(1 Ga 5:14-21; Ga 3:22-30)
Bài đọc 1 hôm nay gồm hai phần: phần đầu (1Ga 5: 14-17) là lời cầu nguyện cho những tội nhân và phần thứ hai là “bản tóm tắt” của toàn bộ lá thư của Thánh Gioan (1Ga 5:18-21). Phần một, lời nhắc nhở cầu nguyện cho những người tội lỗi có lẽ là điều gần gũi với mỗi người chúng ta nhất, vì tất cả chúng ta đều là tội nhân. Thánh Gioan bắt đầu phần này với việc khuyến khích chúng ta rằng: Chúng ta hãy mạnh dạn vì Thiên Chúa luôn “nhậm lời chúng ta, khi chúng ta xin điều gì hợp ý Người” (1Ga 5:14). Tiếp đến, Thánh Gioan chỉ ra thái độ chúng ta cần phải có khi biết một anh em mình phạm tội: không lên án, không xét đoán, nhưng cầu nguyện cho họ: “Nếu ai biết anh em mình phạm thứ tội không đưa đến cái chết, thì hãy cầu xin, và Thiên Chúa sẽ ban sự sống cho người anh em ấy; đó là nói về những ai phạm thứ tội không đưa đến cái chết. Có một thứ tội đưa đến cái chết, tôi không bảo phải cầu xin cho những người phạm thứ tội ấy” (1Ga 5:16). Điều này trái ngược với kinh nghiệm thường ngày của chúng ta. Khi biết một ai đó phạm tội, chúng ta thường lên án và có cái nhìn không thiện cảm về họ. Thật vậy, chẳng có mấy khi chúng ta cầu nguyện cho những người phạm tội. Có chăng chúng ta cũng chỉ cầu nguyện cách chung chung cho các tội nhân, chứ ít khi cho một người mà chúng ta “biết” được tội của họ. Tuy nhiên, điều chúng ta thắc mắc ở đây là Thánh Gioan phân ra hai loại tội: Tội không đưa đến sự chết và tội đưa đến sự chết. Chúng ta chỉ cầu xin cho những người phạm thứ tội không đưa đến sự chết. Những tội này là gì? Chúng ta chỉ trả lời câu hỏi này khi đặt nó trong bối cảnh của cộng đoàn của Thánh Gioan. Theo Thánh Gioan, “Mọi điều bất chính đều là tội, nhưng có một thứ tội không đưa đến cái chết” (1Ga 5:17). Theo các học giả Kinh Thánh, hiểu theo tư tưởng của Thánh Gioan thì tội dẫn đến cái chết là tội “tách mình ra khỏi cộng đoàn những người tin,” nói cách khác là “tách mình ra khỏi Chúa Giêsu, không còn tin Ngài là Đấng ban sự sống. Còn những tội khác là những tội không dẫn đến cái chết.
Trong phần hai, vì là bản “tóm tắt” của lá thư, chúng ta thấy Thánh Gioan trình bày về mối tương quan giữa việc được sinh ra bởi Thiên Chúa và phạm tội: “Chúng ta biết rằng phàm ai đã được Thiên Chúa sinh ra, người đó không phạm tội; nhưng có Đấng Thiên Chúa đã sinh ra giữ gìn người ấy, và Ác thần không đụng đến người ấy được” (1Ga 5:18); vấn đề của những người thuộc về Thiên Chúa và thuộc về thế gian: “Chúng ta biết rằng chúng ta thuộc về Thiên Chúa, còn tất cả thế gian đều nằm dưới ách thống trị của Ác thần” (1Ga 5:19); vai trò của Chúa Giêsu trong việc làm cho chúng ta biết tình yêu của Chúa Cha qua việc nhập thể của Ngài: “Chúng ta biết rằng Con Thiên Chúa đã đến và ban cho chúng ta trí khôn để biết Thiên Chúa thật. Chúng ta ở trong Thiên Chúa thật, ở trong Con của Người là Đức Giêsu Kitô” (1Ga 5:20). Ngài kết thúc với câu khuyến dụ thật chân thành: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, hãy tránh xa các tà thần!” (1Ga 5:21). Theo Thánh Gioan, qua Chúa Giêsu, chúng ta đã biết Thiên Chúa thật: Ngài là tình yêu. Cho nên chúng ta phải tránh xa lối sống ghen ghét, hận thù, không yêu thương; tránh xa lối sống của những người không thuộc về Thiên Chúa!
