ đã trao cho ngoại tấm bánh nhỏ bé ấy. Khuôn mặt hạnh phúc của ngoại khi được đón nhận tấm bánh nhỏ bé ấy còn hạnh phúc gấp bội lần sự vỡ òa khi nghe tiếng gọi của mẹ nàng. Nàng rơi vào trầm tư và suy nghĩ mông lung về tấm bánh nhỏ bé. Điều gì đã khiến nó trở nên kì diệu đến vậy? Trí tò mò bắt đầu thôi thúc nàng tìm hiểu về tấm bánh trắng bé nhỏ. Nàng ngỏ lời với cậu và những ngày sau đó nàng theo chân cậu đến nhà thờ. Một lần nữa sự ngạc nhiên đến tột độ bao trùm lấy con người, khuôn mặt và nhận thức của nàng. Một tấm bánh nhỏ bé, chỉ một tấm bánh bé nhỏ thôi lại chất chứ những điều nghịch lý thật lớn lao. Tấm bánh nhỏ bé ấy được kết tinh từ muôn hạt lúa mì chịu nghiền nát, nghiền nát đến vụn vỡ để rồi lại liên kết với nhau và rồi lại lần nữa chịu bẻ ra đến không còn hình dáng để san sẻ niềm hạnh phúc đến cho nhiều người. Nàng còn nghe nói trong tấm bánh nhỏ xíu ấy có một Đấng cao siêu trên hết mọi sự đang hiện diện. Hôm ấy nàng ở lại trong nhà thờ lâu thật lâu. Chút ánh sáng từ ngọn nến nhỏ hiu hắt trên bàn thờ khiến nàng cảm thấy được nỗi cô đơn đến cùng tận. Như tấm bánh bé nhỏ kia, gia đình của nàng cũng được kết tinh từ những tình yêu thật đẹp, rồi lại vỡ vụn đến không còn hình hài. Nàng bật khóc….

Đôi khi có những điều tưởng chừng như thật bình dị lại làm nên những điều lớn lao, những thứ tưởng chừng như thật nhỏ bé lại mang đến những niềm an ủi vô bờ. Nàng tìm thấy được sự bình yên đến từ những giờ theo cậu lên nhà thờ. Nàng cũng học được cách để yêu thương và tha thứ. Trên tất cả, nàng tìm thấy Người có thể cho nàng cảm nếm được hạnh phúc, là bến đỗ mà nàng muốn thuộc về.

Bằng tất cả tình yêu và sự cảm mến, nàng xin gia nhập đạo và đặc biệt hơn nữa nàng đã trở thành nữ tu…

– Câu chuyện là vậy đấy.

– À. Vậy ra nàng là nữ tu hả?

– Ừ. Đúng rồi đó.

– Kiểu “Khi con đã gặp Ngài, con như rơi vào đại dương mênh mông, con như chìm ngập vào trong thinh không” nhỉ đằng ấy.

–  À. Thế hôm nay nàng có chuyện gì mà vào đây lúc nửa đêm vậy đằng ấy?

– Hừm. Đúng là nhiều chuyện. Nay nàng đến đây để tạ ơn Người vì ân phúc Người ban cho gia đình nàng. Ba nàng đã quay về và giờ ba nàng đã xin Rửa Tội còn mẹ nàng đã quay lại nhà thờ vì những lời cầu nguyện và hành động chứng tá của nàng.

– Ồ. Người nữ tu bạch tạng này cũng đặc biệt thật đấy nhỉ.

– Đủ rồi nha hai con!

Một thanh âm ấm áp và trong trẻo nhẹ nhàng vang lên. Người nhắc khéo chúng tôi đây mà!

Tôi tạm dừng câu chuyện với chuỗi hạt nhỏ. Ở cuối nhà nguyện đôi mắt ấy ướt đẫm những giọt lệ nhưng là giọt lệ hạnh phúc của một kẻ mưu cầu hạnh phúc. Màn đêm hôm nay xen chút vui, buồn, hờn, tủi nhưng rồi nhẹ nhàng và lặng lẽ trở lại vẻ tĩnh lặng như trước đó đã từng. Cả những đóa hồng bạch kế bên hiên nhà nguyện cũng nhẹ nhàng tỏa hương thơm diệu kì….

Quỳnh Mar

Thanh tuyển Mến Thánh Giá Huế