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta việc Thánh Gioan Tẩy Giả làm chứng về Chúa Giêsu. Có hai lời bình luận được thánh sử đưa vào trong đoạn trích, đó là câu 24 [“Lúc ấy, ông Gioan chưa bị tống giam”] và câu 28 [“Chính anh em làm chứng cho thầy là thầy đã nói: ‘Tôi đây không phải là Đấng Kitô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Người’”]. Hai lời bình luận này nhắc người đọc về cuộc sống và lời chứng trước đó của Thánh Gioan Tẩy Giả (x. Ga 1:20). Như chúng ta biết, việc Thánh Gioan Tẩy Giả bị tống ngục không được trình bày cách chi tiết trong Tin Mừng Thánh Gioan. Sự hiện diện của Thánh Gioan Tẩy Giả chủ yếu để làm chứng về Đức Kitô là Chiên Thiên Chúa. Mỗi người chúng ta cũng là những chứng nhân của Chúa Giêsu. Chúng ta được sai đi trước Ngài mỗi ngày để chuẩn bị anh chị em chúng ta đón nhận Ngài. Để được như thế, đời sống của chúng ta phải luôn xứng đáng với Chiên Thiên Chúa, đó là một đời sống sống trong sự thật và tình yêu.
Chi tiết đầu tiên Thánh Gioan trình bày cho chúng ta là việc cả Chúa Giêsu và Thánh Gioan Tẩy Giả làm phép rửa, nhưng ở những nơi khác nhau: “Khi ấy, Đức Giêsu và các môn đệ đi tới miền Giuđê. Người ở lại nơi ấy với các ông và làm phép rửa. Còn ông Gioan, ông cũng đang làm phép rửa tại Ênôn, gần Salim, vì ở đấy có nhiều nước, và người ta thường đến chịu phép rửa” (Ga 3:22-23). Chính điều này là nguyên nhân gây nên cuộc tranh luận giữa môn đệ ông Gioan và một người Do Thái. Theo các học giả Kinh Thánh, lời giới thiệu này không xác thật và có thể là một phần nhỏ trong một truyền thống về tính địa lý liên quan đến lộ trình rao giảng của Chúa Giêsu, mặc dù tên của các địa danh không rõ ràng lắm. Trong Ga 4:2, chúng ta sẽ tìm được phần sửa sai về việc Chúa Giêsu làm phép rửa.
Điều đáng để chúng ta suy gẫm là thái độ của Thánh Gioan Tẩy Giả liên quan đến việc Chúa Giêsu làm phép rửa. Câu hỏi được đặt cho Gioan là: “Thưa thầy, người trước đây đã ở với thầy bên kia sông Giođan và được thầy làm chứng cho, bây giờ ông ấy cũng đang làm phép rửa, và thiên hạ đều đến với ông” (Ga 3:26). Thay vì cảm thấy khó chịu hoặc ghen tỵ vì người mình làm phép rửa cho bây giờ ‘cạnh tranh’ với mình, Gioan bình thản làm chứng rằng: “Chẳng ai có thể nhận được gì mà không do Trời ban” (Ga 3:27). Không những thế Gioan còn ví mình như người bạn của chú rể: “Ai cưới cô dâu, người ấy là chú rể. Còn người bạn của chú rể đứng đó nghe chàng, thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng. Đó là niềm vui của thầy, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn. Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi” (Ga 3:29-30). Trong những lời này, chúng ta thấy sự khiêm nhường của Thánh Gioan Tẩy Giả. Ngài chân nhận rằng niềm vui của ngài chỉ là sự chia sẻ trong niềm vui của Chúa Giêsu [là chàng rể]. Ngài chỉ là người đứng sau, là người chuẩn bị chứ không phải là nhân vật chính. Chúng ta cần bắt chước thái độ của Thánh Gioan Tẩy Giả, sống đời sống khiêm nhường, không chạy theo danh vọng cũng như tiếng tăm ở đời. Chỉ cần niềm vui trong Chúa đã đủ làm chúng ta thoả mãn. Mỗi ngày chúng ta phải làm cho Chúa Giêsu lớn lên trong cuộc đời của mình, để rồi qua chúng ta, Ngài lớn lên trong nơi chúng ta làm việc và trong thế giới này.
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB